ĐÓN XUÂN NÀY NHỚ XUÂN XƯA
Xuân xưa của tôi ở một miền quê thuộc ĐBSCL nhiều sông nước không xa thành phố lắm, không hơn một giờ đạp xe. Nhưng cách nay khoảng hơn 60 năm, khi tôi còn bé thì từ quê tôi ra đến thành phố đúng thật là nhiêu khê. Đường làng quê chỉ là những con đường đất quanh co, chi chít cầu khỉ, muốn ra đến thành phố phải đi xe đò, muốn đi xe đò phải lội bộ ra chợ xã cách nhà khoảng vài cây số, leo lên xe ngồi đợi thêm có khi đến hàng giờ, chờ đến khi đầy khách xe mới chạy. Phương tiện di chuyển ở miền quê lúc bấy giờ chỉ là xuồng bơi hoặc ghe chèo chứ chưa có ghe máy. Đi ghe xuồng mà gặp đoạn nước ngược, gió ngược thì đúng là “nạn nhân khốn khổ”. Gồng mình đẩy tay chèo mà ghe chỉ nhích được 1 tí, lơi tay chèo thì ghe sẽ đi lùi lại sau. Gặp lúc trời trưa nắng, ôi, lại càng khốn khổ hơn.
Đi đến chợ vất vả thế, nên bà con ở vùng quê này phải ăn Tết với những gì mình tự sản tự tiêu mà không cần phải ra đến chợ. Trong mấy ngày Tết gần như nhà nào cũng có những món bánh mứt tự làm để dành đãi khách như mứt mãng cầu, mứt bí, mứt dừa, chuối ngào đường đậu phộng - lúc còn bé tôi rất mê món này, nhúng cái bánh tráng cho ướt rồi cuộn chuối ngào vào trong, cầm nguyên cuộn cắn ăn... Ôi, thật là tuyệt!
Gần một tháng trước Tết, lò tráng bánh ở trong xóm đã bắt đầu nhộn nhịp, xa xa trong làng mới có 1 lò tráng bánh, nơi có lò tráng bánh phải có sân rất rộng đủ để phơi bánh. Thường chủ lò chỉ là người tráng bánh ăn công, gia đình nào muốn tráng bánh phải đăng ký trước để “xếp tài” và phải chuẩn bị bột để mang đến, chủ lò sẽ tráng hết bột của gia đình này rồi mới đến gia đình khác. Bánh vừa ra lò nóng hổi, bốc khói, được trải trên 1 tấm vĩ đan bằng tàu lá dừa. Khi bánh đầy vỉ sẽ được mang ra giàn để phơi nắng cho khô. Thường có 2 loại bánh, bánh tráng mặn màu trắng, nhiều mè, bánh tráng ngọt màu sẫm hơn, mềm dẻo hơn, ăn sống được, khi nướng lên rất giòn và rất thơm. Ngon nhất là khi bánh vừa mới ra lò còn ướt, cuộn thêm nhân đậu xanh, dừa nạo... gọi là “bánh tráng ướt”, ăn ngon vô cùng, ngọt ngọt, béo béo, thơm thơm... Ôi thật khó tả. Bọn trẻ con thường tụ tập nơi này để ít nhất mỗi đứa cũng được nhâm nhi vài cuộn bánh ướt.
Nửa đêm về sáng, đang ngủ mà nghe tiếng “bùm bum bùm bum...” thật to thì đó là tiếng chày quết bánh phồng ở 1 nhà nào đó trong xóm. Khi biết có nhà đang quết bánh phồng, thì mọi người xung quanh tự động cầm mấy cái ống cán bánh đến để tiếp giúp mà không chờ ai mời ai gọi, để đến khi nhà mình có việc thì cũng sẽ được mọi người đến giúp. Tính cộng đồng ở miền quê tôi rất cao. Ống cán bánh chỉ là 1 đoạn ống tre, trúc, dài khoảng 1 gang bàn tay mà nhà nào cũng sẵn có, để cán cho cục bột dẹp thành 1 cái bánh tròn đều như cái đĩa. Bột làm bánh phồng được nấu từ nếp, chín như xôi, rồi cho vào cối giã gạo, phải có 2 người khỏe mạnh cầm chày đứng 2 bên, thay phiên nhịp nhàng giã mạnh xuống, và phải có thêm 1 người thứ 3 xoay trộn cục nếp cho đều, đây là công đoạn vất vả nhất, nếp quết phải thật nhừ, thật đều thì bánh phồng khi nướng mới nở to đều và đẹp được. Bột nếp quết xong mang vào trong 1 tấm đệm, sau đó được bốc thành viên như quả trứng gà rồi cán ra thành bánh. Bánh cán xong được trải lên 1 tấm chiếu mới, sạch và đem đi phơi cho khô. Bánh này không ăn sống được mà phải nướng trên ngọn lửa hồng nhưng không phải ai cũng nướng được, người nướng phải quen tay, xoay trở liên tục trên ngọn lửa, vừa xoay vừa giũ mạnh để bánh nở phồng to. Bánh nướng xong to hơn lúc chưa nướng gấp nhiều lần, ăn rất xốp và rất ngon. Bất cứ gia đình nào trong mấy ngày Tết cũng đều có vài ba xấp bánh phồng, bánh tráng trước đãi khách, sau làm quà.
Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, sau khi “cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời” không khí đón Tết có vẻ rộn ràng hơn lên, nhà nhà chuẩn bị đón Tết, cỏ rác từ ngoài cổng vào đến sân nhà chỗ nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ. Hàng rào kiểng dâm bụt được cắt tỉa gọn gàng, hàng rào cây thì quét vôi sáng mới, cả những gốc cây to cũng được quét vôi trắng tinh như vừa khoát lên mình những chiếc áo mới... Những hàng bông cúc vàng, vạn thọ, sao nhái... được trồng ngay ngắn 2 bên đường cũng bắt đầu hé nụ đón chào Xuân. Trong nhà cũng được quét dọn sạch sẽ, những bộ lư đồng trên bàn thờ được dọn xuống đem ra phơi nắng, đánh bóng như mới. Đâu đâu cũng tất bật lau chùi quét dọn. Nhà nào chưa có hoa thì xuống bến sông đón những chiếc ghe chở đầy hoa kiểng ngoắc vào là tha hồ chọn lựa cho mình những chậu hoa vừa đẹp vừa rẻ mang lên nhà trang trí cho mấy ngày Tết. Nhìn chung mọi cảnh vật được đổi mới hoàn toàn, càng làm cho không khí đón Tết càng thêm háo hức.
Những ngày Tết quê tôi cũng là thời điểm nông nhàn, tất cả mọi nhà đã đưa hết thóc lúa vào bồ để chuẩn bị ăn Tết. Nước trên đồng đã khô cạn, cá trên đồng đã xuống sông, vào mương. Vùng quê tôi nhà nào cũng có vài ba cái mương, không nuôi nhưng để cho cá vào trú ẩn, mương nào cũng nhiều cỏ, lục bình và rất nhiều cá tôm. Những ngày gần Tết nhà nào cũng bắt cá trong mương để dành ăn Tết. Cận Tết chờ những ngày nước kém mọi người thay nhau cùng tát mương bắt cá. Ở quê tôi mọi người hay vần công với nhau, hôm nay cùng nhau bắt cá ở nhà người nay thì mai lại đến nhà người khác. Sau khi mở cống đập cho nước thoát bớt ra ngoài thì bắt đầu tát nước, người ta hay tát bằng gàu dai, gàu làm bằng nan tre đan khít như cái thúng, 2 bên có 4 sợi dây dài và chắc, khi tát nước 2 người khỏe mạnh đứng 2 bên bờ mương gần đập, mỗi người cầm 2 đầu dây, cùng quăng gàu xuống nước và cùng căng dây kéo lên, phải cùng nhịp thì mới đưa được gàu nước đầy qua khỏi đập, khi mệt thì thay người khác. (tát bằng cách này rất mau vì xưa chưa có máy bơm nước). Khi nước trong mương đã cạn mọi người tập trung xuống mương dọn cỏ, lục bình quăng lên bờ, chưa dọn sạch cỏ là đã thấy rất nhiều cá, tôm, cua, ốc nằm đầy đáy mương thấy mê lắm! Nhiều con cá lóc, cá trê rất to, đen bóng chưa kịp chui xuống bùn nằm im như những khúc củi, cứ thế mà lượm cho vào thùng, mọi người đều rất phấn khởi. Tát mương bắt cá cũng là 1 cái thú của người miền quê, nhất là bọn trẻ con cứ thấy cá to là hò reo chỉ trỏ. Mọi người ướt đẫm, mặt mũi đầy bùn đất nhưng ai cũng rất vui. Cá bắt được đem vào nhà cho vào lu, hủ, rộng riêng từng loại để dành ăn dần qua mấy ngày Tết. Bọn trẻ con rất thích đi “hôi” cá, “hôi” cá là bắt những con cá bị bỏ sót. Sau khi người lớn kéo sang mương khác thì bọn nhóc ngồi trên bờ chờ xem có chỗ nào mặt bùn nhúc nhích, thỉnh thoảng có những con cá lóc, cá trê trốn chui xuống bùn sâu, bị ngộp trồi đầu lên, thể là các bạn nhỏ nhào xuống ôm cá lên, đây lại thường là những con cá to, vì cá to mới chui sâu xuống bùn được.
Sau khi tát mương bắt cá, mọi người xuống nước rửa mình sơ qua cho sạch bùn rồi chọn những con cá lóc to vừa mới chết ngộp, xiên vào 1 cành tre/trúc cắm đứng trên bờ mương, chất đầy rơm xung quanh đốt lên. Sau vài phút ta thấy trên đống tro tàn là những con cá nướng nứt da thơm lừng. Bên chén nước mắm ớt, 1 dĩa chuối chát, khế chua xắt mỏng, vài ba cọng rau thơm, ít miếng bánh tráng cùng chai rượu nếp... là mọi người xem như đã bắt đầu ăn Tết rồi đấy.
Tết quê tôi không có bánh chưng, bánh dày mà chỉ là bánh tét, bánh phồng, bánh tráng... mà thường thì nhà nào cũng phải có.
Với tiết trời se lạnh của những đêm cuối Đông, ngồi quanh bếp lửa hồng của nồi bánh tét, cầm miếng bánh tráng nướng thơm giòn trên tay, ánh sáng của ngọn lửa cứ nhảy múa liên tục trên những khuôn mặt rạng ngời, bọn trẻ chúng tôi lúc bấy giờ tha hồ rôm rả bàn tán những mơ ước của mùa Xuân, nào quà, nào bánh kẹo, bao lì xì và những bộ quần áo mới.
Những ngày sát Tết, bọn con trai trong xóm tất bật chuẩn bị cho “phe ta” 1 dàn trọng pháo, nào ống tre, nào thân cây đu đủ, mỗi giàn phải từ 5 đến 7 ống, mỗi ống cao khoảng đến ngực, đầu dưới kín có khoét 1 lỗ thông hơi nhỏ, bên trong ống rỗng. Khi đốt cho 1 cục khí đá vào, cho ít nước vào rồi lắc ống cho khí đá xì hơi, bịt đầu ống đưa lên giàn, châm lửa vào lỗ hơi pháo sẽ phát nổ thật to và phụt ra tia lửa giống như bắn súng cối. 1 đội pháo phải có nhiều người, 1 người hy sinh chịu ướt đứng dưới mép nước để lấy nước cho vào ống, những người còn lại truyền ống, cho khí đá vào, người cầm cây rọi châm lửa... Có như thế thì giàn pháo mới phát ra tiếng nổ liên tục và mới áp đảo được giàn pháo của “phe địch” ở bên kia bờ sông. Thời xa xưa chúng tôi không đốt pháo, hay đúng hơn là không có tiền để mua pháo, đốt pháo là xa xỉ. Chỉ với ít tiền là có thể mua được nhiều khí đá cho cả bọn cùng vui chơi. Những đứa nhỏ hơn thì đốt bằng hộp lon, gáo dừa. Để cục khí đá bằng đầu ngón tay xuống đất, cho vài giọt nước vào, úp hộp lon hoặc gáo dừa có khoét lỗ hơi sẵn, châm lửa vào là nổ to. Hộp lon và gáo dừa bay lên cao, không né kịp dễ bị u đầu. Đốt pháo khí đá rất vui, tiếng nổ rất to nhưng cũng rất dơ vì đất cát sẽ bám đầy vào quần áo mới.
Mùng 3 Tết, xúng xính trong bộ quần áo mới, ngồi trước mũi xuồng bên mâm quà vài xấp bánh tráng, vài đòn bánh tét, bọc mứt dừa cùng ít trái cây. Ba tôi ngồi sau, bơi xuồng đưa tôi đến chúc Tết Thầy. Thầy ở cách nhà tôi không xa lắm, chỉ hơn cây số thôi nhưng phải đi xuồng vì nhà Thầy ở bên kia sông. Xuồng ghé bến, tôi bước xuống kéo dây cột xuồng, ba tôi bưng mâm quà đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau bước vào cung kính chào Thầy. Thầy không lớn tuổi hơn ba tôi, 2 người nói chuyện vui vẻ, tôi không còn nhớ ba và Thầy đã nói gì nhưng thấy Thầy rất vui. Năm ấy hình như tôi chỉ mới học lớp 5 (là lớp 1 bây giờ). Chỉ có 1 điều tôi không quên được - Thầy của tôi là Thầy giáo Bích.
Xuân xưa ở miền quê tôi là thế đó, rất đẹp và rất bình dị, nhưng Tết thì thật là “TẾT”./.
Đỗ Lượng
Mùa Xuân 2019
|