MALDIVES, chuỗi ngọc...
Nguyễn thị Huyền Ngân
|
MALDIVES, chuỗi ngọc của Ấn Độ Dương
Maldives, cái tên của một đất nước khá xa lạ với chúng ta, vì nhiều lẽ: chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam; giá tour khá đắt, chỉ thuần du lịch biển mà không có điểm tham quan gì khác; không (hoặc ít) có trong chương trình tour của các công ty du lịch; là một đất nước “không có gì nổi bật” trên bản đồ thế giới, so với những địa danh du lịch khác, v.v…và v.v…
Vậy mà khi đã một lần đến Maldives, những cảm nghĩ có phần phiến diện kia đã bị thay đổi hoàn toàn.
Quá cảnh thuận tiện nhất vẫn từ ba nước Đông Nam Á gần gũi với chúng ta là Thái Lan, Malaysia và Singapore. Chúng tôi chọn Singapore, đất nước đã quen thuộc, để “bay bụi” đến Maldives.
Hãng hàng không Tiger Airways (hàng không giá rẻ của Sing) đưa chúng tôi bay ngược thời gian (Maldives chậm hơn Sing ba giờ, chậm hơn VN hai giờ) hướng về phía tây, với độ dài của cuộc hành trình là bốn tiếng đồng hồ.
Khi vào đến không phận Maldives, từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, không hành khách nào lại không xuýt xoa ồ lên thích thú, khi nhìn thấy dần hiện ra một chuỗi hạt ngọc xanh cobalt nổi bật hẳn trên nền xanh lơ nước biển.
Đúng như câu slogan của du lịch Maldives: the sunny side of life, Maldives đón chúng tôi trong cái nắng chói chang của tháng ba xích đạo (Maldives trải dài 8 vĩ độ, 7 độ bắc và 1 độ nam xích đạo). Cộng hòa Maldives gồm 1192 hòn đảo san hô lớn bé, có khoảng 200 đảo có người ở, trong đó chỉ có 57 đảo có dịch vụ du lịch. Hơn ngàn đảo này tập trung thành 26 nhóm đảo, hay vòng đảo san hô (gọi là Atoll). Sân bay quốc tế Malé Ibrahim Nasir( xây năm 1960, thuộc đảo Hulhule) cách thủ đô Male’( đảo Male’)(cả 2 đảo đều thuộc vòng đảo Kaafu Atoll) mười phút phà nhanh (express ferry). Sân bay này từng được xem là một trong mười sân bay đẹp nhất thế giới (báo Tuổi Trẻ ngày 22/12/2011), được bao bọc chung quanh là biển Ấn độ dương, nên tầm nhìn toàn cảnh rất thoáng đãng.
Trong khi dân châu Á loay hoay đi tìm nơi trốn cái nắng cháy da không dễ chịu chút nào của miền xích đạo thì ngược lại, dân Tây phương lại tỏ ra rất thích thú với “bờ nắng của cuộc sống”, bằng chứng là sân bay Male’ mỗi ngày đón không dưới vài ngàn lượt khách da trắng, và thủ đô Male’ thì hầu như chỉ thấy khách tây, dân châu Á chỉ là số ít.
Thủ đô Male’ rộng 2km2 (nằm trong đảo Male’, là đảo lớn nhất của Maldives, có diện tích 6km2), được xem là thủ đô có diện tích nhỏ nhất thế giới, đồng thời lại là thủ đô đông dân nhất thế giới với mật độ 103.000ng/2km2. Cụm từ “đông dân nhất thế giới”khiến người ta lầm tưởng nơi đây xô bồ, náo nhiệt lắm. Trái lại, Male’ “sống chậm”. Male’ chật chội với những dãy nhà thấp sơn nhiều màu sắc xen nhau, một nét đặc trưng nơi đây. Thỉnh thoảng là một tháp chuông nhọn, một mái vòm tròn của nhà thờ Hồi giáo chen lẫn giữa những mái nhà lô nhô cao thấp. Đường phố nhỏ, lề đường chỉ nhỉnh hơn một mét, toàn bộ đều lát gạch con sâu chứ không trải nhựa, cho ta cảm giác ở Male’ toàn là hẻm. Xe máy (chỉ nam thanh niên lái xe, phụ nữ không được phép lái), phương tiện di chuyển phổ biến chạy với tốc độ chỉ nhỉnh hơn xe đạp, không hề có chuyện giành đường, vượt ẩu, càng không nghe tiếng còi xe, và càng không thấy bóng dáng cảnh sát trên mọi ngả đường.
100% Maldivians theo đạo Hồi dòng sunni, nên phụ nữ và trẻ gái đều choàng khăn màu đen kín mít từ đầu đến chân chỉ chừa cặp mắt đen láy, rất thẹn thùng khi có người nhìn. Dù không nhìn thấy mặt nhưng phỏng đoán rằng họ đẹp( đẹp kiểu Ấn độ) và hiền lành. Bất kể đi đâu, tắm biển hay chỉ ngồi trước hiên nhà, bất kể làm việc trong bưu điện, ngân hàng, hay cửa hàng sách báo….du khách chẳng bao giờ thấy họ cởi bỏ lớp khăn choàng mặt này.
Dân Maldives nói tiếng Anh khá chuẩn, vì 99%, dù là ngư dân hay người bán rong, đều bắt buộc phải học hết cấp trung học phổ thông. Thủ đô Male’ không nhiều điểm du lịch, chúng lại nằm cạnh nhau, nên loanh quanh một loáng là hết : cảng cá, chợ cá, chợ trái cây và nông sản, dinh tổng thống, quảng trường trung tâm, đền thờ Hồi giáo Islamic Center, Grand Friday Mosque, Bảo tàng quốc gia…Tìm một món đồ lưu niệm tại thủ đô Male’ quả là khó khăn, nhưng đừng vội thất vọng, vì khi ra sân bay chuẩn bị về nước, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hàng ngàn món quà phong phú tại cửa hàng miễn thuế, từ lọ đựng cát Ấn Độ Dương giá 5 usd, đến bức tranh sơn mài, lọ hoa bằng sành sứ có bản đồ Maldives giá cả trăm usd.
Cửa hàng ăn uống cũng khá hiếm hoi. Đi gần giáp vòng thủ đô mới tìm thấy một quán ăn đúng nghĩa là gia đình (chỉ có 5 bàn và toàn người cùng nhà đứng bán), nam phục vụ (không thấy nữ) rất chu đáo. Là nước Hồi giáo, nên rượu, chất có cồn, thịt heo bị cấm tuyệt đối. Điều này được ghi rõ trên bảng thông báo ngay khi vừa làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay. Món ăn chính là cá ngừ tuna: tuna rice, tuna noodle, grill fish rice, Garudhiya, tuna nguyên con nướng, chiên, tuna xé nhỏ, tuna làm khô. Ẩm thực Maldives giống ẩm thực Ấn độ nên rất cay, rất ….cà ri, rất ít hoặc không có rau xanh, rất ít canh, chỉ ăn với nước sauce là chính. Ở đây không ăn với chén mà ăn trong dĩa, không có đũa, chỉ ăn muỗng hay ăn bốc, sau khi ăn thì lau bằng khăn giấy, cao lắm là rửa tay dưới vòi nước luôn trong chế độ chảy ri rí. Nước ngọt rất quí và hiếm. Không thấy dân Maldives dùng xà bông cục để rửa tay.
Dù là nhà nghỉ bình dân hay khách sạn sang trọng, chủ nhân đều tặng du khách thuê phòng một bản đồ hướng dẫn những địa điểm du lịch cần đến quanh gần nơi trọ. Tại thủ đô, chúng tôi nghỉ tại Kai lodge( 70usd/phòng có điểm tâm sáng). Dù chỉ là nhà nghỉ nhưng đủ tiện nghi và sạch sẽ, wifi miễn phí, còn đảm nhiệm việc liên lạc với điểm tham quan kế tiếp của du khách, sẽ có người đón đưa tận nơi khách cần. Ở Maldives, hầu như di chuyển trên biển nên khó có chuyện tự mình muốn đi đâu thì đi, tất cả đều phải lên kế hoạch trước từ nhà.
“Đi đảo” mới là mục đích chính của chuyến hải du. Maldives nổi tiếng về những đảo san hô có bãi cát trắng phau tuyệt đẹp. Thủ đô cũng có bãi tắm nhưng không đẹp, lại nhỏ, chỉ dành cho dân địa phương, muốn thưởng thức trọn vẹn nét đẹp thuần khiết của biển thì phải đi xa hơn thế. Có hai cách đi đảo: thủy phi cơ( seaplane) giá “trên trời”: 450usd/chiều/người. Và tàu tốc hành( speedboat) giá “dưới biển” 200usd/chuyến đi và về (bao nhiêu người cũng một giá). Chốn ở cũng dao động nhiều: resort rẻ nhất 400usd/ngày; bungalow1000usd/ngày. Ít tiền thì chọn guest house chỉ 80usd/ngày cũng tốt chán: tiện nghi máy lạnh, máy tắm nước nóng, wifi miễn phí, lại vô cùng sạch sẽ, chủ nhà lãnh nhiệm vụ nấu nướng (vì trên đảo rất khó kiếm quán ăn), và sẽ tính tổng tiền khi khách trả phòng. Du khách chỉ còn bận tâm vào việc tắm biển, lặn biển, câu cá, câu tôm hùm (chủ nhà còn kiêm luôn nghề hướng dẫn viên du lịch, quá khỏe).
Thoddoo là một đảo “mồ côi”, thuộc đảo vòng Alifu Alifu Atoll, cách thủ đô 42 hải lý( 65km), đi speedboat khoảng hai tiếng đồng hồ. Thoddoo nằm cách biệt, lẻ loi và nhỏ xíu so với những chuỗi đảo đồ sộ chung quanh. Diện tích Thoddoo là 1km, dân số 1400 người, và tuyệt vời nhất vẫn là tuyệt vời yên tĩnh. Đường đất, nhà cửa thưa thớt, hiếm người, hiếm xe, nếu có thì chỉ đến xe đạp là cùng. Suốt một ngày toàn nghe tiếng chim hót buổi sớm, tiếng lá đùa gió xào xạc, xa xa là tiếng sóng nhè nhẹ vỗ bờ. Đi bộ trên những con lộ đất, dưới những tàng cây sakê cổ thụ, giữa những bức tường dày làm bằng san hô, thấy sao mà thư thái lạ lùng. Nơi chúng tôi ở, Serene Sky guest house, là một trong hai nhà nghỉ hiếm hoi tại đây. Đón khách là ba chàng trai đen trùi trũi, mặt bặm trợn với hàm râu quai nón rậm rì, nhưng hiền khô, nói năng nhỏ nhẻ, trao tận tay khách trái dừa tươi cùng chiếc khăn ướp lạnh. Dừa là đặc sản của đảo, cùng với đu đủ, dưa hấu. Thoddoo cũng chính là nơi cung cấp trái cây và rau xanh( mùng tơi, mướp, cà tím, lá cà ri..) cho toàn cõi Maldives.
Vô cùng sảng khoái với sáng sớm len lỏi khắp đảo bằng chiếc xe đạp mini, trên những con đường đất không một bóng người, xuyên qua những hàng dừa dày đặc trái, những vườn đu đủ trái chín vàng ươm trên cây, để đến với bãi tắm “ba không”: không rác, không ồn, không người. Bãi tắm rực rỡ sắc nắng vàng của biển, ban mai có màu xanh trong vắt nước biển, có màu xanh nõn nà lá bàng biển, hòa cùng màu trắng mặn mòi của cát biển. Dã tràng nơi đây cũng đặc biệt nốt: dã tràng màu trắng trong suốt…Tất cả là của biển, mênh mông trời biển …..Thoải mái bikini vì không người ( bikini là điều cấm kỵ đối với phụ nữ Maldives), tha hồ vùng vẫy trong nước biển Ấn độ dương khi trời còn chưa kịp nắng gắt.
Buổi chiều, khi ánh tà dương chỉ còn rải rác chút nắng tàn yếu ớt, là thời gian lý tưởng để lặn biển. Bơi giữa dòng nước mát lạnh trong như ngọc, không lặn snorkelling để ngắm san hô thì hoài phí công lao “lặn lội” đến đây. Lần đầu đeo snorkel (kính lặn có vòi hơi) để tận mắt mục sở thị từng đàn cá lớn cá bé đủ màu sắc bơi đùa tung tăng, được tận mắt ngắm nhìn rạn san hô nhấp nhô cao thấp mà trước đây chỉ chiêm ngưỡng qua phim ảnh, và nhất là được tận tay “chạm vào” cái ranh giới mong manh giữa màu xanh vùng có rạn(nông) và vùng đen ngòm sâu thăm thẳm của đáy đại dương, có khi chỉ cách nhau một sải bơi….mới cảm được cái rờn rợn giữa lằn ranh sống chết….Máy chụp hình dưới nước cũng không thể thu hết được vào ống kính những kỳ quan của biển.
Đáng lẽ anh hướng dẫn viên Nadim còn đưa đi xem cá đuối, nhưng anh lặn tìm cả buổi trời vẫn không thấy cá đâu (chỉ có dân địa phương mới biết chỗ nào có cá), còn du khách đạp nước mãi để chờ đã “đuối’’ hơn cá, nên đành thôi, leo trở lại thuyền. Nadim đu bám người vào mạn thuyền, sẵn sàng làm bệ đỡ cho lần lượt từng khách đè đầu cưỡi cổ (nghĩa đen) để leo vào lòng thuyền. Hoàng hôn đã phủ bóng, du khách thầm nhủ dễ gì trong một ngày ngắm được cả bình minh lẫn hoàng hôn trong sóng biển Ấn độ dương.
Một quán ăn hiếm hoi trên đảo giúp du khách có dịp may thay đổi không khí: ăn một bữa tối ngoài vườn, trong ánh sáng lập lòe của đèn cầy, đưa tầm mắt nhìn ra tít ngoài khơi xa để thấy sự mịt mùng của biển đã chuyển thành màu đen thăm thẳm, rồi ngước lên bầu trời trong vắt không một gợn mây, thấy chi chít những vì sao nhấp nháy, mới cảm được sự bao la vô cùng của thiên nhiên…Và chúng tôi đã hóa thân thành những ngài quí tộc thuở xưa, đang thụ hưởng một thiên đường có thật nơi hạ giới.
Ngày hôm sau đi đảo Madivaru (thuộc đảo vòng Rasdhoo), gồm hai đảo san hô nối tiếp nhau, một đảo có bóng cây, còn đảo kia trống trơn, chỉ tuyền cát mịn vây quanh mỗi bước chân. Đảo Madivaru cách đảo Thoddoo một tiếng tàu nhanh. Đảo này không có người ở, chỉ kết hợp với đảo Thoddoo (gần nhất) để làm du lịch. Hành trình “đi biển một mình” đã khổ (nhìn vào màn hình rađa của tàu, suốt tuyến không hề thấy xuất hiện một đảo nào, cũng không nhìn thấy được một chiếc tàu qua lại, độc hành giữa không gian xanh của biển cả xung quanh và xanh của bầu trời trên cao. Cộng thêm hôm nay trời không yên biển không lặng mới thấy khổ gấp bội, dù theo lời người địa phương thì sóng gió này mà nhằm nhò gì, bằng chứng là thỉnh thoảng vẫn có những đàn cá phóng mình lên không làm xiếc trông rất vui mắt (hiện tượng này sẽ không xảy ra nếu biển động). Chiếc tàu trở nên nhỏ bé như chiếc lá, tròng trành, lặn hụp nhồi sóng, du khách là những người không quen đi biển sẽ nôn thốc nôn tháo đến mật vàng mật xanh là chuyện đương nhiên, nên chẳng còn tha thiết nhìn những đàn cá đang đùa giỡn, nhảy nhót xung quanh. Bỗng trong lòng dấy lên một cảm giác thương cho ngư dân và những người lính biển, những thủy thủ cả đời gắn liền với những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Mệt mỏi, nôn ói biến đâu mất khi tàu cặp đảo. Biển ở đây còn tuyệt hơn ở Thoddoo nhiều. “Ba không” còn nguyên vẹn, cộng thêm “một có”: chim biển. Chim trắng nhiều vô kể, chúng đậu đầy trên cát mịn, rồi tung lên từng chặp sau những bước chân hào hứng và thích thú của du khách. Chỉ có chim trắng, biển xanh, trời xanh, vậy mà ngốn hết bao nhiêu thước phim, bao nhiêu thời gian tận hưởng cái không gian tuyệt vời này.
Bữa trưa được chế biến ngay trên đảo do Hassan Athif và Nadim (những người ở guest house đi theo làm đầu bếp). Lò nướng với củi dừa được bày dã chiến, và những con cá red, white snapper ( cá chỉ vàng) bọc giấy bạc nướng lên thơm lừng. Cơm, cá nướng, cháo đậu xanh, và giải nhiệt bằng nước dưa hấu ép được ăn tận tình sau một buổi mệt nhoài vì bơi cùng cá và bay cùng chim biển.
Maldives nổi tiếng là điểm du lịch đắt đỏ nhất thế giới với những tiện nghi vật chất sang trọng nhất thế giới. Nhưng với kiểu đi bụi mà chúng tôi vừa trải qua, tính ra chưa đến 1000usd/ người cho chuyến hải trình 5 ngày 4 đêm (càng đông người chi phí càng xuống thấp). Một cuộc dạo chơi thiên đường với giá quá hời.
Quốc gia Maldives nhỏ bé ở Nam Á là quốc gia nhỏ thứ 10 của thế giới( diện tích 300km2), còn nắm giữ nhiều cái nhất khác như: thiên đường của những thiên đường, quốc gia phẳng nhất thế giới (chỉ còn cao hơn mặt nước biển 2,3 mét), đồng nghĩa nó cũng là thiên đường mong manh nhất, vì với đà trái đất ấm dần lên, băng tan, chẳng bao lâu sẽ nhấn chìm cả quần đảo này xuống dưới đáy đại dương.
Vậy còn chần chờ gì mà chưa đến đây cho biết thiên đường cuối cùng của trái đất, nhất là biết chắc rằng, sẽ có một ngày không xa, thiên đường này sẽ không còn tồn tại trên quả đất này.
11/3/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN
Chú thích:
Những cái nhất khác của Cộng Hòa Maldives:
-Quốc gia nhỏ nhất Châu Á(300km2)
-Quốc gia ít dân số nhất ở Châu Á( 334.000 người,năm 2009)
-Quốc gia Hồi giáo có 100% dân theo đạo Hồi (Sunni) nhỏ nhất thế giới.
Ngoài ra, cũng cần biết thêm về Maldives:
- Là một quốc gia nằm chơ vơ ngoài khơi Ấn độ dương, phía nam tây nam nước Ấn Độ, điểm gần đất liền nhất khoảng 700km (nước Sri Lanka)
- Sắc dân: Nam Ấn, Sinhalese, Ả rập.
- Du lịch và đánh cá là ngành kinh tế then chốt. Du lịch góp 30% GDP, hàng năm Maldives đón hơn nửa triệu du khách, đa số là khách phương tây.
- Đến Maldives không cần xin visa, visa sẽ được cấp ngay tại sân bay ( hiệu lực tối đa 30 ngày). Chỉ cần xuất vé máy bay khứ hồi, phiếu đặt phòng nơi nghỉ qua mạng, và thẻ tín dụng của người đặt vé. Người đó phải cùng tham gia suốt cuộc hành trình. Thời điểm thích hợp nhất du lịch Maldives là mùa khô, biển êm (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau)
- Ngôn ngữ chính: tiếng và chữ viết Dhivehi. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi.
- Đơn vị tiền tệ: đồng Rufiyaa. Ngoại tệ được chấp nhận: USD, Euro,Yen. Ngân hàng và ATM chỉ có ở thủ đô và vài đảo lớn.
Maldives nhìn xuống từ cửa sổ máy bay.
v
Nhà nghỉ Serene Sky Guest house trên đảo Thoddoo.
Ăn trưa dã chiến trên đảo Madivaru với cơm trắng, cá red snapper bọc giấy bạc nướng, uống nước dưa hấu ép.
Văn phòng của tổng thống Maldives tại thủ đô Male'
Cảng cá tại thủ đô Male'
Lặn snorkelling tại đảo Thoddoo
Trời xanh, biển xanh, chim trắng ngập đảo Madivaru
Bãi biển ở đảo Thoddoo
|