13/9/2015
Tạ hoàng Trung
Cũ và mới là hai khái niệm có phần đối lập nhau. Những gì đã gọi là cũ thường gắn với cái lỗi thời, cái qua đi, cái xấu xí, có khi không còn giá trị sử dụng. Cái mới thường là cái hợp thời, có nhiều giá trị vượt trội, tính năng ưu việt hơn cái cũ. Vì thế mà con người ta thường chuộng cái mới, có mới nới cũ, có trăng quên đèn. Tuy nhiên nếu không có cái cũ thì làm sao có cái mới, và liệu chăng có phải cái cũ nào cũng đáng bỏ đi và cái mới nào cũng hợp thời, tân tiến.
Xe cũ – Xe mới
Lúc ra trường , cái xe Yamaha 50cc tuy cổ lổ sỷ nhưng về từ đầu ngỏ vợ con nghe tiếng hù hụ từ xa đã chạy ra cửa đứng đón, đi đâu cũng chở cả 4 người, con đứa nào cũng xí ngồi bình xăng cãi nhau chí choé.Giờ làm ăn khá giả, xe xịn hơn, tay ga êm ru, bọn nhóc cũng lớn nên mỗi người sở hữu một chiếc, không còn cảnh đưa đón như xưa. Cái xe cũ lại cất vào kho vì không thuận lợi do xe hai thì, mà các cây xăng ngày nay không còn bán xăng pha nhớt như xưa nữa. Không lẽ đi lúc nào cũng kè kè bình nhớt mang theo! Xe cũ tiếng nổ như xe tăng, cả xóm cùng nghe, chở em đi chơi về muộn phải xuống xe từ đầu ngõ dắt bộ vô để không mất giấc ngủ hàng xóm. Xe mới thì vô tư, êm ru vừa hợp thời vừa hiện đại.
Nhà cũ- Nhà mới
Lúc mới ra riêng ở căn nhà gỗ ba gian, nhà 4 người ở chung một gian, hai bên là phòng ngủ và phòng làm việc. Cái nhà tắm, toilet thì ngoài vườn, cây cối um tùm. Tuy không tiện nghi nhưng ấm cúng . Rồi theo đà phát triển dỡ bỏ xây cái vila to đùng, cả chục phòng, phòng nào cũng có toilet, cửa nẻo riêng biệt, kín đáo. Bọn nhóc giờ giấc đi làm đâu còn trùng giờ nhau mà sum họp ăn uống chung như ngày xưa.
Nhà cũ có mỗi cái phòng sinh hoạt, một cái tivi, đầu máy, nên buổi tối quay quần hát hò rất vui, nay mỗi phòng một cái ăn xong là lĩnh vô phòng chả còn thiết tha tới không gian sinh hoạt chung. Nhà mới đã rộng càng trở nên thênh thang, mỗi người nhốt mình vào một phòng như một ốc đảo riêng. Nhà mới vì thế càng đầy đủ về vật chất thì càng thiếu thốn về tinh thần. Tự nhiên lại khao khát được quay về căn nhà cũ chật hẹp nhưng ấm cúng của ngày xưa.
Trường cũ- Trường mới
Hồi đó học ở ngôi trường chỉ có mấy dãy nhà lá, trường mới thành lập có 6 năm, cái hội trường cũng nhà lá. Phòng ban và nhà cô thầy cũng tạm bợ . Học trò tan học tắm chung một cái giếng, ăn chung một nhà ăn, ký sổ chung một cái quán Tư Ân, Zị mà dzui, chiều chiều ghé nhà thầy lúc nào cũng có bình trà uống tám chuyện thời sự, tình thầy trò, đồng môn dạo ấy gắn bó mật thiết làm sao!
Rồi trường di dời về nơi đầy đủ tiện nghi, văn phòng khoa không còn tập trung như xưa mà mỗi bộ môn một phòng riêng biệt, ngoài giờ học muốn gặp cô thầy khó hơn gặp tổng thống vì giờ ai cũng có điều kiện làm riêng, nhà riêng, không còn chui rúc trong lưu xá như năm xưa nữa. Thời gian mạn đàm tán gẫu la cà ăn nhậu cuối tuần với sư phụ cũng thưa dần. Muốn trở lại cảnh năm xưa lúi húi dưới bếp nấu ấm nước pha ấm trà để chuyện trò hàn huyên tìm đâu ra!
Bây giờ mà đem gửi cô củ khoai mì, bọc khoai lang, cóc, ổi, xoài …mua ngoài cổng cũng không dám vì sợ độc tố. Muốn nhậu với thầy bây giờ đâu phải dễ, trước có quan tâm gì tới rượu độc đâu, cứ cuốc lũi, Chương Dương là làm tới, no bóp lồm! Nay phải đắn đo, chọn lựa quán nào vệ sinh, rượu phải có nguồn gốc, tin tưởng chỗ quen mới dám uống chớ thường là mua rượu tây cho chắc ăn.
Hay tại mình ở cái tuổi về chiều rồi nên hay hoài niệm cái cũ, cái đã qua và thường nhìn thấy những giá trị tốt đẹp của nó. Đương nhiên cái mới phải có những cái tiến bộ, ưu việt hơn thì người ta mới thay đổi. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Đứng trước những sự thay đổi bao giờ cũng có cái được và cái mất, thời cơ và thách thức. Điều quan trọng là thay đổi như thế nào để cái mới thay thế có được những cái ưu việt, tiến bộ và cả những giá trị tốt đẹp của cái cũ. Đó mới là điều chúng ta nên suy nghĩ và cân nhắc trước mỗi sự lựa chọn của cuộc đời mình.
Tác giả với xe cũ