Truyện ngắn
Hồi nhỏ, Út Sương rất mê đi hát. Chẳng biết nó hát có hay không, nhưng hay hát thì chắc chắn là có. Làm việc gì thì cứ làm việc, nhưng cái miệng thì không ngừng ư ử vài câu trong những bài hát quen thuộc là chuyện thường. Đã vậy, trong khi ăn lúng ba lúng búng chứ nó cũng ráng hát nhạc không lời (tức là ư hư theo điệu nhạc), còn trước khi đi ngủ dĩ nhiên phải ca cẩm vài bài tự ru thì ngủ mới ngon. Má nó nói con nhỏ này chắc kiếp trước là con khướu hay sao mà bây giờ cái miệng nó không lúc nào thôi hét, à không, hót, lại không, hát suốt ngày không biết mệt, hổng cần biết mình có năng khiếu hát hò gì không. Nhưng một điều thấy trước mắt là nó đang làm phiền mấy người sống xung quanh nó ghê gớm lắm, bởi đâu phải ai cũng khoái nghe đàn ca hát xướng, nhứt là bài hát lại được xướng lên từ một con nhỏ “ca lẻ”chưa lên mà coi mòi muốn bị đuổi xuống, có tuổi( dù tuổi chưa lớn) nhưng chưa có tên như nó, nên bị nghe ( không phải được nghe), thiệt hổng ham xíu nào! Có lần, (nhiều lần đúng hơn), người lớn khó chịu phải mắng té vô mặt nó vì chịu không nổi cái giọng “không chuyên” cố tình lọt vô lỗ tai, bèn nổi dóa: im cho tao nhờ, hoặc Út ơi, trưa trờ trưa trật (hoặc khuya lắc khuya lơ) rồi, mày bớt ong óng cái miệng cho tao đỡ ong ong cái đầu được không…..
Nói nào ngay, ban đầu Út Sương mê cải lương trước. Theo nó tự đánh giá thì giọng nó giống y chang giọng Lệ Thủy pha với giọng Mỹ Châu lận kia. Nó tự tin thấy ớn, tự định giá cao ngất ngưởng mà trăm phần hổng đúng được một phần, vì ai mà hổng biết giọng hai nghệ sĩ này là hai giọng khác nhau xa lắc. Lệ Thủy giọng kim cao, còn Mỹ Châu giọng thổ trầm. Giống là giống cái con khỉ khô, ở đó mà vừa giống người này lại vừa có thể giống người kia. Nhưng bởi nó mê cả hai quá xá nên nó muốn phải giống cả hai nó mới chịu. Nhớ khi đó nó có niềm vui là chép đầy cả một cuốn vở trăm trang những bài vọng cổ của thần tượng rồi học thuộc lòng, còn thuộc hơn những bài học ở trường nữa kìa. Rồi nó còn đứng trước gương tập “ra bộ” sao cho giống hịch với thần tượng của mình nữa cơ. Có bận nó còn mơ mộng được đứng trên sân khấu, được đi diễn, đi hát cùng thần tượng cho thỏa lòng mong ước bấy lâu. Nó ngây thơ đâu hiểu rằng trước khi họ được như thế, họ phải cật lực phấn đấu đi dần lên từ đào ba, đào nhì. Nhiều đào kép hát phải trải qua từng bước thăng trầm làm đào lẳng, kép độc, bị khán giả ghét cay ghét đắng do dám”ăn hiếp “ đào chánh, kép chánh( chuyên đóng vai dễ thương không hà) tội nghiệp của mình! Nhiều người phải đi từ vai quân sĩ, nô tì , trọn vở tuồng không được nói một câu thoại nào, ra sân khấu bị đâm cái ọt lăn quay là hết vai. Lại có nhiều người, nhứt là cánh đàn ông, thì cực nhọc hơn. Vì quá mê hát, nhiều khi họ đi theo đoàn chỉ để làm mấy việc chẳng ăn nhập gì tới hát diễn: bán vé, soát vé, gác cửa, quét dọn, kéo phông màn, hậu đài, bưng bê chuyển cảnh…Nó làm như cứ đi hát là được phong “đệ nhứt đào thương” liền tù tì vậy, mơ đi con!
Nhớ lại ngày đó, nó mơ mộng mình có nghệ danh theo thần tượng: Lệ Sương (theo Lệ Thủy), Mỹ Sương (theo Mỹ Châu),hay là Út Bạch Sương (nó út, tên Sương, bắt chước Út Bạch Lan, nghe cũng kêu lắm). Khi nào nó tưởng tượng nó là Lệ Sương, thì nó chỉ nghĩ đến…Lệ Thủy, còn khi nó chắc như bắp mình là Mỹ Sương, thì chắc mẩm nó …nằm mơ toàn thấy Mỹ Châu. Và Út Bạch Sương cũng không ngoại lệ, nghĩa là …như trên( nói theo kiểu …lười viết câu dài, cứ việc “như trên” là tự khắc người ta hiểu). Tức là nó chỉ muốn giống hết người này đến người kia, chứ nó không thích nó giống …. nó!
Lớn thêm vài tuổi, nó chuyển hướng sang thích tân nhạc. Ban đầu thì nó thích dân ca, vì nó thấy dân ca có hơi hướm cải lương. Nó là người có tình có nghĩa, không muốn bỏ cải lương cái rụp vì như thế là tàn nhẫn, giống như kiểu “có mới nới cũ” hay “tham đó bỏ đăng , có lê quên lựu, có trăng quên đèn”, đại loại vậy. Phải có thời gian chuyển tiếp để quên cải lương từ từ chứ, dẫu sao đó cũng là đam mê một thời của mình mà. Hát dân ca có cái hay là nó trữ tình, đằm thắm, lại ít người theo đuổi, nếu mình mà theo dòng nhạc này, chắc chắn mình sẽ …mau nổi tiếng lắm nhen. Thế là nó lại quay sang thần tượng ca sĩ hát dân ca, như Hồng Vân, Cẩm Ly. Chà chà, Hồng Sương , Cẩm Sương nghe cũng đặng quá chớ, nói chung là tên Sương ghép vô đệm nào nghe cũng đẹp tuyệt. Nó tên Lê Thị Sương , nên bắt buộc nó phải kiếm cái chữ lót nào hay hay, ngộ nhỡ nó chơn chất lấy chữ Thị làm đệm, có khi người ta lại lẫn lộn nó với…Thị Mẹt, Thị Mầu thì khổ. Nó thầm trách cha mẹ mình, tiếc gì thêm một chữ đệm, để tên nó khi đọc lên nghe sẽ dịu dàng hơn, còn giờ tên nó ngắn ngủn ba từ, vừa đọc xong cái họ Lê, liền sang cái ( hột)Thị đã đến cái tên Sương, nghe quê quê gì đâu. Thời nay người ta hổng thèm Thị nữa, đặt nhiều cái tên nghe rất kêu, đọc lên là biết ngay tên con gái, chứ đâu cần phải có Thị mới “đích thị”, cũng như tên con trai nè, bây giờ có mấy khi còn đặt chữ “văn”,chỉ cần kiếm mấy cái tên rất nam tính như Hùng, Dũng, Tuấn, Tú, Thành, Đạt… là biết ngay phái nam, khỏi cần “văn vẻ” cho mất thì giờ.
Phong trào “Solo cùng bolero” bỗng dưng nổi lên như cồn khiến nó cũng chao đảo. Ừ hén, bolero cũng có âm hưởng dân ca, hay ta chuyển quách sang hát bolero cho “thời thượng”. Thời nào thì theo thời đó thôi mà. Nó lờ mờ nhận thấy, hình như mình không vững lập trường thì phải. Cứ thấy cái nào đang hút đang hót( hot là nóng đó, hút là hút hàng , hút khách đó) là chạy theo thôi, chẳng cần biết ất giáp có hợp với khả năng hay sở thích của mình hông nữa. Nó đang bị hội chứng “cuốn theo chiều gió” nên chóng mặt, hoa mắt, ù tai là phải rồi. Không khéo có ngày trên truyền hình có cuộc thi toàn là hát nhạc rock’n roll, hoặc toàn hát nhạc Jazz, nhạc thính phòng Opera, hay cuộc thi hát tình khúc ballad, cuộc thi “nhạc Trịnh trong tôi”, cuộc thi hát nhạc tiếng nước ngoài…nó cũng chạy theo trào lưu tất tần tật, thì có mà thành ca sĩ “lẩu thập cẩm”.
Mơ theo mấy cuộc thi nở rộ như nấm sau mưa của mấy đài truyền hình, từ đài trung ương đến đài địa phương thêm được mấy năm nữa thì nó đủ lớn để mà vỡ mộng. Sâu bít (showbiz), tức là giới trình diễn văn nghệ, sao lúc nào cũng ồn ào quá, toàn những chuyện tầm phào. Họ chẳng lo trau dồi nghệ thuật để ngày thêm hay hơn, giỏi hơn, mà toàn chạy theo kiểu nổi tiếng bằng bất cứ giá nào, càng nhanh càng tốt. Kiểu chàng này cặp nàng kia, bỏ nàng nọ, chuyện người đẹp cặp đại gia, chuyện ly dị ly hôn, thay chồng đổi vợ, chuyện cầu hôn màu mè, kệch cỡm. Mà lạ, người nổi tiếng lại thích khoe nhà lầu xe hơi, khoe con khoe của, khoe thân khoe ngực đến thế nhỉ, thậm chí chỉ vì muốn mình không bị fan hâm mộ lãng quên, người ta đã ráng hâm nóng tên tuổi bằng những trò lố bịch kiểu… đám cưới nghệ thuật (cái này mới có à nghen, dám cả gan đem chuyện trăm năm ra mà làm trò đùa)….Đặt nặng vấn đề vật chất nên đã làm người ta đánh mất đi những giá trị đạo đức thiêng liêng. Lại càng thêm trách những tờ báo lá cải( loại lá này nhiều vô kể) vì muốn thiên hạ chú ý đọc nhiều, vì muốn câu like, câu view, câu comment gì gì đó, để mục đích là câu về…quảng cáo,nên đã cố tình viết xoáy vào những chuyện đời tư( càng xấu càng hấp dẫn)của giới văn nghệ sĩ nhiều như thế .
Út Sương bỗng dưng mất hứng với cái mộng ca sĩ của mình quá. Nổi tiếng chẳng thấy đâu, chỉ thấy toàn tai tiếng không thôi. Thói đời người ta chỉ thích người khác nhớ tới mình càng nhiều, càng lâu càng tốt, nên xì căng đan (scandal) đã dễ dãi“đi vào lòng người” hơn là sự nghiêm chỉnh. Ngó trong giới showbiz, có được bao nhiêu nghệ sĩ chân chính nghiêm túc với nghề? Chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Út Sương bỗng nhận ra rằng nghề xướng ca không hề hợp với mình, ngàn phần ngàn không hợp một xíu nào. Mà bây giờ thì Út càng nhận ra mình còn không thích hợp nhiều thứ khác nữa. Tính tình thì nhát như cáy, đứng trước đám đông bỗng run như cầy sấy, miệng lặp bà lặp bặp nói không ra hơi, nói chi là hát với hò. Tính Út lại giản dị , hiền lành thấy thương, không biết son phấn chưng diện, không biết quần này áo nọ mô đen, không biết dùng trò tiểu xảo gây chú ý . Thêm cái này nữa, tiểu tiết thôi. Như khi ngồi trước màn hình xem ca sĩ trình diễn, nhìn thấy họ mỗi lần xuất hiện là mỗi lần với một bộ cánh khác nhau, không lần nào giống với lần nào, Út thường hay tự hỏi: rồi mấy cái áo họ chỉ mặc một lần đó, sau đó chắc bị bỏ xó. Nếu vậy thiệt, thì uổng phí lắm. Tại vì nó có cái tật rất dở là: mặc hoài vài bộ tới khi rách nát, bỏ đi thấy tiếc lên tiếc xuống mới chịu may bộ khác, nên nếu vì “vị nghệ thuật “ mà phải thay áo như …thay đồ như thế, Út chịu tiền sao thấu?( quên nói là Út trùm sò lắm đó).
Bây giờ thì Út đã đủ lớn để rút ra được một chân lý: mình phải là mình thì mới có giá trị, chứ mình mà chạy theo bắt chước người khác, dù chẳng hề hợp với mình, chẳng đúng sở thích, tính tình, hoàn cảnh của mình, thì mình không còn là mình nữa mà chỉ là bản cóp pi, bản nháp, bản sao, dù có “sao y bản chính” cũng sẽ mờ hơn và xấu thêm thôi.
Vỡ mộng mà sao Út lại thấy vui. Nó vừa thoát được …cái bóng của người khác, đồng thời cũng không còn cái bóng của mình lẽo đẽo phía sau lưng, bởi Út đã là Út đúng con người thật của nó, giản dị, không mang tiếng, không màu mè hoa hòe hoa sói. Cuộc sống của nó nào giờ vốn dĩ yên bình, bây giờ vẫn yên bình, vì cho đến giờ may vẫn chưa có gì xảy ra(chỉ mới xảy ra trong mộng thôi, cái mộng ca sĩ) .
Giờ thì Út vẫn hát, vì lúc xưa hay bây giờ nó vẫn hay hát mà. Hát mọi thể loại, từ vọng cổ, sang dân ca, tình ca, đến nhạc giựt, nhạc êm dịu trữ tình…tuốt tuồn tuột. Nhớ câu nào hát câu đó, nhớ tới đâu hát tới đó, hát theo cảm xúc của mình không cần phân biệt nhạc sang hay nhạc sến, cũng không thèm để ý đến kỹ thuật tiết tấu, nhịp phách đúng sai. Hát một cách tự do, và tha hồ tự do biến tấu, vì nó chỉ cần hát cho nó nghe. Nó đã biết tự thần tượng mình, hổng thèm mê thần tượng nào nữa, đến nỗi mỗi lần gặp thần tượng phải sụp xuống …quỳ lạy, khóc lóc, hú hét, ôm hôn… cả cái ghế họ ngồi( như mấy em teen thần tượng ca sĩ Hàn Quốc vậy), trông thật mắc cười hết sức.
Nó đang ê a hát nè.
01/08/2016
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN