8/10/2015
Hành trình xuyên Việt P4
Mong Phước Minh
|
Cái iphone của tôi vẫn chưa cho chụp hình, thật khổ vì không cập nhật được hình ảnh cho quí vị. Đành phải cập nhật chay, tới Huế nhờ chuyên gia giải quyết thôi.
Hôm nay, chúng tôi chỉ giải quyết 120 km thôi, sẽ bận tí chút trên đỉnh Hải Vân, như thường lệ. Nay nói thêm chút ít về ngày hôm qua.
Mỹ Sơn, nằm sâu trong núi rừng Quảng Nam, con đường từ thị trấn Nam Phước vào khá đẹp, rợp bóng cây xanh. Vé vào cửa 60k xứng đáng cho mình vào thăm một nơi đã từng là chốn linh thiên Chiêm quốc.
Mỹ Sơn không vĩ đại như Angkor, không đồ sộ, hoàn mỹ như cố đô Bagan Miến Điện, lại bị tàn phá bởi đạn bom một thời đau khổ, nên phế tích bây giờ thêm ngậm ngùi nỗi nhớ xa xưa!
"Năm tê trong lúc sang xuân, tôi theo công chúa Huyền Trân tôi lên đường, đường máu xương đã lăm oan thương, đổi sắc hương lấy cỏi giang sơn..."
Tôi chợt lạnh mình khi nhớ đến người xưa, những người đã mang về cho đất nước nửa phần phương Nam, khi ngồi yên bên thềm gạch cổ hàng ngàn năm tuổi...
Hôm nay, 7:00am, 02/10/2015, 2 kẻ bụi đời nổ máy con Daehan đi Huế. Đà nẳng lúc này thay đổi nhiều nên đường đi không nắm vững, may có cô bé vui tính dẫn đường vòng vèo đến đoạn trổ ra quốc lộ, cách chân đèo khoảng 4 km. Dừng chân chỗ cầu đường sắt Nam Ô, chụp ảnh rồi lên đèo. Dọc đường dừng 1 chỗ rất đẹp, chụp ảnh bằng Canon và Sony, cái view tại đây rất đẹp mà xe 4 bánh khó dừng.
9:30am, tới đỉnh đèo, ngồi trên Hải Vân Môn gửi ít dòng này đến các bạn.
Và bây giờ, khi ngồi dựa vách Hải Vân Quan, ngay trên ranh giới Thừa Thiên Huế, lại thêm cái cảm giác bâng khuâng về người anh hùng mở cỏi, Nguyễn Hoàng, cuộc đời Người là một bi kịch, nhưng với chúng ta, đó là một bi kịch "lộng lẫy"trong lịch sử nước nhà. Tôi không biết có nước nào "dám" xem đất nước là "giang sơn gấm vóc"? Ôi, thật tuyệt vời khi ai đã gọi như thế lần đầu, có lang thang dọc theo con đường cái quan này, tôi càng thêm tâm đắc về tên gọi ấy. Vâng, quê hương ta đúng là một dãy "gấm vóc giang sơn", bọn Tàu khựa đừng hòng chiếm đoạt. Một ngàn năm trước đã không, hàng ngàn năm sau vẫn vậy.
Năm 2002, lần đầu tôi ghé Hội An, nghĩ tại 1 ks nhỏ tôi không nhớ tên, dường như tên 2 chữ có chữ Trinh. Khách sạn nằm phía sau con đường cái, dẫn đên chùa Cầu không xa. Ngày đó cũng có khách Tây, nhưng không đông như bây giờ. Con lạch nhỏ bên dưới chùa cầu có vẻ không sạch lắm, còn con đường dẫn ra bờ sông thì nhỏ theo cái kiễu chợ làng, tại góc cua có quán cà phê ghế cóc, tôi ngồi đó phì phà điếu thuốc, nhìn lại chùa cầu vàng úa màu thời gian. Không gian ban trưa thật vắng lặng, chợt một bà gánh chè, đầu đội nón lá đi ngang. Tất cả những hình ảnh ấy làm tái hiện trong tôi ngôi chợ làng xưa cũ, quê nhà, mà tôi nghĩ nhiều chợ quê khác cũng giống vậy. Tôi thích Hội An ngay cái lần đầu gặp gỡ ấy, nhất là khi đi ngang qua mấy con hẽm nhỏ giữa trời trưa hanh nắng, rêu phong trên mái ngói, cùng vạt nắng chói xuyên xuống vách tường vôi vàng vọt, ngoài ra còn những cửa hàng đặc sản, thủ công... khiến tôi đã thẫn thờ mê đắm!
Lần ấy, tôi cố gắng xuống phố lúc tờ mờ sáng, để chứng kiến Hội An đầu ngày rất chợ quê mộc mạc, khiến tôi thầm hẹn sẽ dừng chân nơi đây trong mỗi lần có dịp đi ngang.
Bây giờ, đáng mừng cho người dân nơi đây là Hội An đã trở thành Phố Hội, du khách dập dìu sáng tối chiều trưa. Hội An rực rỡ đèn màu, dù đó là đèn lồng, khiến tôi thấy lạ. Chiếc cầu bê tông rồng phụng được xây lên thay thế cho chiếc cầu cây cũ kỹ, với tôi dường như Hội An đã ... mất rồi! Âu đó cũng chỉ là sự đổi thay tất yếu, muốn hay không vẫn cứ xãy ra. Tôi thầm nhủ, mình thật may khi đã đến được Hội An ngày đó. Dẫu sao, tôi vẫn yêu Hội An, nhất là những con hẽm nhỏ.
Chương trình ngày hôm nay, 3/10/2015 sẽ đi cửa Thuận An. Đáng lý đi núi Bạch Mã, nhưng theo khuyến cáo không nên, vì mưa và nhiều vắt. Nên chúng tôi đi bãi biển Thuận An, nhưng trước tiên cũng vào thành nội, viếng sơ qua tí chút.