Truyện ngắn:
- DỐC VẮNG -
Nhà văn Nguyễn Thị Mây
Ngôi nhà đứng chơ vơ, trầm mặc bên sườn đồi. Sương mù bảng lảng, phủ mờ mái ngói rêu phong xám xịt. Hàng cây lạnh lùng xòe nhánh lá rậm dầy, nối tiếp nhau một dãy. Trời thưa nắng, lối đi u tịch lạ lùng. Lá vàng xao xác dưới chân. Tôi chợt quặn lòng nhớ em và mùa thu năm cũ.
Ngày đó, cũng trên đường này, tôi gặp em. Cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, thơ ngây. Đôi bím tóc dài buộc nơ màu tím. Tay cắp chiếc giỏ mây đáy tròn, em vừa đi vừa hát. Giọng lảnh lót, trong veo, vui nhộn. Tôi mơ hồ thấy một dòng suối từ thượng nguồn đang rì rầm qua khe núi, tràn xuống sườn đồi. Nước reo cùng tiếng gió, tiếng chim chìa vôi buổi sáng. Trời bỗng dưng xanh. Cây lá bỗng dưng tươi tắn và tôi bỗng dưng vui.
Tiếng hát chợt ngừng bặt. Không gian chùng xuống, lặng đi. Tôi ngỡ ngàng nhìn cô gái đang dùng chân hất tung những chiếc lá khô. Hai cánh môi mím chặt, mắt long lanh ngấn nước.
Tôi buột miệng:
- Cô bé làm sao thế?
Giật mình, em quay phắt lại. Nét mặt ủ dột thoáng sợ sệt:
- Ơ, ông là ai? Tới đây làm gì?
- Nhà tôi trọ dưới chân núi kia. Tôi đi dạo…
Hình như em không để ý đến câu trả lời của tôi. Em mãi nhìn xuống những mái nhà lô xô thấp thoáng theo triền dốc và những bóng người li ti di động không ngừng
Tôi giải thích:
- Họ đang họp chợ ở đó.
Em nhìn tôi, hỏi như nói một mình:
- Chẳng lẽ mùa thu tới rồi sao?
Tôi ngạc nhiên nhìn cô gái. Em quên ý niệm về thời gian hay là không muốn nhớ? Em còn quá trẻ. Điều gì đã ẩn nấp trong lòng em, nhuộm xám ánh mắt nai tơ như thế .Tôi xác nhận:
- Mùa thu đã về.
Như bừng tỉnh, em kêu lên:
- Tôi thù ghét mùa thu.
Em bỏ chạy, đôi bím tóc đong đưa. Chiếc bóng nhỏ khuất sau ô cửa mở.
Những ngày kế tiếp tôi không gặp em. Hôm nào tôi cũng thơ thẩn lên đồi, men theo con dốc cũ, tìm đến tảng đá, ngồi ngóng về phía nhà em và chờ đợi. Chẳng biết để làm gì. Tôi cảm thấy bồn chồn, ray rứt không yên nếu không đến đó một lần trong ngày. Quyển sách mang theo, tôi chẳng đọc được chữ nào. Tôi nhìn đăm đăm vào trang giấy và không thấy gì hết. Bực bội, nhắm mắt, tôi lại thấy rất rõ, không phải chữ mà là em, cô gái thắm bím, mang hài thêu màu đỏ. Bàn chân nhỏ hất tung những chiếc lá vàng.
Đúng lúc tôi quá nãn thì em xuất hiện. Không phải từ trong nhà đi ra. Em khệ nệ vác một bó cây khô ngược dốc. Hai bím tóc quấn quanh đầu như vương miện, lưng áo màu tím đẫm mồ hôi. Đôi gò má ửng hồng nhưng ánh mắt vẫn buồn, ngơ ngác.
Em không trông thấy tôi. Ném bó củi xuống, em ngồi bệt dưới tàn cây đại thọ. Đưa tay quệt mồ hôi trán, em lẩm bẩm:”Mệt quá! “
Tôi bật dậy, đứng như trời trồng mất mấy giây mới định tỉnh. Tôi hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Cô bé …làm gì đó?
Em giật mình, đứng lên rồi lại ngồi xuống, thở phào:
- Cũng là ông! Làm người ta hết hồn!
Tôi cười, đưa tay sờ càm:
-Cô bé cũng làm tôi giật mình.
- Tôi!
- Tiếng ông là đại từ chỉ người già. Lẽ nào tôi hóa lão sớm thế?
Cô bé trừng mắt;
- Còn tiếng “cô bé” chỉ hợp với những đứa bé gái hỉ mũi chưa sạch.
- Vậy là mình gọi nhau không đúng cách rồi. Tôi phải sửa lại thế nào, cô bé?
- Không cần thiết vì tôi chẳng muốn làm quen với ông.
- Nhưng tôi muốn.
Em lại trừng mắt với tôi, trông rất dễ thương.
Em buột miệng;
- Vô duyên!
Không nói gì nữa, em đến bên bó củi, nhấc lên, quay đi. Tôi vội đuổi theo:
- Giận sao, cô bé?
Em tránh sang bên, lầm lũi đi. Tôi đứng lặng giây lâu. Em dần xa. Tôi bàng hoàng như sắp đánh mất một cái gì rất quí. Tôi hớt hải đuổi theo. Chẳng biết lớ ngớ thế nào lại giẫm phải đá, trợt chân, lăn mấy vòng. Tôi kinh hoàng kêu lên:
- Ôi, chết tôi rồi!
Em nghe thấy, liệng bó củi xuống đất, chạy trở lại bên tôi;
- Trời, ông có sao không?
Tôi sượng sùng, nén đau, lắc đầu;
- Không, không sao!
Tôi gượng đứng lên nhưng chân phải đau nhói. Hình như đã bị bong gân rồi. Tôi bóp nhẹ vào đó. Em bảo:
- Đâu, để tôi xem!
Nhưng rồi em chẳng biết làm gì hơn là đưa một ngón trỏ khều nhè nhẹ vào chân tôi. Nghĩ ngợi một hồi, em bảo:
- Phải rồi! Ông ngồi đây chờ nghe, tôi về nhà nhờ mẹ tới giúp ông.
Em chạy đi, lát sau, trở lại cùng với mẹ. hai người dìu tôi về nhà.
Đó là một ngôi nhà cũ kĩ và bé nhỏ giữa núi đồi hùng vĩ. Nó đứng trơ trọi cách xa làng bản như muốn được yên tĩnh, hòa nhập vào thiên nhiên hiền dịu. Tường nứt nẻ, những vết rạn nứt như nét vẽ đường chấp nối của những tảng đá núi chồng chất lên nhau. Mấy ô cửa đã ố màu, lỏng lẻo, mối mọt, sự tàn lụi thấp thoáng quanh đây, gợi buồn se sắt.
Gian nhà trước hai bên trưng bày trái ngược, hỗn độn, mỗi bên một hình thể khác nhau. Bên trái, trên tường treo những bức tranh rất đẹp. Cạnh cửa sổ là chiếc bàn mặt vuông, cẩn đá hoa bóng loáng. Ngoài lọ đựng bút, còn có một bình hoa bất tử. Liền đó, chiếc tủ kiếng khá lớn chứa đầy sách và tranh vẽ.
Bên phải không rộng rãi, tao nhã như chỗ đối diện nó. Chỗ này tạp nhạp đủ loại vật dụng. Một chiếc bàn tròn và sáu cái ghế. Trên đó, bình tích, ly tách, gạt tàn thuốc, rỗ may…Không còn chỗ trống, bụi phủ mờ mờ. Trong góc nhà, tủ quần áo đặt cạnh tủ chén, giữa những chồng bát là tô, đĩa, muỗng, đũa ngà. Ngăn dưới, con búp bê tóc vàng hoe bị mớ vải thêu phủ quanh. Nó như ngạt thở tìm cách nhô đầu lên một chút.
Mẹ em có tính cách rất khác em. Bà hay nói, nói liên tục, âm sắc, nhanh, Chốc chốc, bà cất giọng líu ríu. Tạo nên một luồn âm thanh nhào lộn, cuộn xoắn lấy khoảng không gian chật hẹp trong nhà. Tôi mệt mỏi lau mồ hôi trán. Em đưa mắt nìn tôi rồi thẩn thờ quay đi. Thỉnh thoảng, em gắt lên ”Mẹ à!”. Bà không hiểu ý em lại nói.
Qua lời bà, tôi biết được gia cảnh nhà em. Ba em đã bỏ đi khi gió thu tràn về, bứt lìa những chiếc lá vàng khỏi nhành cây, ném tả tơi trên triền dốc vắng. Mẹ em nghi ngờ chồng say mê một người đàn bà khác dưới thị trấn. Bà cho rằng đó là một con yêu tinh đã đưa móng vuốt ra chộp lấy người đàn ông tài hoa, lãng mạn và yếu đuối. Ba em là một họa sĩ chuyên vẽ tranh tàu. Những bức tranh thủy mạc của ông được người vùng nầy ưa thích lắm. Mẹ em mang ra cho tôi xem mấy bức họa của ông. Tranh sơn thủy, chim, hoa và người. toàn bộ cảnh sắc được ghi chép lên giấy hoặc khung lụa với hai màu đen trắng. Chúng gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi. Mỗi bức mang một phong cách khác nhau. Ba em đã dùng đường nét để tả tình, dùng màu sắc đậm nhạt để để gợi tình cảm nơi người nhìn ngắm, những bức vẽ cảnh núi đồi rất độc đáo. Chỉ với khuôn khổ nhỏ bé mà ông thể hiện cả một dãy núi rừng trùng điệp. Khi vẽ nó, có lẽ ông đã ngắm nhìn thiên nhiên với nhiều góc độ khác nhau. Từ xa đến gần, từ gần ra xa. Từ trên nhìn xuống rồi từ dưới nhìn lên. “Luật xa gần” trong hội họa dường như không có chút ảnh hưởng gì đối với ông. Người họa sĩ qua nét cọ đã thu xếp lại thiên nhiên lên khung vải. Lạ nhưng không sai. Khác thường nhưng không tách rời hiện thực. Dưới mỗi tấm tranh đều có đề thơ và đóng dấu. Tôi lâng lâng trong niềm cảm phục người nghệ sĩ tài hoa và buồn buồn bởi những trắc trở tình duyên, hoàn cảnh sống của ông. Tôi hiểu vì sao ông rời bỏ nơi nầy. Tôi biết lý do ông vẽ tranh tả người đều là người lạ. Không có khuôn mặt trong tranh nào là của mẹ em. Ở bà, ông chỉ nhìn thấy có một nửa điều mình cần thiết. Tiền và tài tề gia, nội trợ. Một nửa phần còn lại nằm trong dáng dấp người trong tranh. Nàng đẹp, tinh khiết như nắng mai. Lặng lẽ như rừng thông vắng gió.
Người họa sĩ ấy đã ra đi, tìm kiếm mẫu người như ý. Chẳng biết ông có bắt gặp hạnh phúc hay là chỉ làm rối rắm thêm đời mình trong buổi xế tà? Và, tạo thêm nỗi đau day dứt, không nguôi trong lòng em từ thuở bình minh của cuộc đời.
Tôi yêu em. Người con gái mang hài bằng vải thêu màu đỏ. Tôi muốn lửa tim mình sưởi ấm lòng em, làm tan biến lạnh lùng quanh em. Để em yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống với bao điều tươi đẹp, thú vị bất ngờ.
Tôi mơ tưởng. Tôi khát khao. Tôi phác họa một mái ấm có em hồn nhiên, yêu đời, yêu tôi. Tôi vẽ trong trí dáng em thong dong áo trắng, hài vải hoa tung tăng bên tôi trên lối mòn đầy xác lá thu. Em nhón chân, bước sẽ, sợ lá vàng nhầu nát, đớn đau. Và, em hát rộn vui như tiếng chim chìa vôi hót chào buổi sáng.
Tất cả những điều đó, bây giờ ẩn kín trong kí ức tôi, để mỗi độ thu về lại chổi dậy, gợi buồn se sắc.Tôi chưa kịp tỏ tình, em đã bỏ đi sau ngày mẹ mất. Em nhường ngôi nhà cho cha và người đàn bà lạ. Em theo người dì đi về phía phố đông. Có người bắt gặp em ra vào ở một trường Đại học. Tôi định đi tìm em. Nhưng cuộc sống tất bật, đầy lo toan cứ lôi tuột tôi xa dần kỷ niệm ngọt ngào.
Thôi, tạm biệt em. Em hãy vui sống đời đáng sống! Ngôi nhà cũ, con dốc ngập lá thu rơi, em và tôi hãy xem như một bức tranh xưa. Bức tranh nhen nhóm chút nhớ tiếc giữa những tháng ngày đối mặt, vượt qua thách thức cuộc đời. Em nhé...
NGUYỄN THỊ MÂY
Tranh sưu tầm