29/11/2015
Chiếc áo Nâu Nông Lâm Súc |
- Bùi Tho -
|
Trong một lần họp mặt của Tây Ninh khi còn ở hội trường ở Bến Kéo tôi có đặt một câu hỏi Chiếc Áo Nâu đồng phục NLS có từ lúc nào. Lúc đó trang tin tức của NLS Tây Ninh mới chỉ là Blog
mà thôi, Nguyễn Quốc Nam có nhắc đến từ thời cắm trại có ông Ngô Khắc Tĩnh tổng trưởng đến dự. Sau này có một bài viết tựa "chiếc áo thân thương , chiếc áo nâu " của một bạn ở NLS Cần Thơ theo tôi chiếc áo bạn nói ấy xuất hiện quá sớm, trước khi chiếc áo chính thức ra đời ,vì anh kể là anh đã mặc đi học, trong lúc anh ta cùng học sư phạm với tôi. Hay là thời ấy Cần Thơ đã mặc áo nâu ?
Vậy thì chiếc áo nâu chính thức áp dụng trên toàn quốc ra đời lúc nào?
Tôi xin trình bày sau đây với hi vọng rằng những gì tôi nhớ là chính xác và cũng mong những vị bậc đàn anh, bậc thầy của tôi làm việc ở nha Học Vụ NLS hoặc Bộ Giáo Dục thời ấy có thể biết bổ sung thêm .
* Bà Thân Thị Đời khoảng đầu năm học 1969-1970 tham gia chuyến du sát Hoa kỳ về có kể chuyện về học sinh nông nghiệp tập ở bên đó có một đoàn Tập-Làm- Nông Dân có tên gọi là Nông gia Tương Lai. Là mô hình hay có thể áp dụng ở môi trường VN mà giáo dục Nông lâm súc là thuận lợi nhất bởi chúng ta đã có chương trình Thực Hành Nông Trại Tại Gia nay sẽ tổ chức thành đoàn, như trước đây có Đoàn Thiếu Nông 4 T do Bộ Canh Nông lập ra mang tính chất Khuyến Nông.
Cuối năm học 1969-1970 ,chuẩn bị nghỉ hè , thì bà hiệu trưởng có phân công tôi và Thầy Sơn đón tiếp anh David Trưởng đoàn Nông Gia Tương Lai Hoa Kỳ đến thăm trường cùng việc đưa anh thăm viếng Tòa thánh Tây Ninh.
Hôm đó , anh ta mặc áo màu nâu nhạt (màu cà phê sữa) đó là màu đồng phục của đoàn. Có phải xuất phát đó, mà các vi lãnh đạo của chúng ta quyết định chọn màu Nâu làm màu áo Đồng Phục chính thức cho NLS vì trước nay chúng ta chưa có đồng phục chung. Ở nhiều trường vẫn dùng áo trắng quần xanh như ở phổ thông, chỉ có trường NLS Tây Ninh có đồng phục áo quần màu xanh dương đậm trong giờ Nông trại ( hình như đây là ý kiến của thầy Phan Minh Đẩu áp dụng từ lớp 6-7 của cộng đồng)
Chiếc áo nâu của NLS chính thức ra đời đầu niên khóa 1970 - 1971 gọi là màu nâu chung chung, cũng như về mẫu áo chưa rỏ ràng dài tay,ngắn tay có một túi, hai túi ?... trong lúc ở Tây Ninh nữ sinh mặc sơ-mi nâu thì tại Bảo lộc đã mặc áo dài, giờ nông trại mới mặc sơ-mi .
Cũng trong niên khóa đó Đoàn Nông Gia Tương Lai Việt Nam bắt đầu được hình thành ở các trường NLS ,cờ của đoàn NGTL nền màu nâu, chữ thêu màu vàng. Hình như Trung học NLS Định Tường là nơi hoạt động đoàn này mạnh nhất và chiếc áo của đoàn là màu nâu đậm,sơ mi hai túi có nắp có cầu vai, đó chính là chiếc áo chuẫn cho đồng phục NLS chúng ta. Riêng về tay áo có thề ngắn dài tùy theo xứ nóng lạnh.
Cố nhớ lại không biết đúng không. Có một cuộc cắm trại của đoàn NGTL tại trường NLS Phước Tuy lần đó các trường Bảo lộc, Tây Ninh, Bình Dương , Định Tường, Cần Thơ, Kiến hòa.... về dự. Lần đó ông Nguyễn Khắc Tĩnh Bộ trưởng Bộ Giáo Dục về khai mạc và thăm các trại (Nguyễn Quốc Nam có nhắc) trong cuộc trại giờ sinh hoạt riêng các em trại sinh Tây Ninh có cuộc chơi khiên tôi về trại Tây Ninh chôn tôi dưới cát ( Không biết có còn ai tham gia cuộc chơi này không? . còn một điểm đáng nhắc nữa là cột cờ cổng trại Tây Ninh rất cao, là nét xây dựng trại của tôi mà các em còn luu giữ vì các lần trại tại Tây Ninh với các trường bạn, lúc nào tôi cũng thiết lập cái cột cờ của trường mình cao nhất trại . Về vụ trại tại Phước Tuy các bạn có nhớ khi tan trại chia tay thì một trận mưa lớn và dai dẳng đã diễn ra, làm cho khung cảnh dọn dẹp đồ đoàn lên xe cũng như tập trung quân số để về nháo nhào, lộn xộn cả lên . Thì phía Tây ninh có sự ồn ào xảy ra, không hiểu thầy Bành văn Sinh còn nhớ ? đó là trường hợp khi điểm quân thì thiếu một em hình như là Kim Tiến thuộc lớp của thầy Sinh phụ trách.
Lần đó tôi có ý định quá giang xe Tây Ninh để ghé thăm nhà Gò Dầu nên trước tình huống này,vì thân tình với Tây Ninh trong tôi còn rất nhiều, lo sợ cho các em bị ướt át,chật chội... tôi đã đề nghị với thầy Muôn trưởng đoàn cho đoàn về trước đi, tôi sẽ ở lại với thầy Sinh lo vụ em Tiến. Khi đoàn ra về chúng tôi ra ty Cảnh Sát Phước Tuy trình báo, nhờ họ cho biết địa chỉ của các nhà máy nước đá ở Vũng Tàu vì có tin cho biết Tiến có người bà con đang sản xuất nước đá ở dây , may mắn chúng tôi tìm gặp được em ngay nhà máy đầu tiên..
Và bây giờ là 2013 chuẫn bị họp mặt lần thứ 14 của NLS Tây ninh, một bí mật chưa ai biết. Không hiểu thầy Hệ và thầy Sang còn nhớ?
Bí mật tôi muốn kể cho các bạn nghe là môn bóng đá, đội bóng của Bảo lộc rất mạnh về kỹ thuật,lại thế dáng dấp to con một số cầu thủ là người Thượng nữa .Lúc ấy đội NLS Bảo lộc vốn là đội mạnh của tỉnh Lâm Đồng vào những năm đó, tôi đã có lần dự định đưa dội lên đá giao hữu với đội bóng Phú Khương. Còn nhớ hồi tôi còn ở Tây Ninh thì đội bóng NLS Tây Ninh có Tạ quang Luân thủ môn, Lê văn Báo tiền Đạo sau này có thêm Nguyễn Thanh Phong... tại trại Phước Tuy có những giải xây dựng trại, văn nghệ, kéo co, bóng đá, bóng chuyền. Hai đội bóng đá mạnh nhất là Bảo Lộc và Tây Ninh đều vào bán kết. Trước trận đấu chéo thầy Hệ, thầy Sang và tôi có một cuộc họp kín với thỏa thuận sau Bảo lộc sẽ nhường cho Tây Ninh vào đá trận nhất nhì còn Tây Ninh sẽ nhường cho Bảo lộc vào tranh vô địch Bóng Chuyền. Chương trình là như thế, Tây ninh lấy được vô địch bóng đá còn bóng chuyền Bảo lộc to con bị "te tua "trước đội Kiến Hòa bé tẻo teo đành an phận với chức hạng nhì . Sau sự việc đó thì anh em Bảo lộc trách cứ tôi là tính toán sai ...
Từ chuyện cái áo nâu, bây giờ lại sa đà qua chuyện khác rồi...đã lỡ thì kể luôn một chuyện cũng liên quan đến cái áo .
Như các bạn biết,tôi từ Tây Ninh chuyển về Bảo Lộc dạy, thì tại trường Bảo Lộc có một cô Giám thị tên Tho, quen gọi là cô Tho nên có sự ngộ nhận để cho một số học sinh kháo nhau rằng " ông Tho ốm nhách mà có bà vợ mập thù lù.." vì cô ta khá mập.
Từ câu chuyện ngộ nhận ấy đã có một chuyện xảy ra , một hôm tôi đi dạy về thì thấy bà xã tôi khóc sướt mướt, hỏi ra mới biết là khi bà ta xuống xe đò ở cổng trường đi bộ đã bị đám nam sinh của tôi tháp tùng chọc ghẹo cho đến tận nhà mới vở lẽ , đã vội bỏ chạy... các vị ấy tưởng là một nữ sinh mới vì nàng ta mặc chiếc Áo Nâu.
Bùi Tho