Truyện ngắn: Ế
Đến năm thứ ba, khi mà các cô gái hồn nhiên của ngày đầu vào đại học thuở nào đã lục tục rủ nhau có bồ, bận bịu với những cuộc hẹn hò mà cúp cua, cúp tiết, Duyên vẫn chưa có nổi một mảnh tình vắt vai. Chẳng biết có phải vì duyên chưa tới như lời tự an ủi, hay nghiêm trọng hơn, là tự buồn sao “vô duyên”-- dù tên Duyên rành rành-- cô đã bắt đầu dao động vì cái sự kém duyên của mình. Hồi nào giờ nàng rất vô tư, chỉ biết lo học và ráng học thật giỏi, xem đó là niềm vui và bổn phận, không màng đến chuyện gì khác bên ngoài cửa lớp. Duyên là người khá cứng nhắc, nhìn sự việc theo suy nghĩ của mình, rằng học giỏi là mục tiêu phấn đấu cao nhất, những thứ khác chỉ là thứ yếu. Học giỏi ắt sẽ dẫn đến thành công mọi thứ, kể cả tình yêu, vì ai mà không nể người học giỏi, nên suy ra( cứ như bài toán học) thì người học giỏi chắc sẽ có….nhiều người theo( ôi, lý luận ngây ngô thấy ớn). Sau này khôn ra, mới hiểu sự thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như khôn ngoan, lanh lợi, linh động, nắm bắt thời cơ đúng lúc, v.v….và v.v…. Còn chuyện tình cảm lứa đôi thì chẳng hề dính dáng gì đến chuyện học giỏi hay học dốt. Tình yêu phụ thuộc một điều duy nhất: lý lẽ con tim.
Dần dà cái lý thuyết “học giỏi trên hết” của Duyên bị lung lay khi cô nhìn xung quanh mình thấy có nhiều người thiệt giỏi mà cuộc sống không như mong đợi. Điển hình là chị Liên, người chị bà con thân thiết. Vì là người trong họ hàng nên dễ thấy nhất. Chị học giỏi từ bé, đứng nhất nhì trường chuyên lớp chọn, thủ khoa đầu vào đầu ra đại học, giải thưởng môn này môn nọ cấp thành cấp tỉnh dễ như không. Hồi nhỏ ba mẹ Duyên thường mang chị ra làm gương, bắt chị em Duyên phải ráng sao giỏi như chị để ba mẹ hãnh diện còn đi khoe làng trên xóm dưới cho nở mày nở mặt, huống chi ba mẹ của chị, họ hãnh diện vì có con học giỏi đến chừng nào. Nhưng thời gian trôi qua, chuyện học giỏi của chị đâu giúp chị có nổi một tấm chồng. Thời thiếu nữ xinh tươi thì chị cứ mải học, lo học và ráng học. Đạt xong bằng cấp này chị lại lấn sang học vị kia, để rồi tuổi thanh xuân trôi tuột qua kẽ tay. Mấy chàng theo đuổi chị cũng mòn dần theo năm tháng, chắc vì sợ có cô vợ học cao quá. Cái họ muốn là người vợ phải kém mình càng nhiều càng tốt, chứ họ đâu cần lấy sếp để về làm … bà nội! Đàn ông mà, ai chẳng thích ”cao hơn vợ một cái đầu”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chị Liên mải mê đuổi theo bằng cấp, từ cử nhân sang thạc sĩ, học một ngành chưa đủ, chị còn lấn sang lấy bằng hai, bằng ba…của một ngành khác, thử hỏi còn ai dám rớ. Mấy người theo chị lần lượt lấy vợ, với lời chào từ biệt:
Vợ anh không giỏi bằng em mấy,
Nhưng cũng làm anh đỡ lạnh lòng”(*)
Chị giờ đã hơn bốn mươi, ôm một đống bằng cấp, ôm cả kho kiến thức, nhất là ôm trong lòng nỗi buồn phòng đơn gối lẻ.
Duyên bắt đầu thấy sờ sợ, một nỗi sợ vô hình thường trực đeo bám cô mỗi ngày. Cái lý tưởng phải học thật giỏi bắt đầu lung lay. Học giỏi để làm gì? Khi ra trường kiếm được một công việc tốt, lương cao? Rồi sao nữa? Chẳng lẽ cứ sáng cắp ô đi tối cắp về miệt mài như thế hoài mà không có chồng? Hạnh phúc giản dị của người phụ nữ là gia đình, được làm nội tướng với tiếng bi bô con trẻ chẳng sướng hơn sao?. Đã có biết bao người phụ nữ sau khi thành đạt đến tột cùng của danh vọng tiền tài, muốn quay lại tìm kiếm một hạnh phúc đơn sơ là mái ấm gia đình, nhưng đã quá muộn để kiếm tìm, vì khi họ giật mình nhận ra, tuổi xuân thì đã trôi quá xa.
Ai không sợ ế chứ Duyên sợ. Lâu lâu lại thấy bạn trang lứa ôm bụng bầu vào lớp, bạn kia gửi thiệp mời đám cưới, có bạn thay vì cắp cặp thì đã cắp nách một con. Chà chà, đấy là chưa kể ba mẹ mình có mòi sốt ruột vì chứa bom nổ chậm trong nhà. Thời nay tình yêu trai gái coi bộ phóng khoáng dữ, nhan nhản những vụ ăn cơm trước kẻng, nhiều đứa mặc áo cưới mà cái bụng đã lùm lùm ( mừng cho nó vì bạn trai còn chịu cưới). Không được may mắn như vậy thì chuyện phá thai, ra vô khoa “kế hoạch hóa gia đình” của bệnh viện phụ sản như cơm bữa, hoặc là yêu nhau cấp tính bỏ nhau cấp tốc, làm bà mẹ đơn thân. Dù là người bất cần dư luận đến thế nào, khi “qua cơn mê”(*) cũng đều một nỗi ân hận muộn màng. Lửa tình là ngọn lửa cao thế, là “lửa gần rơm lâu ngày sẽ bén”, khó cưỡng nổi! Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần sầu(*), Duyên nghe vậy thì biết vậy, biết buồn nhiều hơn vui mà sao thiên hạ cứ nhào vô ào ào vậy cà. Duyên chưa “vào tròng” nên chưa biết, nhưng cương quyết không “hiến thân sống thử”. Thà chịu mang tiếng ế chứ không làm “động từ bất qui tắc”. Duyên con nhà lành, là cô gái ngoan, hiền lại nhát nữa, chẳng bao giờ dám vượt ngoài khuôn mẫu.
Đám bạn thân bắt đầu chiến dịch trêu Duyên rồi đây. Đứa thì đòi giới thiệu ông anh ruột. Nó ca ông anh “độc thân vui tính” hết sức nhiệt tình:
- Anh Đạt nhà tao đẹp trai nhà giàu học giỏi ve kêu. Mày mà chịu ổng là mày chuột sa hũ nếp, một bước thành chị dâu tao ngon ơ.
Đứa khác:
- Để tao làm mai mày cho bạn trai của bạn trai tao. Còn như mày không chịu, tao vẫn kiếm được người khác cho, nhưng hơi rườm rà chút, là thằng bạn trai của thằng bạn trai của thằng bạn trai tao( kiểu làm mai đa cấp), bảo đảm đủ điều kiện cho mày “thách yêu”.
Đứa khác nữa:
- Bữa nào đi chợ tình Sapa đi, tao dắt một thằng “chẳng phải anh cũng chẳng phải em”đi theo, lên đó mới bật mí cho hai đứa xáp dzô, thiệt là “loãng moạn” lắm đó. Nó tên Hữu. Chà chà, “Hữu gặp Duyên đẹp duyên hết biết, đố tình nào đẹp cỡ… Hữu Duyên “.
Có đứa triết lý, vì nó cùng hội độc thân với Duyên, nó sợ cảnh”Đừng bỏ em một mình”(*) nên tâm đắc câu:
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Ý nó là cứ từ từ, chuyện gì tới sẽ tới, không có gì phải sợ hãi. Cứ chờ bạch mã hoàng tử( như nó đang chờ) để lấy chồng cho đáng tấm chồng.
Chúng bu vào ghẹo Duyên làm cho cô nàng thẹn đến đỏ mặt. Có đứa còn chọc:
-Mày không ưng anh tao vì chê ổng già, ”chiều héo” rồi, thì ưng thằng em tao trẻ trung “sáng tươi” cũng được. “Gái hơn hai, trai hơn một”, nó thua mày hai tuổi, được đó!
Có đứa còn trịnh trọng ghi hẳn ra một danh sách dài cả trang giấy tên những chàng lính phòng không tiềm năng, đầy đủ điều kiện lọt vào tầm ngắm mà chúng nghĩ có thể cáp đôi cho Duyên càng làm Duyên tự ái. Duyên rất dị ứng với mấy trò chơi tìm bạn bốn phương hoặc mai mối, giới thiệu này nọ ghê lắm. Dưng không hai người chẳng quen biết gì nhau, phải theo sự “dẫn mối” của một kẻ thứ ba, dị òm thế ư? Làm như hết người trên thế gian này rồi sao, mà phải cần đến phương thức mối mai? Thấy Duyên giãy nảy, tụi bạn chửi Duyên ngu ơi là ngu( ờ, mấy đứa học giỏi thường ngu ngu vậy đó, chẳng biết chuyện gì ngoài chuyện học). Chúng bảo:
-Khi mày chỉ biết chúi mắt chúi mũi vào việc học, mày sẽ chẳng còn thì giờ gặp gỡ ai ngoài con chữ và con số. Tụi tao phải lôi mày ra khỏi mê cung chữ số để mày còn biết đến những con khác, cụ thể là “con trai”, cho mày bớt mê muội đầu óc đi. Bảo đảm khi mày “theo trai”rồi, mày sẽ lạc vào cơn mê đắm, đã ơi là đã!
Mặc kệ chúng thuyết phục, Duyên cương quyết không chịu. Cô nghĩ đến chuyện theo lời tụi bạn đến gặp ai đó, nếu họ mến mình mà chịu tiến tới thì không sao, rủi họ chỉ gặp một lần rồi “ một đi không trở lại” thì eo ơi, xấu hổ cái mặt quá, biết độn thổ chỗ nào. Hình như tự ái của người học giỏi nó là vậy, đâu thể “hạ giá” dễ dàng như thế được. Cơ mà làm thân con gái khổ ghê, tuổi chỉ mới đầu “hăm” mà khi nhìn thấy người khác có đôi còn Duyên “chưa có gì”, hết cha tới mẹ hỏi “có gì chưa” làm mình cũng quýnh. Cứ như anh trai Duyên kìa, đã gần ba mươi mà chẳng nghe ai giục giã, ổng suốt ngày ôm đàn hát ông ổng như bò rống, chán thì nhong nhong xách xe đi bù khú bạn bè, sướng gì đâu, mà ba mẹ có sợ anh bị ế đâu.
Thỉnh thoảng, Duyên cũng len lén soi gương xem cái bản mặt của mình vì sao mà vô duyên dữ vậy. Cũng mắt cũng mũi cũng miệng như người ta chứ xấu xí dị dạng gì cho cam. Cũng trắng da dài tóc thiếu nữ đang xuân, dù cho làn da này không mấy trơn láng bởi hàng lô lốc những cục mụn thuở dậy thì còn sót lại. Ờ mà mấy cục mụn này dai ghê, nó tạm trú trên gương mặt Duyên hơi bị lâu. Thời mười tám đôi mươi thôi chớ, năm nay Duyên đã sang “hăm” rồi thì đi chỗ khác “ở trọ”, cho người ta còn bồ bịch đặng giống thiên hạ, hà cớ gì lợi dụng cái bản mặt này cắm dùi thường trú hoài vậy. Ngày nào Duyên cũng nặn mụn để hy vọng hết mụn, mà càng nặn thì mụn càng dày, riết cái mặt sần sùi như cơm cháy. A thủ phạm là đây, cái mặt. Công nhận cái mặt đầy mụn trông xấu thiệt. Duyên lại khó gần. Tính khó gần cộng vào mặt đầy mụn như thế, bị mấy thằng con trai chê là phải. Tức mình, Duyên chửi thầm chúng là “đồ ngu như con bò”. Kiểu “ trông mặt bắt hình dong” lầm chết nha con. Chúng không hiểu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ngoài tài học giỏi Duyên còn nhiều tài khác nữa, Duyên sẽ không kể ra sớm ở đây, để khi nào làm vợ rồi nàng mới bật mí, cho “tụi ngu” kia tiếc hùi hụi chơi. Tội nghiệp Duyên, phải tự khen mình như vậy để lên dây cót tinh thần.
Nhìn quanh đám bạn, Duyên thầm ao ước phải chi mình được ngoại hình dễ coi như tụi nó. Như con Trang có lúm đồng tiền duyên hết sức, mỗi lần nó cười thì hai núm sâu xinh phải biết. Cái lúm này có trong list “mười thương” từ xửa từ xưa lận cơ, nhỏ Trang hên quá tóm được một cái, cũng như nhỏ Mai thì tóm được ”hai thương ăn nói mặn mà có duyên”, mà người ta hay nói gọn là “duyên ăn nói”, còn Duyên thì lại “ăn nói vô duyên”mới đáng tội chết. Để xem Duyên có túm được món gì trong “mười thương” không nào. Tóc đuôi gà, răng nhánh hạt huyền , cổ yếm đeo bùa… là những nét đẹp thời xa xưa rồi, chứ thời này còn ma nào dám …đeo bùa hay răng đen nữa cơ chứ. “Nếp ở khôn ngoan, con mắt có tình” thì… Duyên tự thú mình không có. Duyên vụng về nhút nhát, hễ thấy trai nhìn thì mắt cụp ngó xuống đất, lấy đâu ra tình với ý. À thì đây, “chín thương cô ở một mình”. Thì cô đây đang ở một mình nè, có “dzô xê” thì nhào vô đại đi, “lấy ai cũng vậy, lấy tui tui cám ơn”. Sốt ruột lắm rồi đây, ngày nào cũng ca bài “sầu lẻ bóng”(*) đến mỏi cả miệng.
Ba mẹ Duyên đã khá sốt ruột. Duyên thấy đứa này đứa kia chuẩn bị lên xe hoa cũng phát sốt ruột. Rồi hễ gặp người quen hỏi ”chừng nào cho uống rượu”, Duyên lại càng phát sốt phát rét. Mấy thằng con trai đã quen, đang quen và chưa quen lặn đâu mất tăm cả rồi. Học trong ngôi trường mà con gái hiếm hoi còn con trai “bội thực” như trường này, thú nhận rằng Duyên “chẳng ma nào nhìn” thì quả thực quá tàn nhẫn! “Duyên” của Duyên chừng nào mới tới, và có tới hay không? Tên là Duyên mà sao vô duyên vậy cà. Mấy đứa khác tên Thúy tên Ngọc tên Bích…mà sao lại duyên dữ thần. Đứa đào hoa, một lúc hai ba thằng theo, đứa thì vừa chia tay tháng trước, tháng sau đã có ngay người mới, đứa thì “một tình chính, chín tình phụ”(tình phụ ở đây có hai nghĩa, hiểu nghĩa nào cũng được). Còn Duyên ?
Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
( Ca dao)
Vậy thì Duyên đang còn duyên hay hết duyên? Còn, hết, hết, còn? Duyên lảm nhảm như đang đọc bùa, chỉ mong có thần tình ái Aphrodite( trong thần thoại Hy Lạp) hay Venus, Cupid/Eros gì gì đó( trong thần thoại La Mã) vào một ngày đẹp trời, bay ngang qua trong lúc Duyên đang đọc thần chú, cám cảnh “chưa ê mà sắp ế” để bắn giùm Duyên một mũi tên tình ái xem sao. Tại Duyên nóng lòng quá đi , thấy thiên hạ xung quanh có đôi có cặp thì ngượng vì còn “mình ên”, chứ độ tuổi hăm của Duyên đâu đã gọi là ế. Phải ngoài băm mới sơ sơ ế, ngoài “bó”thì hơi hơi ế, còn ngoài “nẳm”thì tạm thời ế…Chỉ khi nào “nằm lỗ” mà vẫn còn zin thì mới gọi là thực ế ( cơ mà cũng chưa chắc đâu nha, có nhiều người nguyện ở vậy nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi em …hay vì rất nhiều lý do, lý tưởng gì đấy). Duyên mới ở giai đoạn đầu của nhóm nguy cơ thôi thì chưa có gì phải phàn nàn. Duyên lại tự an ủi.
Mà thế thật. Khi đang chuẩn bị tinh thần chờ lúc ra trường ngày rộng tháng dài sẽ có cơ hội gặp nhiều đối tượng lẫn … đối tác tha hồ chọn lựa. “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là lúc này đây. Ái chà chà, người xưa dạy thế, không biết khi Duyên gặp “người trong mộng”, Duyên sẽ “xem giống” bằng cách nào ta? Còn trước mắt thì “sao em nỡ vội lấy chồng”(*), lấy quàng lấy xiên cho giống mọi người thì rất là nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nhờ vào niềm tin “mai mốt đi làm kiếm chồng”, Duyên mới an tâm vào chuyện học, không còn suy nghĩ vơ vẩn nữa. Năm thứ tư gần xong rồi.
Đùng một cái, đang trong thời gian làm luận văn thì ….Duyên được tỏ tình. Trời ạ, tưởng ai xa lạ, hóa ra là cái tên nhí nhố cùng tổ học tập với Duyên mà lúc nào nàng cũng xem như em (đã cùng lớp thì thành em ráo). Cái “thằng em” thường ngày bông phèng là vậy mà một khi hắn đã mở lời thì…nhất định nắm chặt không buông, dù Duyên có phản đối kịch liệt cỡ nào. Trời ơi( lại than trời), trúng ai không trúng( trúng mấy tên đàn anh lớp trên kia kìa) sao lại trúng ngay cái tên “thằng em” cùng lớp! Công nhận hắn kín tiếng ghê, để ý Duyên ngay từ năm thứ nhất (sau này thú tội) mà Duyên chẳng hề hay biết, hồn nhiên xem hắn như “em nhỏ” trong nhà. Thì bây giờ là lúc “trong cùng một nhà” thật rồi. Hóa ra Duyên đâu đến nỗi vô duyên, Duyên có duyên lắm chứ.
Với cái kết có hậu, chưa đến nỗi phải “băm”, Duyên lên xe bông trong độ tuổi còn “hăm”, cái tuổi vừa đủ độ chín se tơ kết tóc, không sớm không trễ.
Hú hồn, người ta thoát nghèo, còn Duyên, thoát ế!
02/11/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
(*) Nguyên văn:
Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không đẹp bằng em mấy
Nhưng cũng làm anh đỡ lạnh lòng
(Khuyết danh)
(*)Bài hát: Buồn trong kỷ niệm.Tác giả : Trúc Phương
(*)Bài hát: Sao em nỡ vội lấy chồng.Tác giả: Trần Tiến
(*)Bài hát : Sầu lẻ bóng. Tác giả : Anh Bằng
(*)Bài hát : Qua cơn mê. Tác giả: Nhật Ngân
(*) Bài hát: Đừng bỏ em một mình. Thơ: Minh Đức Hoài Trinh. Nhạc Phạm Duy.