"Vũ khí nước"
Mong Phước Minh
Hồi nhỏ bọn trẻ chúng tôi rất khoái “mùa nước ngập” vào khoảng tháng 7 hàng năm, vì sẽ được dịp lội nước, bơi xuồng, bắt cá lia thia...và nhứt là mới vừa tựu trường thì lại được nghĩ tiếp vì “nước ngập”! Ha ha, bởi: “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” mà!
Ôi 3 tháng hè dài lê thê cũng không đủ “nghĩ cho đã” với bọn học trò ngày xưa! Chả bù bây giờ trẻ con “học nữa, học mãi, học chết bỏ” đến...bỏ mẹ luôn cả một mùa hè đẹp hơn mơ của những ngày thơ dại!
Tội nghiệp hơn nữa, chúng cũng không có dịp “nghĩ nước” vì chẳng còn thấy chút “nước ngập” nào, dù đã bước sang tháng 9 và sắp đến Tết Trung Thu!
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Đại học Cần thơ, dự báo về một khả năng thiếu nước vào mùa khô tới(2020), dựa trên các số liệu đáng lo ngại được ghi nhận trên các trạm quan trắc là “thấp nhất trong 10 năm qua”!
Ngoài yếu tố khách quan do biến đổi khí hậu, còn có tác động “tích nước một cách tiêu cực” bởi các đập thủy điện khổng lồ trên thượng nguồn sông Mekong!
Tổ chức Mekong Freedom Network của Thái Lan nhận định: 8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc đã chặn 40 tỷ mét khối nước, là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục như hiện tại!
Theo Bà Pianporn Deetes - giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan (International Rivers) : "Hôm nay chỉ mới có 2 đập thủy điện giữ nước mà chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế hoạch..."
Theo Richard Cronin, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn tại Mỹ: sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về kinh tế và quân sự đã gây tác động đến tình hình khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, không lĩnh vực nào trong sự trỗi dậy của Trung Quốc lại rõ rệt và gây ra nhiều quan ngại như cơn khát năng lượng của nước này, buộc Bắc Kinh phải khai thác triệt để thượng nguồn sông Mekong cho mục đích thủy điện.
Tại hội thảo về tác động của thủy điện trên dòng chính sông Mekong do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức trong hai ngày 23 và 24/9/2014 tại An Giang. các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ vở đập dây chuyền, nếu 1 đập thượng nguồn bị vở!
Nhưng, nếu vở đập có thể là 1 tai nạn thì việc chủ động xả đập không thông báo trước của nhiều đập khổng lồ trên thượng nguồn, Trung Quốc coi như sử dụng một loại "vũ khí nước"khủng khiếp tạo nên lũ quét trên diện rộng tràn ngập các lãnh thổ hạ nguồn! Đó là cảnh báo được đăng trên trang The Interpreter của Viện Lowy do chuyên gia Elliot Brennan chấp bút. Ông Brennan là nhà nghiên cứu độc lập từng cộng tác với Viện An ninh và chính sách phát triển (Thụy Điển), trang phân tích quốc phòng IHS Jane, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ)…
Trang tin viết thêm:
“...có thể nói công cuộc bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông đã gần xong. Bắc Kinh giờ đây có thể kiểm soát một trong những tuyến vận tải huyết mạch của thế giới, biến luật pháp quốc tế thành trò đùa.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, đích nhắm sắp tới của Bắc Kinh sẽ là một động mạch quan trọng khác chạy xuyên lục địa Đông Nam Á: Sông Mekong.
Kiểm soát dòng chảy Mekong bằng hệ thống đập dày đặc đồng nghĩa với kiểm soát khả năng tiếp cận nguồn lương thực — sinh kế của hàng chục triệu người thuộc các cộng đồng sống ven sông.”
Số phận của vùng hạ lưu sông Mekong, gồm cuộc đời của những nông dân Lào, Campuchia và Việt Nam đã là chủ đề thế giới quan tâm nhiều năm qua. Ủy hội sông Mekong (MRC) thành lập năm 1957, với slogan súc tích: "Cho sự phát triển bền vững". Nhưng nửa thế kỷ qua, Ủy hội vẫn chỉ có Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam là thành viên,với sự hỗ trợ về chuyên môn và tài chính từ quốc tế nhằm quản lý các nguồn lợi của con sông thông qua các nghị định thư và công ước quốc tế điều chỉnh các tuyến đường sông chính trên toàn cầu. Trung Quốc là đối tác đối thoại của MRC nhưng Trung Quốc đã chủ tâm gạt MRC ra bên lề. Đối với họ, sáng kiến Hợp tác Lan Thương-Mekong( LMC) do Trung Quốc dẫn dắt mới là khuôn khổ quản lý sông Mekong hợp lý và được ưu tiên.
Các hoạt động của Trung Quốc như xây đập, chặn dòng trên sông Mekong cũng giống như việc bồi lấp và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đều cùng 1 thủ đoạn của kẻ ỷ mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế, của kẻ độc ác vượt ngoài bản chất nhân văn trong xã hội tiên tiến của loài người hiện nay!
Họ đã lì lợm xây dựng trước, nói chuyện sau, đặt mọi “sự đã rồi” lên bàn đàm phán rồi lớn giọng áp đặt!
Ngoài Biển Đông, cưỡng chiếm lãnh hải rồi đòi ăn chia nguồn lợi!
Trong đất liền, chặn giòng Mekong rồi giả nhân ban phát “lộc nước” cho dân nghèo hạ nguồn để giành lợi thế kinh tế, chính trị!
Cả 2 đều là những thủ đoạn nhằm khống chế các quốc gia nhỏ yếu trong khu vực qui phục để khai thác tài nguyên, nguồn lợi về cho Trung Quốc!
Tuy nhiên, mọi thứ giờ đây dường như không còn nằm trong tầm kiểm soát, khi trung Quốc ngày càng lộ ra là một đế quốc tham lam và tàn độc! Chưa bao giờ “tai tiếng bất hảo” của Trung Hoa lại vang danh khắp năm châu như bây giờ!
Cho nên:
“Quyền lực từ các con đập của Trung Quốc có thể đập lại lưng Trung Quốc khi các nước nhỏ đoàn kết lại để chống lại điều đó.”
Đó là nhận định của Ông Thitinan Pongsudhirak dạy môn Kinh tế Chính trị Quốc tế và là giám đốc Viện An tinh và Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, Bangkok.
Nhưng vấn đề “đoàn kết” của các nước liệu có thoát khỏi sự xảo quyệt của nhà cầm quyền Trung Quốc?!!!!
Tôi đã lại “dông dài” về 1 vấn đề tưởng chừng như không ăn nhập gì tới chuyện “đi Las Vegas đánh bài”, điều đó sẽ làm các bạn không khỏi thắc mắc!
Ấy cũng chỉ vì trên xa lộ I-15, cách Las Vegas chừng 40 dặm về phía Tây Nam, thuộc bang California, khoảng giữa đèo Mountain Pass và thị trấn Primm, có 1 địa điểm, hầu như ai đi ngang qua đây mà không ngủ gục, thì chắc chắn sẽ thấy. Đó là 3 trụ tháp cao phát sáng chói chang giữa vùng hoang mạc nắng cháy! Thông thường ánh sáng mới “chói lòa” trong đêm, nhưng ở đây, chính cái sáng chang chang giữa ban ngày trong sa mạc, lại làm tăng độ chói của ánh sáng phát ra từ đỉnh 3 ngọn tháp! Đó là nhà máy điện mặt trời Ivanpah, 1 trong 2 nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời lớn nhất nước Mỹ và thế giới, cái kia là nhà máy điện Topaz(Công ty MidAmerican Renewable).
Như đã nói hoang mạc Mojave có vũ lượng rất thấp, chỉ chưa tới 250mm/năm, nên số ngày nắng trong năm là rất nhiều, thật thích hợp để thiết lập các nhà máy điện như thế.
|