Sản xuất rau quả an toàn:Hướng đi tất yếu của kinh tế thị trường |
- KS Lê Hiếu Hửu - |
( Tiếp theo P2)
Hiện trạng sản xuất RQAT:
- Vài năm gần đây ( khoảng từ 2010) do yêu cầu xuất khẩu cũng như đòi hỏi ngày càng cao cuả thị trường trong nước nên một số nông dân , trang trại, doanh nghiệp bắt đầu sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn Global G.A.P ( Theo thực hành nông nghiệp tốt và truy xuất được nguồn gốc), tuy vậy do chi phí đăng ký, đầu tư cơ sở vật chất, cấp giấy kiểm định hàng năm nên (trung bình vài chục triệu/ha) nên chỉ có các trang trại, Cty trồng các sản phẩm rau quả có giá trị xuất khẩu hay kinh tế cao (như thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm…), có yêu cầu của khách hàng nhập khẩu mới cần có chứng nhận (chỉ giá trị 1 năm) cho các thị trường khó tính như EU, Nhật, Mỹ.
- Nhà nước cũng thấy vấn đề phải có những tiêu chuẩn để đảm bảo rau quả có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm không gây hại cho người sử dụng nên đã xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho Viet GAP và từng bước được hưởng ứng trong sản xuất RQAT để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tuy vậy mức độ phổ biến vẫn còn nhỏ do tính hợp tác, kỹ luật trong sản xuất chưa cao, do số lượng cung cầu chưa khớp, phương thức thanh toán không nhanh chóng, có tình trạng độn (xen) hàng không đạt tiêu chuẩn vào RQAT khiến mất uy tín.
- Công tác quy hoạch vùng sản xuất, định hướng nhu cầu còn yếu, nông dân thiếu hướng dẫn kỹ thuật, đầu tư tín dụng, đầu ra chưa ổn định. Nếu áp dụng sản xuất an toàn thì năng suất không cao, trong lúc chi phí đầu vào (phân bón, thuốc ) cũng cao hơn nên giá thành khó cạnh tranh với sản phẩm bán chợ .
- Xử phạt các người sản xuất, kinh doanh rau quả bẩn chưa kịp thời và nghiêm minh nên không có tác dụng răn đe.
- Các điển hình thành công trong sản xuất, chế biến RQAT thường là quá trình chuẩn bị, làm ăn lâu dài, có kết hợp giữa tổ nhóm nông dân và doanh nghiệp qua hợp đồng kinh tế, hướng dẫn và kiểm tra chặt chẻ như Cty Chế biến Nông sản Xuất khẩu An Giang (Antesco) trong cung cấp đậu nành rau, bắp non, đậu bắp…cho thị trường khó tính của Nhật; Dalat Organik cung cấp rau sạch cho thị trường trong và ngoài nước hay ngay trên đất của doanh nghiệp như thanh long Hoàng Hậu xuất sang EU.
Vì sức khỏe của người dân Việt cũng như nhu cầu xuất khẩu rau quả phong phú với giá trị ngày càng cao ( trong năm 2015, hàng rau quả xuất khẩu tăng ngoạn mục đạt 1,85 tỷ USD tăng 23,4% về giá trị so năm 2014) cũng như từng bước thâm nhập các thị trường khó tính ; nay mạnh dạn đưa các đề xuất ban đầu :
- Sản xuất RQAT cần phải được xem là quốc sách quan trọng trong phát triển nông nghiệp đi vào chất lượng cao và bền vững, có đầu tư về con người làm ra chính sách, văn bản pháp quy, thượng phạt nghiêm và đúng mức nghiên cứu, triển khai các tiêu chuẩn kỹ thuật để có RQAT ngày càng phù hợp và khả thi trên diện rộng.
- Không thể để tình trạng 3 bộ Nông nghiệp, Y Tế và Công thương cùng chịu trách nhiệm thanh tra, xử phạt về an toàn thực phẩm mà nên gom về 1 tổ chức chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra và xử phạt các rau quả không đạt chuẩn ngay từ khâu sản xuất, chế biến và lưu thông trên thị trường nhu mô hình cùa FDA (Food & Drug Administration) của Hoa Kỳ hay các tổ chức tương tự cuả Úc, EU.
- Khuyến khích các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp sản xuất RQAT từ ấp, xã hay huyện. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi , tập huấn kỹ thuật, quản lý, kinh doanh . Mỗi tỉnh sẽ chọn 1-3 địa bàn làm mẫu cho một số rau quả chủ lực, mỗi năm nhân ra theo tinh thần tự giác và đến thời điểm thích hợp chí sản xuất RQAT có nguồn gốc rõ ràng mới bán được nhiều trên thị trường.
- Mô hình Cánh đồng mẫu trên lúa (như của Tập đoàn Lộc Trời) ban đầu triển khai cũng nhiều vấp váp nhưng nay đã ít nhiều có tác dụng tốt, được doanh nghiệp đầu tư và nông dân tin tưởng, cần khuyến khích và ưu đãi ( ví dụ tín dụng, tập huấn, hỗ trợ kinh phí làm Viet GAP) xây dựng nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ RQAT.
- Có chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu vùng, sản phẩm RQAT.
- Có kinh phí in ấn tài liệu hướng dẫn sản xuất RQAT, tập huấn cho nông dân tại thực địa hay qua các chương trình truyền hình như đã làm khá thành công với IPM trên lúa, rau các năm trước. Các mô hình dùng kỹ thuật tiên tiến như trồng rau trong nhà lưới, nhà kính trồng dày, tạo tán thấp để bao trái với trái cây như xoài, bưởi, ổi, mít…
- Có thông tin về các nông dược được phép sử dụng, hạn chế và cấm trong sản xuất RQAT qua tài liệu in ấn, trang mạng.
- Có thông tin về tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh, độc tố…để có định hướng đúng trong khuyến cáo sản xuất.
- Có kiểm tra, xử phạt thích đáng những vi phạm về sản xuất RQAT, có tính phòng ngừa và răn đe ; những trường hợp cố tình có mức phạt nặng về tiền và ngay cả quy về tội hình sự vì gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
- Tiến tới phải có lộ trình trước hết truy xuất được nguồn gốc sản xuất, chế biến RQAT ( nơi tên nông hộ, địa chỉ như các siêu thị, chuổi cửa hàng đã làm được) sau này tất cà nông sản mua bán đều phải có nguồn gốc, các sản phẩm có thương hiệu do người tiêu dùng tín nhiệm sẽ bán được giá cao hơn trong lúc các sản phẩm không có nguồn gốc sẽ bị quay lưng. Nông dân thấy nhu cầu phải liên kết trong tập thể và kết hợp doanh nghiệp trong tiêu thụ, nếu đứng riêng sẽ khó bán hay bán với giá thấp.
Sản xuất RQAT còn vô số vấn đề cần giải quyết nhưng nếu đã xác định đây là tất yếu trong quá trình bảo vệ sức khỏe nòi giống Việt cũng như hội nhập quốc tế để xây dựng uy tín RQAT Việt Nam trên thị trường quốc tế thì rất có quyết sách mạnh mẽ từ nhà nước trong chiến lược, đầu tư, , thanh tra giám sát, xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản pháp quy cũng như tham gia tích cực cuả nhà nông, doanh nhân, doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn, truyền thông để cùng nhau đưa diện tích đạt tiêu chuẩn sản xuất RQAT ngày càng nhiều với chất lượng tốt đem lại niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Kỹ sư Lê Hiếu Hữu. (NLS/ Huế)
Chuyên viên Marketing.