10/9/2016
Và sau 9 ngày rong chơi, chúng tôi lại tiếp tục lang thang trở về nơi xuất phát, tuy thế vẫn còn chút thời gian cho Myanmar hiền hòa, xinh đẹp. Theo dự kiến, chúng tôi sẽ đi thẳng 1 lèo gần 700km về Yangon. Đầu tiên là đoạn quốc lộ nhỏ từ Old Bagan đến điểm nối đường cao tốc Yangon-Mandalay, tại đây Sư Hoài sẽ chia tay chúng tôi để trở về Kalaw, vì hạn định 7 ngày trong mùa An Cư Kiết Hạ, và vì hôm nay đúng ngày Rằm, Sư phải có mặt ở chùa để làm Phật sự! Bác tài Maulash đã đến đón Sư từ 9h, lâu ngày không gặp, Maulash vẫn chẳng thay đổi, một anh chàng Ấn Độ Hồi giáo rất hiền hậu và dễ thương!
Tất cả chúng tôi cùng xuống xe, giây phút chia tay nào cũng nhiều quyến luyến, kể cả khi những em cháu chỉ là mới quen, nhưng sau thời gian ngắn ngủi, một tình cảm thiêng liêng không biết đã hình thành từ lúc nào, khiến mọi người chợt thấy cảm động đến rưng rưng! Tôi quì xuống lạy Sư 3 lạy, mọi người cũng bất giác làm theo, lúc này trong tôi đang có một xúc động dâng trào, bởi tình cảm giữa 2 người bạn đồng môn, cùng lòng quí trọng dành cho Sư, đan xen thành 1 trạng thái thật là khó tả. Có lẽ bởi vì tôi biết sắp bỏ bạn mình ở lại, người sẽ trở về chốn xa xôi trên cao kia, bỏ lại sau lưng nhiều thứ, để tiếp tục cuộc hành trình tìm điều minh triết!
Ngày Sư vừa xuất gia, tôi vẫn còn bở ngở trong xưng hô, khi là Sư, khi là ông Hoài. Chào Sư tôi chỉ đơn giản chấp tay xá như khi gặp các Sư thầy khác. Rồi anh em nói chuyện vui về những ngày còn đi học, về những sự kiện thời sự, những vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày. Tuyệt nhiên chẳng khi nào Sư nói về giáo lý, về Phật pháp, hay dẫn dụ rằng Phật nói thế này, Phật dạy thế kia…Chỉ khi nào tôi có thắc mắc nhỏ về 1 cái gì đó liên quan chuyện tu hành, thì Sư mới giải thích. Chẳng hạn như Si Ma Kiết Giới là gì, Lễ Dâng Y có ý nghĩa ra sao…? Gần Sư tôi chẳng thấy “nặng nề” về những gì liên quan đến Phật, mọi thứ đều nhẹ nhàng như không khí, như tiếng cười của 2 bạn già ngồi nhắc chuyện đời xưa!
Tháng 11 năm 2014, tôi trở qua Myanmar lần thứ 2, sau 15 ngày sống trong Thiền viện với Sư, chúng tôi cùng trở về Việt Nam. Tối ngày 15-11năm đó, chúng tôi sẽ rời Kalaw để xuống Yangon rồi bay về Sài gòn. Buổi chiều trong khi Sư ve vuốt giã biệt con Nickey thì đột nhiên 2 chị bếp bước vội ra quì sụp xuống lạy Sư 3 lạy, tuy tôi biết đó là nghi thức chào từ giã, nhưng tôi thấy thật bất ngờ, cái bất ngờ làm mình cảm động, vì cách thể hiện cái tình nghĩa của 2 chị bếp người Miến dành cho vị Sư Việt, đã gây cho tôi một cảm xúc đến rưng rưng!
Và bây giờ cũng thế, khi xe Sư chuyển bánh, tôi nhẹ đưa tay vuốt lấy giọt nước mắt chực trào!
Tôi đã về tới Sài gòn vào chiều ngày 18-8-2016, phần vì mệt, phần vì trận động đất bất ngờ trên đất Miến, xảy ra ngay trên kinh đô Bagan, khiến tôi cũng "bất ngờ" mà không viết tiếp đoạn cuối của chuyến đi. Hôm nay, để cho có đầu có đuôi, tôi xin được kể tiếp cuộc hành trình thú vị này. Mời các bạn xem chơi.
Myanmar 2016, ngày 17-8-2016.
9 ngày qua thật mau kể từ lúc đáp xuống sân bay quốc tế Yangon, ngoài tôi và Sư Hoài, tất cả các thành viên còn lại đã trãi qua nhiều cung bậc cảm xúc khi đến đất nước xa lạ này, tôi chắc chắn là thế. Ngay ngày đầu khi không quen với luật tục “chân không” vào các đền chùa Miến Điện, một số cảm thấy không thoải mái, rồi thời tiết không thuận lợi khiến việc thăm chùa Shwedagon kém thú vị trong cơn mưa, may có chợ đá quí Bogyok gây chút hứng thú cho quí vị phụ nữ thích làm đẹp và mê shopping, nhưng chỉ thoáng qua để bắt đầu chuyến hành hương về phương Bắc. Tôi gọi hành hương chắc cũng không quá đáng, bởi các điểm dừng đều là những nơi có đền chùa cổ kính, với tuổi đời hàng nghìn năm như thánh địa Indein ở hồ Inle, cố đô Mandalay, kinh đô Bagan…
Vậy rồi cũng nhanh chóng phôi pha để bắt đầu những xúc động, những cảm giác thú vị khi đến Thiền Viện Shwe Oo Min Dhamadayada, cùng sau đó là những ngày rong chơi qua những vùng, miền và địa điểm lý thú. Sư Hoài vốn đã quá quen thuộc với những nơi vừa đi qua, theo tôi quen thuộc đến “nhão nhề”, vậy mà cũng mang thân “Sãi già” lặng lội theo từng bước chân của những em, cháu đến từ quê hương! Nhiều khi tôi tự hỏi sao Sư lại chịu cực khổ như thế? Hỏi chỉ để hỏi thôi chứ không thể trả lời cũng như không muốn trả lời, bởi chẳng cần thiết, vì sự thương mến và quí trọng mới là điều quan trọng, đã đến với mọi người theo từng ngày giờ trôi qua, theo từng chốn, nơi chúng tôi đến!
Lên đỉnh Kyaiktiyo, trong một buổi sáng mưa mù, sương gió, Sư lặng lẽ dẫn bước mọi người rồi lặng lẽ đứng nhìn họ lễ bái nơi đá thiêng…Trời thì lạnh bởi độ cao kèm sương mù, mưa gió, với chúng tôi chỉ có cảnh lạ cùng với cảm giác mình vừa đến được nơi đặc biệt trên đất Miến, khiến lòng thấy thú vị mà quên đi sự đỏng đảnh khó chịu của tiết trời; còn với Sư, ngoài chút ý kiến về “tệ nạn” ôm bát xin tiền bá tánh của các sư sãi thấp thoáng trong sương, thì vẫn nụ cười nhẹ nhìn cảnh vật quá quen thuộc mà không thấy chút …cực khổ nào! Và cứ thế, vẫn lặng lẽ bước đi qua những đền tháp quen thuộc, từ Pindaya đến Mandalay, từ Monywa đến Bagan… thỉnh thoảng giải thích vài thắc mắc cho mọi người về các tập tục, văn hóa bản địa, rồi pha trò với những câu chuyện nhỏ, hoặc mua mấy trái cây ngon, bánh lạ mời mọi người thưởng thức…
Mong Phước Minh
(còn tiếp)