|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Chiếc chõng tre |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
10/9/2016
Lê Xuân Sang
Quê tôi ở miệt Phú Chánh thuộc Thủ dầu Một. Đây là vùng đất "đồng khô cỏ cháy " mà dân địa phương gọi là "vùng gò" ,để phân biệt với "vùng bưng " ; là vùng đất thấp có đầm lầy và cây cối lúc nào cũng xanh um.
Ở đây không gì "giàu" bằng tre . Thôi thì tre bạt ngàn chi số. Nào là mạnh tông, tầm vông, lồ ô, le, gai, ....Vì vậy gần như đa số trang thiết bị nội ngoại thất ở đây đều sử dụng loại đặc sản sẵn có tại địa phương này. Việc nào thứ nấy.
Thí dụ làm chuồng heo người ta dùng lồ ô đóng róng. Làm nóc chuồng thì xài tầm vông, rồi bàn ghế, sóng chén ,rỗ, rá trong nhà,phên dậu cũng bằng. ....tre ráo! Ngay cả việc lấy nước từ giếng lên cũng bằng. ...tre tuốt. Thùng chứa nước được làm bằng những thanh tre vót mỏng rồi đan lại, gọi là cái gàu. Còn để lấy nước từ giếng lên người ta dùng 2 cây tre nối lại như cái khuỷu tay (mà không dùng dây thừng ) rồi ở đầu cây sào tre cột cái gàu để lấy nước . "Hệ thống" nầy gọi là cần vọt . (Tôi nghĩ chắc các bạn trẻ thế hệ 8, 9x không hình dung cái cần vọt như thế nào đâu, vì giờ đây muốn lấy nước giếng lên xài chỉ cần máy bơm tích tắc là đầy bồn chứa lại không cực.) Sở dỉ tôi phải có sự giải thích dông dài là muốn các bạn "cảm " được cái đặc trưng của quê tôi. Từ khi nhận biết được mọi sự việc chung quanh thì nhận thức của tôi là mọi thế giới lọt thỏm trong lũy tre làng. Đầu làng cuối xóm hình như có bà con dòng họ với nhau và với gia đình tôi.
Và cũng từ khi có nhận biết mọi việc trong nhà thì tôi đã thấy trong buồng của ba má tôi đã có chiếc chõng tre màu vàng sẫm .Chiếc chõng trông có vẻ cũ kỹ nhưng cái vạt thì lên nước bóng láng như đánh vẹc -ni từ kiếp nào.
Nhớ những lần chơi cút bắt ( trốn tìm ) lúc nhỏ tôi thường hay chui dưới gầm cái chõng tre ở trong buồng mà trốn .Đây là chỗ núp lý tưởng cho mấy nhóc như bọn tôi. Vì liên kết 4 cái chân của nó là vách đất quết với rơm ,chỉ chừa cái lổ nhỏ để chui ra chui vào làm chỗ ......tránh đạn! Thời chiến tranh mà. Và cũng từ khi nhận biết "sơ sơ" về nội bộ gia đình thì ba má tôi là chủ nhân chiếm lĩnh cái chõng tre đó ,còn ông nội tôi ngủ mình ên trên bộ ván ngựa ở chái bên phải (bà nội mất lúc tôi chưa có mặt trên đời nầy )
Nghe ba nói lại, cái chõng nầy thọ cũng trên 60 năm rồi đó. Lúc ông nội mới cưới vợ, ông cố đóng cho nội để mừng tân hôn .Ông cố chỉ có nội là con trai độc nhất nên cưng lắm .Qua bao năm tháng, nhờ hồng phúc của ông cố mà nội tôi sản xuất ra 7 người con, có nếp có tẻ đầy đủ mà ba tôi là con trai độc nhất. Vì vậy quyền được ở ngôi nhà nầy để thờ phụng ông bà là lẽ đương nhiên ba tôi. ...."lãnh đủ" sau khi mấy chị em của ba lần lượt xuất giá tòng phu, kể cả việc "tiếp thu "cái chõng tre của nội. Và chắc cũng nhờ hồng phúc của ông nội khi ba tiếp thu cái chõng tre đó mà má tôi sản xuất ra được chục đứa con, cũng nếp tẻ đầy đủ và tôi là con út trong nhà.
Thời gian thắm thoát thoi đưa,các anh chị và tôi lớn dần theo năm tháng. Ngôi nhà ngày xưa có vẻ to lớn theo cặp mắt trẻ thơ của tôi sao bây giờ trông chật chội khi phải chứa 10 tàu há mồm lúc nào cũng hò hét trửng giỡn kinh hồn.
Cũng vì muốn giải quyết chuyện gia tăng dân số, ba tôi phải cơi nới phòng ốc theo tuổi đang đà lớn của các con và tách ra để mấy thằng con trai ngủ riêng, con gái ngủ riêng cho hợp. ...nam nữ thọ thọ bất thân. He he
Chính vì quy hoạch lại phòng ốc, ba phải trang bị thêm 2 bộ giường, tủ và bàn học cho phòng mấy đứa con trai ,con gái sao cho giống nhau để tụi nó không. .....phân bì.
Và nhân dịp nầy ba cũng. .....tự sướng cho mình bằng cái giường nệm có lò so mới cảo đặt trong buồng. Giờ đây cái buồng của ba có cửa, có khoá đàng hoàng chớ không như lúc ông nội bàn giao cho , chỉ có. ....tấm màn treo phất phơ ở cửa buồng. !
Nhưng việc gì thay đổi nó cũng đi kèm với rắc rối mới phát sinh. Đó là cái chõng tre bây giờ để đâu cho hợp lý? Thiệt là, trong tình hình nầy bỏ thì thương, vương thì. ....tội. Vật kỷ niệm của nội ba không nỡ bỏ đi . Sau nhiều ngày đắn đo suy tính, ba má tôi quyết định đặt nó ở. .....hàng ba,phía bên trái , dưới mái hiên nhà .
Thôi thế là quá ổn. Ba yên tâm trong lòng vì vẫn gìn giữ được kỷ niệm của nội, vừa có chỗ cho má tôi chiều chiều họp nhóm với mấy bà trong xóm ngồi đánh. .... tứ sắc !
Nói thiệt, tới giờ nầy tôi chẳng biết mô tê gì về chơi bài tứ sắc cả. Nhưng chắc nó cũng có gì rất lôi cuốn nên chiều nào mấy bà cũng hẹn nhau ngồi đồng từ chiều tới sụp tối. Nghĩ tội nghiệp cho cái chõng tre già nua. Theo thiết kể, sức chịu đựng của nó chỉ có hai người mà giờ đây phải cõng trên lưng có lúc bốn hoặc sáu mạng! Thỉnh thoảng tôi có xáp lại nhìn cọp và thấy mấy chữ Tàu trên lá bài giống như. ....cờ tướng. Cũng có tướng, sĩ , tượng, ....và vì phía mặt lưng của bộ bài có 4 màu nên nó có tên gọi giản dị là bài tứ sắc. Có lần tôi tò mò hỏi thì má nạt :
- Bây con nít biết gì, lo học hành đi.
Từ đó tôi tự ái không thèm hỏi nữa.
Thế rồi thời gian cứ trôi, cứ trôi, không ai có thể níu lại tuổi xuân của mình .Anh em rồi ngày càng lớn thì ba má tôi ngày càng già. Lần lượt ba tôi khuất bóng, sau đó gần một năm má tôi cũng nổi gót đi theo, bỏ lại cái chõng tre nằm buồn hiu bên hiên nhà.
Tôi còn nhớ như in, trước khi nhắm mắt ba còn nắm tay tôi dặn dò :
- Làm gì thì làm ráng giữ lại cái chõng tre của nội nha con.
Tôi nắm chặt tay ba :
-Ba ơi, con hứa.
Rồi từ cái ngày đám tang má xong thì nhóm "tứ sắc" cũng tự động tan hàng không kèn không trống .Hằng ngày đi ra đi vào, nhìn cái chõng tre buồn hiu bên hiên nhà, tôi càng nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, lúc còn nội, còn ba.
Một hôm vợ tôi nói:
-Nhà vầy mà để cái chõng ở trước coi. ..."kỳ " quá, mình đem ra sau đi anh. Ở trước nầy mình đặt bộ bàn ghế đá tiếp khách nó lịch sự hơn.
Nghe. ...có lý, 2 vợ chồng tôi hì hụi khiêng cái chõng ra phía sau nhà và đặt yên vị vào trong ......chuồng heo; bị bỏ phế nhiều năm nay vì nuôi lổ ( hiện nó biến thành nhà kho để chứa đồ xà bần ) Giờ đây chiếc chõng tre thành "chõng trơ" đúng nghĩa!
Nhưng số phận của cái chõng tre cũng chưa yên thân chốn nầy.
Số là nhờ "ơn Giời ",việc dạy học của tôi ngày càng khấm khá. Ngoài việc dạy chính thức trong trường tôi còn mở thêm "lò " luyện toán cho các học sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp phố thông và Đại học. Và cũng nhờ sở Giáo dục của tỉnh tôi có....... nhân đạo dễ dãi cho tôi mở "lò" tại gia mà không siết cấm đoán như các tỉnh khác nhờ vậy chẳng mấy chốc vợ chồng tôi tích lũy được số vốn kha khá .Ông bà ta có nói :-"phú quý sinh. ....nhiều chuyện" quả đúng thiệt.
Ngôi nhà của ba đã được"cải biên "từ nhà gốc của nội giờ đây sao trông "cổ lỗ sĩ" và "quê một cục ".Phải làm lại toàn bộ thôi! thế là ngôi nhà của ba tôi để lại giờ được phá toàn bộ để xây mới, hiện đại. Mái nhà thì cái trồi lên, cái xụp xuống. Phòng ốc thì ló ra, thụt vào . Nội thất thì có Romeo &Juliette ủa lộn........ Lavabo & Toilette đầy đủ. Lại thêm một tầng lầu cho mấy đứa nhỏ lên đó học hành. Còn mấy phòng tầng dưới tôi dành cho việc dạy thêm. Thiệt đúng là An cư - lạc nghiệp.
Ngày xưa trước nhà tôi là đường đất đỏ quanh co nối liền các nhà trong xóm với nhau. Đó là hạ tầng giao thông độc nhất trong làng và kết nổi với bên ngoài .Nó chỉ ưu tiên cho xe. ...bò và xe đạp lưu thông.
Nhưng cách nay chừng 5 năm, khu vực tôi ở mọc lên 1 khu công nghiệp. Hãng, xưởng thi nhau hình thành thì kèm theo đó là chợ búa, các thứ ăn chơi, giải trí cùng nhà trọ để phục vụ cho công nhân cũng mọc lên ào ạt như nấm sau mưa. Làng Phú Chánh giờ không còn yên tĩnh sau lũy tre nữa. Nó bị thành thị hoá mất rồi. !
Trước nhà tôi giờ là đường cán nhựa phẳng phiu, xe lớn, xe nhỏ chạy qua lại ầm ầm suốt ngày .Một hôm vợ tôi lại "sáng kiến ":
-Cái phần đất sau nhà chỗ dãy chuồng heo đó, hay là mình cất nhà trọ cho thuê đi anh. Chung quanh đây ai cũng cất nhà trọ hết.
-Ừ,nghe cũng có lý, nhưng còn......... cái chõng của nội?
Sau một giây suy nghĩ, vợ tôi phán :
-Thì. ......mình giao cho xe rác giải quyết
Thế là sáng hôm sau, lúc xe rác đi ngang "ăn " hàng, tôi đề nghị mấy chú em "giúp" dùm .Không ngờ mấy "xếp" nhăn nhó :
-cồng kềnh thấy bà cố làm sao chở được chú ơi, thông cảm để ở nhà bửa chụm bếp đi!
Trời đất! Đồ cổ, vật gia bảo của gia đình mà "nó" dám coi thường quá .Đến nước nầy, hai vợ chồng tôi lại hì hụi khiêng cái chõng tre trở lại phía sau nhà và. ....châm lửa đốt chung với cái chuồng heo vừa mới triệt hạ xuống.
Nhìn ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt ,trong lúc cái chõng tre lụi tàn dần, sống mũi tôi chợt cay cay. Ôi, vật gia bảo của nội. Thôi thì dù sao giờ đây mầy cũng đã làm xong nhiệm vụ lịch sử rồi !mong mầy yên nghỉ nha.
Viết xong tối 31.8.2016 lúc 22h ( bài viết được lấy cảm hứng từ cái chõng tre của ........nhà hàng xóm .
Lê Xuân Sang
( * )CHÚ THÍCH: chõng tre là cái giường được đóng bằng tre. Ở quê tôi không ai gọi giường tre cả, mà phải là CHÕNG TRE
Nhà nội được ba "cải tạo "lại. Chõng tre được đem ra trước nhà (ảnh minh họa )
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061872 visitors (3174757 hits) |