22/10/2015
Chục.....mười mấy?
KS Nguyễn Thị Huyền Ngân
|
Tản văn:
Chục, hẳn phải là mười, theo nguyên tắc toán học. Nhưng không, chục sẽ không hẳn là mười, nếu bạn chịu khó len lỏi về mấy cái chợ cóc xa xôi (đặc biệt chợ cóc miền tây), càng xa thành phố càng tốt! Bạn sẽ dễ dàng kiếm được ….chục mười bốn, chục mười sáu, chục mười tám….(may mà chưa thấy chục…..hai mươi!) ở những món hàng (đa số là trái cây) phong phú và bình dân tại đây. Như xoài, ổi, cam, quýt, mãng cầu, bắp…..Hồi nhỏ , mỗi lần đi chơi miền tây, khi qua những chuyến phà chờ lâu, ấn tượng đầu tiên đối với tôi, là đội quân buôn gánh bán bưng đông đúc , người nào người nấy trong tay là những rổ, những thúng trái cây tú hụ no mắt, và những tiếng rao ồn ào trong không khí nhộn nhịp người lên kẻ xuống bến phà:chục …mười bốn trái bắp đơ…ơi, chục mười sáu trái mãng cầu dai đơ…ơi, chục mười tám trái quýt tiều đơ..ơi….Những tiếng rao lanh lảnh của những cô cậu bé con, chắc chỉ trạc tuổi tôi, đã từng làm tôi ngạc nhiên không ít, khi cứ đinh ninh chục phải là mười, vì mình đã được học toán như vậy mà. Thế mà nơi đây người ta hồn nhiên cho chục vọt lên hơn mười, thậm chí còn ….vọt hơi xa, đến ngưỡng gần …hai chục mới …dừng (cũng may là người ta còn nhớ nguyên tắc chẵn chục: chục phải là con số chẵn, chứ không thì dám họ cho leo lên đến ….chục mười chín, miễn sao không tới ..chục ….hai chục là được!).
Và người mua thì cũng vui vẻ trả giá theo nguyên tắc …phản toán học kia. Họ không trả giá bằng số tiền, mà trả giá theo số chục. Câu đầu tiên người mua hỏi người bán bao giờ cũng là: chục mười mấy? Và cứ thế hai bên kì kèo trả giá qua lại một hồi , rồi ngã giá với một trong những con số chục ngộ nghĩnh nào đấy. Người bán thì chịu tăng số “chục”, chứ không giảm giá tiền, và người mua thì ôm về chục (lớn hơn mười) trái cây trĩu tay với bộ mặt hồ hởi như vừa mua được một món hàng …quá hời!.
Kể cũng phải, miệt sông nước miền tây sản vật thiên nhiên trù phú, nên cũng sản sinh ra những con người chất phác, xuê xoa, chín bỏ làm mười (hay chính sự rộng rãi, xởi lởi của dân nơi này mà thiên nhiên thêm ưu đãi, ban cho sản vật dồi dào ,phong phú?). Ai có bạn bè người miền tây mới hiểu tại sao dân nơi này chân tình ,hào phóng. Khi họ mời bạn ở lại ăn cơm, hay ngủ lại qua đêm, là họ mời thiệt tình, thiệt bụng đấy. Và chẳng cần biết bạn có đồng ý hay không, họ đã vội vàng hò người nhà ra sau vườn ….vật gà, mần vịt, đăng cá…, làm liền nồi cháo nóng hổi, dĩa gỏi thơm mùi rau răm, rau húng quế…..Rồi khi bạn ra về, còn được chủ nhà thân tặng những món quà quê cây nhà lá vườn xách khệ nệ, nặng trìu trĩu!. Chớ có từ chối lời mời thiệt lòng, thiệt dạ của họ, vì có thể khiến họ buồn lòng thiệt đó!
Cho nên, những con số chục ngồ ngộ kia, tưởng là không hợp lý, vậy chứ lại hợp tình vô cùng. Không cần phải mang toán học ra mà lý giải. Dân nơi này tính tình rộng rãi, xuê xoa, nên con số chục cứ muốn …tăng bao nhiêu thì tăng, kiểu như là vừa bán vừa cho, cho mau hết hàng (thường là hàng của nhà mang ra bán mà), để còn …dzìa nhà nghỉ phẻ! Được nhiêu hay nhiêu, miễn …dzui là được.
Một thời, thành phố cũng có cái thói quen chục lớn hơn mười như thế. Nhưng không dễ dãi, hào phóng như dân miền tây, vì chỉ leo đến …chục mười hai là cùng (người ta không thích gọi mười hai đơn vị là“tá”, mà vẫn thích gọi chục mười hai hơn). Cái thời chưa cân đong chính xác như bây giờ, dân thành phố cũng đã “nhiễm” nếp nghĩ “chục lớn hơn mười” như thế, chắc xuất phát từ những lần …đi chơi miền tây chăng?. Họ thường thích mua chục mười hai trái cam, quýt,mãng cầu….hay nửa chục (sáu trái), chục rưỡi (mười tám trái) xoài, thanh long…vì trông chúng có vẻ đầy đặn hơn chục mười nhiều. Thói quen ấy, cho đến bây giờ, vẫn không mất đi, vì vẫn còn nhiều người thích mua trái cây với chục mười hai đơn vị như thế. Thế mới biết, tưởng chục đơn giản, ai dè chục…cũng rắc rối gớm!
Những con số chục ngộ nghĩnh ấy, giờ đã lui sâu cùng dĩ vãng, khó lòng tìm thấy vào cái buổi gạo châu củi quế, người khôn của khó của thì hiện tại. Nên chắc chỉ còn mình tôi, mỗi lần có dịp về miền tây, bắt gặp lại hình ảnh những thúng , những rổ trái cây ngồn ngộn, bất giác lại nhớ đến tiếng rao lanh lảnh của những cô cậu bé con năm xưa, trạc bằng tuổi mình khi ấy, những là : chục mười sáu trái bắp, chục mười tám trái ổi xá lị, chục mười bốn trái xoài thanh ca…..Rồi trong đầu lại lởn vởn, bâng khuâng hoài, chỉ một câu hỏi: “chục….mười mấy”?
20/10/2015
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN