Truyện ngắn
HƯƠNG CÂY ĐINH
Nguyễn Thị Mây
Ở xóm nầy, ai không biết Toàn tự xưng là “Anh hùng hảo hán”. Đi đâu, nó cũng thủ sẵn một cái nạng giàn thun trong túi quần. Mồm luôn ba hoa chích chòe rằng lớn lên sẽ là hiệp sĩ bắt cướp, cứu người. Nhưng chẳng đứa nào trong xóm chịu nghe. Nhất là tôi. Tôi phong tặng cho nó một cái tên phù hợp hơn: “Toàn Khỉ đột” Lũ bạn tán thành liền. Chúng bảo tôi có mắt nhìn …khỉ. Toàn ốm nhom, hai tay dài ngoằn, gần chạm đầu gối. Lưng cong cong. Độc đáo nhất là cái đầu. Nó giống như một cái gáo dừa bị lột sơ không khéo, lồi lõm, u nần, lốm đốm đỏ, đen lẫn lộn. Toàn là chúa ở dơ. Nó sợ gội đầu nên bị ghẻ chốc tùm lum. Để dễ bôi thuốc, mẹ Toàn đã xén những chỏm tóc vô phước mọc trên …núi ghẻ, rồi bôi thuốc đỏ lên. Mỗi lần gặp Toàn, tôi vừa cười, vừa phun một bãi nước bọt. Toàn thù tôi lắm. Nó trả đũa bằng cách gọi tôi là “Hương Cây Đinh” Lũ bạn chết tiệt cũng tán thành. Chúng bảo Toàn có mắt nhìn …Đinh. Vì đầu tôi to còn cắt tóc kiểu bum bê. Tay chân thì khẳng khiu, đen đủi, chẳng khác nào cái đinh.Nhất là lúc tôi đội thúng rau trên đầu.
Mẹ tôi làm nghề bán bì bún tại chợ. Mỗi ngày, tan học, tôi phải ra bưng rau cải về làm trước, chuẩn bị cho buổi chợ sau của mẹ. Lẽ ra, tôi phải về nhà cất cặp, ăn cơm rồi mới ra gặp mẹ. Nhưng tôi làm biếng. Cứ tan trường là dong ra chợ, sà vào quán ăn liền hai chiếc bì cuốn, một tô bún. Xong, tôi đi lòng vòng xem chợ một hồi rồi mới chịu về. Đặc biệt, tôi có tài đội thúng trên đầu, bước đi tay không vịn mà cái thúng vẫn “bình an”, không lật úp, trừ khi có người xô phải. Tụi bạn phục tài này lắm. Vì vậy, dù mẹ có la rầy:
- Con làm giống khùng quá trời. Năm nay con đã học lớp bảy, đi học mặc áo dài, ai lại tay ôm cặp, đầu đội thúng bao giờ. Không sợ bạn cười hả?
Tôi vâng dạ cho mẹ yên bụng nhưng cứ “trưa trưa đội thúng trở về…”. Hôm nay, mới về tới đây đã gặp Toàn khỉ đột gây sự. Nó quên rằng tôi là cây đinh. Chạm vào sẽ bị trầy da. Ông tôi là thầy dạy vỏ khi xưa. Ông có truyền cho tôi ít miếng để phòng thân, sau lần tôi bị lũ bạn đánh u đầu. Cả ngày hôm ấy, tôi sốt li bì. Mẹ nghi là tại cái cục u hành nên xót dạ lắm. bà than thở:”Cảnh mẹ góa, con côi, khổ sở trăm bề!”. Ông ngoại tôi cũng khổ theo. Ông trầm ngâm giây lâu rồi quyết định dạy võ cho tôi, sau khi nhắc đi, nhắc lại cả chục lần:
- Cháu phải nhớ rằng học võ để phòng thân chứ không phải để híếp đáp người cô thế nghe chưa?
Tôi cũng vâng dạ lễ phép nhưng thỉnh thoảng, tôi xuất chiêu hù dọa lũ bạn. Đứa nào cũng bị tôi cho đo đất ít nhất một lần. Biết chuyện, ông ngoại đòi phế võ công của tôi bằng cách bẽ tay, treo chân lên nóc nhà, chỏng đầu xuống đất. Thoạt nghe, tôi ớn xương sống, sợ điếng hồn. Nhưng nghĩ lại, ông không bao giờ làm vậy. Ông yêu quí tôi lắm. Trời chuyển mưa, tôi đi học chưa về, ông đứng ngồi không yên. Gió nổi lên, ông lật đật vác dù đi rước “Hùm dữ còn không nỡ ăn thịt…cháu”. Huống chi ông ngoại tôi! Để ngoại vui lòng, tôi đã sửa đổi đôi chút. Vả lại, lũ bạn cũng nễ tôi lắm rồi.Chúng gọi nịnh tôi là “Cây Đinh Hương” thay vì “Hương cây Đinh”.
Hôm nay, phá lệ. Khi thằng Toàn xách cây kềm to tổ bố chận đường gây sự. Nó hét lên:”Sát”. Tôi giật nẫy mình, lùi lại thủ thế. Tưởng bỡ, Toàn xông tới, xỉa cây kềm há răng vàng xỉn ngay mặt tôi. Lách người sang bên, né khỏi, thuận chân, tôi đạp Toàn một cái vào mông. Nó chúi nhủi, té xấp, cài mặt xuống đất. Cây kềm văng ra xa:”Ui da! Đau quá…, má ơi!”. Lồm cồm ngồi dậy, mặt Toàn nhăn như …khỉ. Tay sờ lỗ mũi. Nó phát hiện có vết máu, một mảnh da bị xướt . Toàn òa khóc. Tôi bật cười:
- Lêu lêu…Lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc , hi hi…
Nó òa khóc. Miệng méo xệch:
- Tao méc …ông mày cho xem. Đồ bà chằn!
Nghe dọa, tôi cũng phát ớn. Nhưng, lỗi đâu phải do tôi. Khi không kiếm chuyện, tôi cãi:
- Ai biểu mày gây sự. Tao có làm gì đâu mà mầy xách kềm đòi …nhổ đinh. May là tao có võ.
- Mầy còn chối nữa hả? Hồi sáng, đứa nào mách lẽo với cô Lịch Sử cho tao bị phạt?
Chợt nhớ, tôi bật cười;
- Ờ, ờ…Ai biểu mày xin “copy bài của tao” làm chi!
- Mà mầy có cho tao chép đâu mà méc.
- Ngừa bệnh hơn trị bệnh!
- Thêm cái tội thứ hai, mầy chê tao xấu, bảo không thèm làm vợ tao. Báo hại lũ bạn chế nhạo tao.
Tôi ôm bụng cười:
- Bộ tao nói oan cho mầy hả? Mày soi gương đi! Í ẹ, nội cái đầu của mầy cũng đủ phát khiếp rồi.
- Mầy cũng xấu hoắc!
- Ê, kệ tao nghen! Coi chừng tao đá thêm một cái là tàn đời.
Toàn bỏ đi, sau khi ném lại một câu;
- Rồi sẽ biết tay ông!
Nghe ông ngoại gọi giật ngược, tôi vội chạy ra, giật mình khi thấy Toàn đang đứng bên cạnh mẹ nó và ông tôi. Vẻ mặt hai người căng thẳng, chỉ có Toàn là hí hửng. Tôi rên thầm:”Nguy to!”
Ông lừ mắt;
- Hương, tại sao con đánh bạn Toàn?
- Tại nó xách kềm, đón đường con chứ bộ.
Ông nhìn Toàn, nó vội nhìn đi nơi khác. Mẹ Toàn liền bênh con;
- Ai gây sự với ai? Mầy đánh nó mặt mày trầy trụa hết còn nói hả?
- Con đâu có đánh nó. Con chỉ…đạp nó có một cái.
Ngoại suýt bật cười, ông mím môi:
- Tại sao con…đạp bạn?
- Tại nó hăm đánh con.
- Tao hăm nhưng tao…có đánh mầy được cái nào đâu? Đồ bà chằn!
Hai người lớn bật cười:
- Tại sao con hăm đánh bạn Hương vậy, Toàn?
Nó tức tưởi kể một mạch:
- Nó chê con xấu, giống khỉ đột, đầu có ghẻ, không thèm làm vợ con. Không cho con copy bài còn méc cô giáo.
Ông cười, mẹ Toàn cũng cười nhưng sượng sùng thấy rõ. Thấy vậy, ông bảo;
- Đó, con Ba thấy chưa? Bây với mẹ con Hương nói đùa không đúng chỗ, đúng chuyện nên mới như vầy. con nít hỉ mũi chưa sạch mà nói chuyện làm xui, dựng vợ gã chồng. Sao bây không dạy chúng giúp đỡ lẫn nhau, phải biết quí trọng tình bạn, sống cho trong sáng, có hơn không?
Quay sang tôi, ông ôn tồn bảo;
- Hương, con xin lỗi dì Ba với bạn Toàn đi! Con gái phải thùy mị. Có đâu nay đánh người nầy, mai đạp người kia, Ứ hự…!
- Ai biểu bạn hăm he con!
- Vậy thì con phải suy nghĩ lại. Tại sao bạn không ghét người khác, lại ghét con? Con phải mở rộng lòng mình, yêu thương mọi người thì mọi người mới yêu thương con được, hiểu không?
- Da, hiểu!
- Xin lỗi đi, rồi ra sau dọn dẹp nhà bếp.
Đó là hình phạt nặng nhất đối với người làm biếng như tôi. Tôi biết mình có lỗi, cũng đáng lắm! Nhưng tôi vẫn thích làm cho Toàn sợ. Tiến đến gần toàn, tôi hất mặt:”Ê, xin lỗi nghen!”
Ông gật gù:
- Được, vậy thì dọn bếp xong, quét sân trước, sân sau.
- Nhưng…con còn phải học bài:
- Dọn cho quang đãng rồi hãy học, hiểu chưa?
Tôi hiểu rồi. Ngoại tôi muốn nhổ Cây Đinh.
Nguyễn Thị Mây
Tranh của danh họa Đỗ Duy Tuấn