19/6/2016
Ngày của Cha, 19/06/2016, ngày nào trong tâm trí mình cũng có ít nhiều hình bóng của người cha mẫu mực, nhân từ, hiếu thảo, tận tụy với gia đình, học trò, đồng nghiệp, bà con gần xa. Cuộc đời Ba hy sinh nhiều, từ chối sự nghiệp thăng tiến để nuôi bầy con 10 đứa bay xa gần. Post lại bài viết của chị Hiếu Thảo về cha mình.
Lê Hiếu Hữu ( NLS- HUẾ)
Bài viết của chị mình về Ba mình, một người cha, một người thầy, một hướng đạo sinh mẫu mực nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất .
BA TÔI
( Viết nhân ngày Giỗ thứ 20 của Ba, người Thầy và người Cha kính yêu)
Ba tôi, Lê Hiếu Kính (tên ở nhà là Hiếu), quê Văn Xá, Hương Văn, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, nhưng gắn bó với Quảng Bình, quê mẹ từ thuở lọt lòng.
Ông nội tôi dạy học, có biết nghề thuốc học từ Cố tôi. Ông nội rất có hiếu với cha mẹ, cả 100 bức thư viết lúc dạy ở xa gởi về cho cha mẹ đều có dòng: “ Kính bái- con bất hiếu”.
Bà nội tôi là một phụ nữ diụ dàng, nhân ái, có một vẻ mong manh yếu đuối. Chính tay bà đã đi cưới vợ hai cho ông tôi. Bà thích đọc truyện “ Tam quốc chí” của Tàu. Khi ông dạy xa chưa về, bà có làm bài thơ “ Trông chồng”:
“ Ngồi tự ban mai đến tối mò
Trông chồng chẳng thấy, mặt buồn xo
Năm canh gối phượng mê rồi tỉnh
Sáu khắc mền loan duỗi lại co.”
Bà nội tôi thương con cháu lắm, mỗi lần về làng, anh em tôi đều giành ngủ với bà để được bà vừa mân mê trên đầu, trên lưng vừa kể chuyện cổ tích cho nghe. Năm 1947, Ông và ba tôi đang dạy học bỗng bị mất việc vì tình hình chiến sự căng thẳng, gia đình 12 miệng ăn phải trãi qua mấy tháng trời thiếu đói vì không có lương tiền, Pháp đổ bộ về làng, vơ vét mọi thứ, trong nhà không còn gì, bà con giúp khoai sắn sống qua ngày. Có hôm mượn được gạo, bà tôi giả vờ đau bụng để nhường cơm cho cha mẹ chồng. Nhiều năm dài , bà thương nhớ o tôi ở Hà Tĩnh, o Đốc Kính (o Đốc) theo chồng khi mới 16 tuổi. Đến năm 1955 bà tôi mới ra được Bắc thăm o, khi vô càng thương nhớ âu sầu vì o rất nghèo, có khi đi đỡ đẻ về, đói bụng , bổ té giữa đường, con cái thì buổi đi học, buổi lao động. O mất đến 3 người con vì không có sữa cho con bú. Thương con cháu qúa, đêm nào bà cũng không thao thức ngủ được, mất ngủ triền miên, sau phải uống rượu để quên, để ngủ, đến nỗi mất 3 năm sau đó vì bệnh ung thư cuống họng.
Ông nội tôi theo nghề giáo, gia cảnh thanh bạch. Khi vào trung học , hàng ngày ba tôi phải dậy sớm từ 4 giờ sáng , bới theo mo cơm với muối mè qua Huế học. Đường xa hơn 13 km, ba tôi đi bộ suốt mấy năm trường. Trưa lang thang ở Phu Văn Lâu, ăn vội cơm nguội muối mè, đến 5 giờ chiều trường bãi, ba tôi lại cuốc bộ về làng thì trời đã tối mịt. Đi học xa như vậy mà chỉ có một bộ áo quần dã sờn. Trời mưa xứ Huế lạnh lẽo, trên đường xa vạn dặm, Ba tôi khoác chiếc áo tơi bằng rơm lầm lũi đi trong mưa gió mịt mù. Tối về lo hong bộ áo quần để mai còn tiếp tục đi học. Bà nội tôi thương con , cứ ao ước : “ Đến khi mô Hiếu mình mới có bộ áo quần mới mà đi học?”. Nhờ chăm chỉ, cần cù , miệt mài thức khuya dậy sớm mà sau này ba tôi mới được làm thầy giáo. Ngoài Ba tôi, các o chú cũng theo nếp nhà. O Tin Kính (o Tê) đoan trang, chú Nghiêm Kính (chú Bính) tài hoa đều đi dạy. Riêng o Thành Kính (o Thành) sầu não thì bỏ dạy nửa chừng, dang dở như cuộc hôn nhân tồi tệ nửa chừng dở dang của o. O Tôn Kính (o Hồng) xinh đẹp đang học Đại học Văn Khoa thì sớm “theo chồng bỏ cuộc chơi”. O có vẻ đẹp rất Huế, mái tóc dài óng ả đen mượt chảy dài xuống bờ eo thon, đến khi o cắt mái tóc thì để uốn tóc, nhiều chàng trai đã tiếc ngẩn ngơ.
Ba tôi lập gia đình năm 1948. Mạ tôi về làm dâu vất vả vô cùng. Nhà đông, có khi 25 người. Ông nội tôi đem con cái của những gia đình đã từng giúp cho ông lúc thiếu đói qua Huế học. Mạ tôi phải đi chợ Đông Ba hàng ngày, ba tôi dặn khi về phải đi xích lô nhưng mạ tôi tiếc tiền, đội một cái thúng nặng trịch trên đầu, gần về đến nhà thì nách ngang hông. Cơm mỗi bữa nấu hai nồi to, luộc 10 bó rau muống, kho một trách cá khô, rang một chảo lớn mè, ai vô thấy mạ tôi rửa chén bát, cứ tưởng nhà có kỵ. Nhiều bữa mạ tôi nhịn đói vì đàn bà ăn sau, cơm hết, mạ tôi mệt quá nên nhịn đói luôn. Ba mạ tôi mới cưới nhau mà không khi nào được ngồi ăn cùng một mâm. Ban đầu, mạ tôi còn phải đi gánh nước giếng, bị người ta la khuya khoắt không cho họ ngủ. Ông và ba tôi mặc áo quần Tây trắng đi dạy, ngày nào cũng bị dính sên xe đạp, Mạ giặt rất cực. Khi sinh hai anh em tôi, Mạ không có đủ sữa, chúng tôi quấy khóc đêm, Ba Mạ phải thay nhau vác con lên vai, đi đi lại lại gần suốt đêm kẻo sợ con khóc, ông bà nội không ngủ được.
Em tôi thường nói : “ Mạ là doanh nhân chân đất” vì thời con gái mạ tôi đi chân đất gánh gạo từ làng này qua làng khác bán. Có lẽ do mưa nắng của thời tiết và nắng mưa của cuộc đời mà sau này mạ tôi đau lưng nhức chân lắm. Đêm nào các anh em cũng đấm lưng xoa chân cho mạ bớt đau, có lúc phải đi dẫm chân trên lưng cho bớt đau. Chân Mạ thì nứt nẻ và bị chai rất nhiều.
Đối với chúng tôi, Ba là người cha vĩ đại của các con. Đi dạy về là lo chăm sóc cho 10 đứa con, thức khuya dậy sớm vì con. Đêm nào Ba cũng ngồi viết nhật ký cho các con. Khi thì “ con chơi”, khi thì ghi lại những việc đáng nhớ trong đời của các con, như “ con mọc răng” hay “ con nóng sốt làm Ba Mạ lo lắng cả đêm”. Mỗi đứa có vài cuốn nhật ký do Ba viết, tiếc rằng do thời cuộc phải chạy loạn Mậu Thân rồi di tản nhiều lần vào Đà Nẵng nên không đứa nào giữ được những cuốn nhật ký chứa đựng bao nhiêu yêu thương của Ba. Đến cháu nội trai sinh năm 1989 được Ba viết cho 4 cuốn nhật ký từ ngày cháu sinh cho đến ngày 30 tháng 12 năm 1991 khi Ba bị tai biến lần đầu. Cháu nội gái sinh năm 1991 cũng được Ba viết cho 1 cuốn nhật ký từ đêm cháu chào đời cho đến khi Ba yếu đi không viết được nữa.
Tối nào Ba cũng kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Nhiều chuyện chúng tôi nghe đến cả hàng trăm lần, nhưng vẫn yêu cầu Ba kể chuyện tiếp, và chúng tôi đi vào những giấc ngủ êm đềm tuổi thơ ấu như vậy. Tôi còn nhớ nhiều đêm thức giấc, đều thấy Ba hai tay hai cái quạt giấy quạt cho các em ngủ, có khi mỏi tay, Ba ngưng quạt nhưng hễ em động đậy là Ba lại quạt tiếp, dường như Ba thức gần suốt đêm. Suốt từ thời tiểu học lên trung học, chúng tôi đều được Ba bao vở, viết nhãn vở cho, chữ Ba rất đẹp, ai cũng khen. Mỗi giao thừa là Ba viết cho mỗi đứa một thiệp chúc Tết, khen những điều tốt và khuyên năm sau sửa chữa những điều chưa tốt và nhiều lời chúc. Ngày mồng một Tết là 10 anh em áo quần mới , sắp hàng, vòng tay chúc Tết Ông cùng Ba Mạ và nhận được những lời chúc và tiền lì xì mới toanh. Ba tôi thường lì xì theo tuổi, cứ mỗi tuổi là 1 tờ bạc mới, cứ thêm mỗi năm mới chúng tôi biết mình càng ngày càng lớn. Ba viết ngoài bao lì xì, “ Mừng con Hiếu....,..... tuổi Tây, ...tuổi ta, chúc con.....”. Bây giờ các cháu tôi cũng giữ được nếp nhà, chúc Tết cô bác chú dì vào sáng mồng 1 Tết làm tôi bồi hồi nhớ những năm tháng thơ ấu đông đúc vui vầy. Trong miên man hoài niệm về những ngày êm đềm đã xưa, tôi cảm thấy bàn tay mình đang ấm nóng lên như được ủ ấm trong những rá đậu phụng mà Ba đã rang cho chúng tôi trong những ngày đông giá lạnh xứ Huế năm xưa; má tôi như hồng lên trong cái ấm áp của ngọn lửa bập bùng những đêm giao thừa xưa cũ, Ba Mạ và các con quây quần ngồi canh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Bao giờ chúng tôi cũng đi ngủ sớm, lúc thì Mạ lúc thì Ba một mình trở giấc để canh chừng nồi bánh chưng, lúc thêm nước, lúc thêm củi cho đến sáng sớm hôm sau. Hình như suốt đêm Ba, Mạ không ngủ.
Khi chúng tôi còn nhỏ, khi nào rãnh Ba cũng ngồi kèm chúng tôi học. Trên các cột đòn tay dưới mái nhà Ba hay viết những câu tục ngữ, thành ngữ để răn dạy chúng tôi. Thường là các câu như: “Tiên học lễ, hậu học văn” , “ Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “ Đi phải thưa , về phải trình” vv...Để thay đổi, cứ mỗi tuần Ba lại thay một câu mới . Ba tôi dạy chúng tôi rất nghiêm nhưng cũng rất hòa ái: trên đầu tủ bao giờ cũng có cây roi mây, chúng tôi sợ lắm. Mỗi lần đứa nào có lỗi, Ba nhẹ nhàng kêu tên, chúng tôi trèo lên đi văng nằm sấp, nhắm mắt lại chờ đợi một roi xuống mông, nhưng Ba hỏi: “ Đã biết lỗi chi chưa?”. “Dạ rồi”. “ Lần này Ba tha cho, lần sau tái phạm thì phạt gấp đôi”. Chúng tôi thở phào, ngồi dậy vòng tay: “ Con xin lỗi Ba, lần sau con không dám tái phạm”.
Ba dặn Mạ không được xưng hô mi tau với con cái, một bữa có đứa làm Mạ giận. Mạ la: “ Cha mi!”, thì bỗng Ba xuất hiện trước mặt Mạ, nghiêm khắc nói: “ Cha hắn đây!” làm Mạ chẳng khi mô la con như thế nữa. Anh chị em không được gọi mi tau. Ba gọi chúng tôi bằng tên rất dịu dàng, khi nào nói đến nhiều đứa thì gọi là “các con” chứa chan tình cảm.
Thấy đông con đi xa bất tiện, ba tôi sắm một chiếc xe hơi màu đen hiệu Peugeot 203 để chở chúng tôi về làng, đi chơi.Chiều hè Ba dẫn chúng tôi đi tắm sông Hương, sau khi tắm xong là uống lữa (uống nợ, đến tháng Ba tôi có lương mới trả) nước mía hay có khi Ba bới cơm thật dẻo bằng mo cau, khi đậu mè, khi chả thịt, chúng tôi tắm thỏa thích, đói bụng ăn thật là ngon.
Ba tôi mê biển, ban ngày thường chở chúng tôi về biển Thuận An tắm, ban đêm thì chở chúng tôi về hóng mát bên ni bờ Thuận An (hồi đó chưa có cầu, phải đi đò qua phá Tam Giang). Tôi nhớ một lần tắm biển về, đường vắng, tôi năn nỉ Ba cho lái xe, Ba cũng chiều tôi dù biết tôi mới tập lái độ 2,3 lần. Tôi hí hửng lên cầm tay lái, mới khởi động bỗng xe bị tông vô cột điện, may quá không ai bị chi, anh em tôi la ó, tôi một phen mất mặt.
Tuổi thơ nghèo cực nên ba tôi mong các con được ăn ngon mặc ấm, lo cho các con được sung sướng. Quên sao được những buổi được Ba cho đi xem phim ở rạp Châu Tinh rồi cho ăn phở, cao lầu ở Lạc Sơn. Đến bây giờ, ăn không biết bao bữa cơm gà, nhưng không khi nào tôi tìm lại được hương vị thơm ngon của đĩa cơm gà Lạc Sơn ngày xưa. Rất nhiều lúc Ba chỉ ngồi nhìn chúng tôi ăn, mời thì Ba nói Ba no rồi, nhưng tôi biết Ba tiết kiệm không ăn, cho mấy đứa con ăn cho no. Ôi! Tấm lòng của Ba!
Những tô bún gánh ngày xưa, dù chỉ mấy miếng huyết, miếng giò nhỏ mà răng ngon chi lạ, chừ thì đủ thứ cua bò giò chả mà không ngon như xưa. Tôi nhớ nhất là gánh bánh bèo nậm lọc của o Lại, gánh cháo bò của o Đắc, ngon ơi là ngon! Ba cũng hay chở chúng tôi đi ăn bún bò ở Vỹ Dạ, An Hòa hay ăn ếch quán ông Chạy ở Kim Long, ăn lươn quán ông Ao, không quên mua xương lươn về rang vàng cho mạ tôi, mạ tôi không thích ăn hàng quà nên ít khi đi chơi với chúng tôi.
Ba tôi thương hai chị em gái tôi lắm, khi em còn nhỏ đã bị nhức chân, Ba thường xoa bóp cho em. Sau này khi em gái lấy chồng, sinh “ con so về nhà mạ”, khi tiễn em ra lại Đông Hà, Ba và em đều khóc làm tôi cũng sụt sùi theo. Ngày tôi lấy chồng, ba tôi trang trí nhà cắt giấy màu dán lêntường hai câu thơ”
“ 20 tháng tám Bính Thìn,
Mừng vui duyên mới, nghĩa tình không quên”,
làm tôi không khi nào quên ngày cưới dù đã 40 năm rồi. Cũng như không quên những ngày thi tú tài, Ba chở đi lo lắng chờ đợi tôi thi xong. Khi tôi có con, vài ngày Ba lại đi xe đạp hay honda về Hương Thủy thăm cháu. Một lần thấy tôi ngòi xổm nấu ăn, Ba lật đật lên chợ Đông Ba mua cho tôi một cái đòn và dặn không được ngồi xổm. Một lần mùa hè, trời nắng chang chang, Ba về đưa các cháu đi biển, qua đò rất vất vả. Tắm biển xong lại chở mẹ con tôi lên. Ngang cầu Tràng Tiền, ba tôi cho ông xe thồ tiền bảo tìm đến địa chỉ nhà báo cho mạ tôi biết sẽ về muộn. Ông xe thồ cầm tiền đi mất tiêu làm mạ tôi lo lắng. Tắm biển có chụp hình, thấy ai cũng ốm, bộ dạng như người đi vượt biên. Tôi gửi tấm hình qua Mỹ cho anh em tôi, ai coi cũng tưởng gia đình thuyền nhân VN.
Tôi quen anh Bửu Hồng khi hai dứa cùng học ĐH Văn Khoa. Anh có dáng dấp thư sinh, đi xe Lambretta , mặc quần tây ôm sát, bị ba tôi chê là “cao bồi”. Nhưng sau nhiều lần qua nhà chơi, thấy anh hiền lành, không hút thuốc, lại xuất thân hoàng tộc, cháu kêu vua Minh Mạng bằng sơ, kêu Tuy Lý Vương bằng cố, nên ba tôi dần có cảm tình. Tôi cũng có cô em dâu Tôn Nữ nên ba tôi thường nói “ Dâu rễ nhà mình là con vua cháu chúa”. Khi tôi sinh con gái dầu lòng, ba tôi nói : “Cháu ngoại ba là Công Huyền Tôn Nữ Hồng Phương, hay hè.” Nhưng khi tôi đi làm khai sinh, năm 1978, họ chỉ cho khai là Nguyễn Phước. 40 năm sau, tôi đi làm khai sinh cho cháu gái là Huyền Tôn Nữ nhưng họ cũng không cho, nói là phải mang họ cha.
Ba tôi dạy học được học trò quý trọng lắm. Ba tôi sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên xóm giềng , bà con, họ tộc đều thương. Có lần trời mưa to, đang đi trên cầu Tràng Tiền, ba tôi thấy một em bé vẻ rất nghèo cực lầm lũi đi dưới mưa, ba tôi liền dừng xe lấy áo mưa của em tôi mặc cho em bé. Ba tôi dành nhiều tâm huyết cho nghề giáo. Với tinh thần “ Người Việt viết đúng tiếng Việt”, ba tôi đã xuất bản quyển sách luật chính tả dạy cho học sinh (cuốn này chỉ tặng, không bán) cũng như viết sách Việt ngữ cho học sinh học.
Ba tôi luôn chăm lo cho việc học hành của chúng tôi. Lúc còn nhỏ thì Ba kèm cặp hàng ngày. Khi lớn lên, nhiều việc nên Ba mời một, hai gia sư là những học trò xuất sắc nhất của trường Hàm Nghi mà nhà nghèo về ăn ở tại nhà để kèm dạy cho anh em chúng tôi. Đứa nào đến khi thi vào đại học , ngoài bộ hồ sơ thi đại học, Ba đều lo cho một bộ hồ sơ dày cộm để nộp đơn xin học bổng đi du học, mấy anh em cuối cùng chỉ có một em đi du học tự túc (nhưng gia đình chỉ lo vé máy bay, còn lại là tự xoay xở) tại Pháp năm 1974. Cũng như ông nội , Ba đem nhiều con cháu của các o , các chú bên làng qua Huế học nên nhà lúc nào cũng đông đúc hơn 20 người.
Ba tôi hay dạy các con: “ Một sự nhịn là chín mươi sự lành” chứ không phải là mười sự lành nên anh em chúng tôi thường “dĩ hòa vi quý”, không khi nào hơn thua với người đời làm chi. Ba cũng thường hay dạy: “Nhất nghệ tinh , nhất thân vinh”, học lấy một nghề cho giỏi. Khi em tôi tốt nghiệp dại học không có việc làm nhiều năm trời, ba tôi nói : “ Đừng lo không có việc làm, mà chỉ lo mình không có tài”.
Ba tôi hồi thanh niên có chơi hướng đạo sinh , sau làm huynh trưởng hướng đạo rồi là nhà giáo nên ba tôi rất tháo vát, việc chi cũng không nề hà, từ việc nhỏ đến việc lớn. Các anh em tôi cũng được chơi hướng đạo nên học ba tôi ở tính giúp ích mọi người bất cứ lúc nào. Chúng tôi luôn tự hào vì một đời Ba trong sạch, thanh cao, nghĩ cho người, hết lòng cho con cháu.
Sau năm 1975, ba tôi mất việc, lương tiền không có, con cái nhiều đứa còn nhỏ dại, ba tôi lo lắng buồn rầu lắm. Mạ tôi phải vất vả ngược xuôi buôn bán, sau ba tôi làm kế toán lò thủy tinh, sống qua ngày. Trong những năm này nhà tôi gặp nhiều chuyện đau buồn vô cùng, nhiều tai ương xảy ra liên tiếp làm gia đình tôi tan tác. Ba tôi sống gượng để vẫn là trụ cột tinh thần của gia đình. Mấy năm qua, nhờ những thùng quà mà anh em tôi tử Mỹ gửi về, gia đình dần qua khỏi những khó khăn về kinh tế. Tết nào, Ba tôi cũng lên sớ Táo quân: danh sách những bà con nghèo cần giúp đỡ, có đến hơn 50 người và tự tay đem tiền về làng biếu bà con tiêu Tết.
Nhiều năm sau ba tôi rồi mạ tôi lâm bệnh nặng, anh em tôi ở Mỹ lo lắng vội vã trở về chăm sóc Ba Mạ, về Mỹ chưa được bao lâu thì nghe tin Ba Mạ mất, lại lật đật trở về lo an táng. Chúng tôi tiễn biệt anh em, nét mặt ai cũng buồn héo hắt, biết bao giờ mới gặp lại những người thân thương. Nhìn máy bay khuất xa, tôi thẫn thờ trở về nhà, thảng thốt nhận ra mình đang mang hai nỗi đau lớn nhất thế gian: sinh-ly và tử- biệt.
Bây giờ , các em tôi đều thành đạt, con cái trưởng thành, mỗi lần gặp nhau chỉ ước có một điều: “ Ước chi Ba Mạ còn sống”.
Ba ơi! 20 năm qua rồi, thời gian không đủ là thiên thu để chúng con nguôi nhớ Ba. Ba bất tử trong lòng chúng con, đời đời, kiếp kiếp.
Nguyện cầu Ba Mạ an lạc cõi vĩnh hằng thênh thang.
Lê Thị Hiếu Thảo