25/2/2016
Trở lại Kalaw, chuyến đi bất ngờ. (tt)
Đã từng bị người Anh cai trị, khi đó Miến Điện là nước giàu có nhất Đông Nam Á, nên Yangon ngày nay là nơi còn nhiều công trình kiến trúc thuộc địa đẹp nhất trong khu vực. Rồi sau thời gian dài khép kín, đứng bên lề những thay đổi dữ dội do bùng nổ phát triển mang tính toàn cầu trong giai đoạn bản lề của 2 thiên niên kỷ, Yagon may mắn còn giữ được những công trình ấy, khiến chúng trở thành nét đặc biệt làm thế giới phải tò mò tìm đến. Người ta đến đây để muốn tận mắt chứng kiến một Miến Điện vừa “thức giấc” sau những năm dài “mê ngủ”, để được nhìn thấy cái nếp cũ xưa còn sót lại khi nhiều thành phố của các nước khác trong khu vực đã và đang thay đổi từng ngày! Vâng, đó là sự thật, một sự thật mà những du khách hiếu kỳ chậm chân “có thể” không đến chốn này, để rồi tiếc nuối trong tương lai. Tôi nói có thể vì tin rằng người Miến đủ khôn ngoan để bảo tồn những giá trị quí báu mà mình may mắn còn giữ được nhờ…đóng cửa!
Bây giờ, tuy đường sá rộng rãi, ngăn nắp do qui hoạch hợp lý từ thời Anh thuộc, nhưng nhiều nơi trong thành phố, người dân Yangon vẫn còn sống trong những chung cư xưa cũ, đậm nhạt vết thời gian trên màu tường bình dị! Và đó thật sự là các dấu nhấn thú vị cho những ai muốn tìm lại cái không gian thời thuộc địa tại đất nước vừa mở cửa này.
Chung cư cũ kỹ! Ảnh chụp năm 2013, khi tôi đi lòng vòng bằng chiếc xe đạp gấp màu đỏ.
Một căn phố thời thuộc địa
Sau 1 hành trình bay gần 2 giờ với bửa ăn trưa ngon miệng của VN Airlines, tôi đáp xuống phi trường quốc tế Yangon lúc trời đang chuyển cơn mưa. Đúng 1 năm trước tôi đã tới đây để bay về Bangkok, bây giờ trở lại, phi trường này vẫn chưa thấy đổi thay, nhỏ nhắn trong một khu vực rộng mênh mông!
Phi trường Yangon nhỏ, lượng khách không đông, nên sau thủ tục check in đơn giản và nhanh chóng, tôi bước ra ngoài. Đang lóng ngóng tìm kiếm thì thấy ngay anh bạn Zaw Minn tươi vui chờ đón. Tuy chỉ gặp nhau trong hơn 10 ngày ngắn ngủi hồi năm 2013, lúc đó cũng chẳng giao tiếp gì nhiều để có thể gọi là bạn, vậy mà giờ đây, trên đất nước Chùa Vàng khi tôi trở lại lần này, Zaw Minn đã thật sự là người Miến Điện thân nhất của tôi!
Zaw Minn bảo tôi chờ để anh lấy xe chở vào thành phố.
Pyay Road là con đường chính dẫn vào trung tâm Yangon, dài khoảng 18km. Anh hỏi tôi thích đi đâu? “Monk Hoai had me take you travel around during you stay here…bus for Kalaw will depart at 8 pm, tonight. We'll have a lot of time for visiting somewhere...” Ô hay, Ông Sư H. thật chu đáo, đã chuẩn bị đầy đủ cho kẻ lang bạt này ngay từ lúc …còn ở nhà!
Nhớ rằng năm 2013 mình đã tiếc không đến thăm khu vực hành chánh của Yangon thời thuộc địa, nơi có bến cảng và những công tình kiến trúc cổ thú vị, tôi đề nghị Zaw Minn đưa đến đó chiều nay. Vậy là Zaw Minn OK, đưa tôi xuống trung tâm thành phố theo 2 bản đồ sau đây :
Rời phi trường(1) theo đường Pyay đi ngang khách sạn Yangon(2)Ks 7 Milehồ Inya(3)Cầu vượt Hledanđường U Wisaravòng xoay tượng đài U WisaraChùa Shwedagon(4), đường U Htaung Bo.
Anh bạn Zaw Minn vừa tạo được xe mới, xe tay lái nghịch! Xin lưu ý, dù là thuộc địa của Anh, nhưng giao thông của Miến Điện lai theo Pháp, lề thuận là tay phải.
Nằm trên ngã 3 sông Yangon và sông Bago, Yangon, hay Rangoon, là thảnh phố lớn nhất Myanmar với diện tích khoảng 600km vuông và dân số chừng 5 triệu người. Đã từng là thủ đô của Miến Điện cho đến tháng 11 năm 2005, khi chính quyền quân sự quyết định thành lập thủ đô mới Naypyidaw(hay Naypyitaw), cách 200 dặm (320km) về phía Bắc. Dẫu vậy, đây vẫn là trung tâm văn hóa và kinh tế quan trọng nhất của Miến Điện.
Mong Phước Minh