Truyện ngắn
Sáng nào cũng vậy, khi kim đồng hồ chỉ đúng một con số đó, Lựu lại nghe tiếng xe máy của gã săn chim đỗ xịch ngay cạnh cái ghế đá mà dân trong xóm hùn tiền nhau mua mấy bộ đặt dọc lối hẻm đặng chiều chiều, khi mấy bà rủ nhau đi tập thể dục còn có chỗ ngồi nghỉ mệt. Tiếng động cơ xe của hắn khá đặc biệt: khùng khục, bùm bụp như khô nhớt, hở bạc gì đó nên Lựu nhớ, và quen tai luôn. Cái xe mà nếu phải mang đi bán ve chai sắt vụn, chưa chắc có vựa nào chịu thâu.
Hắn ta có vẻ nhàn nhã lắm, không tỏ ra vội vàng chút nào. Hắn dựng xe, leo xuống, với lấy một cái lồng chim rỗng có rắc vài hột kê, hột tấm, trong đó có vài cái que cây đã tẩm sẵn keo dính chuột và một cái máy phát âm hiệu Trung quốc cũ rích gài sẵn tiếng chim, rồi từ tốn treo lên nhánh cây quen thuộc. Cái việc bẫy chim đơn giản chỉ có thế, nhẹ nhàng như không, lại bẫy được từng đàn cả chục con (chứ không lạc hậu như việc bắn chim lúc trước, phải mua súng săn vừa mắc tiền mà vừa chỉ bắn tỉa được từng con. Không khéo để súng trong nhà, bất ngờ nó bị cướp cò thì không còn là súng săn chim nữa mà là súng giết người thì khốn). Xong, hắn leo xuống, mở ra cái võng bạc phếch, nằm khểnh đong đưa tòn teng giờ này sang giờ kia, chờ cho con mồi sập bẫy.
Nhìn hắn, Lựu tưởng tượng đến cảnh: một gã chồng, chủ của gia đình( chắc chắn nghèo), chỉ biết làm mỗi một việc: ăn không ngồi rồi. Những gã chồng làm biếng, mọi việc đẩy hết cho vợ để rảnh thời gian trong ngày ngồi đồng, không ngồi bàn nhậu thì cũng ra ngồi bờ sông câu cá, ngồi bờ ruộng bẫy chim. Lựu tự thắc mắc với mình rằng với quỹ thời gian bỏ vào việc săn chim như vậy, thì hắn lấy cái gì bỏ vào bụng ngày cơm ba bữa. Mà hắn toàn đến đây săn chim trong cái giờ mọi người đổ ra đường đi làm, vô công sở, công ty, công trường….mà ta gọi giờ hành chánh đó. Vô phúc cho vợ, không hai nách cặp con thì cũng đang tất bật trong xưởng may công nghiệp, đang làm phụ hồ, hay lao công quét dọn đâu đó trong những tòa nhà cao tầng cũng không chừng.
Cái mảnh ruộng bỏ hoang kia trước đây cũng lắm loại chim bay về trú ngụ. Lựu yêu thiên nhiên, nên thấy từng bầy chim hót ríu rít vừa nhảy nhót trên cành mỗi buổi sớm mai, cô rất mê. Nhiều nhất vẫn là chim sẻ, chúng bay cả đàn , nhiều con rất dạn, còn sà xuống nền đất tìm mồi khi Lựu rải chút gạo hay kê trên lối đi của vườn. Hay những con chim sâu nhỏ tí như trái trứng cút bay nhanh phải biết. Những con chích bông, sắc ô, mỏ đỏ… lạc loài cũng thích chui vào vườn nhà Lựu, như có cảm giác rằng nơi đây rất đỗi an toàn. Lâu lâu, Lựu lại bắt gặp một con chim lớn, chắc là bìm bịp, bay lạc vào vườn. Gần như thói quen, sáng nào Lựu cũng mở toang cánh cửa sổ phòng mình để nghe chim hót và thấy chim bay từ cành nọ đến cành kia mà không chán mắt. Lựu thích nhìn chim bay nhảy trên cành cây thôi, chứ không thích cảnh chim bị nhốt trong lồng, vì cảnh “cá chậu chim lồng” thì vô cùng đáng thương vì chúng đã mất tự do. Hồi nhỏ, có lần ba của Lựu tỉa nhánh cây trâm, trên đó có một tổ chim mà ba không biết. Khi nhánh rớt xuống nền, thì tổ chim rơi ra, mới biết trong tổ đầy rơm kia là một bầy chim non vừa nở. Chúng nhắm nghiền mắt, cái mỏ tí xíu phát ra những tiếng kêu chiêm chiếp nghe thật thảm thương. Ba tội nghiệp, đi mua một cái lồng con, định chỉ là nuôi cho tới khi cứng cáp rồi thả chúng bay vào trời cao. Lựu ngồi cả ngày ngắm nghía những con chim bé tí như hạt đậu trắng, ráng nhét nhét cái hột kê to hơn cái mỏ đang dán chặt vào nhau không chịu há. Lựu loay hoay lấy cái ống hút thuốc, nhỏ nhỏ giọt nước vào bên khóe mỏ chúng nữa. Nhưng đã không có thức ăn hay thức uống nào vào được miệng chúng cả. Phải có chim mẹ mớm mồi mới được, chúng non nớt chưa ra ràng mà. Mà chim mẹ thì động ổ bay đâu mất rồi. Hậu quả của sự thiếu hơi ấm của mẹ, thiếu thức ăn từ mẹ, chúng lần lượt chết sạch chỉ sau vài ngày. Lựu khóc, vừa đào đất trong mấy chậu cây, vừa lầm rầm khấn vái cho chúng được siêu thoát, kiếp sau đầu thai con gì cho sướng sướng một chút, đừng làm chim nữa. Từ dạo ấy, thấy bất cứ con chim nào Lựu cũng thương, vì nhớ về đàn chim non vỡ tổ ấy. Lựu triết lý: dù có ở lồng son, thức ăn đầy đủ ê hề mà thiếu tình thương của mẹ, thiếu sự chăm sóc của mẹ thì cũng không sống được.
Gã săn chim đang thiu thiu dưới bóng mát của cây đa, nghe tiếng chim đập cánh phần phật trên chiếc lồng bẫy, liền mở choàng mắt. Con chim đang vẫy vùng hòng thoát, nhưng vô phương. Gã uể oải ngồi dậy( “ngồi rồi” mà cũng uể oải thì lạ thiệt đó), chậm chạp đứng lên, giơ tay gỡ con chim tội nghiệp kia nhón bỏ vào chiếc lồng đã có hơn chục con đồng cảnh ngộ. Trái với cái lồng bẫy có đủ thứ món để dẫn dụ chim , lồng này trống trơ, không một hột kê, hột tấm, không có cả chén nước cho lũ chim gào thét khản cổ được nhấp chút gọi là. Chừng hết cả buổi sáng, khi cái bụng hắn đã sôi réo đòi cơm, và cái lồng trống huơ trống hoác trước đó đã đầy ních chim im re vì mệt, hắn mới uể oải( lại oải) đứng dậy, phủi đít phành phạch, rồi thu xếp võng, thu đồ nghề là hai cái lồng, che chắn mùng cẩn thận, chuẩn bị ra về. Ước có trên hai chục con bị bẫy trong đó. Những chú chim sẻ nhiều nhất. Vì gã chủ định bẫy sẻ. Nghe nói thì mỗi âm thanh gọi chim phát ra đều khác nhau, muốn bẫy loại nào thì sẽ phát tiếng chim y chang loài đó, loài khác không bị sập, gọi là tiếng chim gọi bầy cầu cứu đó mà. Hèn gì mà Lựu thấy trong lồng của gã toàn chim sẻ. Số phận của chúng chắc chắn lại là quán nhậu hay nhà hàng thôi. Hết cái để ăn nhậu rồi hay sao chớ, mấy con chim bé tí xíu chả bõ dính răng cũng không thoát. Lựu thắc mắc hoài về những con chim bé tí xíu chưa đến 30 gram, toàn lông với xương, thịt thà có mấy đâu mà nhậu với nhẹt nỗi gì. Bây giờ rộ lên chuyện nhậu “chim lá rụng”, tức chim mía, loại chim nhiều vô kể ở ruộng mía, mỗi lần chúng sà xuống đám mía nhìn y như là đám lá rụng, nên được gọi chim lá rụng. Mấy người bạn nước ngoài nhìn thấy ta ăn chim, ăn hột vịt lộn, thịt chó…đều rùng mình, chắc vì họ đang nghĩ về một giống người “ăn lông ở lỗ” thời tiền sử.
Với mớ chim ít ỏi hắn vừa thu hoạch được, mấy quán nhậu chê hẻo là cái chắc. Quán nhậu thì phải con số nhiều trăm trở lên, cung mới đủ cầu. Chục con bõ bèn gì. Hay hắn bẫy chim cho vui, để giết thì giờ vì không biết làm gì ngoài …làm biếng? Hay hắn sẽ “ăn tươi nuốt sống” mấy con chim tội nghiệp vì nghe nói ăn thịt chim se sẻ sẽ được cường dương, bổ thận? Hắn bẫy để bán trước cổng chùa trong dịp ngày rằm mùng một đó, hèn chi. Cái phước phóng sinh là cái phước mà theo Lựu, nó vô duyên nhất. Phước đâu chẳng biết, chỉ thấy nó đồng tội “sát sinh”. Có cầu mới có cung. Có lý đâu mà chim đang tự do bay lượn, tự nhiên bắt chúng, nhốt chúng, rồi đến ngày rằm, mùng một, mua chúng rồi thả chúng làm phước, trời phật nào chứng giám cho cái phước kỳ quặc đó chứ? Làm phước thì hãy để cho chúng tự do bay trong bầu trời, nghĩa là đừng tiếp tay cho bọn bẫy chim. Sẽ nghe chúng hót líu lo, là để cám ơn đấy. Chim không bị bẫy, những kẻ săn chim thất nghiệp giải nghệ, còn chúng sanh thì hãy ban bố phước đức cho rất nhiều những số phận bất hạnh đang ở quanh ta kia. Cái đó mới đúng nghĩa làm phước.
Dường như từ ngày có gã săn chim đóng đô ở đám ruộng bên hông nhà Lựu, chim vắng hẳn. Buổi sáng thức giấc, Lựu chờ mãi mà chẳng nghe chim hót véo von bên cạnh cửa sổ. Mở toang hết cỡ, trên những nhánh sung, nhánh mít, trâm bầu, dấu châm chim cũng dần biến đi đâu cả. Lựu bần thần mãi, thấy thiêu thiếu thứ gì. Cái kiểu tận diệt bẫy bắt, săn bắn chim mọi nơi như thế kia, thì chim biết ẩn náu nơi nao? Khu vườn nhà Lựu một thời là chốn nương thân của bao loài chim bé nhỏ: từ con chích bông, chích chòe, trao trảo…., đến chim sẻ, chim cu, bìm bịp, ban đêm thỉnh thoảng còn nghe được tiếng quạ, tiếng cú, không khác một miền quê….Sao bây giờ chẳng còn nghe chúng ríu rít kêu bầy? Tiếng chim nghe rộn rã, cho đời thêm vui tươi, mà sao người ta lại nỡ hại chúng? Lựu tưởng tượng, khi những con chim bị bẫy nằm chen chúc trong lồng nhốt, những tiếng hót thất thanh, kêu cứu như không hiểu vì sao chúng chỉ đem đến cho đời những điều tốt đẹp: tiếng hót rộn rã vui tươi, tìm diệt sâu bệnh, côn trùng phá hoại mùa màng…. hà cớ gì mà con người lại bắt nhốt chúng vào đây, rồi …vặt lông, chiên giòn, nhai xương chúng?
Đất lành chim đậu. Lúc trước, chim đến đầy trời. Mỗi lúc chiều về, Lựu thấy cả đàn chim trăm con đậu trên mái ngói, trên dây điện, hay bay từng đàn theo hình tam giác rợp trời xanh. Chắc khi ấy, không gian nơi đây thanh bình, con người ta chưa biết tàn nhẫn với nhau.
Hình ảnh ấy giờ còn thấy đâu. Chỉ còn vài con lẻ loi bay chập chờn lo sợ, đôi cánh ngập ngừng như nghe ngóng, thăm dò vì tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Nên càng nín bặt cả tiếng hót véo von.
Mấy con chim sâu bé tí xíu chẳng có chút thịt nào, chắc không phải là mục tiêu cho mấy gã bắn chim, bẫy chim, vậy mà dạo này cũng vắng bóng hẳn, chẳng hiểu chúng bay đi đâu mất rồi. Đất không còn lành, chim phải bay thôi. Hèn chi mà mấy cây ăn trái, mấy đám rau sạch, đám hoa lá trong vườn nhà Lựu bây giờ đầy những con sâu bệnh, côn trùng phá hoại, bắt hoài mà không xuể. Thôi rồi, năm nay chắc không còn rau trái gì để khoe cây nhà lá vườn nữa rồi, buồn gì đâu.
01/09/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN