|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Anh tôi- và những... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
14/8/2016
ANH TÔI và NHỮNG NGƯỜi THẦY |
- KIM THANH
|
Mỗi năm đến gần ngày cuối tháng 11, chúng tôi đều chuẩn bị sẵn tinh thần để được gặp lại Thầy Cô. Trong bầu không khí ấm cúng và vui vẻ của tình thầy trò, tôi xin phép được ghi lại một tấm lòng của người học trò năm xưa mà tôi đoán có lẽ các thầy cô và học viên trường NLS Bình Dương,ai cũng biết đến người này qua tính cách và thành quả của anh ấy trong suốt thời gian anh ấy còn học dưới mái trường NLS, cũng như lúc anh ấy đã ra trường. Anh Trương Công Chánh. Khoá 1 Canh Nông.
Ở nhà tôi, hai anh trai - anh Bình, anh Chánh- thường nói rằng : "Ba mẹ nào cũng dạy các con những điều căn bản và đơn giản : phải biết vâng lời cha mẹ, cố học giỏi, mai sau nên người. Nhưng việc hình thành tính cách, tác phong đạo đức phải nhờ vào Thầy Cô ". Vì Thầy Cô là những hình tượng mỗi ngày chúng tôi nhìn thấy sau Ba Mẹ. Chúng tôi sẽ bắt chước, dần dần sự bắt chước này ngấm vào tư tưởng chúng tôi để rồi đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ có được những tác phong giống như Thầy Cô mà chính chúng tôi cũng khó nhận ra. Nhưng nếu có một người nào đứng bên ngoài quan sát, họ sẽ nhận ra điều ấy. Sự hình thành tư cách này tuỳ vào sự nhận thức của mỗi học trò và cách thể hiện về sau.
Tôi xin phép được dẫn chứng qua người anh trai của tôi .
Anh Chánh không qua một trường lớp sư phạm nào. Sau khi ra trường, anh ghi danh năm dự bị trường Đại Học Khoa Học lấy chứng chỉ SPCN. Sau đó anh ghi danh học tiếp các chứng chỉ khác lấy bằng Cử nhân Địa Chất học. Một học viên NLS , vào thời điểm chưa có các trường luyện thi đại học, anh biết mình khó lòng đương đầu nổi với học sinh áo trắng nên chọn cho mình bước ngoặt khá gian nan. Nhưng anh đã thành công. - trường Đại học Khoa học không theo chương trình từng năm, mà học theo cách ghi danh từng chứng chỉ. Thi đậu tất cả những chứng chỉ bắt buộc sẽ được nhận bằng Cử Nhân. Thường thì một sinh viên khá muốn lấy bằng cử nhân cần 4 năm, Nhưng anh Chánh đã lấy bằng Cử Nhân chỉ trong 3 năm. Có thể giải thích như sau: một năm sinh viên ghi danh một chứng chỉ nhưng anh Chánh ghi hai chứng chỉ để rút ngắn thời gian học. Vì lúc đó gia đình phải lo cho ba đứa con còn lại , hai đang học Đại học và một học trung học- là tôi.
Tiếc thay,sau khi có bằng cử nhân và được mời làm Trợ giảng cho sinh viên năm thứ nhất đại học khoa học, thì anh lại có ý định học tiếp lên trên.Thế nhưng cùng lúc ấy cũng là thời khắc lịch sử:năm 1975,trường Đại học khoa học giải tán .Anh trở về Bình Dương dự khoá Sư phạm cấp tốc 12 ngày, rồi đi dạy. Anh trở thành nhà giáo kể từ đây cho đến ngày ra đi vĩnh viễn. Trong thời gian 12 ngày ít ỏi này, khoá học của các anh được huấn luyện về chính trị chứ không đủ thời gian để học những nguyên tắc sư phạm , nhưng khi bước chân lên bục giảng, anh đã thể hiện rất tốt vai trò một người Thầy. Tính cách của anh Chánh phảng phất nhiều nét của những người Thầy tiên phong đi mở lớp cho ngôi trường của chúng ta. Theo ý chủ quan của tôi, tôi thấy anh Chánh mang tính cách của Thầy Huỳnh Kim Ngọc nhiều hơn.
Trong thời gian đầu công tác ở trường cấp ba Thị Xã, song song với việc đứng lớp môn Hoá, anh được bà Hiệu Trưởng giao cho nhiệm vụ phụ trách vấn đề kỷ luật toàn trường. Có những lần tình cờ đi ngang qua trường, tôi nghe Anh đang hò hét những học sinh vi phạm kỷ luật. Thời điểm ấy, học trò được xem là tương lai đất nước, giáo viên không được nặng lời trách mắng. Nhưng anh Chánh không hề quan tâm và bà Hiệu trưởng khi đó có cùng quan điểm với Anh về vấn đề nghiêm khắc với học sinh vi phạm kỷ luật, mặc dù Bà là người được điều vào từ miền Bắc!
Dẫu không nói ra, quí Thầy Cô cũng biết sau lưng mình, Thầy Cô phải gánh nặng một chuyện không thể tránh: chịu sự nhận xét của học sinh. Tất nhiên điều này sẽ góp phần khiến Thầy Cô cố giữ được hình ảnh mẫu mực trong lòng chúng tôi. ( câu chuyện sau đây xin Thầy Ngọc thông cảm)
Năm anh Chánh học lớp 10 , tôi học lớp 6 . Lúc đó trường NLS chưa hình thành trọn vẹn. Cả trường phải co cụm lại trong phạm vi khu Thực Hành nông trại. Có lớp học trong nhà kho, có lớp học trong nhà trống, chổ để sinh hoạt của tất cả các lớp. Khi đó, lớp khoá 1 trực thuộc NLS phải nằm kế bên lớp chúng tôi trực thuộc Cộng Đồng Búng. Một ngày kia, trong khi lớp khoá 1 đang học giờ Thầy Ngọc, còn lớp chúng tôi đang chơi vì Thầy chưa đến . Vì không ai quản nên lớp chúng tôi đùa giởn la hét bát nháo vô cùng. Làm sao lớp bên cạnh có thể học được. Thầy Ngọc phải bước qua lớp chúng tôi đến ba lần, yêu cầu ổn định trật tự. Cấp độ giận của Thầy tăng dần, từ mềm mỏng đến thịnh nộ. Lần thứ ba có một bạn lãnh một cái tát của Thầy lớp tôi mới chịu yên ! Các bạn thấy không, không sử dụng biện pháp mạnh, làm sao khiển được chúng ta lúc bấy giờ. Thú thật, lúc nhìn thấy Thầy Ngọc, tôi đã sợ, thấy một bạn lãnh bạt tai tôi càng sợ Thầy hơn.
Về nhà, tôi hỏi anh Chánh : Thầy Ngọc sao khó quá vậy anh Năm ? Anh trả lời : tại tụi bây như đám giặc, ai mà dễ cho được. Tôi nói, hồi trưa có đứa bị Thầy cho ăn bạt tai đó. Anh nói, cho chừa.
(Lúc anh Chánh đi dạy, anh chỉ nhắc nhở một lần. Lần thứ hai là thi hành kỷ luật. Các bạn thông cảm, bốn năm sư phạm khác với 12 ngày)
Tôi lại hỏi: sao không bao giờ em thấy Thầy( Kim Ngọc ) cười ? Anh trả lời: làm Thầy, hơn nữa trên hết là một Hiệu Trưởng, phải giữ uy nghiêm chứ, không thể cười ..giống như mày được! Sau này tôi nhớ lại hình ảnh Thầy Ngọc trong khuôn viên Trường lúc nào cũng nghiêm nghị và có vẻ " hầm hầm" , tôi lại nhớ anh tôi lúc ở khuôn viên những trường anh ấy dạy học , mặt anh ấy lúc nào cũng " hầm hầm " . Nhưng các bạn không bao giờ biết được rằng đằng sau nét mặt " lạnh như tiền " ấy là cả một tấm lòng yêu thương học trò của thầy Ngọc và anh Chánh mà mãi về sau , khi rời khỏi ghế nhà trường, chúng ta và học trò anh Chánh mới cảm nhận được.
Là học trò cách xa khoá của anh mình, tôi rất " ngưỡng mộ" Thầy Cô của khoá đàn anh. Về nhà tôi hay dò la tin tức. Tôi hỏi : em thấy Thầy Tài( Trịnh Xuân Tài) có vẻ dữ quá, lớp anh Năm có ai bị ăn bạt tai chưa? Anh Chánh bật cười: coi vậy chứ Thầy Tài rất dễ và ông ấy rất dễ thương. Tôi không tin. Sau này lớp chúng tôi có học Thầy Tài và tôi thấy anh tôi nói đúng.Tôi lại hỏi về các Thầy, Trần Hồng Đức, Bùi Sanh Báu....anh Chánh nói tất nhiên nhìn mấy Thầy này là biết dễ rồi.
Nhìn bề ngoài cách " hành xử" của anh Chánh lúc dạy học, tôi không thể nhận xét khác hơn về tính cách của anh ấy, mười mươi anh ấy giống Thầy Ngọc chứ không thể giống các Thầy khác. Nhưng bên trong anh ấy mang cái tình cũng giống như tất cả các Thầy.
Tôi xin phép được chen vào đây một câu chuyện do chị Lê Thị Sinh kể lại về cách mà một Thầy " quan tâm" đến “Ông Bầu “Trương Công Chánh.
- Trong những năm ngồi ghế nhà trường của chúng ta, anh Chánh hoạt động báo chí và văn nghệ rất tích cực. Vì vậy Anh được quí Thầy Cô và bạn bè đặt cho biệt danh khá dễ thương: ông Bầu. Hầu như phân nửa thời gian đến trường anh chỉ ở ngoài đường. Nếu anh ấy ở hẳn ngoài phạm vi trường thì không khiến các Thầy bực. Anh ấy " ngang nhiên đi lại trong khuôn viên trường như chốn không người" . Anh được " kim bài miễn tử" , có nghĩa là nghỉ học nhưng không bị điểm danh. Lần đó có việc phải đi ngang qua cửa lớp của lớp mình, anh bị Thầy dạy Toán nhìn thấy. Chắc lúc đó Thầy đã có " cách" trừng trị đứa học trò đặc biệt này. Vào giờ học sau của môn toán, vừa bước vô lớp nhìn thấy " cố nhân" Trương Công Chánh ngồi trong lớp, Thầy gọi ngay lên bảng, bắt giải trở lại những bài mà Thầy vừa dạy hôm anh Chánh vắng mặt. Một tình huống Thầy không ngờ nhưng cả lớp đều biết trước, anh lên bảng giải toàn bộ những bài toán Thầy yêu cầu , không sai một con số! Cả lớp kêu lên: lúc nào tên này chịu ngồi trong lớp là nó đã chuẩn bị bài vở đầy đủ. Muốn cho Chánh trứng ngỗng Thầy đợi khi nào nó đang ở ngoài đường thì níu cổ nó vô, chắc ăn như bắp!!
Anh Chánh rất yêu thương mái trường NLS, nơi đã rèn luyện nên tính cách con người Anh, nên vừa ra trường, Anh tổ chức ngay Hội Ái hữu cựu học viên NLS BD. Trụ sở đặt tại nhà Ba Má tôi, năm 72- 73, có xin giấy phép thành lập rất nghiêm túc. Mục đích để tiếp tục hoạt động các bạn cùng khoá đã ra trường cùng với tất cả các bạn chưa ra trường- Trường trung học NLS BD, nơi mà anh ấy không thể quay lại để tiếp tục học và hoạt động như một Ông Bầu !
Tôi nhớ năm tôi học lớp 6, Thầy Nguyễn Văn Thoại dạy môn Nông học, vẫn thường đê dành thời gian trống sau khi giảng bài xong, cùng nói chuyện với học sinh về quan điểm của Thầy. Thầy Thoại nhấn mạnh một điều : lúc chấm bài tôi cố không nhìn tên của các em , để tránh việc vì tình cảm riêng, thiếu sự công bằng khi cho điểm . Trừ khi bài làm đó quá tốt hay quá tệ tôi mới nhìn xem tên gì, tất nhiên phải là sau khi chấm điểm xong . Chuyện này đối với học trò lớp 6 thật là quá khâm phục. Tôi về kể cho anh Chánh nghe. Lúc đó Anh không nói gì. Nhưng sau này, khi đã là giáo viên, anh hay nói với tôi rằng : anh chấm bài không bao giờ nhìn tên học sinh. Ngay cả khi vào dịp lễ 20/11 , ngày học trò nhớ ơn Thầy Cô, anh thường vắng nhà. Anh không muốn vì quà cáp lúc vô trường khó làm việc ngay thẳng với các học sinh.
Nói về tính cách Thầy Cô thì muôn màu. Tôi xin kể lại một kỷ niệm lớp chúng tôi, lớp 6 trường Cộng Đồng Búng. Ngày ấy lớp chúng tôi bị đặc biệt chú ý vì tội phá phách. Có lẽ Thầy Linh âm thầm nhận trách nhiệm trừng phạt (?) . Hôm đó, Thầy vừa bước chân vào lớp , tôi nhớ rất rõ lớp chúng tôi chưa gây ra chuyện gì quá đáng đã bị Thầy ra lịnh: quì gối cả lớp. Vì không phục nên mặt tôi xanh dần như sắp chết. Bạn bè phát hiện kêu lên: Kim Thanh bị bịnh rồi Thầy. Thầy bước lại nhìn thật kỹ rồi cho tôi ngồi xuống. Ngồi xuống, tôi úp mặt vào hai tay khóc ào ào vì tức.
Sau buổi bị phạt quì, các Thầy Cô trong hội đồng được thông báo ngay lập tức. Thầy Cô nào bước vô lớp, câu nói đầu tiên na ná như nhau: sao, bị Thầy Linh bắt quì cả lớp, vui không ? Cả lớp im lặng, vì biết đây là một lời quở trách. Riêng Thầy Thi lúc đó không còn dạy lớp, Thầy được về văn phòng làm Giám Học. Thầy xin giờ cô giáo hướng dẫn để nói chuyện với lớp chúng tôi. Đây là sự quan tâm của một người Thầy khi học sinh của mình có chuyện. Thầy vẫn dùng những lời lẽ hết sức điềm đạm để nhắc nhở và khuyến cáo. Lời của Thầy Thi có vài điểm trùng hợp với một cô giáo, tôi sẽ ghi lại những lời của Cô giáo này, Cô Võ Hồng Cúc.
Cô Cúc dạy môn toán. Trước khi vào bài mới, Cô nói rõ quan điểm của Cô cho lớp chúng tôi biết : Thầy Cô đều cho rằng lớp 6 P ngoan hơn lớp các em (6 A) , nhưng tôi thích lớp các em hơn ! ( nếu chúng tôi đang học lớp 10 có lẽ chúng tôi đã bày tỏ ngay sự phấn khích vì câu nói này). Nhưng thời điểm đó, lớp chúng tôi đang bầm dập vì những lời khiển trách nên cả lớp cùng im lặng. Cô nói tiếp: vì những người thông minh thường hiếu động. Trong lúc lớp 6P cũng có nhiều em học giỏi nhưng tính cách rất thụ động, cúi đầu lắng nghe, Cô không thích học trò của mình hiền quá như vậy . Có điều khi các em quậy phá, các em làm liên luỵ những em khác, cùng chịu chung hình phạt Cô nghĩ là không nên. Các em suy nghĩ lại xem Cô nói có đúng không nhé.
Những lời nói này theo tôi suốt cả quãng đường dài trong cuộc sống. tôi ghi nhớ điều này: những người thông minh thường hiếu động. Có khiếu khôi hài nhưng phải biết dừng lại ở mức độ cho phép . Việc này khi tôi kể lại cho anh Chánh chị Hoàn nghe, Anh Chị bảo rằng đấy là tính cách sư phạm. Dạy dỗ và khen tặng đúng chỗ là nguồn trợ lực rất tốt cho học trò của Thầy Cô.
Bài viết này tôi kính tặng Thầy Cô, và gởi đến các bạn đồng môn làm món quà kỷ niệm trong những năm tháng còn lại, còn được gặp lại nhau để nhớ về mái trường xưa.
Kim Thanh
Khoá 5 MS/NLS BD
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061956 visitors (3175064 hits) |