22/5/2016
Trong lòng tôi, ông ấy mãi mãi là một anh hùng
TN. NGỌC SƯƠNG
|
TN Ngoc Sương
(Sayalay Sumedha)
Trong lòng tôi, ông ấy mãi mãi là một anh hùng.
Một đời bương chải, hết giặc Pháp đến giặc Mỹ, hết sơn tặc đến cộng sản, vào tù ra khám, cuộc đời của ông là một bản trường ca đầy bi thương nhưng cũng vừa hào hùng. Ông sống không chỉ với mục đích là thoát nghèo, tự mình vươn lên với đời, mà ông còn sống cho thân bằng, cho quyến thuộc, cho tất cả mọi người. Không tiền, không quyền, không thế, cũng không có học vấn cao nhưng ông tôi có một ý chí thép và một tấm lòng luôn sẵn sàng vì người khác, nhờ đó mà ông đã tay trắng làm nên.
Tôi phải thừa nhận rằng cho dù tôi có phấn đấu thế nào, tôi vẫn không thể trở nên vĩ đại như ông được. Ông tôi không chỉ thương yêu và chăm lo tốt cho gia đình mà còn quan tâm hết mực đến những người chung quanh. Sự đùm bọc của ông dành cho quyến thuộc, sự bảo ban của ông dành cho người làm, sự sẻ chia của ông dành cho người nghèo khó, tình thân ái của ông dành cho bạn đồng tu, và cả những công tác từ thiện mạnh mẽ nhưng âm thầm suốt bao năm tháng của ông nữa, tất cả những điều này, hàng con cháu của ông không ai có thể so sánh được.
Lúc tôi còn nhỏ, tôi và các anh chị em của mình vẫn thường chơi đùa quanh ông. Đến tận bây giờ, mỗi lần cúp điện là thứ cảm giác của ngày xưa lại ùa về, khi ấy ông cháu chúng tôi thường ngồi quây quần bên nhau dưới ngọn đèn dầu, mấy chị em kể chuyện hay đọc thơ cho ông nghe, có khi ông lại còn thi hát với chúng tôi nữa. Lớn lên các anh chị đi học xa hết, chỉ còn tôi và ông ngồi đó tâm sự cùng nhau. Một người anh của tôi thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ngày xưa như để chọc tức tôi, rằng tôi là đứa cháu duy nhất bị ông đánh đòn. Anh không biết rằng, tôi luôn thấy tự hào vì điều đó.
“Con phản ông!” - ông tuyên bố như vậy khi biết tôi xuất gia theo Phật Giáo Nguyên Thủy. Tôi bước đi trong sự nghẹn ngào và phẫn uất của người ông mà tôi hằng thương yêu và gắn bó. Gần 3 năm sau, những gì ông nói lại khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa xót xa: “Ông đã sám hối với Tam Bảo những gì ông đã nói trước kia.” Có phải ông đã thật sự suy nghĩ thông suốt? Là ông quá thương tôi hay là vì tuổi tác đã khiến ông đã không còn đủ cứng cỏi để níu giữ quan kiến của mình?
Ngày 02/07/2014, tôi nhận được thư ông từ Việt Nam gởi sang. Tôi phải làm sao đây? Xâm lên tay, khắc lên đá, hay chôn chặt vào lòng? Tôi phải làm sao để mãi mãi không quên từng câu chữ trong thơ?
“Ngọc ẩn non cao khó hiểu mà
Sương dày bao phủ ngó không ra
Mây che mờ ảo nhìn không thấy
Giác ngộ việc đời hiểu được xa
Tự tánh muốn tu tìm chân lý
Quyết thành Phật đạo phải ly gia
Bao nhiêu gian khó lòng không nản
Đắc đạo xong rồi cứu bá gia.”
Và bây giờ thì chúng tôi đã mất ông mãi mãi. Vài ngày nữa là đám làm tuần giáp năm của ông. Sau đó thì tôi lại tiếp tục lên đường. 81 kiếp nạn của một người đi thỉnh kinh, giờ đây tôi chỉ còn có thể tự mình đối mặt. Tôi đã không còn là một đứa con nít để mỗi lần sắp bị đánh đòn lại chạy đi tìm ông để cầu cứu như ngày xưa nữa, nhưng tôi sẽ cố gắng để trở thành một người khi đứng trước gian nan lại nhớ về ông để có thêm dũng khí mà vượt qua tất cả. Và như vậy, ông cháu tôi lại tiếp tục đi cùng nhau, chẳng phải sao?
Tu Nữ Ngọc Sương
Từ trái : Đỗ thị Ngọc Sương, Ông Ngoại, Dì Hai, Mẹ NS
Tác giả & tác phẫm: Tu Nữ Ngọc Sương tên thật ngoài đời:Đỗ thị Ngọc Sương, tốt nghiệp ĐH Kinh Tế TP HCH là con trưởng nữ anh Đỗ văn Tâm học viên NLS An Giang K3. Sau khi tốt nghiệp xin gia đình được xuất gia. Hiện đang tu học tại Miến Điện.
(BBT).