5/4/2015
BLAO, CHUYỆN CỦA MÌNH
Bài 3: về một cái tên
Theo như lời ba tôi kể lại là ông theo mẹ vào lập nghiệp đất Blao khi mới 16 tuổi, lúc ây ông đi làm thường là những công việc như đào hố, ương cây, làm vườn ương chuẩn bị cho việc trồng trà ở các đồn điền quanh vùng, trong đó có sở trà vua Bảo Đại.
Cái làng Công Hinh được kéo dài gần một cây số theo Quốc lộ 20 bắt đầu từ đình làng đến suối ông Lý Xướng, dân cư không là bao, đa số là người miền Trung người ta quen gọi là dân Nam , Ngãi, Bình, Phú ( Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên ) Nhưng có một cụm dân cư là người Huế, họ ở gần như một khu riêng biệt đó là sở trà Bảo Đại và vùng tiếp nối lân cận với sở trà.
Ngày ấy dân tình rất trọng vọng đến những công nhân của sở trà này vì nơi ấy có nhà xưởng có văn phòng có cả những khu nhà xây lớp ngói cho nhân viên. Bởi đó là sở trà của vua, mà những người làm việc ở nơi đó vốn là người của chốn thần kinh, nơi ở của vua chúa..
· Sở Bào Đại
Từ quốc lộ 20 đối diện với cổng Sở Mới theo một con đường đất chạy xuyên qua khu dân cư khoảng 300 m thì vào cơ ngơi của Sở, gặp văn phòng, qua các nhà công nhân qua các lô trà xuống một dốc rất cao đến một vùng trồng cây keo đen tức là cây muồng Xiêm , tiếp tục thẳng xuống tận dòng suối Đại Bình gần khu vực của dân thiểu số ở đó là buôn Blaosre.
Đám cây muồng xiêm, muồng đen mà thời ấy người ta quen gọi là cây keo này hình như trồng cùng lượt với trung tâm thực nghiệm canh nông (Ferme – lô trồng cây này 2014 còn một số ven đường vì khu vực này đã xây dựng khu cư xá của thủy điện Hàm Thuận Đa Mi )và Sở mới tức Trung tâm nghiên cứu canh nông gần văn phòng quận Blao ( năm 1955 là trường Quốc Gia Nông Lâm Mục là nơi trồng làm cây che bóng cho lô cà phê mít trồng thử nghiệm, sau năm 1975 mới phá bỏ) những cây keo giống này cũng được trồng dọc đường 20 ở lề đường mạn bắc kéo dài cho đến trước nhà thờ Blao, đến năm 2000 vẫn còn một số cây ở cạnh nhà hàng Nam Huê và Hạt kiểm lâm Bảo Lộc..
Thời ấy, Văn phòng của sở trà Bảo Đại là một căn nhà cao cẳng có thể xây dựng cùng thời với những nhà cao cẳng của Sở Mới vì vừa hình dáng chất liệu và cả nước sơn đều giống nhau. Trước văn phòng có trồng một cây Vải, hiện nay cây này vẫn còn, cái văn phòng này đến khi tỉnh Lâm Đồng thành lập thì được dùng làm văn phòng tiểu khu quân sự cho đến năm 1965.
Khu nhà ở công nhân và nhà máy trà được xây bằng gạch lợp ngói một số nhà đó sau năm 1975 vẫn còn sử dụng. Cái phần đất của sở cách biệt với làng Công Hinh bằng một hàng cây dẻ từ suối ông Cai Hiền đến con suối sau đình làng, gần đó dưới thung lũng có một gốc cây Quéo mà dân thời ấy ai cũng biết. Khoảng 1964 thì hợp tác xã trà Blao xây nhà máy sản xuất trà, nhà máy vẫn còn bên cạnh trường tiểu học Lam Sơn trên đường 1 tháng 5 hiện nay.
Dù rằng sở trà này có tên gọi là Nam Phương , do được nhà vua tặng cho người yêu quí của mình là Hoàng hậu Nam Phương, nhưng dân tình quen gọi là sở Bảo Đại.
· Tên quận mới :
Như ta được biết khoảng năm 1959 Chính quyền thời ấy lập tỉnh Lâm Đồng thay cho Đồng Nai Thượng và quận Bảo Lộc thay cho quận Blao. Để đặt tên mới, nghĩ rằng người ta đã dựa vào tên cũ là Blao, trong đó bốn mẫu tự gồm hai phụ âm quan trọng là B và L và 2 nguyên âm là A và O. Có lẽ từ 2 phụ âm này người ta đã tìm kiếm những chữ thích hợp,
Và khi chọn chữ để đặt tên cho quận mới này, từ cách âm phát nhanh của người Thượng bấy giờ nghe được là “bờ-lão “, người ta đã nghĩ đến chữ Bảo ? cũng có thể nghĩ đến chữ đầu của vua Bảo Đại từ sở trà Bảo Đại cái địa danh thân thiết với dân tình bây giờ?
Cũng như nghĩ đến vùng đất từng là Hoàng Triều cương thổ ,đất của vua chúa, vùng đất quí , nên chọn chữ Bảo ?
Vốn vùng đất có khí hậu tốt, cảnh trí tuyệt vời và nhất là cuộc sống nhờ những ngọn xanh tinh túy quí báu của cây trà ( đọt trà ) được gọi là lộc mà đặt tên thay thế cho quận Blao là quận BẢO LỘC có nghĩa là cái lộc quí báu.
Ngoài chữ Bảo được dùng ở trên, ta lại thấy trên vùng đất này có nhiều địa danh được dùng chữ ĐẠI để chúng ta lại liên tưởng đến vua Bảo Đại ? Cũng có thể lắm chứ nó nằm sẳn trong tiềm thức của những người tham gia đặt tên ngày ấy. Nói rỏ ra những địa danh ấy được gọi nhờ một yếu tố khác mà có dịp đi trên đường 20 dến Bảo lộc hay Đà lạt ta vẫn thường nghe nhắc đến tên như hiện nay, ví dụ như Đại Quay, Đại Ninh, ở Đại Lào, Đại Nga….
Tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy ở vùng đó có một câu trúc xây dựng, đó là cái cầu: Cầu Đại Quay, cầu Đại Ninh, cầu Đại Lào, cầu Đại Nga….là khu dân cư sống gần những cầu nói trên, sự thật chiếc cầu này được đặt tên nhờ dòng sông, suối…. Chữ Đại này là phiên âm, cách điệu của chữ Đạ ( Dà tiếng Koho đọc là Đạ hay Đà, Đa.. là suối là nước nó là chữ Dà Huoai, Dà Ninh, Dà Lào…)Như vậy khu dân cư sống gần, sống quanh một con suối, sông thì lấy tên sông suối đó lập địa danh, là thói quen tự nhiên như dân xóm đình, xóm chùa.
Như tại Bảo lộc trước có tên hẽm Tiên Dung nay là đường 28-3 nối dài vì hồi trước có tiệm ảnh Tiên Dung ở đầu đường, có hẽm Thiên nhiên hồi đó là đường vào sở trà Chauvel nay là đường Trần Quốc Toản vì đầu đường là tiệm ảnh Thiên Nhiên của ông Nguyễn Nghiễm . Và giờ đây ta vẫn còn dùng tên dốc Lê Minh Sanh vì con đường qua khỏi cầu Đại Ròn chạy lên dốc dọc sở trà Lê Minh Sanh ngày xưa.
Tương tự , ta thấy nhiều nơi có dùng chữ “Dà “ này để đặt tên dịa danh đó là Đà, Đa : Đà Lạt, Đà Rằng, Đa Nhim…nghĩa là dùng âm tiếng của người dân bản địa chứ không dùng chữ Đại như ở Blao. Khi nói đến chữ này thì có người thắc mắc hỏi “ có phải con suối chảy xuông vực thành thác nước được gọi là ĐAM như Đam ri, Đam rông? “ việc này làm tôi phải tìm đến anh K’ liuh Sinh viên Nông Lâm Mục Blao, bạn già của tôi về vấn đề này. Thì được giải thích là không phải dành gọi cho thác nước, mà đó là tên dòng suối mà thôi, đó là suối Mbri , tiếng dân tộc gọi là Dà Mbri , phiên qua tiếng Việt là chữ Đam-Bri, ở đây chữ Dà không dùng là Đại nữa mà đọc nối với chữ M thành chữ Đam ??
Có Phải chữ BẢO và chữ ĐẠI mà vùng đất Blao đã dùng thay từ chữ Blao là Bảo và thay cho chữ Dà ( đạ) là Đại. xuất phát từ tên của ông vua cuối cùng của Việt Nam, vua Bảo Đại ? Có phải như vậy không ? Ai mà biết được . Muốn rỏ, phải tìm được cái quyết định thành lập tỉnh Lâm đồng rồi truy ra cái biên bản phiên họp đặt tên tỉnh, quận , rồi tiếp tục phăng ra những ai dự phiên họp , và then chốt ra ai đề nghị cái tên đó?
*Cũng như bản thân tôi có cái tên kỳ cục, nhưng may mắn trùng với một chữ của một thành phố đẹp thuộc đồng bằng sông Cửu Long : Mỹ Tho.
Thưa cùng với quí vị quá nửa thế kỷ và đã sống nhiều địa phương , cái tên của tôi rất hiếm hoi mới có một người chọn đặt , chứ không như các anh Võ thanh Nghi, anh Quân, Phương, Phúc, Tuấn …. Đâu đâu cũng có vì tên quá đẹp. Nhiều lúc mình cũng tự ái , ngoài việc kêu qua lại thì không sao, chứ việc sao chép qua lại thì thế nào tên tôi cũng “ được viết sai ” người viết thường thêm dấu nặng hoặc là thêm dấu móc, có nghĩa là người viết nghĩ là tên mình phải đẹp như là Thọ, như là Thơ .Làm như thế là vô tình coi cái tên của tôi “ Hơi Bị Xấu, Hơi Bị Kỳ Cục” rồi phải không ?
Vì như tựa bài đã ghi Blao, chuyện của mình , Nên xin phép kể về lai lịch cái tên của mình một chút “… Ngày đó . tôi oe oe chào đời vào buổi trưa , đến chiều về đến nhà thấy vợ mình sinh con trai, ba tôi mừng quá mới chạy lên báo anh cả là bác hai tôi và xin ý kiến đặt tên cho cháu ( tức là tên tôi ) Nghe kể lại rằng, bác tôi khi nghe ba tôi thưa trình xong phán ngay “ Mày là Thơm thì đặt tên con mày là Lừng chứ còn gì nữa ! “
Rất may ngày ấy ba tôi cũng qua được cái bằng Sơ Học Yếu Lược (Élementaire) nên ông đã dùng một tiếng láy theo văn học hiện đại mà đặt tên cho tôi, chứ không phải tên Lừng như bác hai tôi đã phán. ( Lừng là từ láy theo tiếng thơm của một số dân miền trung: thơm lừng, trong nam có vài nơi dùng chữ lung : thơm lung có ngĩa là thơm lắm, thơm nhiều, thơm lựng, thơm hung… ) Nếu tôi mang cái tên Bùi Lừng chắc là vang danh lắm lắm ?? Còn cái tên tôi đang mang, gặp người ghi danh thì muốn thay tên vì nó kỳ cục. Còn gặp bạn bè thân quen thì cứ cười cười, nó quá kỳ cục chăng ? như năm 2012 tại đất Cần Thơ khi gặp tôi thì Phan Minh Đẫu gọi ngay A lô 100. Tôi mong một ngày nào đó về đất Cần Thơ, chúng ta cùng A lô 100 nhé.
BÙI THO.
Cây vãi sở Bão Đại
Cầu Đại Lào
Cầu Đại Nga
Sông Đại Bình
Suối Đại Nga
Núi Đại Bình
Gửi chú thích thêm cho anh Nghi rỏ:
*A lô 100 là quán nhậu món đặc sản Bê Thui.
Tên bố tôi là Thơm tên tôi là Tho từ chữ thơm tho.
Còn Bùi tho đọc lái là Bò thui hổng nói ai cũng biết