22/10/2015
Hành trình xuyên Việt P8
KS Mong Phước Minh
|
Chào các bạn, vậy là một ngày đi ngắn( dưới 100km) vừa hoàn thành.
Như đã nói, do lo lắng về cung đường sắp tới, đến Đồng Văn, tôi đã cho thay nhớt lần 2 trong chuyến đi, đồng thời nhờ thợ kiểm tra 2 thắng, nếu cần thì thay giùm. Sau khi kiểm tra, cậu ta nói 2 cặp bố của bác bán rẻ cũng...khó!
Vậy thì thay tất thôi.
Nhân tiện tôi hỏi thăm đường đi Đòng Văn, có đèo dốc gì nguy hiểm không?
Ối dào, bác cứ đi vô tư, không chạy nhanh thì cứ túc tắc mà đi thì cũng tới...còn đèo thì chỉ có ...con dốc trên kia thôi!
A ha, vậy thì cũng đở lo, lại vừa thay bố thắng...
Đường trường xa, con chó lại tha con mèo...vèo vèo!
Vâng, đúng là vừa ra khỏi thành phố thì chúng tôi bắt đầu leo một con dốc, bằng số 2! Rồi tiếp theo trả về số 1. Con Daehan đã quen chơi số này nên vô tư...bò lên dốc. Còn xuống dốc thì cứ để số 2 cho nó ghì bớt, chia nhiệm vụ với 2 thắng trước, sau.
He he, một con dốc thôi mà nó cứ kéo dài như ...vô tận!
Rõ ràng thằng thợ sửa xe chơi tui, nói thiệt, mấy con đèo hôm qua chỉ là em của con ...dốc hôm nay thôi. Nó liên tục lên xuống rồi lại lên. Nó liên tục quanh co có lúc...tròn vo, có lúc như cùi chỏ! Cái dốc ấy nó cứ chạy hoài đến dinh Vua Mèo rồi rẻ qua Lũng Cú và về đến Đồng Văn, thậm chí ngay trước khi tới Đồng Văn, nó cũng làm chúng tôi cắm đầu xuống hơn một chục cua ngoặc...đổ mồ hôi hột, dù trời Hà Giang đang vào độ rét Đông!
May mà thay thắng mới, nếu không rất dễ lũi vô núi! Và cái "túc tắc" chính là lời khuyên thật tình!
Có một điều, sau khi hoàn tất cung đường này thì tôi xin phép có một lời khuyên, dù các bạn đã du lịch nước ngoài hay chưa, nếu rồi thì nên có kế hoạch đến Hà Giang trong lịch sắp tới, nếu chưa, thì nên đổi chương trình để tìm đến vùng đất này trước khi xuất ngoại.
Bởi vì qua mấy mươi cây số, con đường đã không dành cho tôi chút nghĩ ngơi nào! Vì luôn phải cảnh giác trong điều khiển tay lái, lại luôn "bần thần" trước vẻ đẹp của thiên nhiên!
Cái đẹp có lúc mềm mại như dãy lụa men theo sườn núi dốc, hay dịu dàng uyển chuyển bên bờ lũng hun hút dưới thung sâu!
Cái đẹp lại dữ dội đến sững sờ, của những non cao dựng đứng, tầng tầng lớp lớp giữa mông mênh trời mây, nắng chói! Núi tiếp núi, chập chùng không dứt bên vực thẳm như chực chờ ta chới với say mê!
Tam giác mạch chỉ là chút hương vị phụ, đến Hà Giang là đến với những cung đường. Và thú vị nhất phải bằng xe 2 bánh, hoặc ngồi xe mui trần như cách người Miến vận chuyển khách lên Chùa Đá Vàng(Golden Rock) trên cao.
( tam giac mạch tại Lũng Cú)
Nằm ở độ cao trung bình từ 1000 đến 1600 mét, Đồng Văn hiện nay được Unesco xếp trong danh sách các Công viên địa chất đá toàn cầu, bởi vì nơi đây tồn tại một hệ thống núi đá với đầy đủ các giai đoạn phát triển của vỏ trái đất, từ Đại cổ sinh, Đại trung sinh đến Đại tân sinh, trên một diện tích gần 2400km vuông.
Sự biến đổi khí hậu tác động lên cao nguyên Đồng Văn với 80 phần trăm là đá vôi, gây nên một thay đổi đa dạng trong quá trình tiến hoá "karst". Kết quả là thiên nhiên đã để lại cho Đồng Văn một hệ thống địa chất đa dạng, cực kỳ độc đáo với những "vườn đá" như ở Khâu Vai (Mèo Vạc), có các chỏm hình nụ hoa, bông hoa...thiên hình vạn trạng, hoặc vườn đá Vân Chảy có những tảng đá tròn nhẳn nằm sắp lớp như những con hải cẩu ngồi trên biển...Nhưng nổi bậc hơn cả là những chỏm núi nhọn hoắc, đăm thẳng lên trời như muốn xé toạt những thảm mây trắng mỏng manh đang mềm mại buông phủ trên nền xanh thăm thẳm, cực kỳ hùng vĩ ! Không biết đã bao lần tôi phải ồ lên kinh ngạc trước những thay đổi liên tục của các dạng hình đá, núi. Một thay đổi đến kinh hoàng trước vẻ đẹp vĩ đại của thiên nhiên, vẻ đẹp của quê hương khiến ta muốn trào dâng nước mắt! Chắc chắn tôi không sao diễn tả đủ sự lộng lẫy của cung đường Hà Giang núi đá này. Không chỉ những núi đá khô cằn đen đúa, đẹp một cách dữ dội, đẹp điên đảo cả hồn tôi, mà còn có những núi phủ xanh rừng thẳm, mềm mại chồng lấn lên nhau dưới thung lũng sâu thẳm bên đèo, khiến mình luôn sững sờ trước cái đẹp diệu kỳ nơi vùng đất đa dạng sinh học này!
(Núi đá tiếp núi đá)
Ngày còn sinh viên tôi không hề thích môn địa chất khô cằn ...như đá, vậy mà nay tôi lại yêu rất nhiều những khô khốc diệu kỳ nơi vùng đất địa đầu tổ quốc này. Bất giác tôi thấy nhớ ơn Thầy Lê Quang Xáng, Thầy Thái Công Tụng và các Thầy dạy môn Vạn Vật hồi trung học, đã gieo vào tâm trí tôi những khái niệm về các thời kỳ địa chất, để bây giờ có thể tự hào rằng "biết" chút xíu về các niên đại, về các trầm tích, hoá thạch...được các nhà khảo cổ khai quật trên cao nguyên này. Và cũng thấy được cái giá trị khoa học độc đáo duy nhất nước ta.
Không thể nào nói hết được những gì tôi thấy trên cung đường, từ cảnh đẹp đến giá trị khoa học của nó, để cảm nhận điều đó, xin các bạn hãy cố gắng đến chốn này, nơi địa đầu tổ quốc.
(Phố cổ Đồng Văn
Vươt đèo Mã Pí Lèng
Nghĩ lại Đồng Văn thêm 1 ngày lấy...hơi để vượt đèo "thần sầu quỷ khốc" Mã Pí Lènh! Nghe tên cũng thấy quỷ khóc thần sầu rồi!
Và thế là cả 2 đi dạo quanh thị trấn.
(chợ phiên Đồng Văn)
Hôm nay, Chủ nhật, có chợ phiên Đồng Văn, nên trước khi khởi hành đi Mèo Vạc, chúng tôi quyết không bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.
Cao nguyên Đồng Văn, ngoài giá trị khoa học có được nhờ Công viên Địa chất đá toàn cầu, còn có giá trị văn hoá độc đáo của 17 dân tộc như Dao, Mông, Tày, Nùng, Lô Lô...với nhiều trang phục màu sắc khác nhau. Chợ phiên chính là nơi thể hiện rực rỡ vẻ đẹp vùng cao ấy.
Dường như mỗi tuần họ đều dành cho ngày này để xuống phố mua bán hàng hoá, giao lưu với xã hội...nên họ lên những bộ cánh sắc màu lộng lẫy, khiến phiên chợ vùng cao đặc sắc, hấp dẫn vô cùng!
Nhiều bà mẹ dẫn theo các con ăn mặc thật đẹp, lũ lượt kéo nhau từ trên núi xuống thật vui và dễ thương! Chắc chắn họ đã ra đi từ rất sớm, hầu hết là đi bộ, nhanh nhẹn đến với chợ phiên cuối tuần.
Chúng tôi thật sự rất háo hức đến với phiên chợ vùng cao cho nên dù anh chủ nhà nói phiên chợ thực sự bắt đầu khoảng 7h30-8h, nhưng vừa hơn 6h là chúng tôi đã ra đường. Và ngay trước mắt là 3 cô H'Mong với trang phục mới toanh như đi lễ hội, đang dung dăng, dung dẻ trên đường hướng đến chợ. Rồi tiếp đó là một bà mẹ với đứa con nhỏ địu trên lưng, cùng 3 đứa khác chạy lon ton phía trước, tất cả đều mặc đẹp và có vẻ rất hào hứng khi tới dự chợ phiên.
Chúng tôi tìm đường đến nơi họp chợ, thật sự bấy giờ đã đông đúc lắm rồi, gồm rất nhiều du khách Tây lẫn ta, cùng nhau hoà nhập vào cái không khí nhộn nhịp, sôi động mà một ngày trước chưa có.
Bây giờ tôi mới thấy rằng chỉ có những phụ nữ mới nhiều màu sắc trên trang phục, còn cánh đàn ông thì chỉ thuần bộ quần áo màu đen với nút thắt đặc trưng, chiếc mũ nồi đội trên đầu cũng vậy, vẫn là màu đen!
Chợ Phiên Đồng Văn
Cùng với hàng trăm du khách khác, chúng tôi chen chúc nhau để tha hồ bấm máy, người dân sơn cước vẫn vô tư mua bán, trao đổi như không hề có sự hiện diện của chúng tôi, có lẽ họ đã quen rồi cái "kiễu" họp chợ này, người bán kẻ mua cứ vô tư ngã giá, mời chào mặc cho khách du lịch đang thi nhau bấm máy, không hề phàn nàn chút nào dù bị cản trở bán, mua!
Ôi một phiên chợ ky lạ bởi có nhiều điều kỳ lạ. Có "gian hàng" chỉ là một nhúm đậu hay chục củ gừng, "gian hàng" khác chỉ chừng mươi quả trứng...bày ngay dưới chân, ai hỏi mua thì ngã giá rồi bán, không được thì cứ đứng chờ...nhìn họ, tôi cứ nghĩ giống như đây là dịp để xuống chợ...đứng chơi! Mà kỳ lạ hơn nữa chính là cái vụ đứng chơi này phải bỏ công lặn lội từ trên núi xuống, bán được hay không rồi cũng phải lặn lội quay về; ôi, làng bản tuốt trên núi cao, muốn dự chợ phiên họ phải đi từ khi gà vừa gáy...thiệt đúng là kỳ lạ!
Hàng hoá chợ phiên, thật sự cũng dồi dào, phong phú lắm, cả một nhà lồng chuyên bán thịt heo, gần như chỉ toàn thịt heo. Còn thì các loại nông sản, gia cầm tự họ sản xuất rồi mang xuống bán. Có anh Mèo dẫn theo chú bò tơ, anh khác là con dê bự, rồi có người tòn teng 1 chiếc lồng chim...họ mang đủ thứ, kể cả chó con vừa thôi sửa mẹ!
Thấy mấy anh này tôi chợt tức cười, bán được bò thì chơi thắng cố, uống rượu ngô, không bán được cũng có thể cởi bò về bản, chỉ tội nghiệp thằng bán dê, mắc rẻ gì cũng bán, chẳng lẽ lại...cởi dê về núi hay sao?!!!
Thiệt đúng là phiên chợ kỳ lạ mà dân Nam bộ như tôi chưa từng thấy!
Sau gần 2 giờ thú vị tham gia phiên chợ đầy sắc màu nơi vùng cao biên giơi, tuy vẫn chưa hết say mê, nhưng chúng tôi phải quay về nhà nghĩ, thu xếp hành trang tiếp tục cung đường hứa hẹn nhiều lo lắng và thú vị, vượt đèo Mã Pí Lèng để qua Mèo Vạc.