CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ…
Thế là tôi đã thực hiện mơ ước của mình về một chuyến đi trở về với Tây Nguyên vùng đất rừng núi bạt ngàn ngày xưa với những cái tên quen thuộc : Kontum, Pleiku, Ban mê Thuột… Sự trở về lúc nào cũng mang nhiều khắc khoải khi nỗi nhớ đong đầy những kỷ niệm lưu giữ từ bao nhiêu năm chắc có lẽ tâm trạng của bài hát “Còn chút gì để nhớ” của nhạc sĩ Phạm Duy sẽ mang lại cho ta nhiều cảm xúc hơn lúc nào hết…
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương”…
Ngày xưa đến với phố núi với khung cảnh còn hoang sơ, rừng núi sương mù và con đường đẫm ướt nước mưa buổi sáng có lẽ mang đến những cảm xúc thi vị mà cũng thật buồn vì nó vắng tanh những đồi núi chập chùng con phố dốc xuống phía dưới trời mưa lất phất, cảm giác đi tìm ly café mà nghe cả cái trống rổng trong tâm hồn, bất chợt bắt gặp cô gái ấy một thiếu nữ Ê Đê mang gùi đi chợ sớm dáng nhỏ nghiêng nghiêng, trang phục đầy màu sắc làm sinh động cho buổi sáng ở vùng cao
“Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng”...
Tôi cũng đã trở về và đi trên những con đường phố núi buổi chiều như vậy, nghe lâng lâng một chút để tìm lại những gì ngày xưa, bây giờ thì thành phố khang trang, những con đường rộng mở không còn thấy màu đất đỏ Ba Dan con đường dốc thì vẫn thế nhưng không trơn ướt vì ở đây mới có những cây mưa đầu mùa, đi ngang khu bản người Dân Tộc được giới thiệu là giàu nhất thì còn đó những ngôi nhà sàn bằng gỗ quí, nhà tường cao mái ngói có cổng rào chắc chắn không khác gì khu nhà người Kinh nếu không nhận ra chiếc cổng làng với màu sắc dân tộc, người Ê Đê bây giờ cũng chú ý đến trang phục nên vừa gọn gàng chỉnh chu vừa tôn nét đẹp của màu da Nâu và nụ cười thì cũng “tươi thắm” với nét son hồng như thiếu nữ người Việt, điều đó cho thấy khoảng cách giữa hai dân tộc là không còn và họ cùng chung sống cùng đoàn kết để cùng đưa xã hội phát triển ngày càng lên cao
“Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên…”
Thế là tôi đã về và đã vội ra đi nhưng vẫn để lại trên thành phố này niềm cảm mến, từng góc phố con đường, những tình cảm chân thành của anh em, những thắng cảnh vẫn giữ màu sắc truyền thống cho một vùng Tây Nguyên giàu sức sống và luôn khao khát vươn lên, đó là điều đáng nhớ nhất trong một chuyến đi chỉ vài ngày tôi trở lại với Tây Nguyên
Tran Chu Ngọc
( CĐ SP NLS/SG-K7)
|