|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Ngậm ngùi nỗi nhớ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
19/8/2018
NGẬM NGÙI NỖI NHỚ
- Nhã Giang- Thu Tâm -
|
NGẬM NGÙI NỖI NHỚ
Ngày họp mặt ngắn ngủi đã qua cả tuần lễ mà dư âm vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi, buổi họp mặt mang về hình ảnh một thuở đã trôi vào dĩ vãng xa vời… Đã mấy ngày qua đi sao bao nhiêu hình ảnh cứ hoài lảng vảng cho tôi cảm xúc bồi hồi…
Pleiku, phố núi Cao nguyên ngày xưa của chúng tôi có rất nhiều điều để người dẫu đã xa rời vẫn không thể nào quên. Nơi đây quanh năm bầu trời luôn xà thấp xuống như với tay lên là đụng được. Pleiku có làn mây xám mơ màng lãng đãng bay lượn nhẹ nhàng như khơi gợi những vần thơ cho thi nhân. Mỗi buổi sớm mai Pleiku được màn sương trắng dầy đục phủ trên rừng cây lá hoang dại, bao quanh đồi núi chập chùng rộng lớn và che mờ cả đường đi. Tôi rất thích lang thang vào khu rừng nhỏ gần nhà, qua khỏi khu nhà sàn của người thiểu số sẽ được nghe đâu đó tiếng suối róc rách hòa lẫn tiếng chim kêu. Thành phố có lắm con dốc nhỏ quanh co lên xuống níu chân bộ hành.
Thời tiết Pleiku chỉ có hai mùa, mưa và nắng rõ rệt, mà mùa nào cũng có những điều khác hẳn các thành phố Cao nguyên khác như Đà Lạt, Kontum... Vào tháng Tư đã nắng cháy rin rít thịt da. Đặc biệt ở nơi đây là làn đất đỏ ... rất khó ưa. Mùa này, du khách sẽ ngán ngẩm vì được chào đón bằng những làn bụi mịt mù che trời đất, len cả vào mắt mũi đầu tóc đến là khó chịu. Cả thành phố từ hàng cây xanh thắm, đến các mái nhà, xe cộ, đồ vật... đều được phủ lên trên một màu đỏ trông thật hoang dại. Vậy mà từ tháng Sáu trở đi đến cuối năm sẽ là thời gian cho những trận mưa rừng tha hồ hoành hành. Nhất là tháng Bảy thì mưa dầm có khi đến mấy ngày không tạnh, nước trên thượng nguồn đổ xuống tràn ngập khiến bọn trẻ chúng tôi tha hồ lội nghịch. Tuy thế, đối với những nữ sinh Trung Học có đôi tà áo trắng sẽ không còn thướt tha xinh đẹp được nữa, sẽ luôn khổ sở vì không ai thoát khỏi bị lấm lem, bê bết vết bùn... Đã vậy có hôm đến trường mà dép guốc đứt cả quai, bởi đất đỏ khi gặp nước sẽ trở thành dẻo quánh dính chặt rất nặng mỗi bước chân đi. Cuối năm đến gần Tết Âm lịch thì gió lốc ở đâu kéo về, từng cụm cuốn cao xoay xoay di chuyển không biết đâu mà tránh. Pleiku được mang biệt danh là: "Nắng bụi mưa bùn" ngày xưa đã cho chúng tôi nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt như thế đó, làm sao quên được!
Trong thành phố, rải rác trên các con đường lớn nhỏ là quán cà phê, quán ăn với những tên gọi đặc biêt không nơi nào có được. Nơi đây, mỗi sáng mỗi chiều khói tỏa bên bếp nóng, là tụ điểm sưởi ấm tâm hồn cho khách phương xa hay dân địa phương muốn tìm không khí của bạn bè, là nơi có thể làm no lòng ấm dạ khi ngoài trời gió lạnh mưa dầm giăng mắc…Và có lẽ cũng là nơi cho các chàng lính trẻ đến nhâm nhi sau mỗi cuộc hành quân gian khổ….
Những ngày tháng tao loạn, nhiều thi sĩ đã từng sống, từng làm việc ở đây đã viết về Pleiku, mỗi người mỗi sắc thái một biểu hiện tâm cảm, họ đã góp phần phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam. Những vần thơ trác tuyệt được các thi sĩ sáng tác trong phút giây tâm hồn hòa quyện với thiên nhiên được phổ thành ca khúc đã phổ biến khắp nơi, mang đến cho người thưởng thức nhiều hương vị mới.
Biết bao nhà văn tên tuổi như Nguyễn Xuân Thiệp, Võ Ý, Cao Thoại Châu, Hoàng Khởi Phong… Nhà thơ Kim Tuấn, Vũ hữu Định, Lâm bảo Dũng, Nguyễn Bắc Sơn … mang cảm xúc viết thành lời và từ đó tất cả mọi người ở khắp nơi đã biết đến phố núi hoang sơ này qua những bài hát, lời thơ óng ả… Mà trong số đó tôi nhớ nhất bài :”Còn Chút Gì Để Nhớ” của Vũ H. Định đã được bàn tay điêu luyện của Nhạc sĩ PD phổ thành nhạc khúc vang danh, bay xa khắp trời… và người dân phố núi như đã được thơm lây.
“Phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương…
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên…”
Thành phố Pleiku ngoài sự lãng mạn thơ mộng ra còn được mệnh danh là “Thành phố lính”, bởi sự hiện diện hầu hết các màu áo quân phục, chỉ thiếu Hải quân vì ai cũng biết Thủy quân mà sống trên núi thì làm sao có thể vùng vẫy được! Tôi và đa số các bạn lại được sống và trưởng thành trong đại gia đình quân nhân từ bé nên luôn yêu quý những bộ quân phục, tôn kính những người lính VNCH. Trong lòng chúng tôi, riêng những học sinh đã từng một thời gắn bó dưới các mái trường của thành phố Pleiku, lòng biết ơn không những ở công lao dạy dỗ của Thầy Cô mà còn đối với sự hy sinh xương máu của người lính VNCH vì đã giữ cho chúng tôi được sự yên ổn để ngày ngày cắp sách đến trường lớp.
Với lời thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định, tôi phải xin phép tác giả để đổi lại thành:
“ Xin cảm ơn thành phố có anh
Xin cảm ơn người lính Cộng Hòa…”
Vâng, chúng tôi xin cảm ơn các anh, người lính Việt Nam Cộng Hòa.
Pleiku ơi! Thành phố Cao nguyên heo hút nhỏ xíu mà sao đầy sức quyến rũ, có phải bụi đỏ nơi đây đã như keo sơn dính quyện vào hồn người để lại giấu vết khó phai nhạt! Một thành phố miền núi bé nhỏ chỉ cần một vài phút loanh quanh đã đi hết vòng nên khiến mọi người thêm gần gũi nhau và tình thêm trĩu nặng khi rời xa, một lần nhắc đến là một lần gây nhung nhớ bâng khuâng. Nếu phai nhạt thì chắc đã không có những lần Đại Hội, những dịp hội ngộ của học sinh cùng người dân phố núi như mấy chục năm nay, mà lần nào cũng đông đảo khách tham dự từ Thầy Cô, học sinh đến các thân hữu từ khắp nẻo xa xôi đổ về, và nhất là có các anh khoác cả đồ lính trận đi dự như thầm hãnh diễn màu áo mình đã từng mang. Dù trải qua năm tháng tội tù, sự khổ ải làm hao mòn tinh thần cùng thân thể, nhưng các anh có biết tình cảm của người hậu phương chúng tôi vẫn luôn dành cho các anh phần trang trọng nhất trong tâm tư?
Bởi thế trong đám nữ sinh chúng tôi đã biết bao nhiêu người hân hoan chấp nhận làm vợ lính, dù đã biết trước về làm dâu người lính nghèo “Tiền lính tính liền” đã khổ lại luôn có rủi ro rình rập trên bước hành quân của các anh. Những tà áo dài ngày nào quấn quýt bước chinh nhân, theo gót chàng suốt thời binh lửa đến sau ngày quê hương tan tác, lại cùng chồng trải qua năm tháng vất vả gian lao qua bao nhiêu địa danh, rừng sâu núi thẳm, chấp nhận sống với cảnh chàng bị giam cầm trong nhà tù nhỏ còn em cùng đám con thơ lạc lõng nơi nhà tù lớn … Thời gian đợi chờ trong vô vọng dài như thiên thu, nhưng chắc đa số chị em vẫn bôn ba chạy ngược chạy xuôi vừa nuôi chồng con vừa thầm hát câu: “ Ngày anh xa vắng em không trang điểm đợi chờ..”, lời của bài hát “Xa Vắng” do nhạc sĩ Y Vân sáng tác, như tôi đã từng … Thế đấy, tình người hậu phương với lính keo sơn gắn bó là bao!
Cho đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm dời đổi tôi vẫn không hề một lần hối tiếc, dù cho:
“Má hồng một kiếp truân chuyên
Vì chàng nhận đắng, lãng quên riêng mình
Nhìn con thơ dại, nhớ hình
Chàng đi để lại khối tình thiên thu…”
NG. Thu Tâm
Từng chuyến đi dự mỗi hai năm một lần, là từng cảm xúc có đôi chút khác biệt trong tôi. Cũng những khuôn mặt thân quen xưa, Thầy Cô, bạn học và thân hữu… Cả những người mới gặp lần đầu cũng vẫn thấy thân thiết bởi tên gọi PLEIKU. Quanh quẩn có bấy nhiêu chỉ vài trăm người và nội dung đã biết sẵn không thay đổi mấy so với các kỳ trước. Tuy thế trước khi đi vẫn cứ nôn nao bồn chồn như cái hẹn hò đầu đời thời con gái. Con tim vẫn hồi hộp làm đêm thao thức khó ngủ. Sao thế nhỉ, có ai giải thích nổi không? Lần này cũng không ngoại lệ, chuẩn bị thật lâu, gặp nhau tay bắt mặt mừng, xôn xao một vài giờ ngắn ngủi rồi ai nấy trở lại với đời sống thường nhật, kẻ ra phi trường người đến bến xe đò về nơi sinh sống thường nhật. Người đi cảm thấy chênh vênh nỗi nuối tiếc và người ở lại như có gì hụt hẫng bàng hòang… Trước khi chia tay, lời hẹn hò được nhắc nhở trên môi mỗi người, ước mong đừng ai vắng mặt bỏ cuộc chơi.
Với bản tính dễ xúc động, sợ để lộ sẽ làm cho không khí bớt vui dù giòng nước mắt chỉ muốn trào ra khi chợt nhận thấy mái tóc của Thầy Cô mình ngày càng trắng hơn, dáng đi dù cố gắng lắm cũng không giấu được vẻ chậm chạp lom khom! Ánh mắt thì tuy như đang cười tươi mà chen lẫn sự mệt mỏi. Giọng nói Thầy Cô ai cũng trầm đục hơn rất nhiều. Tôi ngẩn ngơ khi câu tự hỏi thầm vang lên trong đầu..“không biết lần sau sẽ ra sao, còn được bao nhiêu lần họp mặt và có đủ được số Thầy Cô như hôm nay...?” Tôi chớp mắt vội quay đi !
PLEIKU TÌNH MÃI CÒN VƯƠNG
Pleiku ơi, nói làm sao cho hết
Trong tim tôi còn nặng mãi chữ tình
Nhớ Pleiku thuở ấy, nắng lung linh
Chiều gió bụi mịt mù tung đất đỏ
Mưa dầm dề lối về trơn dốc đổ
Áo học trò lem luốc hết kiêu sa
Phố núi cao, rừng xanh thắm, vàng hoa
Đường đến lớp, gió Đông len buốt giá
Nửa thế kỷ, trôi vèo sao nhanh quá
Nay thầy trò nhắc nhớ, chợt nao nao
Mái đầu nào cũng tiêu muối lao xao
Đôi mắt mỏi thời gian đầy vết chém
Thoáng nhìn nhau ánh vui, câu gói ghém
Hỏi thăm chi khi lời nghẹn mất rồi!
Ôm vai Cô, bao quanh chỗ Thầy ngồi
Lòng rộn rã thèm tuổi thơ nũng nịu
Nhìn lại mình, bỗng như trời nắng dịu
Thời gian đâu chờ đợi hẳn một ai!
Chỉ mong sao còn nhau mãi, một mai
Cho cuộc hẹn không bao giờ chấm dứt…
Nhã Giang - Thu Tâm
Đầu Tháng 8 -2018
Thân kính gởi tặng quý Thầy Cô và các bạn Pleiku.
( Trang Phố núi Pleiku)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063716 visitors (3179841 hits) |