20/11/2016
Đến xứ lụa Tân Châu
- Mong Phước Minh - |
Năm 1757, theo đề nghị của Nguyễn Cư Trinh, Chúa Nguyễn cho thành lập 3 đạo phòng thủ vùng đất đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, đó là đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu(Sa Đéc).
Như ta biết, thủ đô Cambodia nằm sâu trong nội địa, nên cảng sông Phnompenh phải mượn đường thông ra Biển Đông bằng 2 sông Tiền và sông Hậu. Riêng sông Hậu tàu biển chỉ lưu thông đến Vàm Nao(xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới), rồi theo sông này để qua Tiền Giang và tiếp tục ngược lên Tân Châu trước khi qua cửa khẩu Vĩnh Xương-Kaom Somno. Như vậy, Vĩnh Xương là cửa khẩu đường thủy quốc tế duy nhất thông qua Cambodia, thương thuyền 5 châu qua lại nơi đây thường tạm dừng hoặc chạy chậm lại trước khi tới Vĩnh Xương, nên thị xã Tân Châu từ rất lâu đã trở thành một trung tâm thương mại truyền thống của khu vực.
Trên bộ, có 3 tỉnh lộ lưu thông qua huyện Tân Châu. Từ thành phố Châu Đốc, nhìn qua bên kía sông Hậu, đối diện với Làng Đa Phước(An Phú) là xã Châu Phong. Để qua sông du khách phải “lụy đò” Châu Giang, nằm cách khách sạn Victoria không xa, về phía hạ lưu giòng Bassac. Thị xã Tân Châu cách bến phà Châu Giang chừng 21km, nếu đi theo tỉnh lộ 953. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể từ chợ xã Châu Phong, rẻ trái, theo tỉnh lộ 952 để qua Tân Châu. Từ Tân Châu, ta có thể đi đường bộ sang Cambodia qua cửa khẩu Vĩnh Xương-Kaom Somno, theo đường 952 hoặc xuôi xuống Hòa Hảo, Phú Tân theo đường 954.
Như vậy, ngoài lợi thế kinh tế nhờ vào vị trí, Tân Châu cũng chẳng khác mấy với An Phú, trong sản xuất nông nghiệp nhờ vào đất cồn màu mỡ, trong khai thác thủy sản nhờ là địa bàn đón nhận nguồn cá dồi dào đến từ nước bạn Cambodia; tuy nhiên do biến đổi khí hậu, do tác động tiêu cực trong hoạt động thay đổi trạng thái giòng chảy nơi thượng nguồn, lượng thủy sản đã sút giảm rõ rệt từ nhiều năm gần đây, khiến cuộc sống của dân nghèo địa phương gặp nhiều khó khăn!.
Tân Châu có số lượng người Chăm Hồi giáo nhiều đứng hàng thứ 2 An Giang sau An Phú, họ sống tập trung tại xã Châu Phong, trong những ngôi nhà cao cẳng đặc thù, bên cạnh những thánh đường(Masjid) có nét kiến trúc rất riêng biệt, mà thánh đường Mubarak là một công trình tiêu biểu, được xếp hạng “di tích kiến trúc” cấp quốc gia.
Du khách có thể tới Châu Phong bằng thuyền, bằng đò từ thành phố Châu Đốc hoặc theo đường bộ qua phà Châu Giang. Ngay khi bước chân lên bờ ta có thể thấy ngôi Thánh đường Mubarak, nổi bậc giữa những nhà sàn đặc biệt của người Chăm. Nhiều đàn ông có nước da ngăm đen với trang phục sà rong và mũ vải đặc trưng không thể nào lẫn được với người kinh bản xứ. Phụ nữ Chăm Châu Giang bây giờ rất ít thấy che mạng, nên du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp ma mị sang trọng phản phất nét Trung Á, của nhiều cô gái với khăn “Ma t’ra” luôn choàng lên cổ hoặc đội trên đầu.
Hàng năm ngày Tết truyền thống Roya Haji (diễn ra từ 19 đến 13 tháng 12 theo lịch Hồi giáo, khoảng giữa tháng 9 dương lịch), được tổ chức trang trọng tại các thánh đường. Người Chăm ăn mặc thật đẹp vui chơi khắp làng với lời chúc “Am Má”(nghĩa là: xin tha thứ) và nụ cười nở trên môi!
Ngày trước, khi còn nhỏ, tôi từng thấy nhiều người Chà Châu Giang mang vải, lụa đi bán tới miền quê Vàm Cống. Sau này mới biết đó chính là sản phẩm do dân họ làm ra. Theo truyền thống, hầu như các thiếu nữ Chăm đều biết thêu thùa, quay tơ dệt lụa từ rất sớm, nên đã hình thành một nghề thủ công từ rất lâu đời. Vải thổ cẩm, khăn choàng, sà rong, nón, áo khoát, túi xách...đã được tạo nên bởi các bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và phụ nữ Hồi giáo xứ Châu Phong, mà nổi tiếng nhất hiện nay là thổ cẩm ấp Phũm Xoài, nhiều du khách biết tiếng qua hướng dẫn viên du lịch hoặc lời đồn, đều yêu cầu được đến thăm và mua làm quà lưu niệm.
Được nhìn ngắm các thiếu nữ Chăm với nét đẹp của người Trung Á, đầu đội khăn “khanh ma om” ( còn gọi là “ma t’ra”), quay chỉ, dệt tơ...tạo thành những tấm thổ cẩm truyền thống...là một trãi nghiệm thú vị đối với du khách nước ngoài.
Để hoàn thành 1 sản phẩm, các nghệ nhân phải mất nhiều công sức từ bí quyết nhuộm màu sợi đến sự khéo léo, sáng tạo trong kỹ thuật dệt, thêu...nên mỗi sản phẩm là 1 tác phẩm, rất xứng đáng để du khách mang về làm quà hoặc trang trí nơi phòng khách, để kỹ niệm 1 chuyến đi!
Tân Châu không chỉ có thổ cẩm Chăm Châu Phong mà còn lừng danh một sản phẩm thủ công truyền thống khác, xin các bạn nghe câu ca dao:
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A
Đò đưa sang chợ, tưởng xa hóa gần.
Hai câu ca dao ấy đã có từ lâu đời nơi cái xứ cù lao đầu nguồn tưởng chừng như heo hút, nhưng thật ra lại rất nổi tiếng thuở xa xưa với 1 loại lụa sang trọng vào bậc nhất nhì khu vực: lụa Tân Châu hay là lãnh Mỹ A!
Sau những đột phá trong công nghệ của thế giới, nhiều nguyên liệu mới xuất hiện, tơ sợi hóa học một thời đã làm điêu đứng các nguyên liệu truyền thống, khiến nghề dệt vải, lụa từ sợi chỉ thực vật, từ tơ mành tằm tang, đã mai một đến gần như không còn hoạt động. May thay, khi đã thừa mứa những sản phẩm công nghiệp, con người lại bắt đầu nhìn ngắm lại những sáng tạo thủ công và thấy nó ẩn chứa bên trong cái hồn của nghệ thuật, cái sâu lắng của bàn tay khối óc con người...thế là một trào lưu “về nguồn” dần hình thành trong cơn biến động tiến hóa cuồn cuộn của giòng chảy cuộc đời! Các giá trị truyền thống lại được khơi nguồn sống dậy, làng nghề thủ công nhờ thế được phục hồi, đó là công của những nghệ nhân tâm quyết, của những nhà thiết kế đầy sáng tạo... và thế là lụa Tân Châu lại “đỏng đảnh” trở lại một cách đáng tự hào!
Hồi nhỏ tôi biết nhà giàu mặc áo lụa Lèo hoặc vải xá xị Xiêm, là những loại lụa có tiếng khu vực, nhưng so với lãnh Mỹ A thì vẫn còn thua một bực, đó là theo cô, bác tôi nói. Cho nên, cô gái, bà chị nào có bộ áo quần bằng lãnh Mỹ A thì rất là hãnh diện. Hèn chi, anh chàng trai trẻ vội nhường chỗ cho cô gái-mặc-quần-lãnh-Mỹ-A khi cô vừa bước xuống đò đã chật, chịu ngồi “chồm hổm” kế bên để được kề người đẹp; vậy mà con sông rộng thế kia, xa thế kia bổng nhiên hôm nay lại hóa gần:
Bên nàng mặc lãnh Mỹ A,
Đò đưa sang chợ, tưởng xa hóa gần!
https://www.youtube.com/watch?v=BdY5itWyL48
Mong Phước Minh