|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Trở lại Ka |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3/7/2016
Trở lại Kalaw (tt)3/7
Cũng như tôi, các du khách phương Tây dường như đang rất hào hứng trên đường đến với chợ phiên Kalaw. Với họ, chắc chắn đây là cơ hội để khám phá thêm những nét chấm phá đặc trưng của văn hóa Phương Đông trên hành trình du ngoạn đến miền đất Á Châu hẻo lánh này. Còn với tôi đây là dịp để trãi nghiệm không khí “sắc màu” của một phiên chợ “vùng cao” mà tôi thường nghe thấy qua các phương tiện truyền thông, nhất là chuyện kẻ về các chợ phiên độc đáo nơi miền rừng núi. Hôm 3-11, phiên chợ Aungpan cũng có “sắc màu”, nhưng cái sắc màu hôm đó chẳng ấn tượng gì lắm đối với tôi, ngoại trừ vài loại rau, củ, quả…lạ mắt và là lần đầu tiên nhìn thấy loại mảng cầu dai to gần bằng quả bưởi nhỏ. Nhưng qua phiên chợ đó tôi thấy mình có thêm một sự thú vị khác, đó là việc “khám phá” những hình ảnh tương đồng của Miến Điện đời thường, không mấy khác với Việt Nam, một đất nước vẫn nghèo và khó khăn tương tự.
Người phương Tây quen với cuộc sống tiện nghi trong cái xã hội văn minh, hiện đại, chắc chắn sẽ rất thú vị vì có dịp hòa mình vào những hoạt động đời thường giản dị tại chốn “đèo heo hút gió” này! Sự hiện diện của họ nơi đây đã góp phần làm đẹp thêm bức tranh sắc màu của phiên chợ vùng cao! Dẫu cho thật ra họ cũng chỉ “hòa mình” theo cái kiễu đứng ngoài mà nhìn, rồi lại sẽ trở về chốn cũ, vì có mấy ai trong số đó dám quay lại để “chôn chân” nơi chốn quê mùa lạc hậu này? Vì vậy, anh bạn Tây phương trong tấm áo cà sa của một tu sĩ Phật giáo mà 2 hôm nay tôi gặp trong thiền viện đã “bỏ” đi rất nhiều khi chọn lấy sự an lạc tâm hồn, khiến tôi ngạc nhiên và thán phục.
Còn tôi, đã quen rồi cái tiện-nghi-hạn-chế ở một đất “nước không chịu phát triển”, nên chẳng lạ gì cảnh chợ nghèo như tại chốn lạnh lẽo, xa xôi này! Nhưng được tiếp cận những khung cảnh xa lạ, khác quê nhà, cũng là mục đích của mọi chuyến đi, không vì nơi đến quê mùa, chậm tiến mà thiếu đi sự thú vị!
Vì thế tôi bắt đầu len lỏi vào chợ, lúc này còn thưa thớt vì đang bắt đầu nhóm, vẫn còn lưa thưa trên khu đất trống đang được bày ra nào chỏng, nào kệ, nào dù nào bạt, người mua kẻ bán cùng hàng hóa lần lượt được chuyển tới bằng đủ mọi phương tiện. , những người dân làng mang vác nông sản đến bằng cách …lội bộ, chở trên xe ba gác đẩy tay hoặc xe tải nhỏ, xe ba bánh Tàu, xe đò, xe bus… thậm chí có người thồ hàng bằng xe gắn máy, xe đạp, chắc vì nhà ở gần… .
Hàng hóa bán buôn ngoài những sản phẩm tiêu dùng công nghiệp, còn thì phần lớn là nông sản tự canh tác trên đất nhà, trong rừng hay trên núi, đội thẳng đến, hoặc tập kết tại một con đường nhỏ vắng người gần đó rồi trung chuyển về chợ. Họ là những dân làng tới chợ để mua thêm vật phẩm tiêu dùng trong nhà, hoặc bổ sung hàng cho tiệm tạp hóa nhỏ trong thôn, xóm. Họ là vợ con các công nhân, viên chức chính quyền hay các sĩ quan đang tại ngũ trong quân đội, thành phần này có vẻ ở 1 “đẳng cấp” cao hơn, mà ta tạm có thể phân biệt nhờ cung cách và trang phục! Họ còn là những thanh niên, thiếu nữ trẻ trung, không mặc longgyi như truyền thống, chắc là các du khách đến từ nơi khác. Và họ, cũng có thể là những người dân quê mùa, đến chợ chỉ để ăn uống…đi chơi!
Nói chung cũng chẳng khác gì chợ quê ở Việt nam, người bán và người mua đến chợ bằng nhiều loại phương tiện, từ thô sơ đến hiện đại... Tôi có cảm giác thật quen, như mình đang ở đâu đó tại 1 chợ nhỏ quê nhà.
Và đó thực sự là 1 thú vị với tôi, chắc chẳng hề kém cái thú vị đang đến với các vị khách Tây phương kia.
Sư và Cồ An xách giỏ đi chợ, để tôi tự do chen chân vào chốn “chợ trời” mà tha hồ chộp ảnh…
Trước khi vào chợ tôi chọt thấy những chiếc kiệu hoặc những chiếc xe được trang trí màu sắc rực rỡ, nhìn kỹ thì đó là các vật dụng thường dùng trong gia đình như khăn, mùng mền, thau, thùng nhựa, nồi, ấm, bình thủy giữ nhiệt, thùng nước đá…và có cả tiền giấy. Hỏi ra thì đây là phẩm vật mà người dân cúng dường cho chùa để hổ trợ cho việc các cháu thanh, thiếu niên xuất gia tu học. Đây là tập tục phổ biến trong cộng đồng các dân tọc theo Phật giáo Nam tông (hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy, Theravada).
Tại Việt Nam, chúng ta có thể gặp tập tục này ở các vùng có đông người Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng và vùng Thất Sơn An Giang. Theo đó, các thanh, thiếu niên có thể vào chùa tu trong 1 thời gian nhất định, có thể là 1, 2 ngày hay 1 tuần, 1 tháng, 1 năm…một số ít thật sự thấy mình có duyên với Phật pháp, không rời bỏ chiếc áo cà sa, tiếp tục cuộc hành trình tìm đến tận cùng cái biết! Phần lớn, số còn lại quay trở lại cuộc sống đời thường, lấy vợ, có con. Người Khmer coi đây như là cách báo hiếu cho cha mẹ và xem đó là một vinh dự của gia đình. Cho nên, việc xuất gia như thế được người Khmer rất coi trọng và ngày xuất gia trở thành một lễ tục cao quí tại các vùng này. Vào hôm đó, sau khi thọ lễ xuống tóc qui y, các thanh, thiếu niên được khoác tấm áo trắng gọi là Penexo, lúc đó coi như đã từ bỏ thế tục và được gọi là Nec, họ trở về nhà để tham gia lễ Bank-Bom-Buol dưới sự chủ trì của các Sư(cúng Tam bảo, tụng kinh và thọ giới theo Phật). Tại đây gia tộc và dân chúng trong phum, sóc tới chia vui và chúc điều tốt lành. Buổi lễ vừa trang nghiêm lại vừa vui nhộn, là dịp để thanh niên tụ tập ca hát, múa Lam thon rất xôm tụ. Sáng hôm sau, họ sẽ tập trung lại cùng nhau tạo thành 1 đoàn diễu hành đưa các Nec trở lại chùa. Sau khi đi 3 vòng quanh chùa, các Nec sẽ qua 1 thử thách gọi là Uppachhe, Sư Cả sẽ giảng dạy các điều luật rồi đặt câu hỏi, các Nec sẽ trả lời, phần lớn họ đều đối đáp được vì đã học trước. Chừng đó sà rông và khăn trắng được thay bằng áo cà sa để chính thức trở thành các ông lục trong chùa.
Tôi đã từng cùng Sư Hoài đến thăm chùa Sê Rây Ta Mơn ở Sóc Trăng, chứng kiến việc học và sinh hoạt của các chú Sadi trong chùa. Sư Cả Tha (Dhammapalo Bhikhu) là Trụ trì đồng thời cũng là Thầy dạy chính tại chùa. Sư tốt nghiệp Ph.D. Phật học tại Đại học Phật Giáo Srilanka. Chùa còn có Sư Phó Đang, có bằng M.A Đại học Phật giáo Yangon, đang học tiếp để lấy bằng Ph.D. tại Tích Lan.
Còn những Sadi nhỏ là thanh thiếu niên Khmer xuất gia tu có thời hạn.
Tại Myanmar, lễ xuất gia này được gọi là Shin Pyu, rất quan trọng trong đời người của thanh niên, thiếu nữ Miến. Họ nói khi một đứa trẻ đuổi được con chim ngoài đồng, thì có thể vào chùa tu học, thực tế thì khi chúng tụng được kinh tiếng Pali và tiếng Miến thì có thể xuất gia, để tạo thiện nghiệp lớn cho bản thân và gia đình. Vào ngày ấy, trẻ con nam, nữ từ 5 đến 15 tuổi sẽ được gia đình đưa đến 1 nơi để tham dự nghi lễ. Chúng được cho ăn mặc đẹp đẻ theo truyền thống, giống như lúc Đức Phật từ bỏ địa vị để đi tu, rồi được cha mẹ và dân chúng rước đi quanh làng trước khi vào chùa thực hiện tiếp những nghi thức xuống tóc, đắp y. Từ bây giờ, các Sadi không có tài sản, khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần đi khất thực mỗi sáng, học tập kinh, chữ và mọi thứ liên quan đến Phật giáo trong thời gian còn lại trong ngày.
Ngày xưa, lễ này được tổ chức vào khoảng tháng 3, 4, người Miến dùng ngựa và kiệu để làm đám rước, còn nay thì hầu như được tổ chức suốt năm trên khắp nước, vào lúc nào thuận tiện, với xe cộ trang trí rực rỡ, loa phát sôi động để kêu gọi bá tánh đóng góp tiền, của hổ trợ cho chùa trong việc nuôi dạy các tiểu Sadi. Đó là hình ảnh mà tôi may mắn chụp được hôm đi chợ Aungpan và sáng hôm nay.
Kalaw, ngày 05-11-2014.
Theo kế hoach, hôm nay Sư Hoài sẽ đi rước Koto ở Taunggyi, vì cậu ta vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp Cử Nhân Luật, nhờ đó tôi sẽ được Sư cho tháp tùng trở lại thăm thủ phủ bang Shan mà năm rồi tôi và bà xã đã từng ghé đến. Koto sau khi hoàn tất văn bằng Đại học sẽ trở về Kalaw phụ giúp Sư quán xuyến công việc trong chùa.
Nhưng trước tiên là Sư phải đi chợ Kalaw để mua thêm thực phẩm, hàng tiêu dùng cần thiết và chủ yếu để tôi thăm chợ phiên Kalaw, vì hôm này là ngày thứ 5 sau kỳ họp chợ lần trước ở khu vực này.
Anh bạn Molash người Ấn Độ, một tài xế dễ mến, luôn đồng hành cùng Sư trong các chuyến đi gần hay xa, đến rất sớm để chuẩn bị xe. Có một điều rất thú vị mà Sư tiết lộ cho tôi biết, ấy là Molash theo đạo Muslim, thế nhưng luôn là người chở Sư đi làm Phật sự tại các chùa. Anh đã từng yêu 1 cô gái Miến Phật giáo và quyết lập gia đình với cô, mặc cho gia đình phản đối bằng cách từ thằng con “phản đạo”. Hai người phải ra sống riêng và có được 1 cậu con trai, sau đó vợ anh mang bệnh nặng, qua đời, anh trở về cùng cha mẹ.
Tôi thật sự không biết tại các bang khác ra sao, riêng bang Shan, các chợ địa phương gần nhau trong 1 khu vực nào đó, đều có lệ thay phiên nhau họp theo chu kỳ 5 ngày một lần. Đây là loại “chợ trời” đúng nghĩa, họp dọc trên vài con đường hay tại 1 khu đất trống nào đó của thị trấn, để người địa phương cùng với những sắc dân sinh sống tại các vùng quê, rừng núi…quanh khu vực, mang hàng hóa, nông sản…tự sản xuất đến tiêu thụ.
Ví dụ khu vực quanh hồ Inle có các chợ Ywama, Nam Pan…đặc biệt các chợ phiên ở Inle là chợ nổi, họp trên mặt hồ, ngoại trừ chợ phiên Nam Pan, còn khu vực này thì có các chợ Kalaw, Aungpan, Pindaya, …Chợ Aungpan thì tôi đã đi hôm 3-11-2014, tới ngày 8-11-2014 thì mới đáo lại.
Hôm nay thì tới phiên Kalaw, chợ sẽ họp nơi khoảng đất trống nối dài với đường Kone Thae, phía bên kia đường Station St. Không có Koto nên Ko An sẽ theo Sư đi chợ. Molash đưa chúng tôi tới đường Kone Thae, dừng xe đối diện với cửa hàng bách hóa của bà Ruby, nơi mà Sư thường ghé chào và thăm hỏi, đây là gia đình Phật tử người Miến gốc Hoa, rất thân tình với chùa, đã sinh sống nhiều đời tại đất này. Ba bà Ruby là một Bác sĩ, đã mất, là người giàu có trong vùng, khách sạn nổi tiếng Winner, nơi xe bus dừng cho tôi xuống hôm nào, là của gia đình, đang được điều hành bởi người anh trai.
Điều trước tiên tôi thấy là chợ chính Kalaw hôm nay vắng khách hơn hôm qua, con đường xẻ ngang chợ không còn các gian hàng bán nông sản, bông hoa …có lẽ họ đã chuyển sang khu chợ phiên ở cuối đường Kone Thae.
Tôi thấy có nhiều du khách Tây phương đang đi lại trên đường, chắc chắn họ không bỏ qua cơ hội tham dự buổi chợ phiên “sắc màu” của các dân tộc vùng cao, hôm nay tại Kalaw, trước khi tiếp tục khám phá Hồ Inle Thiên Đường trên cao độ 800 mét, cách vài mươi cây số về hướng Nam
Đặc biệt có 1 nhóm phóng viên đang tác nghiệp, hình như họ thực hiện 1 bộ phim tài liệu về chợ phiên Kalaw? Ngoài ra tôi còn chứng kiến 1 “hiện tượng” khá “chướng”, dĩ nhiên không phải là trên đất nước mình, nên tôi chẳng thấy khó chịu chút nào! Đó là các xe quân sự, loại du lịch đắc tiền sơn màu ô liu, tới lui “dập dìu” trên đường, tài xế là những quân nhân, chở ccác “quí phu nhân” với longgyi quí phái, kèm trang sức đắc tiền, chắc chắn đây là vợ con các sĩ quan đi chợ. Hình ảnh này có lẽ đã trở thành thông lệ của xã hội Miến Điện, vốn do quân đội kiểm soát suốt từ mấy mươi năm qua, vì tôi thấy nó diễn ra rất ư vô tư! Qua đó, tuy ngày nay tình hình nước này đã đổi khác, dân chủ hơn, cởi mở hơn, nhưng ảnh hưởng và sự thống trị của giới quân sự vẫn có vẻ chưa hề giảm bớt! Người dân Miến Điện vốn dĩ hiền lành chắc chẳng lấy đó làm khó chịu!
(còn tiếp)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061838 visitors (3174663 hits) |