10/4/2016
NHỮNG NỮ PHI CÔNG ANH
VƯỢT ĐẠI LỤC BẰNG MÁY
BAYCHUỒN CHUỒN
Nguyễn Thị Kim-Thu
|
Trong bài trước, đọc giả thấy vài phụ nữ Anh gan dạ vượt đại dương bằng thuyền với mái chèo. Trong bài này, vài phụ nữ Anh lừng danh khác đã lái máy bay cổ lỗ sĩ, loại máy bay “bà già”, “chuồn chuồn” của thời trước đệ nhị thế chiến để bay xuyên lục địa
1. Amy Johnson (1903-1941) là nữ phi công đầu tiên lái một mình chiếc máy bay chuồn-chuồn từ Anh đến Úc năm 1930. Bà cũng là nữ kỹ sư hàng không đầu tiên. Trong Thế Chiến Thứ 2, bà là phi công phi cơ vận tải. Bà chết ngày 5/1/1941 ở tuổi 37 vì tai nạn máy bay rớt ở cửa biển sông Thames do bà lái năm 1941. Xác bà không tìm thấy.
Bà cất cánh bay tại Croydon London vào ngày Thứ Hai 5/5/1930 và đến Darwin Úc vào Thứ Bảy 24/5 trong một hành trình dài 19 ngày rưởi, với chặng đường bay 18.000 km.
Trong suốt cuộc hành trình đầy hiểm nguy, như gió bão suýt đẩy bà ra khỏi chiếc máy bay, mưa to, nóng cực độ và bão cát trên sa mạc. Bà đã trải qua những giờ phút căng thẳng khi chợt thấy những ngọn núi cao trên vùng đồng bằng phải tránh gấp bằng cách vượt lên cao như thẳng đứng, hay bay qua các sa mạc mênh mông hiu quạnh, hay bay thấp qua vùng biển Timor thấy đầy cá mập. Có lúc bị nôn mửa vì khói máy bay rò rĩ. Da bà bị phồng cháy, và có lúc bà mệt gần ngất xỉu vì thiếu ngủ.
Ngoài ra, vào tháng 7/1931, bà cùng với phi công phụ Jack Humphrey trở thành phi công đầu tiên lái máy bay từ London đến Moscow trong 21 giờ, với một đường bay dài 2.830 km. Rồi sau đó hai người tiếp tục bay xuyên qua Siberia đến Tokyo Nhật Bản, lập kỷ lục bay từ Anh đến Nhật Bản.
Vào tháng 7/1932, bà phá thêm một kỷ lục bay từ London đến Cape Town Nam Phi cũng trên chiếc máy bay chuồn chuồn.
Vào ngày 5/1/1941 trong khi lái chiếc Airspeed Oxford trong một biểu diễn không lực hoàng gia trong điều kiện thời tiết rất xấu. Vì máy bay trục trặc bà nhảy dù trước khi máy bay đâm vào cửa biển sông Thames. Vùng biển này đang có bão tuyết, một tàu hải quân đến cấp cứu tức thời, viên sĩ quan lặn tìm thấy xác bà đã chết. Ngay lúc đó một đợt sóng lớn ào đến, thi thể bà bị cuốn mất và viên sĩ quan bị lạnh chết khi chở về bệnh viện. Sau đó, không tìm được xác bà. Một giả thuyết cho rằng bà bị chân vịt chiếc tàu cuốn vào và xé xác bà thành mãnh vụn.
2. Mary Heath (1896 – 1939), người Anh gốc Ái Nhĩ Lan là phụ nữ đầu tiên lái máy bay từ Cape Town Nam Phi đến Croydon London năm 1928 lúc 32 tuổi. Tưởng rằng chỉ trong 3 tuần thì hoàn tất, không ngờ cuộc hành trình của chuyến bay kéo dài 3 tháng từ Tháng 1 đến Tháng 5 năm 1928. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên lái máy bay hành khách ở Anh, là phụ nữ đầu tiên nhảy dù, và đoạt giải quán quân về môn thể thao phóng lao (jevelin) dành cho phụ nữ. Bà cũng nổi danh trong hội Thế Kỹ 20 về thách đố hút thuốc Thổ Nhĩ Kỳ.
3. Tracey Curtis-Taylor, 53 tuổi, đã lái một mình chiếc máy bay chuồn chuồn Spirit of Artemis thời 1942 từ Hampshire, miền nam nước Anh, đến Sydney (Úc) với chặng đường dài 25.000 km. Trước đây, bà cũng lái chiếc máy bay này một mình qua chặng đường 15.300 km ở Phi Châu.
Đây là một chặng đường dài đầy nguy hiểm vì phải vượt qua ba đại lục, 23 quốc gia, với núi cao, sa mạc, v.v. vì vậy bà phải chuẩn bị rất kỹ lượng và lộ trình dừng chân phải thật chính xác để đủ xăng dầu và thời gian ngơi nghỉ. Để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, bà đã làm di chúc và dàn xếp trước việc tang lễ cho bà.
Cất cánh khởi hành ngày 1/10/2015 tại phi trường Farnborough Hampshire ở miền nam nước Anh trên chiếc máy bay loại chuồn chuồn thời 1942, với bình xăng đầy 9400 lít, không mang bộ phận nhảy dù. Dụng cụ tân tiến mang theo là máy định vị trí GPS và một Ipad mục đích liên lạc để tránh những vùng quân sự cấm bay qua. Bà phải bay vòng quanh ở những xứ đang có chiến tranh. Vì là máy bay cổ lỗ sĩ, không có bộ phận tự lái như phi cơ tân tiến, không có radar nhìn xa phía trước, bà phải lái bằng tay và nhìn bằng mắt. Tuy vậy, bà đã lái qua 23 quốc gia, qua Châu Âu, Biển Chết, sa mạc Trung Đông, Pakistan, Ấn Độ, xuyên Châu Á để cuối cùng là Úc Châu. Khi bay trên lãnh thổ Romania thì gặp sương mù dày đặc không thấy gì cả, nhưng bà vẫn phải bay vì không biết nơi nào để hạ cánh, mải tới Hungary bà phải đáp xuống một đồng cỏ của một nông trại để chờ sương mù tan. Rồi khi qua Trung Đông gặp bão cát kinh hoàng trong sa mạc vùng Saudi Arabia, bà phải bay thấp ở độ cao 30 m để nhìn thấy mặt đất và bay theo một con đường để thoát ra vùng bão cát. Bà lúc nào cũng phải cảnh giác, mặc dầu sa mạc bằng phẳng nhưng thỉnh thoảng có những ngọn núi thẳng đứng chắn trước mặt, hay những tòa nhà cao ốc. Khi bay qua thành phố Karachi Pakistan, ở độ cao 150 m, máy bay của bà gặp một đàn chim đông hàng hà sa số, chỉ cần đụng phải một con là tai nạn tức khắc. Lúc đến Úc thì qua vùng sa mạc nóng kinh hoàng.
Các chặng bay từ Anh đến Sydney
Bay qua núi đá Uluru Úc Đại Lợi
Đến phi trường Sydney ngày 9/1/2016, sau 3 tháng ngày cất cánh tại Anh 1/10/2015.
Reading, 4/2016