27/3/2016
(Nhàn đàm)
Không khó để nhận ra thời nay, những công cụ thông tin như điện thoại di động, máy tính bảng….tràn ngập ở mọi ngóc ngách. Như chiếc điện thoại chẳng hạn, chức năng ban đầu của chúng đơn giản chỉ để nghe và nói, gửi và nhận tin nhắn, thì nay đã trở nên đa năng hơn nhiều, vì bây giờ, trong một chiếc điện thoại bé xíu gọn trong tay, máy tính bảng cũng vậy, người ta có thể gộp nhiều thứ máy khác nữa vào đấy.
Một em bé mới sinh ra đời, ông bà (hoặc cha mẹ) yêu quá, sắm liền cho một điện thoại đắt tiền ( là chiếc điện thoại dành cho người lớn hẳn hòi), chỉ để dùng vào mỗi việc cho bé nghe nhạc ( vì nghe nói trẻ em được nghe nhạc nhẹ từ sớm, lớn lên sẽ thông minh). Đó là máy nghe nhạc. Rồi nhìn một em bé mới một hai tuổi, đi chưa vững, nói chưa sõi, mà tay đã thoăn thoắt “touch” và “slide”(chạm và lướt) màn hình cảm ứng một cách thành thạo. Em có thể nhìn vào những icon (hình tượng) trên mặt điện thoại để chọn ra mục”phim hoạt hình” mà em thích, chỉ thoáng nhìn qua vài lần thao tác của người lớn đã nhớ, không cần ai chỉ dẫn hay giải thích thêm. Đó chính là chiếc máy thu hình. Lớn hơn tí nữa thì những tablet, iphone, ipad….của cha mẹ không thể thoát khỏi tay chúng với các trò chơi được gài sẵn. Không biết game hấp dẫn đến thế nào mà chẳng chừa một ai, từ cha mẹ, đến các em ( có khi là cả ông bà), game thủ lứa tuổi nào cũng có thể chúi mắt chúi mũi mê mệt bất kể giờ giấc, bất kể ở đâu, đến nỗi đeo kính dày cộp lúc nào không hay (học sinh bây giờ đeo kính cận tràn lan chắc là vì tiếp cận màn hình vi tính, smartphone quá sớm). Đó là chiếc máy trò chơi. Người viết (là tôi) dốt đặc cán mai về game nên không thể dẫn chứng ra bất cứ game nào, xin nhường cho các game thủ trổ tài thao thao bất tuyệt!. Và còn máy gì nữa?
Chạm và lướt, hay nói chung là “bấm bấm”, mới thấy tầm quan trọng của ngón tay cái. Nếu như gõ chữ trên máy tính bàn( desktop) hoặc máy tính xách tay ( laptop), cần phải dùng cả năm ngón tay cho đúng với sự uyển chuyển của “bàn tay năm ngón”, thì với những cái máy thông minh nhỏ gọn kia, trừ ngón cái, những ngón còn lại đều trở nên…thừa thãi( họa chăng lâu lâu cần thêm ngón trỏ phụ họa chút đỉnh gọi là). Mà phải là ngón cái tay bên phải, chứ tay trái thì ( ngoại lệ, cũng có nhiều cao thủ sử dụng cả hai ngón cái thuần thục, nhưng hiếm), không phải làm việc gì ngoài nhiệm vụ giữ máy cho đừng bị rơi .
Nhìn lại quá khứ một chút, vào giữa thập niên chín mươi thế kỷ trước, khi những chiếc điện thoại di động đầu tiên có mặt tại Việt Nam( dù nó đã có trên thế giới từ năm 1973), được mệnh danh (một cách chế diễu) là cục gạch, vì chúng nặng nề, kềnh càng, lại rất ít chức năng. Nhưng để sở hữu chúng thì không phải ai cũng có thể, vì giá tiền mua chúng toàn tính bằng nhiều “cây” với “lượng”. Lúc ấy, ai có một cục gạch “vắt eo” thì cứ gọi là làm thiên hạ lác mắt. Chỉ có giới doanh nhân mới đủ sức sắm một cái lấy le, mục đích như món hàng “trang sức” cho chuyện làm ăn! Chỉ khoảng sau năm 2000 trở đi, điện thoại( tính chung cả điện thoại bàn và di động) mới có vẻ phổ thông hơn, dù vẫn còn là xa xỉ phẩm so với mức thu nhập của người dân. Từ cục gạch, chúng đã thu nhỏ lại, công dụng nhiều lên, ngoài chức năng nghe và nói. Một sự thú vị là lúc này càng nhỏ gọn trong lòng bàn tay càng đắt tiền, đơn giản, chủ nhân của cục gạch đã quá sợ cảnh giật dọc bất cứ lúc nào, vì không biết giấu chúng ở đâu cho an toàn! Còn bây giờ thì, điện thoại (cả hai, bàn và di động) đã trở nên phổ thông đến mức nhiều người sở hữu cả chục chiếc điện thoại, đủ kiểu dáng( không nắp,nắp trượt,nắp rời….), đủ nhãn hiệu. Điện thoại bàn lép vế hẳn, tiến tới bị xóa sổ chắc không còn bao xa. Cuộc cách mạng “di động”bùng nổ nhất là khi iphone của hãng Apple ra đời năm 2007, làm đảo lộn trật tự công nghệ di động của cả thế giới. Trước đây ai có một chiếc Nokia hay Samsung, Siemens, Sony Ecricsson … biết ngay là dân có tiền, hay chí ít ”công dân hạng hai” cũng có Motorola, LG…. (người ta định giá trị của nhau qua chiếc điện thoại đang cầm trên tay), nhưng bây giờ tất cả đều đã trở thành “cùi bắp”trước Blackberry, sau đó là iphone. Mà cùng là “công dân” iphone nhưng cũng “phân biệt đối xử” với cái mác “đời đầu” hay “đời cuối” nữa cơ. Apple thật giỏi kinh doanh, mỗi năm mỗi sản xuất ra một đời mới, kiểu dáng mới, chỉ thay đổi một chút ít chi tiết đủ để người ta phân biệt đời mới hay đời cũ, khiến những fan cuồng phải chạy theo hụt hơi, có khi phải xếp hàng từ đêm hôm trước với hy vọng trở thành chủ nhân đầu tiên của chiếc iphone mới mở bán. Cái tuyệt vời của iphone chính là sự đột phá và sáng tạo về màn hình cảm ứng siêu nhạy, cho phép người ta chạm và lướt mà không còn phải bấm số như trước nữa. Iphone đã mở đầu cho hàng loạt chuỗi điện thoại thông minh (smartphone) mà sau này những thương hiệu khác đã rơi rụng dần, chỉ còn Galaxy( Samsung) là đối thủ, nhưng tương quan lực lượng thì đã nghiêng hẳn về iphone mười mươi.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của internet, mà trong một cái máy bé tí xíu có thể sử dụng đủ mọi trò: game, nhạc, video học sinh ngữ, học đàn, chụp hình…..và tự chụp mình(selfie).Đó là chưa kể còn bao nhiêu ứng dụng khác như bản đồ (google map),hệ thống định vị toàn cầu (GPS:Global Positioning System), đồng hồ(có báo thức), lịch, máy tính bỏ túi (calculator), save(lưu trữ) được nhiều album hình, dự báo thời tiết( mở ngoặc,tự mình hỏi và mình tự trả lời: không biết rồi đây mấy công nghệ vừa nêu trên sẽ còn tồn tại được bao lâu?). Đó là những thứ chỉ cần offline vẫn sử dụng được. Còn khi online ( cần internet) thì công dụng của máy càng phong phú hơn nhiều. Mạng 3G, 4G ra đời giúp con người sử dụng máy ở bất cứ nơi đâu, ngay cả khi ra nước ngoài, mà không phải quan tâm đến chuyện phủ sóng hay không phủ sóng .
Và buồn cười hơn, iphone đã biến cái máy từ “nhỏ gọn trong lòng bàn tay” trở lại thời kỳ “cục”, nhưng là cục vàng, là món hàng đắt tiền và đắt giá nhất trong dòng smartphone, càng lớn càng nhiều chức năng và công dụng, dung lượng lớn, chữ số và hình ảnh rõ nét, sáng đẹp. Từ lớn, chuyển sang bé, rồi lại lớn….Sau đó có trở lại bé
Sự đột phá của Apple còn phải kể đến nữa là ipad, mini ipad. Chúng không cồng kềnh như máy bàn, cũng không quá lớn như laptop, chúng gọn nhẹ vừa đủ để mang đi khắp nơi mà không sợ chiếm nhiều diện tích. Trước kia người ta thường dỗ giấc ngủ bằng cách xem tivi, nghe nhạc, đọc báo…rất bất tiện vì những thứ ấy cần phải ra không gian bên ngoài, nơi cần ánh sáng v.v… Thì nay, với cái smartphone hoặc ipad, ta có thể mang chúng theo vào mùng để duyệt đủ thứ: từ web, sang phây(facebook), tra google, chơi trò chơi…., như một cách ru ngủ. Chui vào mùng, mở máy lên, với thứ ánh sáng vừa đủ phát ra từ chúng( mà không sợ làm phiền “hàng xóm”(là những người ngủ chung) đang cần sự nghỉ ngơi, yên tĩnh), ta có thể vừa nằm vừa dán mắt vào màn hình, vậy là tha hồ duyệt hết trang web này sang đường link kia cho đến khi mắt díu lại thì thả chúng sang bên cạnh rồi ngáy khò khò, thật tiện lợi vô cùng. Sáng dậy, mở mắt đồng thời với …mở máy (thay cho động tác thể dục buổi sáng) cho tới lúc “không thể không dậy” mới uể oải ngồi lên một cách bất đắc dĩ, nhìn mới thấy ….oải làm sao! (còn tiếp)