16/4/2016
Những Phụ Nữ Anh Phi Thường Khác
Nguyễn thị Kim Thu
|
Trong 2 bài trước, chúng ta thấy có những phụ nữ Anh không sợ chết đã vượt đại dương bằng cách chèo ghe, hay bay xuyên qua các đại lục bằng máy bay chuồn-chuồn. Hôm nay độc giả sẽ biết có những phụ nữ gan dạ khác dùng mọi phương tiện khác như đi bộ, đạp xe đạp, cỡi ngựa hay lạc đà, khinh khí cầu, v.v. để thám hiểm thế giới, nơi chưa từng có vết chân của người Âu Mỹ.
1. Công Nương Hester Stanhope (1776-1839), sinh trong gia đình quí tộc, rất giàu có, là cháu của Thủ Tướng Anh. Thời thơ ấu bà sống trong Dinh Thủ Tướng ở Downing Street. Bà là phụ nữ phương Tây đầu tiên đi xuyên qua sa mạc Syrian Desert, và cuộc thám hiểm khảo cổ ở Ashkelon năm 1815 được xem như là cuộc khai quật tân tiến nhất trong lịch sử ngành khảo cổ vùng Thánh Địa Holy Land. Bà ăn mặc như đàn ông, và đeo vào lưng quần một dao găm Albany nạm kim cương. Bà được mệnh danh là “Nữ Hoàng Sa Mạc” (Queen of the Desert). Năm 32 tuổi, buồn vì mối tình bất thành, bà đi du lịch. Trên hải trình đến Ai Cập, tàu bà bị đắm ở đảo Rhode (Hy Lạp), mất hết hành lý. Địa phương cho bà mượn y phục Thổ Nhĩ Kỳ, để tránh bịt mặt như phụ nữ Hồi giáo, bà ăn bận y phục đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Khi được tàu vớt chở tới Cairo Ai Cập, bà bận y phục Ai Cập, áo choàng tím, quần thêu có tua, mặc áo gió, cỡi ngựa và mang gươm cong. Từ Cairo, bà đi tàu và cỡi ngựa đến Trung Đông. Trong hai năm bà đến Gibralta, Malta, đảo Ionian, Peloponnese, Athens, Constantinople, Rhodes, Ai Cập, Palestine, Lebanon và Syria.
.
Hester Stanhope
Vào thời này, đồn rằng tại thành phố Ashkelon ở Syria có một ngôi đền cổ hoang phế cả 600 năm có chôn một kho tàng chứa trên 3 triệu đồng tiền vàng. Bà có phó bảng bản đồ vị trí ngôi đền hoang phế này, vì vậy năm 1815 bà lên đường cùng đoàn tùy tùng đi tìm kho tàng này. Bà điều đình với vị lãnh chúa thành phố cho bà được phép khai quật, và đây là cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên trên vùng đất Palestine. Bà không tìm được kho tàng, mà chỉ tìm được một tượng đá không đầu cao 2,1m. Bà thất vọng bèn ra lệnh đập tượng và quăng xuống biển.
Một câu nói để đời của bà “Không có gì làm tôi sợ. Tôi là mặt trời, là vì sao, là hòn ngọc, là ánh sáng từ thiên đàng”. Đúng là phụ nữ ngang tàng, coi trời bằng vung.
2. Mary Henrietta Kingsley (1862-1900) là nhà văn và nhà thám hiểm Miền Tây Phi Châu. Nhờ bà, mà Tây Phương biết đến phong tục văn hóa Châu Phi. Bà chèo ghe ngược sông Ogooué River, rồi leo lên đính núi Mount Cameroon cao 4040 m (13.255ft) bằng một con đường mà chưa có người nào đặt chân đi.
Vào thời này, Phi Châu là vùng đầy hiểm nguy ngay cho đàn ông chứ đừng nói là đàn bà. Bà đi một mình, không một đàn ông theo hộ vệ. Từ đảo Canary Island (thuộc Tây Ban Nha) ở bờ Tây Phi Châu, bà đổ bộ lên Sierra Leone ngày 17/8/1893, và tiếp tục đến Luanda của Angola. Ở đây bà sống trong bộ lạc, được dân chỉ dẫn cách sống trong rừng bằng cách hái trái cây rừng, đào củ và săn bắn. Trong thời gian ở đây, bà thường một mình thám hiểm trong rừng sâu. Bà trở về Anh tháng 12/1893, và trở lại Phi Châu ngày 23/12/1894. Trong thời gian này bà nghiên cứu và viết về phong tục, tập quán của từng bộ lạc, từng vùng ở Phi Châu. Thế giới Phương Tây lúc này mới biết tục giết trẻ sanh đôi và người mẹ vì cho là quỹ ám vào người mẹ. Bà trở về Anh tháng 11/1895.
Bà chết ngày 3/6/1900 vì bịnh thương hàn tại Cape Town, Nam Phi, khi bà tình nguyện làm y tá chửa trị bịnh cho tù nhân Boer trong chiến tranh Boer War ở Nam Phi. Theo ước nguyện, quan tài bà được chôn vào lòng đại dương ngoài biển khơi.
Mary Henrietta Kingsley
3. Gertrude Bell (1868-1926) là phụ nữ Anh đầu tiên tốt nghiệp hạng nhất về Lịch Sử Cận Đại tại Đại Học Oxford, đại học này vào thời đó có truyền thống hạn chế phái nữ học về Sử. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên về ngành khảo cổ, kiến trúc và ngoại ngữ vùng Á Đông. Bà là nhà văn, nhà thám hiểm, chuyên gia chính trị, nhà lãnh đạo, nhà khảo cổ. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên phụ trách tình báo trong Quân Dội Hoàng Gia Anh và trong ngành ngoại giao. Bà thường đi thám hiểm một mình ở những vùng xa xôi ở Trung Đông và là người có công trong việc thành hình nước Iraq tân tiến, vì bà làm tham vấn cho chính phủ Anh về mọi chính sách phát triển Iraq.
Gertrude Bell
4. Freya Stark (1893-1993) là nhà thám hiểm và nhà văn viết trên 2 tá sách. Bà sống ở Baghdad, và thường đi thám hiểm các vùng xa xôi trong thế giới Hồi Giáo, những vùng chưa có ghi trong bản đồ. Bà đi bộ, hoặc cỡi lừa, lạc đà hay lái xe hơi. Chính tay bà vẻ bản đồ của cả vùng rộng lớn bà đi qua rất chính xác.
Freya Stark
5. Grace Marguerite, Lady Hay Drummond-Hay (1895-1946), là nhà báo. Bà là phụ nữ đầu tiên du hành quanh thế giới bằng khinh khí cầu năm 1929. Bà làm phóng viên chiến trường trong đệ nhị Thế Chiến và từng bị quân đội Nhật bắt nhốt ở Phi Luật Tân.
Công nương Hay Drummond-Hay
6. Marion Barbara "Joe" Carstairs (1900-1993) là phụ nữ Anh đầu tiên thắng giải đua ghe gắn động cơ mạnh năm 1926. Bà say mê với động cơ, máy móc, thích lái xe chạy vận tốc cao, thích thám hiểm, lúc nào cũng mặc quần áo đàn ông lộ cánh tay xâm hình. Năm 34 tuổi, bà được chọn làm thống đốc một hòn đảo nhỏ mang tên Whale Cay ở Bahamas.
Marion Barbara "Joe" Carstairs
7. Helen Sharman là nữ phi hành gia vũ trụ đầu tiên của Anh năm 1991, và là phụ nữ đầu tiên của thế giới đến thăm trạm không gian Mir.
Helen Sharman
8. Dee Caffari là phụ nữ đầu tiên dùng thuyền buồm đi vòng quanh thế giới năm 2009.
Dee Caffari
9. Rosie Swale-Pope chạy malathon vòng quanh thế giới trong suốt 5 năm, dùng thuyền buồm nhỏ, chỉ dài 5,1 m, chạy qua Đại Tây Dương, và cỡi ngựa thám hiểm trên đoạn đường rừng núi dài 5.100 km ở Chile Nam Mỹ. Bà cũng là một nhà văn nổi tiếng.
Rosie Swale-Pope
10. Ellen MacArthur thắng đua ghe vòng quanh thế giới trong giải đua Vendée Globe năm 2000. Trước đó bà cũng thắng giải đua ghe một mình qua Đại Tây Dương từ Anh đến Hoa Kỳ, rồi lại thắng giải đua từ Pháp đến quần đảo Caribbean năm 2002.
Ellen MacArthur
11. Judy Leden 3 lần giữ vô địch thế giới, 2 về môn lướt diều (hang gliding) và 1 lần về lướt dù (paragliding). Năm 1989, bà là phụ nữ đầu tiên thế giới bay qua biển Manche (English Channel, biển giữa Anh và Pháp) bằng lướt diều thả từ một khinh khí cầu ở độ cao 3900 m
Judy Leden
12. Ann Daniels cùng với Caroline Hamilton là hai phụ nữ đầu tiên của thế giới phá kỷ lục thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực. Năm 2009, Ann Daniels hướng dẫn một đoàn thám hiểm đi tìm một lộ trình an toàn qua băng giá vùng cực.
Ann Daniels
13. Maria Leijerstam thắng giải nhất thế giới trong cuộc đua xe đạp trên lộ trình dài 850 km đến Nam Cực chỉ trong 10 ngày.
Maria Leijerstam
Reading, 4/2016