Lịch đã lên từ lâu, trước khi tại Việt Nam xảy ra vụ Formosa Hà Tĩnh đã khiến cho chúng tôi phân vân vô cùng, lưỡng lự không biết có nên đến tham quan đảo quốc Đài Loan trong thời điểm nhạy cảm này không. Bởi Đài Loan, nghĩa là Formosa. Cái tên Formosa là từ khá cổ ( từ xa xưa, trong ngôn ngữ phương tây, Ilha Formosa có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”). Cuối cùng, vì ….tiếc của( tiền), tất cả chuyện ăn ở, đi đứng, vé tham quan….đã được mua online cả rồi, và tiếc công( tìm kiếm tài liệu đọc trước về kiến thức lịch sử, địa lý, những danh lam thắng cảnh ở đây; hay ôn lại tiếng Hoa cho nhuần nhuyễn để …sống sót nơi xứ người, ấy là chưa kể những háo hức đếm từng ngày được leo lên máy bay, nên…. không đi là không được rồi. Đành chỉ biết dặn nhau: nhớ …im như thóc, đừng lên facebook khoe bạn bè mình đi chơi chỗ này chỗ nọ, ăn món nọ món kia… dễ bị ném đá bự chảng thẳng tay lắm à. Vả lại, chỉ đi có năm ngày, nếu có bị ném đá về tội …phản quốc thì cũng xin ..ném nhẹ nhẹ, vì sau năm ngày ấy, ta lại trở về quê hương, lại vẫn là người Việt Nam yêu nước như thường lệ cơ mà. Củng cố thêm tinh thần là mình chỉ sightseeing( tham quan) như đã tick( đánh dấu)trong tờ khai hải quan chứ mình có làm tình báo hay gián điệp, có làm điều gì hại dân hại nước đâu vì mình muôn đời chỉ là phó thường dân cắc ké. Vậy là quyết định lên đường mây (máy bay).
Taiwan( Đài Loan) là một trong bốn con rồng Châu Á, cùng với Singapore, Hàn Quốc và Hongkong, cách Việt Nam ba giờ bay thẳng. Đó là một hòn đảo nhỏ, cách bờ biển của Trung Hoa đại lục 120km( 74,6 hải lý), với diện tích khoảng 36.000km2, dài 400km, rộng 144km, dân số chừng 23 triệu, nhỏ bé như hạt ngọc giữa đại dương Thái Bình. Đài Loan đi trước Việt Nam đúng một tiếng đồng hồ. Với chiều dài ngắn như vậy, chỉ bằng từ Sài Gòn đi Ninh Thuận, nên tham quan Kaoshiung( Cao Hùng), thành phố lớn thứ hai ở cực nam của đảo, thật dễ dàng. Hệ thống giao thông của Đài Loan rất phát triển, chủ yếu là tàu điện ngầm mà nơi đây gọi là HSR hay THSR(Taiwan High Speed Rail )tàu cao tốc, chỉ cần trong vòng 90 phút, khách tham quan đã có thể đi dọc hết gần như trục chính của Đài Loan như: Taipei( Đài Bắc), Taichung( Đài Trung), Tainan( Đài Nam) và Kaoshiung( Cao Hùng).( Có một điểm đáng khen cho Đài Loan, và cả những nước dùng Hán tự. Không phải ai cũng đọc được chữ Hán, nên bây giờ, ngoài dòng chữ phồn thể, bao giờ cũng đi kèm là chữ pinyin( phiên âm), để nếu không đọc được chữ Hán, sẽ nhìn vào chữ phiên âm ngay bên dưới, phần nào hiểu được mình đang ở đâu). Nếu đi tàu siêu tốc, tới mỗi trạm, du khách có thể ra khỏi trạm, đón shuttle bus đi tham quan miễn phí thành phố (city tour), điều này được chạy chữ liên tục trên bảng điện tử của mỗi toa tàu mỗi khi tàu sắp đến những trạm lớn. Sau một vòng city tour, du khách trở lại ga và tiếp tục cuộc hành trình đến những trạm khác, lại nhảy xuống, bắt shuttle bus khác, lại tự do đi tham quan thành phố khác đến khi nào không đủ sức nữa thì thôi( giống như chuyện “ cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng nhiều lý thú). Là một cách giới thiệu đất nước Đài, rất hào sảng. Các chuyến tàu cao tốc chạy liên tục cả ngày, nên khách không sợ bị trễ tàu, không đón được chuyến này thì vẫn còn nhiều chuyến sau đó, cách nhau chỉ 10 phút. Ngoài những điểm tham quan nổi cộm là Đài Bắc và Cao Hùng, còn lại những điểm khác, ta chỉ cần làm 1 vòng chừng một tiếng đồng hồ là đủ. Vậy là trong một ngày, ta có thể tham quan gần sạch Đài Loan. Đối với dân bản địa thường xuyên đi lại bằng tàu cao tốc thì khi nào đi mới mua vé( chỗ ngồi cố định, không được ngồi sai chỗ đã ghi trên vé). Còn đối với du khách, có loại vé gọi là Taiwan High Speed Rail Pass 3 days, giúp du khách đi thoải mái mọi lộ trình tự vạch, mà không phải trả thêm tiền, miễn có đầy đủ sức khỏe thì cứ lên lên xuống xuống tất cả các trạm. Vé này bán tại trạm Taoyuan( Đào Viên), là trạm MRT (mass rapid transport: phương tiện vận chuyển số đông) đầu tiên, cách sân bay Taoyuan International Airport một chuyến xe bus ngắn, khi du khách vừa đặt chân lên đảo quốc xinh đẹp này.
Tốc độ trung bình của tàu nhanh( current train speed) từ 250km/h đến 300km/h, mỗi khi chuyển đổi vận tốc nhanh chậm đều được cập nhật ngay trên bảng điện tử phía trước mỗi toa( car), đồng thời cũng hiển thị luôn tin thời tiết( weather Information), độ ẩm( humidity), nhiệt độ( temperature, rain, shower or cloudy…) của nhiều tỉnh thành trên toàn lãnh thổ.
Ngoài vé 3 ngày kể trên, du khách muốn đi MRT những trạm ngắn trong thành phố thì có thể mua token( đồng xu).Dân bản địa thì tap( quét tại mỗi cổng trạm) thẻ đã nạp sẵn tiền, xài cho nhiều trạm, còn du khách thì khi vào đầu trạm sẽ tap token, khi ra khỏi trạm thì thả token vào khe, coi như đi trạm nào trả tiền trạm đó, không phải mua thẻ .
Người Việt sinh sống và học tập tại Đài Loan tương đối nhiều, khoảng 80.000 người, tập trung nhiều nhất ở Đài Bắc và Cao Hùng. Đa số nữ là lấy chồng xứ Đài, nam thì phục vụ trong các food court( hàng ăn) hay lao động phổ thông. Nguồn gốc của họ cũng không phải người Việt thuần chủng mà đa số là người Việt gốc Hoa, cư ngụ ở Q.10, Q.11, Q.6… xung quanh Chợ Lớn, nên không gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ. Ở Cao Hùng, có những cửa hàng lớn của người Việt Nam, do người Việt làm chủ, với những nhân viên cũng là người Việt hoặc Việt gốc Hoa, nên việc buôn bán và sinh sống ít gặp trục trặc. Ở một cửa hàng gần khách sạn Hwahong chúng tôi ở, tôi thấy có những sản phẩm thương hiệu Việt như mì, đường, nước tương, nước mắm, tô, chén….,và những Tuyền, Thi, Dung … nói líu lo tiếng Việt với nhau khiến tôi có cảm giác thân thuộc, gần gũi, không bỡ ngỡ dù đang ở xứ người. Hay khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia( National History Museum) và Bảo tàng quốc gia Đài Loan( National Taiwan Museum)( hai bảo tàng này nằm đối diện nhau ngay trung tâm Đài Bắc), chúng tôi càng thấy ấm lòng hơn khi bắt gặp những tà áo dài của hai cô gái Việt Nam, đang đứng đón chào những du khách Việt để thuyết minh bằng tiếng mẹ đẻ, bởi theo hai cô gái duyên dáng tên Lê Vu Phi và Trần Tú Bình( thuyết trình viên của bảo tàng), người Việt Nam tại chỗ tham quan tìm hiểu cũng nhiều, mà du khách người Việt đi du lịch Đài Loan càng lúc càng nhiều, nên tiếng Việt ở Đài Loan hiện nay là một trong những thứ tiếng phổ biến nhất. Thỉnh thoảng ta sẽ bắt gặp những câu chào ở cổng điểm tham quan, hay những bảng hiệu, lời chú thích bằng tiếng Việt mình. Đi du lịch Châu Á có cái thú vị là gần gũi, thân thiện vì cùng dân da vàng, tóc đen. Chẳng hạn, ngay khi vừa bước chân ra cổng trạm xe điện ngầm của Kaoshiung station, chúng tôi gặp ngay các em thanh niên, thiếu nữ Đài Loan đứng giương tấm bảng “FREE HUGS” với nụ cười thường trực trên môi như lời mời chào “cứ ôm tôi, miễn phí mà”. Dĩ nhiên, tôi đã không từ bỏ dịp may được ôm chặt cô bé Đài Loan dễ thương chỉ gặp một lần trong đời ấy!
(xem tiếp phần 2)
Nguyễn thị Huyền Ngân
Lộ trình xuyên suốt chiều dài Đài Loan
Vừa đến trạm MRT (Đài Loan)
Những thanh niên Đài Loan free hugs- Vừa ra trạm Kaoshiung station
Trạm R9 Central Park
Trạm RMT được xem là đẹp nhứt thế giới: Formosa Boulevard Kaoshiung
Những tà áo dài trước bảo tàng lịch sử quốc gia (Taipei)