Dậm dài đường về quê Ngoại
Ông Ngoại của bà xã còn được gọi là Ông Trưởng Mót, tính tình hệch hạc dễ thương, sống quạnh hiu cùng Bà Ngoại trong căn nhà lá cũ kỹ bên kia sông Ba Láng. Ông là học sinh Tabert Sài gòn thanh lịch một thời, từng diện complet bảnh bao và nói tiếng Tây như gió! Nhưng từ khi tôi biết(1970), ông lúc nào cũng côm-lê bà ba 2 màu trắng-đen, miệng ngậm tẩu thuốc rê, phì phà khói, luôn nhìn đời bằng ánh mắt có nụ cười! Tôi thích cái ánh mắt đó khi nhìn tôi, cái thằng dám cả gan vô vùng “xôi đậu” Ba Láng để kiếm chút ưu thế cạnh tranh trong cuộc chiến dành người đẹp đang học ở Sài Gòn, vì “đôi mắt có nụ cười” của Ông Trưởng Mót như cái giấy chứng nhận “thằng cháu Ngoại ngang hông”liều mạng!
Nhờ biết chút đỉnh ảnh ọt nên tôi cũng kiếm thêm nhiều điểm cộng mỗi lần có dịp thăm Ông cùng cháu gái. Cho nên, với nhiều người, Ba Láng quen thuộc qua ca dao, với tôi còn hơn thế nữa, nó quen từ con đường nhỏ dẫn qua mấy chòm mã ở cây số 10 ra tới bến sông, quen cả con đò ngang chèo qua bờ bên kia mà nhiều người còn e dè ngại tới...quen với những kỹ niệm êm đềm nơi vùng quê lặng lẽ này! Nhất là những kỹ niệm vừa buồn bã lại vừa đáng yêu của mấy mươi ngày chúng tôi về đây tá túc.
Đó là năm 1979, sau khi ra tù vì tội vượt biên, về Long Xuyên, sống nhờ bên vợ 1 thời gian, không hộ khẩu, nhiều người dòm ngó, nên vào một buổi chiều, quảy trên vai chiếc bị đỏ dồn hết áo quần cả nhà, tôi dắt thằng con trai, cùng vợ đón xe Châu Đốc-Cần thơ, trở ngược về Hậu Giang, rồi đi xe lôi vô số 9, qua Ba Láng gỏ cửa nhà Ông Ngoại, bấy giờ do Cậu Út gìn giữ. Bà Ngoại mất trước đám cưới chúng tôi khoảng 1 tháng(1974), Ông Ngoại mất sau năm 1975, cậu Út vốn là Đại Úy VNCH nhờ có chị ruột tập kết, anh rể theo cách mạng nên không bị cải tạo lâu, về với mảnh vườn tạp Ông Bà Ngoại để lại, sống tạm bợ qua ngày.
Cậu Mợ và 5 đứa con nheo nhóc, sống kiếp “nghèo mạt rệp”, tươi vui đón 3 đứa cháu lôi thôi lếch thếch vô ngôi là lá tồi tàn để cùng tiếp tục cuộc sống chung với rệp và mạt!
Nghĩ cũng ngộ, hồi này nghèo như cậu mà lại “đèo bồng” 5 đứa con mà thằng nhỏ nhứt còn chưa tới thôi nôi, vậy mà Cậu, Mợ cũng cười luôn miệng. Không đủ sửa nuôi con, mợ phải cho thằng Quốc Thuần bú nước cơm quậy đường. Khi còn công tác ở trường Đại học Cần Thơ, bà xã tôi hay trích phần đường nhu yếu phẩm của mình rồi 2 vợ chồng đèo nhau vô Ba Láng thăm Cậu Mợ và các em đồng thời tiếp hơi chút đỉnh lúc khó khăn.
Bây giờ, sa cơ lỡ vận, về đây lại được Cậu Mợ giang tay chào đón. Thế là có cá ăn cá, có mắm ăn mắm, cải trời, cù nèo, rau muống ...luộc chấm nước tương cũng xong. Cậu dành cho một cái giường sắt cũ để 2 vợ chồng cùng thằng con 4 tuổi ngủ.
Lúc này là cuối năm 1979, thằng em trai cũng đã được định cư ở Mỹ, nên có được thùng quà gửi về “cứu khổ cứu nạn” gia đình, tôi cũng được 1 phần , tạm sống. Không nghề nghiệp, nên có lúc bán vé số, bán thuốc lá...nhưng cũng chẳng được gì, vì không quen. Có một nghề cũng rất xa lạ nhưng có thể kiếm được khá tiền hơn là buôn lậu thuốc lá và vải, từ Châu Đốc, Long Xuyên lên Sài Gòn. Đây là nghề mạo hiểm, sơ sẩy là cụt vốn như chơi, trót lọt thì kiếm bộn tiền; nhưng chắc sẽ sớm bị đau tim. Thôi, vẫn phải liều mạng trong lúc cùng đường mạt vận! May mắn tôi chưa bị sờ gáy lần nào, nhưng cuối cùng cũng đành giã từ con đường buôn bán ngoài vòng luật pháp đó. Lần buôn lậu cuối cùng chính là lúc chúng tôi về tá túc tại Ba Láng này.
Vừa ra tù, tôi trở lại huyện Long Phú xa xôi làm việc theo lời hứa với anh Hai Vân, Phó Bí thư, nhưng chỉ trụ được đúng 1 tháng thì bỏ sở quay đầu về cố quận Long Xuyên. Sống không hộ khẩu, xin việc chẳng ai nhận, nên lộn ngược trở lại Cần Thơ, về tạm cư Ba Láng. Ở với Cậu Mợ chỉ là giải quyết tình huống, nhưng cũng phải làm cái gì để có tiền nuôi sống gia đình.
Buôn lậu thuốc lá, vải sợi... là nghề thời vụ đang phổ biến. Tôi gom tiền lên Châu Đốc, mua mấy cây vải Thái Lan, quấn vào người, từ chân lên lưng, bụng, rồi mặc quần tây ka ki, áo dài tay rộng thùng thình, ngồi xe về Long Xuyên. Ngủ lại nhà Dì Út tôi 1 đêm, sáng hôm sau quấn lại kỹ càng rồi đi xe chuyền(nghĩa là không đi xe đò suốt lên Sài gòn) bằng xe lôi thùng xuống đến Bắc Vàm Cống, đi Mỹ Thuận, như thế là qua được trạm Vàm Cống, trạm Hòa Long, trạm Cái Tàu Hạ. Xe lôi xuống khách trước trạm Mỹ Thuận, tôi đi bộ qua trạm ngon lành tới bên lề phải đường dẫn xuống bắc, dọc theo các gian hàng trái cây, bánh kẹo... thở phào nhẹ nhỏm! Bổng có 1 thằng “cốt đột” chừng 13, 14 tuổi, đá vô cái ống quyển bó vải của tôi, rồi chìa bàn tay ra, vừa nhăn mặt cười, vừa nói : “sư phọ!”. Tôi muốn...té đái ra quần, nhưng cũng kịp nháy mắt và nói nhỏ với nó “xuống chút phía dưới tao đưa”. Thế là tốn cho nó hết 5, 10 đồng gì đó. Tới đây, tôi bắt đầu run, không dám mua vé đi thẳng lên Sài Gòn, mà tiếp tục đi xe chuyền, qua được trạm Cái Bè. Nghĩ lại không biết có may mắn ở 2 trạm khét tiếng còn lại là Tân Hương và An Lạc không, tôi quyết định vào Mỹ Tho, ghé nhà thằng bạn cùng khóa là Nguyễn Văn Chuẩn ngủ 1 đêm rồi sáng nhờ nó mang ra giới thiệu cho mấy bạn hàng vải quen ở chợ bán quách cho chắc cú. (Nguyễn văn Chuẩn, mầy nhớ cái vụ này hông? tao cóc biết nhậu, vậy mà cũng khề khà thịt rắn xào xã ớt với mầy).
Chuẩn, Vân Dương, Thân khỉ con và vài thằng nữa cùng tôi, sinh năm 1948, nên sau tốt nghiệp đều bị động viên đi Thủ Đức, tôi thoát nhờ hoản dịch sức khỏe do bị sạn thận, Chuẩn và Dương học xong bộ binh mang lon chuẩn úy, Dương ngủm củ tỉ tại chiến trường Cai Lây mà tôi đã nói, Chuẩn thì may mắn được bổ sung về Nông Mục Quân đội sư đoàn 9 của tướng Hoàng văn Lạc, nuôi heo, “ô tô ma tíc” lên tới trung úy! Sau 1975, trung úy Chuẩn chỉ bị cải tạo 3 năm vì nhờ... nuôi heo thay việc ra trận! Bây giờ Chuẩn ở nhà tiếp tục nuôi heo, phụ vợ làm nghề thợ may kiếm sống. Chuẩn đãi tôi bửa cháo rắn hổ hành, anh em tâm sự tới khuya. Sáng hôm sau ra chợ chào hàng, họ thu vô quá thấp, chẳng lời lóm gì, tôi liều mạng bó lại mấy cây vải, đi tuốt Sài gòn.
May mắn tôi qua khỏi các trạm Tân Hương và An Lạc, có lẽ vì lâu lâu mới đi 1 lần lại nhìn mặt có vẻ ...thầy giáo nên thoát, bán được đâu khoảng 1.000đồng tại chợ vải An Đông, lời chút đỉnh, vọt lẹ về Cần Thơ.
Thời này đi lại rất khó khăn, xe qua nhiều trạm khám xét rất tốn thời gian, đoạn đường Sài gòn về Cần Thơ có khi đi từ sớm đến tối mịt mới tới. Tôi bán xong vải thì đã 12 giờ trưa, vội vã lên xe đò về. Tới bến xe mới thì đã 12 giờ đêm, không còn xe về Ba Láng? May sao có 1 chiếc xe vệ sinh đang gom rác tôi hỏi thăm xin quá giang về bãi rác số 10 và cũng may là xe này gom xong sẽ chạy về đổ ở đó. Thế là tôi đeo bên hông cabin về bãi rác, từ đó lội bộ ngang qua chòm mả, tới bờ sông Ba Láng, dấu đôi dép da dưới buội dừa nước, cởi quần áo, gom tiền bạc, giấy tờ vô túi ny-lon, đưa lên khỏi đầu, tôi lội qua sông lúc 1 giờ sáng, run lập cập kêu nhỏ bà xã mở cửa...
Sáng hôm sau cậu Út rầy sao con không gọi, cậu bơi xuồng qua rước, tôi cười nói ...khuya quá để cậu ngủ, con lội được mà.
Đó là lần buôn lậu cuối cùng trong đời, chúng tôi tiếp tục nương náu tại nhà cậu cho đến... gần hết phần tiền còn lại. Vào mùa đông, nên mỗi sáng 2 cậu cháu co ro bên chiếc bàn gỗ trước hiên, uống ly cà phê nhạt nhẽo, phì phà mấy điếu thuốc Đồng Tháp, lặng thinh nghe cái nỗi buồn hiu hắt đang âm thầm thắt lấy con tim. Cuộc đời lúc đó xám xịt, buồn bã như đám mây đen nặng nề chụp xuống chân trời. Hai cậu cháu nhỏ to tâm sự, an ủi nhau mà không hề biết sẽ làm gì để vượt qua bế tắt! Đành tự trấn an rằng “cùng tắc biến, biến tắc thông!”.
Sau mùa đông năm đó chúng tôi bồng bế nhau về quê Nội của bà xã ở Ô Môn, quậy xà bông nước, pha rượu mùi, vấn thuốc lá...có lúc lại lên rừng xã Minh Thạnh, Lòng Hồ phụ việc cho các công ty khai thác lâm sản...cuối cùng về Long Xuyên ổn định cuộc sống nhờ vận dụng những kiến thức đã học được ở đại học, để sản xuất kem đánh răng, dầu gội....
Cậu Út và gia đình tiếp tục cuộc sống bấp bênh, nghèo khó cho đến năm 1992 thì nhờ cháu(cũng gọi bằng Cậu, chị bạn dì ruột của bà xã) giúp vượt biên, qua định cư tại Úc.
Kỳ họp mặt lần này để chị em, con cháu...gặp mặt, thăm lại mồ mã Ông Bà ở Cái Tắc, ở Ba Láng. Và đây cũng là dịp để 2 cậu, cháu gặp lại nhau, “thằng Minh, con Cúc nhứt định phải xuống chơi với Cậu Út nghen!
Cầu Ba Láng đã được xây dựng, tôi có thể chạy xe thẳng tới nhà Ngoại.
Bây giờ con đường trước nhà Ngoại vẫn chẳng thay đổi nhiều trừ việc đã được đổ bê tông, sạch sẽ. Bên bờ sông Ba Láng vẫn còn nhiều buội dừa nước, vài cây bần và một số cây dại mọc ven bờ, như: ô rô, cóc kèn, mái dầm...và 1 cụm nga phất phơ trong gió...
Tàu xà lúp chạy ngang cồn cát,
Xuồng câu tôm đậu sát mé nga,
Thấy em có một mẹ già...
Muốn vô hoạn dưỡng, biết mà đặng không?
Bây giờ, với tôi, câu hỏi đó chẳng còn ý nghĩa gì, bởi em vẫn đang bên cạnh, nhưng buội nga phất phơ trong gió thì vẫn luôn dịu dàng 1 nỗi nhớ về cái mùa đông lạnh lẽo năm xưa, kèm lấy nỗi đau thời cuộc, dù không làm mình gục ngã, nhưng cũng đủ để xót xa 1 khoảng đời nhiều bất trắc, như vết cứa lá nga khi chui qua các lùm buội lúc vượt biên!
Gặp lại cậu, vẫn y như ngày nào, nụ cười hiền hậu, cởi mở, ngậm ngùi nhắc lại chuyện xưa!
Cái Răng, Ba LángVàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em thì cho bạc cho tiền,….
Đừng cho lúa gạo, xóm riềng cười chê!
Đó chính là Ba Láng của ca dao mà nhiều người chúng ta đã biết, nằm cách thành phố Cần thơ khoảng hơn 10km. Nhà Ngoại của bà xã tôi nằm “bên kia” con sông này.
Sông Ba Láng không lớn ,rộng chừng trên dưới 100 mét, trước năm 1975 là vùng xôi đậu, bên này sông là “Quốc gia” bên kia sông là “lộn xộn”, đi chơi bên đó lạng quạng có khi bị “hỏi thăm”, bởi cả 2 phía. Vì lở quen Bà xã nên tôi chẳng hề để ý đến, rất nhiều lần “qua sông” chơi, may mắn chưa bị hỏi thăm lần nào.
Mong Phước Minh |