22/5/2016
(Du lịch)
Cái chân thích đi đã không đừng được chuyện du lịch, đến nỗi năm nào cũng phải lên kế hoạch “đi cho biết đó biết đây’’, nước ngoài hay “nước trong” không thành vấn đề, miễn có dịch chuyển là trong lòng thơ thới hân hoan.
Mở đầu năm nay là chuyến đi Hàn Quốc. Hàn Quốc (còn có những tên gọi khác như: Cao Ly, Triều Tiên, Đại Hàn Dân quốc, Cộng Hòa Triều Tiên, Hàn Quốc…) đối với Việt Nam trong quá khứ có nhiều duyên nợ (*), vì thế cũng nên đến nơi này một lần cho biết.
Không mê phim Hàn như những phụ nữ khác, tôi chỉ biết sơ vài phim có Lee Young Ae đóng (vì tôi thích nét đẹp phúc hậu và nhân cách đáng mến của cô diễn viên này) như phim Anh em nhà bác sĩ,Dae Jang Geum... Ngoài ra, còn lý do khác, nói ra hơi buồn cười: tôi người miền Nam quanh năm sống với nắng nóng, nên rất thèm được hưởng không khí “tuyết sương”. Nghe Hàn Quốc đang còn mùa đông, có hôm trời lại rơi tuyết, nên càng háo hức muốn đi vì thèm được nắm trong tay “cục đá nhuyễn” thiên nhiên xem nó khác với đá trong tủ lạnh ra sao. Những lần đến Sapa đều đi vào dịp hè thu, rồi Đà Lạt thì mùa nào cũng lạnh nhưng tuyết thì …đừng mơ. Chắc những ai đang sống ở những vùng mùa đông giá rét đang cười tôi ghê lắm, vì cái mộng mơ có vẻ ngây ngô kia. Vậy đó, cái sợ của người này hóa ra là cái thích của người kia. Mới thấy thuyết tương đối của Albert Einstein vận dụng vào chuyện gì cũng hợp lý quá.
Hàn Quốc cách Việt Nam 5 giờ bay, và trước VN hai múi giờ. Chúng tôi đáp xuống sân bay quốc tế Incheon đã vào nửa đêm, trời bên ngoài rất lạnh, chừng 4 độ C, cái lạnh đủ để hít hà nhưng sao vẫn thật dễ chịu. Sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc cách thủ đô Seoul khoảng 70km về phía tây là sân bay đầu tiên trong lịch sử cảng hàng không được xếp hạng tốt nhất thế giới 7 năm liền (2005-2011) do Hội đồng cảng hàng không quốc tế đánh giá (ACI: Airports Council International,ra đời năm 1993). Incheon được đưa vào khai thác năm 2001, thay thế cho sân bay Gimpo, giờ trở thành sân bay quốc nội. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Incheon đã phải nhường vị trí nhất cho sân bay Changi (Singapore). Tôi may mắn được biết cả hai để có cái nhìn so sánh. Quả thật chúng một chín một mười, nếu Changi có cái qui mô dàn trải (hiện giờ có 3 terminal, đang xây terminal 4) thì Incheon tuy chỉ có 1 terminal nhưng có đến 132 cửa lên xuống máy bay, và nhiều tiện ích hiếm có. Du khách được xài wifi miễn phí (không cần password), cũng không cần mang theo laptop hay smartphone, vì chỗ nào cũng có máy tính bàn free. Trẻ em thì có playground, còn người lớn thì có relax lounge ( nơi thư giãn ) với những công cụ massage, ghế nằm…hoàn toàn miễn phí. Dày đặc những cửa hàng miễn thuế, nhân viên tiếp thị nói tiếng Anh rất chuẩn, một điều du khách rất e ngại khi đến một đất nước không thuộc hệ thống La tinh ngữ. Và vô cùng sạch sẽ. Một cảng bay rộng lớn như thế nhưng không hề thấy một cọng rác, đủ biết ý thức của người dân nơi đây cao như thế nào. Cái nhìn đầu tiên của du khách chính là sân bay khi vừa đến một đất nước xa lạ, thì Incheon đã thành công khi tạo được một ấn tượng hoàn hảo như thế.
Seoul là một thủ đô đông dân thứ tư thế giới, với dân số thủ đô là 26 triệu, nhưng không vì thế mà bát nháo. Tinh thần dân tộc cao độ của họ khiến bất cứ chuyện gì cũng nề nếp, trật tự. Seoul thơ mộng nằm dọc hai bên sông Hán Thành (mà người ta quen gọi là sông Hàn) với chằng chịt những cây cầu bắc ngang. Người ta dễ dàng nhận thấy những luồng xe nội địa chạy ngang dọc trên mọi ngả đường: Hyundai, Kia, Daewoo…, mà không hề thấy Toyota, Honda, Nissan…của anh bạn láng giềng Nhật Bản (2 nước này xích mích triền miên). Ngay cả những hiệu ô tô của các nước khác cũng hiếm hoi, thảng hoặc mới gặp vài chiếc Chevrolet, Volkswagen, Mercedes-Benz….Ba phần tư diện tích Hàn Quốc là sông và núi, nên Seoul cũng được bao bọc bởi núi sông. Và không chỉ xài xe nội địa, ngay cả những vật dụng hàng ngày cũng toàn là nội địa. Không khó để điểm danh những cái tên như Samsung, LG,Debon, Ohui…đều xuất xứ từ Hàn. Và không thể không nói đến làn sóng Hàn Quốc đang bành trướng khắp châu Á hiện nay như phim Hàn, thời trang Hàn, mỹ phẩm Hàn….và vấn nạn tự tử cũng made in …..Hàn!
Seoul hiện đại với những tòa nhà cao tầng nhưng vẫn không mất đi nét cổ kính của kinh đô cũ, và cố cung Gyeongbok (ở ngay trung tâm Seoul) là một điển hình. Cung điện Gyeongbok là nơi ở chính của Hoàng gia trong suốt vương triều Chosun dài 600 năm, còn gọi là Joseon (1392-1910), một trong những vương triều vĩ đại của lịch sử Hàn. Chosun, dịch là Triều Tiên,l à triều đại phong kiến cuối cùng. Khi bị Nhật chiếm đóng (1910-1945), vua bị tước quyền cai trị, trở thành bù nhìn. Sau đệ nhị thế chiến (15/8/1945), Triều Tiên bị chia cắt thành 2 miền: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phía bắc và Đại Hàn Dân quốc phía nam. Cho đến nay, Đại Hàn là nước duy nhất còn sót lại trên thế giới vẫn bị chia hai (Bắc Hàn- Nam Hàn). Năm 1948 Nam Hàn tuyên bố độc lập. Vị tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân quốc là Syngman Rhee, Lý Thừa Vãn(*) đã tuyên bố bãi bỏ chế độ quân chủ. Cung điện trở thành cố cung. Cuộc nội chiến Bắc Nam (1950-1953) đã tàn phá gần như sạch nguyên trạng, ngày nay tuy được phục dựng lại, nhưng không còn chính xác với nguyên mẫu, đó là lý do mà cố cung không được UNESCO công nhận là di sản văn hóa như ở Huế mình. Trong khuôn viên của cung điện, có Bảo tàng Văn hóa Truyền thống Quốc gia, tái hiện lại nếp sinh hoạt của người dân Hàn từ lúc lọt lòng đến khi già lão và chết đi. Du khách có thể được mặc vào bộ quần áo Hanbok của người Hàn để chụp hình, và hình ảnh của nữ diễn viên xinh đẹp Lee Young Ae (trong vai chính của phim Dae Jang Geum) được xem như hình ảnh đại diện cho đất nước Hàn Quốc.
Cạnh cố cung Gyeongbok là Nhà Xanh (Cheongwadae), nơi sống và làm việc của bao đời tổng thống Hàn,mà hiện nay nữ tổng thống đầu tiên của Hàn đang ở. Bà Park Geun Hye (đúng ra phải gọi là cô, vì nữ tổng thống không có chồng), là con của Tổng thống thứ 3 Đại Hàn Dân quốc Park Chung Hee, vị tổng thống độc tài ( bị ám sát năm 1979) nhưng rất có công với đất nước Hàn, chỉ trong 4 nhiệm kỳ (1963-1979) đã đưa một nước Hàn nghèo nàn, lạc hậu những năm 60 trở thành một nước công nghiệp tiên tiến, và là một trong 4 con hổ châu Á (Singapore, Hongkong, Đài Loan và Hàn Quốc). Du khách chỉ có thể đứng ngoài cổng cố cung Gyeongbok để chụp hình Nhà Xanh, vì nơi ở của Tổng Thống luôn được canh gác hết sức nghiêm ngặt. Nhà Xanh chính là di tích hoàng cung của vương triều Goryeo, tức vương triều Cao Ly (918-1392). Đến vương triều Chosun (Joseon), tức vương triều Triều Tiên (1392-1910) thì chuyển đến Gyeongbok, trong thung lũng Mungunghwa tuyệt đẹp, có đài phun nước và hình tượng chim phượng hoàng, Cheongwadae thì trở thành hoa viên của hậu cung, phía sau có núi Bugaksan làm bức trường thành.
Hàn Quốc nổi tiếng với những món món quốc hồn quốc túy: nhân sâm, nấm linh chi và kim chi. Nhờ du Hàn, tôi mới biết nhân sâm cũng rất đa dạng. Sâm chỉ trồng đến 6 năm tuổi là tối đa rồi thu hoạch (không có sâm 7 tuổi, 8 tuổi,v.v…). Làm sao biết sâm bao nhiêu tuổi? Thật dễ, mỗi một tuổi thì sâm cho số lá trên nhánh tương ứng: một năm tuổi, sâm toàn những nhánh một lá, hai năm tuổi thì 2 lá, v.v…. Có nhiều loại sâm với nhiều tên gọi: Hồng sâm thì có Thiên sâm là loại cao cấp nhất, Hàn quốc thường giữ lại không xuất khẩu, chỉ để cho dân Hàn dùng, rồi Địa sâm, Lương sâm, Thái cực sâm, Bạch sâm. Biết vậy thôi, còn tại sao chúng có tên theo số tuổi thì chỉ có chuyên gia về sâm mới gọi chính xác.
Và kim chi. Người ta gọi Hàn Quốc là xứ sở kim chi cũng không ngoa. Cứ tưởng kim chi chỉ gói gọn trong chục loại rau cải như món dưa chua của mình, nhưng kim chi của họ đa dạng đến trên 200 món. Bất cứ cái gì cũng có thể làm kim chi được. Ngoài cải thảo là món kim chi chủ đạo, rồi thì củ cải, cà rốt, su su…, thậm chí mực, sò, bạch tuộc, cá….cũng là nguyên liệu làm kim chi. Kim chi, đơn giản như món dưa chua, món mắm của mình. Thời tiết ở Hàn rất lạnh vào mùa đông, nên những gì thu hoạch được trong những mùa khác đều có thể làm dưa, tích cốc phòng cơ, đại loại vậy.
Khuôn viên cố cung Gyeongbok
Cố cung Gyeongbok
Nhà Xanh
(còn tiếp)