|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Quên |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
17/3/2019
- Trịnh Đình Nam -
|
-
- Truyện ngắn:
-
- Quên
- Nhạc sỹ Trịnh công Sơn viết bài “Huyền thoại mẹ”, trong đó có câu nhạc:
- Mẹ về đứng dưới mưa
- Che từng căn nhà nhỏ
- Xóa sạch dấu con về….
- Bài hát viết về các bà má Cách Mạng, nuôi dấu, che chở các cán bộ lãnh đạo, lớn có nhỏ có, trong các căn hầm, đào sau nhà, trong vườn, đôi khi ngay tại phòng ngủ của mình. Nhờ các bà má này, nhiều cán bộ đã thoát khỏi sự ruồng bố của ”ngụy quân,ngụy quyền”, sống sót cho đến ngày cách mạng thành công. Cách mạng không giầu có như Hàn Tín, người phò Lưu Bang lên ngôi Hán Đế. Sau khi được phong Hầu là ông lập tức mang 1000 lượng vàng đến trả ơn Xiếu Mẫu, người đàn bà nghèo khổ, nhưng có tấm lòng thương người, đã cưu mang ông, khi ông còn hàn vi, không kiếm được miếng cơm độ nhật. Còn các ông quan cách mạng nhà ta thì đi một nước, chưa một lần về lại ghé thăm, chứ đừng nói là trả ơn các bà má của một thời chui hầm, nằm bụi. Lạ cho tấm lòng của những người mẹ Việt Nam, các má làm như không biết sự quên của các quan. Các bà vẫn sống, vẫn thương người như xưa, chẳng vì thế mà oán trời, trách người. Thảng chừng có người nhắc má: Thằng Tư, má nhớ không? Cái thằng mà hồi đó má dấu nó trong nhà cả năm trời. Bây giờ, nó làm tới chức Bí Thư Huyện mình đó. Má tới kiếm nó, nhắc chuyện ngày xưa, coi nó có giúp đỡ cho má được ít tiền trợ cấp gia đình nghèo không? Bà cụ cười hiền lành: Tao có vài công đất, cày cấy cũng đủ sống rồi. Già rồi đâu cần nhiều tiền bạc. Nó làm chức gì cũng kệ thây nó. Thế nhưng, ở đời này hay có chuyện cây muốn lặng mà gió chẳng muốn ngừng. Bà má muốn quên công ơn của bà đối với thằng Tư, nhưng nó lại cứ muốn bà nhớ. Chuyện là, mấy công đất của bà, đột nhiên rơi vào khu vực sẽ phát triển thành khu nhà ở. Theo quy định, giá đền bù là 10.000 đồng một mét vuông. Vì lợi ích, vì sự phát triển của địa phương, nên không cần sự thỏa thuận về giá đền bù với các chủ sở hữu đất. Như vậy, bà má cách mạng sẽ nhận được khoảng vài triệu đồng. Đó là tiền đền bù mấy công đất của bà. Sau khi xài hết món tiền nhỏ nhoi đó, bà sẽ sống bằng gì? Ngoài ra, người ta còn nói nhỏ với bà, san nền xong, chia lô cất nhà, giá của một mét vuông đất là mất trăm ngàn đồng lận. Họ còn nói thêm, đó là giá “hữu nghị”,”giá nội bộ” chứ giá thị trường còn mắc hơn nhiều. Vậy có còn trời đất nào không? Bà má cách mạng nộp đơn kiện, không chịu giao đất của bà cho địa phương. Đơn họ nhận, nhưng cất vào hộc tủ. Chờ mãi, chờ hoài không thấy xét đơn. Mấy cái xe san lấp công trình đã thấy nằm chình ình ở đám đất kế bên rồi. Bí quá, không biết làm sao, bà chợt nhớ ra thằng Tư ngày đó. Bà mừng rỡ nhờ người chở đến Ủy Ban Nhân Dân Huyện. Cầm cái đơn khiếu kiện, bà đứng xớ rớ trước cổng. Bảo vệ hỏi: Bà đi đâu? Kiếm ai dzậy? Bà nói: Tui kiếm thằng Tư, Bí Thư Huyện Ủy. Gã bảo vệ trợn mắt ngó bà: Bà giỡn mặt tui hả bà? Giỡn mặt khó làm dziệc nghe bà? Bí thư mà bà kêu thằng này thằng nọ, lại còn đòi gặp ổng nữa? Bà có điên không? Bà già hơi sượng. Bà giả lả: Thì hồi xưa nó trốn ở trong nhà tui. Nó gọi tui là má. Tui kêu nó là thằng. Riết rồi quen, không nhớ nay nó đã là Bí thư. Thôi chú đừng trách tui. Già rồi, thiệt là…Bà ngưng lại giữa chừng. ”Được rồi, dzậy bà gặp ổng có chuyện gì?, bảo vệ hỏi. ”Thì mấy vụ đền bù đất đai ấy mà” bà già nói. ”Bà làm đơn chưa? Làm rồi hả? Đưa đây cho tui.” bảo vệ nói. ”Tui có nộp đơn cho Ủy Ban rồi. Bữa nay, chú cho tôi gặp thằng..Bà chợt nhớ lại, cho tôi gặp ông Bí Thư một chút. Tui muốn thưa chuyện với ổng.”. ”Hổng được, Bí Thư mà bà tưởng là ai. Hễ muốn gặp là gặp sao? Bà dzìa đi.”, bảo vệ cương quyết nói. Bà già đứng năn nỉ một hồi, nhưng anh bảo vệ vẫn “giữ vững lập trường cách mạng”. Thất vọng bà quay về.
- Mấy hôm sau, bà quay trở lại. Bà kiên nhẫn đứng rình ở bên kia đường. Một chiếc xe láng cóong dừng lại trước cổng. Bảo vệ le te chạy ra mở cổng. Xe của Bí Thư về. Bà già chạy vụt sang, đứng chặn trước đầu xe. Bảo vệ đứng như trời trồng. Bà già la lên: Cho tao gặp mầy, Tư. Tao là má Năm của mày đây. Một người đàn ông phương phi, bước ra khỏi xe. Mặc dù thời gian có làm cho nó có già đi, thằng Tư, không còn cái bộ ốm đói như hồi nó trốn trong hầm sau nhà bà, nhưng bà vẫn nhận ra nó. Bà nói: Tư, bây giờ mầy làm quan rồi, mầy không nhớ tao cũng được. Nhưng, đơn tao kiện vụ đền bù, sao mầy không đọc, không xử. Tao nuôi mầy cả năm trời trong nhà, mầy dư sức biết đám đất đó là của tao mà…Bí Thư không trả lời, không nhìn bà, bỏ đi một nước. Bà già giận quá, la lên: Đồ vô ơn. Biết thế, tao để cho mấy thằng ngụy nó bắt mầy cho rồi, coi mầy có còn sống tới ngày nay để làm Bí Thư không?
- Quên, có khi là một phản ứng tự bảo vệ. Con người, nếu gặp một cú sốc về tình cảm, không chịu đựng được, có thể rơi vào trạng thái quên lãng - một thời gian ngắn hay dài - đó là tùy vào vết chấn thương tâm lý nông hay sâu. Đôi khi là một chứng bệnh, gọi là chứng mất trí nhớ. Ở đây, tôi không đề cập tới các trường hợp kể trên. Ông quan cách mạng đó muốn quên và đã quên. Bà má cách mạng cũng muốn quên, nhưng bà lại quên không được, cũng như tôi vậy.
- Hồi xưa, lúc tôi còn trẻ. Tôi có hai người bạn rất thân. Một đứa ở cách nhà tôi một con ngõ. Đứa còn lại ở xa hơn, nhà nó cách nhà tôi khoảng chừng một cây số. Tôi chơi với hai đứa từ năm 1970. Tình bạn kéo dài từ đó không thay đổi, kể cả khi đất nước trải qua cuộc bể dâu 1975. Thằng ở gần nhà tôi vượt biên, thành công. Khi ở đảo, lấy vợ, nó có gửi cho tôi một lá thơ. Tôi mừng cho nó đã đến được bến bờ tự do và có được một mái gia đình. Kể từ đó, nó mất tích. Cứ như là biến mất trong cõi đời này. Tôi rất muốn biết tin của nó, nhưng ngại không dám sang hỏi thăm người nhà của nó. Ngày xưa có câu: Thấy sang bắt quàng làm họ. Bây giờ, họ bảo: Thấy người đi Mỹ nhận quen. Mặc dù mình không phải như vậy, nhưng qua ruộng dưa, đứng lại sửa giầy, ai cũng nghĩ là muốn ăn trộm dưa. Vài năm sau, tôi nghe người ta đồn thằng bạn của tôi qua Mỹ, không có công ăn chuyện làm, sống vất va vất vưởng bên đó. Tôi như hiểu ra: Hèn chi nó không liên lạc với mình. Chắc vì nó thất bại, sợ quê với bạn nên một mực làm thinh!!! Lúc đó tôi chỉ mong mình trúng số. Trước nhất, cho gia đình đỡ khổ. Sau đó, nếu nó cần giúp đỡ thì tôi cũng có thể góp phần nhỏ nhoi nào đó. Tôi cứ tưởng chỉ có mình tôi có suy nghĩ “ngây thơ” như thế. Ai dè, khi tôi qua Mỹ năm 2007, hai vợ chồng đi làm công nhân hạng bét, nửa khuya mới lò mò về đến nhà. Thằng em trai của tôi nghe được chuyện này. Một hôm, nó gọi điện cho tôi, nói chuyện dông dài xong. Bỗng nhiên nó bảo với tôi: Em vẫn mua vé số. Tôi hỏi đùa: Muốn thành đại gia hả? Nó nói: Không, em mong có tiền để mua vé máy bay mời anh chị về chơi. Anh chị về ở Việt Nam luôn. Thấy anh chị cực quá, em không đành lòng. Em tôi nhớ đến vợ chồng tôi, ngày xưa như thế….Nó không quên…
- Trước khi tôi qua định cư tại Mỹ, năm 2007. Nhờ có thằng bạn thứ hai mà tôi kể ở trên, tôi có số điện thoại của thằng bạn gần ngõ. Mừng hết lớn tôi gọi điện hỏi thăm nó. Qua câu chuyện nó kể về những ngày tháng sống ở Mỹ, tôi biết cuộc sống của nó không có nhiều biến cố lắm. Nó làm thợ tiện cho một công ty chuyên làm các phụ tùng của ra đa, dùng cho với các vệ tinh nhân tạo. Công việc của hãng nhiều, nên nó đi làm cả Thứ Bẩy, Chủ Nhật. Nhờ vậy mà nó lãnh được nhiều lương. Công việc đứng máy tiện của nó, tuy không nhàn nhã, nhưng chắc không bận cuống cả tay chân như cuốn phim “Le temps de modern” của Charlot diễn tả. Bởi vì, khi tôi gọi điện nói chuyện với nó, thường gặp lúc nó đang ở xưởng. Nó bảo: Mầy cứ nói, tao nghe. Máy chạy, tao nghỉ, máy nghỉ, tao mới chạy, nên mầy đừng có lo. Nhiều khi, tao còn thì giờ đọc truyện nữa cơ. Hỏi qua chuyện vợ con. Nó nói: Vợ tao làm thợ móng (làm nail). Lương không tệ. Nhiều năm, cả hai vợ chồng tao kiếm được cả trăm ngàn đô. Tao có 3 con, hai trai một gái. Tụi nó đều học trường tư. Tôi giật mình, ở Mỹ, phải là con nhà khá giả mới được học ở trường tư. Bởi vì học phí khá cao. Trong khi đó trường công được miễn phí hoàn toàn.
- Một hôm, tôi nói với nó: Ê, mầy thu xếp về Việt Nam chơi với tao. Mầy chỉ lo vé máy bay thôi. Về đến Việt Nam, tao lo hết cho. Muốn đi đâu xa, tao thuê xe hơi, tài xế chở mầy đi đến đó. Tiền ăn uống, khách sạn để tao trả hết cho. Tôi sợ nó lo cho tôi hao phí tiền bạc, nên nửa đùa nửa thật nói với nó: Mầy đừng có lo, tao làm tay sai cho Nhật mười mấy năm nay, tiền có cả đống. Nó bảo: Tao bận quá không về được. Mấy năm trước, thằng con trai lớn của tao có về Việt Nam thăm bà nội nó. Tiền của tao cho, chứ nó vẫn còn đi học, chưa có đi làm. Lúc qua, nó mua cho tao cây đàn guitar làm quà. Tôi cười xòa, bảo nó: Lâu lâu đàn từng tưng cho đỡ nhớ Việt Nam hả mầy? Nó làm thinh. Tôi hỏi tiếp: Má mầy về chơi, sắp về lại Mỹ, mầy có thích món gì không, tao mua gửi cho. Nó nói: Mầy gửi cho tao mấy cái đĩa nhạc. Ca sỹ trẻ sau này, có ai hát được không? Nếu có, gửi cho tao nhé. Tôi đi mua cho nó mấy đĩa nhạc, đem đến nhờ má nó mang cho nó. Nó nghe chắc cũng đỡ buồn.
- Khi tôi ở Mỹ, thỉnh thoảng tôi có gọi điện hỏi thăm nó. Một hôm, nhân nhắc đến chuyện ngày xưa. Tôi hỏi nó: Ê H. mầy còn nhớ thằng K. không? Dường như nó hơi khựng lại khi nghe nói thằng K. Nó nói, giọng lạnh tanh : Nhớ. Có gì không mầy? Tôi hơi sững người khi nghe nó trả lời cộc lốc như thế. Tôi cứ tưởng nó sẽ mừng vui khi nghe tên thằng K.. Chuyện như thế này, thằng K. vốn là bạn của tôi chứ không phải là bạn của nó. Khi có chiến tranh vùng biên giới với Kampuchea, phường gửi giấy kêu nó đi khám sức khỏe để đi nghĩa vụ(1). Thực ra, gia đình nó không đủ tiêu chuẩn “yêu nước”. Bố nó đi học tập cải tạo. Mẹ nó nhất quyết “bám trụ”, không chịu đi kinh tế mới sản xuất. Phường kêu nó đi nghĩa vụ chỉ vì ghét gia đình nó, chắc chỉ hù dọa mà thôi. Tuy thế, mẹ nó cũng sợ, bảo nó trốn không đi trình diện. Trốn thì được rồi, nhưng ở đâu bây giờ? Ở nhà thì chắc chắn sẽ bị bắt. Trốn về tỉnh cũng được đi, nhưng nếu có chuyến vượt biên bất ngờ, liên lạc không kịp, người ta đi mất lại ân hận suốt đời. Phải ở lại Sài Gòn, nhưng ai sẽ chứa chấp nó đây? Tôi nhớ đến thằng K. bạn tôi. Nhà nó rộng, có 2 tầng lầu, một tầng trệt. Bố mẹ nó để nguyên một căn phòng rộng rinh ở lầu 2 cho nó. Nó có một mình, thêm vài người nữa vào ở cũng chẳng hề gì. Bố mẹ nó lại không kiểm soát, dù có thêm người ở trong phòng nó, chắc bố mẹ nó chẳng nói gì. Tôi dắt thằng H. lên gặp K. Thằng K. chẳng nói gì nhiều, đồng ý cái rụp. Yên! Thằng H. ở nhà bạn tôi được gần một năm. Có chuyến vượt biên, mẹ nó lên báo. Nó đi một lần là được. Thật may.
- Tôi không trách thằng H. về chuyện nó không liên lạc với tôi suốt bao năm trời. Kể cả chuyện, con nó về chơi, nó không nhắn cho tôi một câu, cho tôi biết nó còn sống, nó vẫn bình an. Nhưng sao nó lại quên K., bạn của tôi, người cưu mang nó trong những ngày nó xất bất xang bang, trốn chui trốn nhủi? Có lẽ đó là lý do nó lặng thinh biết bao nhiêu năm qua.
- Sau này, tôi mới nhận ra, sai lầm là hoàn toàn do tôi. Tôi quên rằng, thời gian đã và đang trôi đi mà tôi vẫn cứ ở lại. Tôi vẫn cứ ở lại với những năm tháng tuổi trẻ, ở thập niên 1970s. Trong khi đó thằng bạn tôi đã trôi theo dòng thời gian, nó hiện đang ở năm 2008 hoặc xa hơn nữa. Tôi cứ là tôi của ngày đó, trong khi nó đã là nó của bây giờ. Nói một cách khác, nó đã tái sinh, đầu thai thành một người khác rồi, mà tôi vẫn còn sống, như là tôi đã từng sống.
- Theo tín ngưỡng của nước ta, người chết, trước khi đầu thai, phải ăn một thứ cháo, gọi là Cháo Lú. Còn Trung Hoa thì tin rằng, trước khi bước lên Nại Hà kiều để được đầu thai, các vong hồn phải gặp Mạnh Bà, uống Mạnh Bà Thang. Tác dụng của Cháo Lú hay Mạnh Bà Thang đều là, giúp cho người ta quên đi mọi chuyện trong quá khứ, để họ như tờ giấy trắng, khi bước qua cuộc đời mới. Lẽ nào bạn tôi thoát khỏi ăn Cháo Lú, khi nó có một cuộc đời mới trên đất Mỹ? Chắc hẳn là không thể rồi. Nếu vậy thì mọi chuyện đều không có gì đáng nói. Những ai qua Mỹ, hay bắt đầu cuộc sống tha hương trên bất kỳ nơi nào trên trái đất, gặp lại người thân quen mà họ lại giả lơ quý vị. Tôi xin quý vị đừng chạnh lòng. Hãy thông cảm với những người đã ăn phải Cháo Lú. Hãy làm giống như họ, nghĩa là quên, quên và quên.
- Chưa có người nào kể cho tôi nghe mùi vị của Cháo Lú như thế nào. Tôi đoán, chắc món này ngon và đại bổ. Bởi vì, tôi biết nhiều người ăn Cháo Lú, không phải một lần, mà là nhiều lần trong cuộc đời ngắn ngủi của họ.
- Arizona, Mùa Phượng Tím
- 23 tháng Tư năm 2016
- Trịnh đình Nam
- (1) Trước 1975 gọi là đi quân dịch. Trong bài này tôi cố ý dùng những từ có sau 1975 cho hợp với thời gian xảy ra
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061928 visitors (3174971 hits) |