|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Mẹ tôi ( Trịnh Đình Nam) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
16/6/2018
Mẹ tôi
** Kính dâng hương hồn mẹ tôi
Tôi vốn là người mê đọc sách. Ngay từ khi còn học tiểu học tôi đã mon men đọc Tam Quốc Chí đăng hàng ngày trên báo rồi. Theo thời gian, máu mê này chỉ tăng chứ không giảm đi. Trong thói quen ăn uống, tôi có thể được coi là khảnh ăn, nhưng với thú đọc sách, tôi lại là kẻ ăn tạp. Hễ có chữ vào tay là tôi đọc liền, dù đó là tờ quảng cáo. Tôi đọc tuốt tuồn tuột, từ tiểu thuyết sang sách học làm người. Từ Phong thần diễn nghĩa nhảy song phi sang Cô gái đồ long. Tóm lại, tôi đọc khá nhiều. Có truyện nhớ, có truyện hơi quên và cũng có truyện quên luôn. Trong những năm tháng lưu lạc tại xứ người, với tâm trạng như nhà thơ Hoa Văn viết trong bài : Đêm buồn uống rượu một mình. Bài thơ có những câu như sau:
Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm,
Có những người quen muốn lạ dần.
Có những tâm hồn như lá cỏ,
Chuyện còn chuyện mất cũng phân vân.
Đọc xong, tự dưng tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Một đứa bé nhớ mẹ, mếu máo khóc, trông thật dễ thương mà không tức cười. Một anh già đầu bạc, vụng trôm lau nước mắt trong đêm khi nhớ mẹ, trông thật thảm não và buồn cười không chịu được. Tâm trạng này đã làm tôi nhớ đến cuốn “Tuyển tập các truyện ngắn Pháp”. Cuốn sách này tôi đọc lúc học lớp Đệ Tứ, tức lớp 9 bây giờ. Trong số những truyện đăng trong đó, có một truyện nội dung như sau(lâu quá tôi chỉ nhớ mài mại,có sai sót xin quý vị bỏ qua cho): Tại một ngôi làng nhỏ, nghèo, vùng Trung du nước Pháp. Dân số trong làng khoảng chừng vài trăm người. Làng có một ngôi trường Tiểu học. Một thầy giáo, một lớp học với khoảng chừng 30 đứa học trò, hai ba cấp lớp dồn vào nhau. Một hôm, thầy giáo cho một bài luận văn chung cho cả lớp. Đầu đề như sau: Hãy kể về một danh nhân mà các em yêu thích. Cả lớp xôn xao bàn tán về những danh nhân mà mình thích. Người được chọn nhiều nhất là Napoléon(1). Con gái chọn nữ thánh Jeanne D’Arc(2). Có vài đứa chọn các nhà văn,nhà thơ .v.v..Đợi lớp hết xôn xao, thầy bảo: Các em bắt đầu làm bài đi. Lúc đó, chợt có một bàn tay ở cuối lớp rụt rè dơ lên. Thầy nhận ra đó là thằng Jacques, con của anh thợ mộc góa vợ. Hai bố con sống với nhau trong một căn nhà nhỏ, gần chân núi, cuối làng. Thầy bảo: Con có gì muốn nói hả Jacques? Thằng bé mặt đỏ lựng, rụt rè cất tiếng: Thưa thầy, con có thể viết danh nhân mà con thích là bố con, có được không? Ông thầy lặng người một thoáng rồi nói: Được, được chứ. Con cứ viết đi. Học sinh nộp bài rồi ra về. Và việc đầu tiên khi vào nhà, là ông thầy rút ngay bài của thằng Jacques ra đọc.
Thằng bé Jacques thật thông minh và may mắn. Bởi vì, nó đã nhận ra rằng cha nó là một danh nhân ngay khi nó còn bé . Còn tôi, ngược lại, thật ngu ngốc và bất hạnh. Vì tôi nhận ra điều này quá muộn màng. Khi mẹ tôi đã mất thật lâu và lúc tuổi gần xế chiều tôi mới hiểu ra rằng, mẹ tôi cao cả và đáng kính phục dường nào.
Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình có khá đông anh chị em. Ông ngoại tôi có 3 vợ. Bà Cả có một người con trai là bác tôi,kế đó là mẹ tôi,sau đó là 3 người con gái tức là các dì tôi. Bà Hai không con.Bà Ba có hai người con gái. Ông ngoại tôi làm Cai Tổng, gia cảnh chắc cũng khá giả. Tôi đoán như vậy qua lời kể của mẹ tôi : Ông ngoại muốn học môn Lục Nhâm Đại Độn, nên rước một ông thầy Tầu về ở trong nhà. Ông này chỉ làm độc một chuyện là dậy học. Ông ngoại phải chu tất cơm nước, quần áo v.v…thậm chí còn phải đưa tiền cho thầy đánh tổ tôm hay tài bàn nữa. Có như vậy thầy mới vui, truyền hết nghề cho trò được. Sau hai năm, thầy từ giã, ông còn phải biếu tạ thầy tiền đi đường và quà cáp các thứ.
Mẹ tôi tuy là con thứ hai sau ông bác tôi, nhưng vì là con gái lớn nhất, nên đã phải đỡ đần mẹ chăm sóc việc nhà và các em. Khi lấy chồng, về làm dâu, bố tôi lại là con trai trưởng. Nhánh của bố tôi lại là chi trưởng của dòng tộc nên mẹ tôi phải vất vả lo toan các việc cúng giỗ, tết nhất v.v…Mẹ tôi nhớ từng ngày giỗ của hai bên nội ,ngoại và làm việc này chu đáo. Như những người phụ nữ thời xưa, con gái không được đi học hoặc có đi học chăng nữa thì cũng chỉ học cho đến trình độ biết đọc, biết viết mà thôi. Các cụ cho rằng,con gái đi học chỉ để viết thơ cho giai thôi chứ đâu ích lợi gì. Mẹ tôi cũng được cho học, nhưng là học trôm của bác tôi, nhờ vậy mà bà biết đọc viết. Khi Việt Minh có phong trào xóa nạn mù chữ, ở đầu cổng làng nào cũng có dân quân và tấm bảng viết các chữ cái. Ai đọc được thì được đi qua làng. Không đọc được thì mời đi đường vòng để qua làng. Mẹ tôi kể: Mẹ và bố đi về nhà nội. Khi đến đầu cổng một ngôi làng nọ, thấy mấy người dân quân đứng gác và bên vệ đường có dựng một cái bảng có viết chữ quốc ngữ. Bố tôi hỏi : Em đọc được không? Nếu không mình đi vòng qua ? Mẹ tôi nói : Được chứ anh. Nói đến đây bà cười nhẹ và tôi nhìn thấy trong mắt mẹ tôi ánh lên vẻ tự hào.Bà nói tiếp : Mẹ đọc vèo vèo, không vấp váp, thế là họ cho bố mẹ đi qua làng. Tôi còn nhớ, lúc rảnh rỗi mẹ tôi thường lôi cuốn Kim Vân Kiều cất ở trong tủ ra ngâm nga. Mẹ tôi bảo: Con kiếm xem ở đâu có bán truyện Phạm Công Cúc Hoa, mua cho mẹ. Mẹ đọc truyện này lâu lắm rồi. Bây giờ muốn đọc lại. Truyện này hay lắm. Nói xong bà ngâm nga cho tôi nghe vài đoạn trong truyện. Tôi mua truyện này mang về cho mẹ tôi, nhưng bà lắc đầu. Bà muốn truyện này viết dưới dạng văn vần chứ không phải văn xuôi. Và cho đến ngày mẹ tôi mất, tôi vẫn chưa tìm được cho bà cuốn sách mà bà muốn!!!Tôi đoán mẹ tôi thích truyện này, bởi vì truyện xây dựng trên triết lý muôn đời của con người. Đó là, cái ác phải bị trừng phạt, người làm ác phải gặp ác. Người làm lành ắt sẽ được trời ban điều tốt lành. Và bà đã bày tỏ lòng tin son sắt vào triết lý này, khi nghe ra đi ô phát thanh vở tuồng cải lương Phạm Công Cúc Hoa. Tới khúc vợ kế của Phạm Công là Tào thị và người tình bị đuổi ra khỏi nhà, vì sự vụng trộm của họ bị phát hiện và sự đối đãi tệ bạc của ả với con riêng của chồng. Trong ra đi ô phát ra tiếng sấm sét và tiếng rú thất thanh của một người phụ nữ. Mẹ tôi bảo ngay: Đáng đời cho Tào thị. Ác giả ác báo.Trời đánh mụ là đúng tội. Tôi nhìn mẹ tôi lúc đó. Mặt bà nghiêm lại,trong mắt lóe lên vẻ hài lòng, môi hơi lộ ra một nụ cười vừa ý. Mẹ tôi đọc kinh, niệm Phật hằng ngày, kiêng sát sinh, tránh mọi việc cãi nhau, xô xát, hay to tiếng. Ấy thế mà, lòng yêu cái thiện, ghét cái ác đã khiến mẹ tôi quên cả lòng từ bi và cái tâm hỉ xả của Phật tử. Mẹ tôi là vậy, yêu cái thiện, không quên ơn người , đối xử tử tế với mọi người, ghét điều ác, ghét kẻ bạc bẽo, vô ơn. Ngọn hải đăng đó chiếu rọi con đường đời của bà và mẹ tôi đã đi theo ánh sáng đó suốt đời.
Một hôm, tôi giở cuốn album ảnh của gia đình. Thấy ảnh của bố tôi, mặc quân phục, nắm tay một cô đi trong công viên. Một tấm ảnh khác, cũng là bố tôi, nhưng chụp với một cô khác nữa. Tôi mới hỏi mẹ tôi: Ai đây mẹ? Bà cười cười rồi nói: Nhân tình của bố mày đấy. Bà chỉ vào cả hai cái ảnh, nói vanh vách, tên tuổi, chỗ ở của mấy cô trong đó. Tôi ngạc nhiên, vì trong giọng nói cũng như trên nét mặt của bà, tuyệt nhiên không có một sự giận dữ hay hằn học gì cả. Tôi có cảm tưởng, bà đang nói về chuyện của một người nào đó, chứ không phải là chồng mình. Tôi còn nhớ, lúc tôi lên 6 hay 7 tuổi gì đó, thỉnh thoảng có một vài bà đến nhà tôi chơi. Họ đến rải rác chứ không đi cùng với nhau. Họ cười nói vui vẻ, gọi mẹ tôi là chị, xưng em ngọt sớt và tỏ vẻ cưng chiều tôi, mua quà bánh và thỉnh thoảng cho tiền tôi nữa. Họ tới chơi, ăn cơm, nhiều khi gầy sòng đánh chắn(3),có mẹ tôi tham dự. Nếu thiếu tay thì bố tôi cũng vào chơi với mọi người. Khi tôi lớn hơn, hơi tò mò về mối quan hệ của các bà ấy với gia đình, nên tôi có hỏi: Các bác ấy là bạn của mẹ à? Mẹ tôi cười nói: Bạn gì? Mấy bà ấy là nhân tình cũ của bố mày đấy. Tôi chưa kịp tỏ vẻ ngạc nhiên thì mẹ tôi tiếp: Mẹ biết và mấy bà ấy cũng biết mẹ biết, nhưng thấy mẹ chẳng nói gì nên vẫn cứ lui tới thăm hỏi. Vả lại, đây toàn là chuyện ngày xưa. Bây giờ, ai nấy đều có chồng con cả rồi, ghen tuông làm gì…Mẹ tôi cười bảo tôi: Mấy bà này gan thật,biết bố mày đã có vợ rồi mà vẫn cứ sán vào…
Bố tôi có sở thích cuối tuần là họp mặt đánh tổ tôm(4).Công chức được nghỉ buổi chiều Thứ Bẩy,nên quãng sau 12 giờ trưa là các tay có máu mê đã lục tục đến nhà tôi. Phải có đủ 5 người mới thành tụ. Bố tôi chơi từ trưa Thứ Bẩy cho đến khoảng 5 giờ chiều Chủ Nhật mới rã đám. Mọi người phải về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày Thứ Hai đi làm trở lại. Họ chơi suốt đêm Thứ Bẩy, qua chiều ngày hôm sau, nên mẹ tôi phải đi chợ nấu hai bữa cơm. Khuya Thứ Bẩy còn phải pha cà phê và cho họ ăn dặm nữa. Nhiều khi, sòng tổ tôm có 2 tụ, mỗi tụ 5 người. Mẹ tôi phải đi chợ nấu ăn cho từng ấy người, nếu kể cả người trong nhà thì số người lên đến 16. Tuần nào cũng như tuần nấy, chỉ trừ mấy ngày Tết, không bỏ sót một tuần nào. Mẹ tôi cứ quần quật, bận rộn gấp đôi ngày thường vào những ngày cuối tuần. Cả nhà đều bận rộn vì bố tôi. Vậy mà tôi chưa bao giờ nghe mẹ tôi than thở lấy một lời. Trong những cuốn giáo khoa thư về cuộc sống gia đình. Một trong những điều nên, cần phải làm là, dù bận cách mấy chăng nữa chúng ta cũng phải để ra ngày Chủ Nhật dành cho vợ con. Buổi sáng cùng nhau đi ăn sáng. Sau đó đi xem xi nê, đi mua sắm v.v…Bố tôi đã sáng tạo một phương thức mới, cách mạng hơn: Cả nhà dành cho ông ngày cuối tuần. Mẹ tôi quay cuồng với mâm cơm khách. Chúng tôi lăng xăng lít xít với những việc lặt vặt quanh sòng tổ tôm. Những chuyện bất đắc dĩ này, phải làm cho thật chu đáo, chỉ vì bố tôi muốn,thế thôi. Mẹ tôi nói: Mẹ cũng đâu muốn làm, nhưng nếu không cho chơi ở nhà thì bố mày lại đi tìm chỗ khác. Ở chỗ lạ, nếu có cãi vã, đánh nhau thì còn khổ hơn nữa.
Mãi về sau này mẹ tôi mới nói rõ cho tôi nghe, tại sao bà không giống như câu Kiều:
Rằng tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Năm Ất Dậu 1945 đã xảy ra nạn đói, làm khoảng 400.000 đến 2 triệu người chết. Đa số là người miền Bắc. Làng của mẹ tôi cũng cùng chung một số phận. Ông ngoại tôi vì có liên hệ với người chống Pháp nên không còn làm Cai Tổng. Nhà sa sút dần, vì thế khi nạn đói xảy ra, cảnh nhà rất nguy khốn. Khi bố tôi gặp được bà thì cả nhà đang thoi thóp. May nhờ biết tin làng mẹ tôi gặp nạn đói, nên ông có mang gạo theo. Nhờ vậy, cả nhà mẹ tôi thoát chết. Ơn cứu tử, mẹ tôi khắc cốt ghi tâm, nên bố tôi có làm gì đi nữa mẹ tôi đều bỏ qua. Hơn nữa, mẹ tôi nói: Bố mày lăng nhăng, nhưng không để cho vợ con nheo nhóc. Tiền bạc chu cấp đầy đủ, không phải bữa đói bữa no.
(Ảnh minh họa nguồn internet)
Vì vậy, dù có thời gian bố tôi phải xa nhà, làm việc tại Cần Thơ mấy năm theo lệnh điều động của Bộ Quốc Phòng. Mẹ tôi vẫn cứ ở yên tại Sài Gòn với chúng tôi . Bà nói : Các bà sợ mất chồng, nên hễ chồng đi đâu là theo đó. Con cái chịu cảnh học hành dở dang. Việc gì phải như thế nhỉ? Người đàn ông đi chán là phải về thôi. Vợ cái con cọc làm sao bỏ được? Mẹ cứ ở yên một nơi cho bố con đi. Việc học hành của các con quan trọng hơn nhiều.
“Bố con lúc trẻ thì ong bướm, hết trai gái thì sang cờ bạc, chả được nết gì cả”,mẹ tôi nói. Nhưng, mẹ kính phục bố con ở chỗ: Bố con là người con rất có hiếu. Lúc ông bố chồng,tức ông nội của con lâm bệnh nặng. Nghe nói bên kia sông có ông thầy lang giỏi. Lúc đó đã khuya rồi, phà Tân Đệ(5) ngưng hoạt động. Trời mưa to gió lớn, bố con và người chú T. (em ruột của bố tôi)trả một món tiền hậu hĩnh mới thuê được một con thuyền nhỏ, sang rước ông thầy lang về chữa bệnh cho bố mình. Đến giữa dòng sông, thuyền bị sóng lớn đánh chìm.Hai anh em bám được vào mảnh ván, lóp ngóp bơi, may nhờ có một chiếc thuyền chở khách đi sau, vớt lên. “Có hiếu thì Trời Phật sẽ giúp cho.Con cứ ngẫm mà xem, những người bất hiếu với cha mẹ, suốt đời không khá được đâu”, nói xong bà kể cho tôi nghe môt số người mà tôi cũng biết, vì bất hiếu với cha mẹ mà nay phải long đong, vất vả.
Phà Tân Đệ 1999 (nguồn internet)
Mẹ tôi đã nhìn thấy nơi khối đá thô ráp,xù xì bố tôi , có cất dấu một chất ngọc đáng quý. Bà trân trọng và qua đó dậy cho tôi những gì cần thiết mà người chồng, người con cần phải có. Bà đã vượt qua, đã chiến thắng chính mình, chiến thắng những thói tật mà con người nói chung và phụ nữ nói riêng, ai cũng có. Bà đã đi suốt cuộc đời với cái tâm rộng mở đó. Tôi tin rằng nhờ cái tâm bình hòa, bao dung đó mà nhà tôi vẫn nguyên vẹn dù trải qua bao khốn khó, thăng trầm theo vận nước. Chúng tôi, các con bà, vẫn sống sót qua hai cuộc chiến tranh Nam Bắc và Kampuchea.
Mẹ tôi không kể, nhưng tôi biết bà cũng thực sự là một người con chí hiếu. Ông ngoại tuy có ba bà nhưng đều mất sớm. Mẹ tôi và một bà dì nữa, có hoàn cảnh gia đình khá giả. Hai người bỏ ra một số tiền, góp lại mua một căn nhà nhỏ, ở cách nhà tôi khoảng 10 phút đi bộ. Đoạn rước ông ngoại về ở nơi đó, cho mẹ tôi tiện đi lại chăm sóc ông. Được một thời gian, có lẽ mẹ tôi nhận thấy là: Anh chị em săn sóc nhau không bằng con cái chăm lo cho cha mẹ. Tốt nhất là vợ chồng chăm sóc nhau. Vì thế, bà họp các anh chị em lại, quyết định “hỏi vợ” cho bố mình. Mẹ tôi đích thân nhờ người mai mối và theo đúng lễ “tục huyền”(6) rước bà Tư về. Vì bà ngoại mới chỉ bằng tuổi mẹ tôi, nên chúng tôi thường gọi bà là Bà Trẻ. Ông ngoại chỉ có một người con trai là bác tôi. Bác tôi có vợ đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Cứ tưởng ông tôi sẽ phải chịu “bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”(7),nhưng nay nhờ có Bà Trẻ. Bà đã sinh cho ông tôi thêm 3 cậu con trai. Ông tôi thoát tội.
Một hôm, lúc đó khoảng hơn 10 giờ tối, tôi từ trên nhà Thu Hương về. Lúc đó, tôi mới quen nhà tôi được mấy tháng, nên thường đạp xe lên thăm nàng vào khoảng sau bữa cơm tối. Khi tôi dắt xe vào nhà, bố mẹ tôi thì thào : Con vào đi. Vẻ mặt hai người nghiêm trọng hẳn lên và thoáng có vẻ lo lắng, sợ sệt. Bố tôi thận trọng khóa cửa lại. Mẹ tôi nói nhỏ: Con lên gác ngủ đi. Có cậu N. ở trên đó. Cậu N. thì tôi biết. Bố của cậu với ông ngoại tôi là hai anh em chú bác. Họ hàng khá gần. Bố tôi khi làm ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, vẫn ghé vào nhà của cậu ăn cơm trưa. Trả tiền cơm tượng trưng thôi. Ông bà quý và trọng bố mẹ tôi nên ưu đãi . Cậu N. nhập ngũ, là Trung sỹ thông dịch viên tiếng Anh. Về sau, cậu có bằng Tú Tài 1 nên được chuyển sang học sỹ quan. Năm 1975 cậu là Thiếu Úy và như mọi sỹ quan, viên chức của miền Nam, cậu phải đi học tập. Bây giờ là năm 1980, cậu được phóng thích rồi à? Tôi tự hỏi. Như hiểu được thắc mắc đó,mẹ tôi nói nhỏ : Cậu N. trốn trại. Cậu ở tạm nhà mình mấy hôm. Tôi lên gác, thấy cậu đang nằm trong góc phòng. Hai cậu cháu chỉ dơ tay chào nhau, rồi tôi tắt đèn đi ngủ. Cậu N. ở nhà tôi khá lâu, sau khi mua được giấy tờ cậu rời nhà tôi,nhưng thỉnh thoảng vẫn quay về ngủ ở nhà tôi. Về sau, mẹ tôi kể cho tôi nghe thêm về chuyện của cậu. Sau khi cậu trốn trại được một tháng, có một người cán bộ từ Bắc vào. Ông ta đến nhà cậu, ở luôn trong nhà đúng một tháng. Sau khi hỏi thăm, điều tra kỹ càng, ông gọi mẹ cậu và cô em gái của cậu đến: Tôi đã báo cáo hoàn cảnh của nhà bà . Ông tiếp : Như thế này nhá , nhà mẹ góa con côi, rất nghèo, không có tài sản gì, đương sự là con trai độc nhất, đi học tập cải tạo được 5 năm rồi. Nóng lòng lo cho mẹ và em nên đã trốn trại. Đề nghị khoan hồng cho đương sự. Hôm nay, báo cáo với bà và cháu là cấp trên đã chấp thuận đề xuất của tôi. Bà gọi cậu ấy về đi
Nhờ vậy, cậu N. đã có thể trở về sống một cách hợp pháp với mẹ và em. Sau đó, cậu đã sang Mỹ theo diện H.O.
Cách nhà tôi một căn là nhà của bác H. . Bác là bạn của bố mẹ tôi từ lúc chưa di cư vào Nam.Anh L. là một trong những người con của bác. Anh đàn giỏi, hát hay và có giọng ngâm thơ tôi rất thích. Sau 75, vì là lính của Cục Chính Huấn nên anh bị thất nghiệp. Anh quay sang đạp xích lô để có tiền nuôi gia đình. Nếu anh chí thú làm ăn thì hẳn là gia đình được nhờ, nhưng khổ một nỗi anh có máu văn nghệ. Đạp xích lô, nhưng hễ bạn bè hô nhậu là anh tới liền. Anh hát hay nhiều người biết tiếng.Họ chèo kéo anh đến nhậu, hát hò với nhau, chẳng cho anh rảnh để đạp xích lô kiếm tiền. Vì thế, gia đình anh thường lâm vào cảnh thiếu ăn. Nhà tôi cũng chẳng khá hơn anh bao nhiêu, cũng chạy gạo từng bữa, nhưng được cái là có tiêu chuẩn mua gạo sổ nên thỉnh thoảng mẹ tôi gọi nhỏ anh vào nhà, đưa gạo cho. Thật đúng là : lá rách đùm lá nát. Rõ khổ…
Mẹ tôi là vậy đó. Bà luôn đi theo tiếng gọi của lương tâm. Bà rất nhát, ngày xưa, lúc phải làm gà bà đều gọi người khác đến cắt tiết. Bà sợ sát sinh, sợ có tội, sợ đủ thứ…Nhưng khi cậu N. cần sự giúp đỡ, bà đã sẵn sàng. Bà sợ hậu quả của việc bà làm ghê lắm. Bà nói với tôi: Mẹ sợ Công An đến bắt cậu N, bắt luôn nhà mình, nhưng nếu nhà mình không chứa, thì cậu N. biết đi đâu bây giờ. Mẹ đã niệm Phật cả đêm cho nhà mình và cậu N. được bình yên, vô sự. May mà Công An không biết, chứ nếu không ….mẹ tôi bỏ lửng không nói nữa. Lòng nhân đạo và tình nghĩa họ hàng đã khiến mẹ tôi dám làm chuyện liều lĩnh đó. Cũng như vì tình làng nghĩa xóm, bà đã sớt chia cơm gạo cho anh L. . Không nhiều nhặn gì, vì lúc đó nhà tôi cũng chẳng khá giả. Tôi đã học được nơi bà lòng nhân ái đó và cố gắng noi theo.
Theo tôi,điều quan trọng nhất của một con người là ta phải xử sự làm sao cho đúng nghĩa Con Người, dù anh hay chị đang ở bất cứ một vị thế nào. Mẹ tôi là người ít học.Bà làm nghề nội trợ, suốt đời bà, thực sự, không làm ra tiền. Tuy vậy, bà vẫn trung thành và mẫn cán với nghề cho đến khi mất . Bà chẳng đi đâu xa , chỉ lanh quanh xó bếp. Nhưng ,tôi tin chắc rằng, mẹ tôi đã xử sự như một Con Người trong suốt hơn 70 năm trên cõi đời này. Tôi đã và đang cố gắng học, bắt chước mẹ tôi nhiều điều. Và tôi thấy tôi đang lết bết lệt bệt đằng sau bà. Biết làm sao bây giờ? Nhiều đêm, trong giấc mơ, tôi thấy bà nhìn tôi mỉm cười khích lệ. Con sẽ cố, mẹ à. Con sẽ cố….
Arizona,mùa phượng tím
13 tháng 5 năm 2018
Trịnh Đình Nam
Chú thích:
1 và 2 : Cả hai người đều là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử của Pháp. Napoleon được dân Pháp tôn sùng như vua Quang Trung.Còn Jeanne D’Arc như là Hai Bà Trưng của mình
3 và 4 : Cả hai đều là môn bài lá, có 120 quân. Cách chơi hoàn toàn khác nhau. Phổ biến ở miền Bắc. Miền Trung và Nam ít biết đến
5 - Đoạn sông Hồng chảy ngang hai tỉnh Thái Bình và Nam Định. Hồi xưa chưa có cầu nên dùng phà qua sông. Bây giờ đã có cầu Tân Đệ bắc qua sông này rồi.
6 – Vợ trước chết, lấy vợ khác gọi là tục huyền
7 – Nói về bất hiếu, theo Mạnh Tử có 3 loại :
- Hùa theo cha mẹ, để cha mẹ mắc vào chỗ bất nghĩa là tội bất hiếu thứ nhất
- Nhà nghèo, cha mẹ lại già, thế mà không chịu ra làm quan, để có bổng lộc phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu thứ hai
- Không chịu lấy vợ, không có con nối dõi, để cúng tổ tiên. Tội bất hiếu thứ ba này là
nặng nhất.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061951 visitors (3175043 hits) |