|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Phượt Lão: Quay về Hà Nội- Xuôi Nam |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
11/9/2018
- KS Mong Phước Minh -
|
Phượt Lão Mong Phước Minh:- Tam Đảo mù sương- Quay về Hà Nội…Xuôi Nam…
Điểm đến thứ 2 của chúng tôi là nhà thờ đá cổ xây dựng năm 1937. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, ở hai bên sườn nhà với những bậc đá dẫn lên tầng trên. Lên tầng 2 đặc biệt có những vòm cuốn bố trí thật đẹp trong một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng hai có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m) được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh, liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.
Nhờ bằng đá granit nên nhà thờ đã bền vững với thời gian, lớp rêu phong đeo bám càng khiến công trình thêm phần thẩm mỹ.
Tiếc rằng ngày nay có nhiều công trình mới vượt qua tầm cao đẹp đẻ của tháp chuông, nhà thờ chìm đi bởi cái xô bồ xây dựng!
Dẫu sao tôi cũng rất thú vị khi tới thăm nơi này, bởi vẻ trầm mặc cổ kính vút cao theo gác chuông sừng sững giữa trời mây sương khói!
Với tôi Tam Đảo như thế là quá đủ dù hành trình vất vả đã trãi qua!
Tam Đảo là một dãy núi đá ở vùng Đông BắcViệt Nam nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có ba ngọn núi cao nhô lên trên biển mây, đó là Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa [1]. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591 m.
Cũng vì dốc đứng, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao. Nhiều loại rau quả ôn đới được trồng ở Tam Đảo và cung cấp cho các vùng xung quanh, nhất là cho Hà Nội. Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều. Loài cá cóc, là động vật đặc hữu của Tam Đảo. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 36.883 ha nằm trọn trong dãy núi này.
Như vậy cho đến bây giờ tôi đã "cỡi ngựa xem hoa" 4 vườn quốc gia: Bạch Mã (Huế), Cát Bà (Hải Phòng), Yên Tử (Quãng Ninh, Bắc Giang) và bây giờ là Tam Đảo. Nói thế cho vui nhưng đồng thời cũng để thấy nước ta còn rất nhiều vốn quí thiên nhiên mà cha ông đã để lại. Cho dù ai chỉ là "cỡi ngựa xem hoa" các nơi này, nếu lưu tâm thì các bạn sẽ thấy thêm yêu quí những gì mình chiêm ngưỡng. Cái khó khăn, gian khổ khi "rong chơi" qua các nơi đây, nghĩ cho cùng chẳng thấm vào đâu so với hoạt động quản lý, nghiên cứu ...để khám phá, bảo tồn...của các nhà khoa học và nhất là công lao của Tiền nhân đã hy sinh xương máu, chống sự xâm lăng thô bạo của các thế lực cường quyền ngoại bang... để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ thân yêu này, trong đó bao gồm cả rừng núi, biển xanh, mà chúng tôi đang"cỡi ngựa xem hoa".
Như đã nói, đường lên Tam Đảo khi chúng tôi đến, tràn ngập mây mù, đang trong giai đoạn nâng cấp, nên chật hẹp và còn ngổn ngang đất đá. Chừng qua các khúc quanh cuối cùng mới mở ra một thị trấn ẩn, hiện khi mờ, lúc tỏ bên sườn núi thấp, cao chập chùng.
Đó là một quần thể kiến trúc hổn tạp và chật chội dù chung quanh là một không gian bao la của núi cao, rừng thẳm. Đường sá tại trung tâm thị trấn thì nhỏ hẹp và còn rất nhếch nhác vì nước đọng và rác thải.
Trời lúc mưa lúc tạnh, nhưng không hề thấy nắng, chúng tôi không thể đi bộ xa, chỉ lòng vòng quanh qua mấy phố bao bọc Công viên, mỗi cạnh chừng 300m, hầu hết là nhà hàng, khách sạn. Có cái chợ nhỏ mà phần lớn là hàng Trung quốc bán cho khách du lịch. Vì mưa chúng tôi không đi đâu nên với tôi Tam Đảo là 1 dúm hẹp té tại Thị trấn. Và so với Đà Lạt thì thua rất xa về qui mô cũng như cảnh đẹp, dù bây giờ Đà Lat không còn thơ mộng như xưa. Vì cách Hà nội 86km, cách các tỉnh đồng bắng lân cận cũng chỉ ngần ấy cây số, từ chân núi lên đến thị trấn chừng 12km, nên để trốn nóng, Tam Đảo là lựa chọn lý tưởng.
Tôi ở lại đây thêm 1 ngày tròn, nhưng không thể đến thăm Đền Bà Chúa Thượng ngàn, thác Bạc... vì trơn trợt trong mưa mù lạnh giá. May có công viên được thiết kế theo phong cách Châu Âu, nên qua làn sương mỏng ảo diệu, tôi có cảm giác như mình ở 1 thành phố Tây nào đó vào mùa Đông!
Cảnh đẹp thì nên thông thoáng, đâu cần phải cổng to đèn màu, cờ xí...lại thêm mấy cái bảng đỏ phản cảm này khiến thị trấn Tam Đảo đã chật lại chật thêm, đã dơ lại dơ thêm. Thị trấn rất nhỏ, cứ ra lệnh cấm rồi kiểm tra 1 thời gian... vì lợi ích thì dân sẽ tự làm đẹp cho địa phương mình thôi.
Ngày 30-8-2018.
Trời Tam Đảo vẫn mờ ảo sương mù, lại mưa lắc rắc. Tôi bắt đầu thấy nhớ cái..."Nắng đẹp miền Nam" rồi! 2 vợ chồng che dù qua nhà hàng ăn sáng, lại phở, bún chả, bánh cuốn nóng... làm nhớ cơm tấm thấy mồ. Mà phải ăn thôi, để xuống... núi.
Sương mù thì giúp chụp ảnh đẹp, mà chụp loanh quanh một địa điểm quen thuộc thì cũng chán, mình thì không muốn gặp rủi ro, nên đành phải tự hài lòng với những gì đang có. Nếu sống ở gần như Hà Nội hay vùng phụ cận, chắc tôi cũng là khách thường xuyên nơi đây.
Làm khách thôi, chứ tới làm cư dân tại mấy nơi này thì chắc không khoái lắm. Tôi nói "tới" để loại trừ cư dân bản địa ra.
Tình hình thời tiết thế này, mưa nhỏ và sương mù giăng mắc, nhớ lại cảnh vượt đèo lên đây, tôi ngán ngược, nhất là mấy chỗ hẹp, đất đá vương vải đầy đường, thiệt tình tôi muốn lưu lại trong căn phòng ấm cúng nơi khách sạn này, chờ lúc trời quang mây tạnh. Nhưng biết chờ đến bao giơ?
Qua khung cửa sổ khách sạn, nhìn lâu đài 400 tỷ phía xa, cũng như nhiều nhà hàng khách sạn qui mô, đã hoàn thiện hay chờ ngày khai trương thì thấy rằng vì chỉ có 1 mình Tam Đảo nên sức hút vẫn mạnh mẽ nơi chốn "thần tiên sương khói" này. He he, thiên nhiên cũng có cái kiễu độc quyền của thiên nhiên, tôi cũng thầm công nhận người Pháp rất giỏi trong việc tìm ra những địa điểm "độc quyền"quá đẹp về cảnh quan, lại mát mẻ đễ làm nơi nghĩ dưỡng: Đà Lạt, Bạch Mã, Bà Nà, Mẫu Sơn, Bokor (Campuchia),... và Tam Đảo.
Từ tối hôm qua, lúc ngồi ăn cơm, chúng tôi nghe tin thời tiết vẫn còn mưa giông trên nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt lưu ý người dân miền núi đề phòng lũ ống, lũ quét... khiến 2 kẻ bụi đời bổng chột dạ! Vừa mới trãi nghiệm đoạn đường gian khổ, hãi hùng...vì mưa gió từ Ninh Bình qua Tam Đảo, chúng tôi thực sự không dám mạo hiểm thêm, nhất là trên đoạn đường sắp tới lên miền thượng du Bắc Việt. Nơi đồng bằng mà còn cực kỳ lo lắng khi băng mình giữa mưa giăng, gió giật, lên vùng cao thì chắc chắn khó hơn nhiều.
Không, không phải khó hơn, mà là nguy hiểm hơn nhiều! Chưa gặp, nhưng mưa rừng, gió núi giữa đồi hoang, đèo vắng, không phải điều hay cho 2 đứa già chúng tôi tìm cảm giác.
Bà xã nói thôi, mình trở lại Hà Nội, nhờ xe lữa chở con Daehan về Sài Gòn, rồi mua vé tàu lên Lào Cai, qua Sapa, đi cáp treo thăm Fansipang, chớ mưa gió như vầy mình đi không nỗi đâu anh ơi!
Ừa, vậy đi... không chờ nữa, mình... xuống núi thôi!
Khác với lo ngại của tôi, đường qua đèo vẫn hẹp, nhiều đoạn còn đầy đất đá, nhưng xuống thì khỏe hơn lên nhiều, lại không gặp mưa và giờ này lại rất ít sương mù. Chúng tôi có thể dừng lại để ngắm cảnh đẹp và chụp ảnh.
Với cháu quản lý ks.
Gần tới Hà Nội, trời cũng tạnh mưa, nhưng con Daehan gặp 1 chướng ngại cực khó, phải vượt qua đoạn đường ngập nước, sâu 20cm chỗ cao nhất! Tuyệt vời tôi đã nín thở suốt đoạn đường hơn 100m, thuộc địa bàn Quận Hoài Đức, Hà Nội.
Sau đó lại thêm 1 may mắn là đường 32 dẫn ngay vào đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Con đường này tôi đã qua lại nhiều lần khi chúng tôi ngụ tại nhà khách Trường Quản lý, Hội Nông Dân Việt Nam, trên đường Dương Khuê.
Tôi dễ dàng tới Ga Hàng Cỏ, đường Lê Duẩn, Check in khách sạn Mùa Xuân quen thuộc hồi đi Xuyên Việt năm 2015, rồi qua ngay Ga Hàng Cỏ, gửi liền con Daehan lên tàu, mua luôn vé về Sài gòn vào ngày mai, 31-9-2018.(he he, tui viết sai, xin sửa lại là 31-8-2018)
Bà chủ mang 2 ly cà phê tới làm ngắt ngang suy nghĩ của tôi. Chừng biết chúng tôi từ miền Nam ra bằng chiếc xe cùi bắp nằm chình ình trước cửa quán, vừa từ Tam Đảo xuống, đang phân vân trước các điểm đến sắp tới, bèn nói để tôi tư vấn cho 2 ông bà. Rồi mang chiếc Ipad ra mở bản đồ.
Giờ ông bà nên đi Sơn Tây thăm Chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm, sau đó qua Hòa Bình, lên Mai Châu, rồi Mộc Châu, rồi Sapa, rồi.... bà xã ghi ghi chép chép, trong khi tôi đang nhìn thấy bầu trời vần vũ, báo hiệu 1 cơn mưa lớn chờ chực trên đường mà lòng ngán ngẫm! Còn thời tiết vừa thông báo trên TV, cho thấy phải 3 hay 4 ngày nữa mới dứt mưa, người dân nên đề phòng lũ quét, lũ ống... đó là dự đoán chung chung. Cụ thể thì... sao biết được? Sau đó, có nắng đẹp hay lạị là bão số 4, số 5... Tôi thật sự sợ phải đi mưa lắm rồi! May mà cả 2 chưa bị cảm cúm bất tử sau cả ngày dầm mình trong nước lạnh vừa qua, để an toàn dung dăng, dung dẻ trên thành phố mù sương Tam Đảo. Bây giờ nhìn trời nặng chịch đám mây đen, lai rai vài hạt rơi xuống phố, bao nhiêu nhiệt huyết trước đây quyết vượt đỉnh Ô Qui Hồ và chinh phục Fansipang bổng chốc tiêu tan theo ... sương mù Tam Đảo!
Cảm ơn bà chủ quán nhiệt tình, ra xe, tôi nói với bx mình về Sơn Tây, chỉ khoảng 30 cây nữa thôi, nghĩ cho khỏe rồi thăm Chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm...
Bà xã nói tiếp mà mùa này Tây Bắc không hoa cải trên đồng, chưa có lúa chín ruộng bậc thang ở Mù Cang Chảy, lại mưa gió bất thường, đi chơi mà cứ co ro trong phòng thì ... thôi, dìa anh ơi!
Đường về Sơn Tây chỉ 30km mà nước trời thì dội như thác đổ xuống thành phố Vĩnh Yên, tôi biết sẽ đối mặt với cơn mưa kinh hoàng giống hôm trước, ngậm tăm băng băng về hướng Sơn Tây, cũng là hướng đi Hà Nội, trong đầu lập lại cái điệp khúc ... đừng chết máy, đừng xẹp bánh nghen Daehan!... đừng chết máy, đừng đừng xẹp bánh....
Mưa thì ngày càng nặng hạt, đường thì cứ như càng dài ra, ngang qua Vĩnh Tường nhớ Bà Hồ Xuân Hương với bài thơ khóc chồng nổi tiếng, nhưng không dám dừng lại để ... thở chút không khí Thơ Nôm!
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!(1)
Cái nợ ba sinh đã trả rồi(2)
Chôn chặt văn chương ba tấc đất(3)
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời.(4)
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất?(5)
Miệng túi tàn khôn khép lại rồi.(6)
Hăm bảy tháng trời đà mấy chốc.(7)
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Và tôi cứ...chạy hoài mà không thấy tới...Sơn Tây. Thế là cái ý tưởng thăm làng cổ Đường Lâm cũng như Chùa Thầy dần rồi cũng ...trôi theo những giọt nước mưa bay tới tấp vào mặt, khi băng qua cầu Vĩnh Thịnh.
Không ngờ đây là lần thứ 2 trong chuyến đi này, chúng tôi lại vượt tiếp cây cầu dài nhất Việt nam, 5,4km, băng ngang sông Hồng, nối liền huyện Vĩnh Tường và thị xã Sơn Tây. Cầu dài và đẹp, do Hàn Quốc cho vay vốn, mờ mịt trong mưa, khiến tôi nhớ đến những con sông, con suối nhỏ miền ngược, mùa lũ nước lên, trẻ con đi học phải vượt qua bằng những phương tiện thô sơ, nguy hiểm mà thấy não lòng!
Đúng là chạy trời không khỏi "nắng", lần thứ 2 trong chuyến đi, chúng tôi dầm mình trong mưa gió mịt mù. Nhìn mặt cầu thăm thẳm trước mặt, nghe tiếng nổ đều đều của con Daehan, không một chút trục trặc; mặc cho tiếng rú gào của gió, của xe lớn, xe nhỏ vụt qua, tôi ướt đầm, buốt lạnh, mà chợt thấy thương cho con ngựa già trung thành, cứ bền bĩ cùng chúng tôi vượt qua khắp các cung đường, từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên thượng du, từ núi rừng trùng điệp, ra đến miền duyên hải cát trắng...không hề mệt mõi, chẳng thấy kêu than. Bất giác tôi cười thầm...nói nhỏ: "chỉ có ông than chớ tui đâu than"!
Và tui than thiệt, "Quá oãi rồi bà xã ơi...Chùa Thầy, Làng cổ bây giờ cũng mịt mù mưa gió, có thấy gì để coi...thôi mình thẳng về Hà Nội, gởi con Daehan lên xe lữa, mua vé giường nằm, mai dìa!
Thế là chúng tôi quyết định không ghé Sơn Tây và hỏi đường chạy thẳng về Hà Nội..."qua khỏi cầu, bác cua trái theo vòng xuyến là vào địa phận Sơn Tây" đó lời chỉ dẫn của cô gái bán bánh gai trong mưa. Từ đó về Hà Nội còn đến 44km nữa. Chúng tôi dừng lại tạm nghĩ mệt tại 1 quán bán bánh gai, bánh tẻ trên quốc lộ 32, chạy ngang thị xã, ăn vài cái bánh và uống 1 tách chè xanh cho ấm bụng rồi tiếp tục băng băng về Hà Nội.
Xuống tới Vĩnh Yên lúc 11h20, thấy con Korando màu đỏ mà mình thích đậu trước quán cà phê khá đẹp, 2 đứa tấp vào nghĩ mệt và sẳn đó lên nhanh kế hoạch cho lộ trình kế tiếp dựa theo tình hình thời tiết vừa cập nhật. Bà chủ quán ăn mặc sang trọng hỏi chúng tôi uống nâu hay đen? Chị cho tôi 2 nâu.... Trong khi chờ đợi, tôi ngồi nhớ lại những trãi nghiệm 2 ngày trên Tam Đảo nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Với thời gian ít ỏi, lại gặp thời tiết bất lợi do mưa và sương mù, chúng tôi quan sát Tam Đảo chẳng khác nào cách "người mù xem voi", nhận xét do đó cũng phiến diện... Cho nên, khi lái xe xuống núi, nhìn nhiều hình ảnh lúc gần lúc xa, lúc tỏ lúc mờ, thấy Tam Đảo cũng còn nhiều thú vị! Rồi đây, khi con đường lên thành phố sương mù(Tam Đảo xứng đáng với tên này hơn Đà Lạt), hoàn thành phần mở rộng, Tam Đảo sẽ gần hơn với du khách các nơi. Và nếu có kế hoạch phát triển, xây dựng hợp lý, phù hợp với bảo tồn môi trường thiên nhiên, tôi nghĩ Tam Đảo sẽ có cái đẹp riêng làm mê mẫn lòng người! Như những sắc màu phố núi nhấn nhá trên sườn núi mờ sương, bây giờ. Như cung đường quanh co, uốn lượn, phớt, ngập sương mù, khiến cánh rừng thông mờ tỏ liêu trai trước mặt.
Tam đảo mù sương.
Có lúc trong veo, không 1 chút sương, rồi chợt từ đâu lại bay mịt mù tới!
4-9-2018.
2 kẻ bụi đời về Long xuyên, cảm thấy ấm cúng với người thân, bỏ lại sau lưng những ngày mưa lạnh giá và kịp thời mừng sinh nhật con gái. Hạnh phúc nhìn các cháu dễ thương!
(H Ế T)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1049561 visitors (3138433 hits) |