Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào
(tiếp theo)
(Tác giả với hoa anh đào)
Nói về đất nước Nhật Bản thì không thể không nói đến núi Phú Sĩ (Fuji san, Fuji Yama), vẻ đẹp hoàn hảo của xứ sở Mặt Trời Mọc. Fuji ở Hakone, thuộc tỉnh Shizuoka, cách Tokyo 100km về phía tây nam, với nhiệt độ luôn 5-6 độ, là ngọn núi cao nhất Nhật Bản 3776m, nên vào những ngày nắng ráo, ngay tại thủ đô cũng có thể chiêm ngưỡng được đỉnh núi tuyết phủ vĩnh cửu này. Được xem là ngọn núi thiêng của Nhật (UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới năm 2013), nên khi xã hội phong kiến Nhật còn tồn tại quan niệm bất bình đẳng nam nữ, phụ nữ Nhật đã bị nghiêm cấm không được đến đây, dù chỉ đứng dưới chân núi. Chỉ đến thời Minh Trị, ông cho phép nam nữ bình quyền, việc tham quan núi, và cả việc leo núi Fuji mới không còn dành riêng cho cánh đàn ông. Một năm, Phú Sĩ chỉ thấy rõ khoảng 100 ngày, số ngày còn lại, Phú Sĩ ẩn mình sau làn mây mù dày đặc. Fuji là núi lửa đang còn hoạt động, và lần phun lửa gần nhất là vào năm 1707 (thời kỳ Edo cận đại). Có 9 trạm trên núi, nhưng hiện tại, xe chỉ lên được trạm 5 (cao 2400m), nhưng tại đây cũng đủ để ngắm nhìn toàn vẹn đỉnh núi tuyết trắng độc đáo này, và chụp Fuji ở những góc máy đẹp nhất. Những ai thích leo núi thì cứ chờ đến khoảng đầu tháng bảy kéo dài tới cuối tháng tám dương lịch hàng năm sẽ có những tour leo đến đỉnh. Nhiệt độ khắc nghiệt (luôn ở độ âm), độ dốc thẳng đứng, mây mù bao phủ cùng tuyết trắng trơn trượt, là những thử thách không hề nhỏ tại đây.
Osawa View Point ( 2020m), trạm số 4 trên núi Phú Sĩ, tháng tư vẫn còn tuyết và sương mù dày đặc
Núi Phú Sĩ
Dưới chân núi Fuji là Ngũ đại hồ, thường được gọi một cách mỹ miều là Phú Sĩ Ngũ Hồ đệ nhất kỳ quan, là các hồ Kawaguchiko, Yamanakako, Saiko, Motosuko và Shojiko (ko có nghĩa là hồ) chứa nước từ tuyết núi tan chảy xuống.
Gần đấy còn một tuyệt tác thiên nhiên nữa là hồ Ashi (Ashinoko hay hồ Hakone), là miệng núi lửa Hakone, hình thành khoảng 3000 năm trước, do sự phun trào nham thạch của núi lửa Hakone. Hồ có độ sâu 25m, nước trong vắt, mặt hồ êm như gương. Chính phủ chỉ cho câu cá trong hồ chứ không được giăng lưới. Hồ Ashi không bị đóng băng dù trong mùa đông rét mướt.
Hồ Ashi cạnh bên núi Phú Sĩ
Như vậy, cư dân thủ đô Tokyo, chỉ cần khoảng hai tiếng đồng hồ theo Hakone pass (đèo) đi lên vùng núi Phú Sĩ là có thể nghỉ dưỡng cuối tuần với không khí trong lành, trong khung cảnh tĩnh lặng của miền quê thôn dã dưới chân núi. Đúng là “như truyện thần tiên”.
“Như truyện thần tiên”thật, vì khắp nơi trên đất nước này chỉ thấy toàn những điều tuyệt vời, mà tuyệt vời nhất phải kể đến ý chí Nhật Bản. Năm 1945, Tokyo thành bình địa sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, vậy mà chỉ cần 19 năm sau, 1964, Nhật đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic (cũng là Thế vận hội đầu tiên được tổ chức tại châu Á), Nhật đã khiến cả thế giới đi từ kinh ngạc đến nể trọng vì sự trỗi dậy mạnh mẽ sau đổ nát một cách thần kỳ. Thế giới được bước lên chiếc tàu Shinkansen tốc độ nhanh nhất thế giới (khánh thành cùng trong năm 1964, là tàu cao tốc đầu tiên của Nhật, cũng là đầu tiên của thế giới), còn gọi là xe lửa viên đạn (bullet train, vì vừa có hình dáng giống viên đạn, lại có tốc độ nhanh như viên đạn được bắn ra khỏi nòng). Tuyến mang tên Nozomi là tuyến shinkansen tốc độ nhanh nhất (300km/h). Cùng với suy nghĩ phát triển đất nước phải bắt đầu từ việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, nên đến Nhật, ta thấy ngay mạng lưới giao thông tuyệt hảo. Dễ dàng thấy khắp mọi nơi luôn song hành hai tuyến đường: quốc lộ ở dưới, cao tốc trên cao. Tại thủ đô còn có thêm đường hầm chằng chịt trong lòng đất, và những tuyến đường sắt xuyên biển nối đảo này với đảo kia. Khu nhà ga tuyến đường sắt cao tốc tại Tokyo được xem là nhà ga sầm uất nhất thế giới với tổng cộng 14 đường tàu giao nhau, và số người trong ga một ngày lên đến hơn ba triệu lượt. Bảo đảm du khách không lạc vào mê hồn trận đường tàu cũng lọt thỏm trong biển người không lần nổi lối ra, và nếu không biết tiếng Nhật thì càng cầm chắc “tấm vé bấn loạn”ngay. (tốt nhất là …đừng đi tàu cao tốc một mình cho lành!). Tàu điện của Nhật chính xác đến từng giây, nên chỉ cần chậm một giây sẽ bị lỡ chuyến ngay. Tính chính xác về giờ giấc còn thể hiện trong tính cách người Nhật. Họ luôn đúng giờ trong mọi tình huống, từ trong công việc cho tới chuyện đi chơi, đi ăn, hay đi ngủ. Đi làm, nếu vào việc lúc 8 giờ, bao giờ họ cũng đến sớm 10 phút để chuẩn bị, sao cho khi vào việc sẽ đúng boong 8 giờ. Đó là một đức tính đáng quý của người Nhật. Ăn cắp giờ công là một khái niệm không bao giờ xảy ra.
Tàu Shinkansen tốc độ và hình dáng giống viên đạn (Bullet Train)
Đến những nơi công cộng, hình ảnh đập vào mắt du khách là dòng người xếp hàng ngay ngắn. Văn hóa xếp hàng của người Nhật đã được cả thế giới ngưỡng mộ qua hình ảnh dòng người đứng chờ nhận hàng cứu trợ sau trận thảm họa kép năm 2011: động đất mạnh 9 độ richter, và sóng thần cao 38,5m tại vùng Đông Bắc Nhật Bản, một thiên tai được xem là mạnh nhất trong lịch sử. Kỷ luật sắt: dù mất sạch nhà cửa, đói lả, họ vẫn nhẫn nại, bình thản, không vì thế mà hôi của, cướp bóc. Không tham của rơi: đồ đạc lỡ để quên nơi đông người, khi quay lại, món đồ vẫn còn ở nguyên chỗ cũ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn bình tĩnh đối phó (ở một đất nước luôn đối mặt với thiên tai dày đặc nên họ học được cách bình tĩnh?). Tinh thần đoàn kết rất cao: một nơi bị thiên tai (hay nhân tai), sẽ có ngay sự sẻ chia trên cả nước. Và tự hào dân tộc thì khỏi chê. Đến Nhật, bạn khó lòng giao tiếp được với họ vì đa số …không biết nói tiếng Anh, cũng như trên toàn cõi Nhật Bản, bạn sẽ không thể xài đồng tiền nào khác ngoài tiền Yên Nhật. Rất hiếm nơi thu đổi ngoại tệ (money exchange), dù trong sân bay, địa điểm tham quan, hay khu thương mại sầm uất nhất như Ginza, Shinsaibashi, Aeon…. Tốt nhất là đổi tiền ngay tại nước mình, bao nhiêu cũng có.
Người Nhật khi ra đường luôn trong tư thế chỉnh tề. Không có chuyện ăn mặc lôi thôi, áo phanh ngực, quần ống thấp ống cao, hay dép lê quèn quẹt như đang ở trong nhà. Không khí lạnh càng khiến họ áo vest, complet, cà vạt ngay ngắn. Tuyệt đối không ồn ào, cười nói hô hố nơi cộng cộng. Hàng lượt người, nam cũng như nữ, đi trên đường hay đứng chờ ở các ngã tư, dù là bạn bè, họ vẫn chừng mực, nói với nhau nhỏ nhẹ như ngại làm phiền người đứng gần. Ít thấy họ dán mắt vào chiếc điện thoại, cũng không thấy ai đeo headphone nghe nhạc trên đường.
Ở Nhật ít hoặc không thấy thùng rác trên đường, và cũng chẳng thấy cả rác trên đường! Vậy rác ở đâu? Xin thưa, rác sẽ nằm trong …túi áo, túi quần, trong túi xách, túi xốp, ba lô, cặp táp……Và chủ nhân của rác, khi về đến nhà sẽ bỏ rác vào thùng rác nhà mình. Đó là thói quen bắt buộc. Đó cũng là lý do vì sao mà trên khắp nước Nhật, đâu đâu cũng sạch sẽ. Vẫn có nơi đặt thùng rác công cộng, nhưng rác được phân loại từ nguồn với nhiều thùng riêng biệt, nhiều khi không biết bỏ rác có bị lộn không vì toàn tiếng Nhật! Và nếu thảng hoặc bạn thấy tại những địa điểm tham quan rác xổ tứ tung thì nhất định là do du khách nước ngoài ( chủ yếu người Trung Quốc) chứ không phải người dân Nhật đâu nhé. Chỉ một mẩu tàn thuốc (ở Nhật cấm hút thuốc), những người Nhật ghiền thuốc lá tự giác mang theo cái gạt cầm tay để gạt tàn thuốc thì đủ hiểu họ như thế nào.
Nước Nhật thịnh vượng, nước Nhật văn minh, nước Nhật hiện đại bậc nhất thế giới. Nhưng, (chữ nhưng mà đi liền sau những điều tuyệt vời, tức là muốn nói đến mặt trái của vấn đề), chính những điều mà, để được cả thế giới nghiêng mình kính phục, con cháu Nữ Thần Mặt Trời đã phải trả giá rất đắt.
1/Người Nhật không hạnh phúc. Không tình dục, không yêu đương, không hôn nhân, đó là quan niệm của giới trẻ Nhật hiện nay. Họ cho rằng những chuyện này thường mang đến rắc rối và phiền phức. Họ chú trọng đến công việc, áp lực sự nghiệp rất lớn, hơn là mất thì giờ vào những chuyện “chẳng chút hứng thú”. Thống kê cho thấy, hơn 74% người trẻ ở độ tuổi 20-30 chưa từng quan hệ tình dục. Xã hội Nhật đang đối mặt với thực trạng “già hóa”, người già càng lúc càng nhiều, trong khi tỷ lệ sinh càng lúc càng thấp. Số lượng trẻ em chỉ chiếm 12,4% số dân, và liên tục giảm từ sau 1945 (chấm dứt thế chiến thứ hai) đến nay chưa dừng lại. Nam giới thích được tự do không bị ràng buộc bởi ai, còn nữ giới thì thấy chuyện lấy chồng, sinh con, nuôi con ảnh hưởng nhiều đến việc làm, rất phiền toái. Họ thu mình trong cái vỏ bọc, sống lầm lũi với thế giới thu nhỏ của riêng mình. Họ thích “kết hôn” với người trong thế giới ảo (trong truyện tranh Manga, phim hoạt hình Anime, trò chơi điện tử mô phỏng chuyện yêu đương…) hơn là tìm tình yêu trong đời thực. Đó là một thực tế đáng buồn, làm đau đầu những nhà xã hội học, và cả chính quyền. Có trông thấy dáng họ cắm cúi đi với vẻ vội vã trên đường phố, gương mặt luôn hướng về phía trước, không nhìn ai, không tiếp xúc mọi người, luôn trong trạng thái căng thẳng như sợ sệt một cái gì đó, khiến người ngoài cuộc có cảm tưởng họ sống để tồn tại chứ không phải sống hưởng thụ.
2/Người Nhật cô đơn. Trẻ em Nhật được dạy tự lập ngay từ khi còn bé. Chuyện các em tự đi học đến trường, tự làm hết mọi việc cá nhân, là một điều hết sức bình thường ở xã hội Nhật. Cha mẹ, thày cô chỉ là người hướng dẫn, không phải là người làm thay, làm giùm. Vào những giờ tan học, từng tốp học sinh đeo ba lô đi với nhau, còn trong ngày cuối tuần cũng từng tốp các em đi đến những khu vui chơi cùng nhau mà chẳng hề thấy bóng dáng người lớn đi kèm. Ở Nhật không có chuyện phân biệt giàu nghèo, họ không coi trọng nhà cao, xe sang hay điện thoại đắt tiền, mọi người ai cũng như ai không hơn không kém. Một ví dụ điển hình là cô con gái độc nhất của Thái tử đương thời Naruhito, ở trong lớp cũng được đối xử như mọi học sinh bình thường, mặc đồng phục y như các bạn, vẫn phải tự đi học, trễ giờ cũng phải chạy trối chết, chứ không vì một cớ gì để được đưa đón. Khi trưởng thành, các em cũng tự chọn nghề, chọn cuộc sống (lập gia đình hay sống độc thân), đi thuê nhà ở riêng, không có cảnh tam tứ đại đồng đường, cũng không có chuyện ông bà phải thay cha mẹ chăm cháu, dù cha mẹ có bận bịu với hàng núi công việc, và dù ông bà vẫn còn đang khỏe và rất rảnh. Tuyệt đối không có chuyện làm dâu, bắt rể, càng không có chuyện ở chung với con cái, dù con cái phải ở nhà thuê. Chuyện riêng tư rất được tôn trọng, dù là vợ chồng thì người này cũng không được quyền xen vào chuyện của người kia, khi khó khăn tự giải quyết một mình, không cần ai chia sẻ. Sao giống như những khối robot biết thở!
Người trẻ thì thế, người già càng cô đơn. Xung quanh không con cháu, thui thủi buồn tẻ, họ chọn cách tiêu khiển là đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình, và …chơi game. Trên đường phố Nhật có nhiều cửa hàng Pachiko & Slot, trò bắn bi rơi xuống lỗ trên máy. Nhìn vào phòng game toàn những ông bà già lụm khụm, tóc bạc trắng, ngồi bấm game say sưa từ giờ nọ sang giờ kia, khi nào đóng cửa thì mới về. Trò giải trí này dễ chơi, không cần phải động não hay sức lực, rất hợp với tuổi già.
. . . . . . . . . . . .
( còn tiếp )
Nguyễn thị Huyền Ngân
|