6/8/2015
Tác giả thời sinh viên 1969
Mỗi lần về Việt Nam, càng về sau này, rất là hiếm tôi mới thấy thiếu nữ Việt mặc áo dài. Ngoài đường phố, chỉ thấy từ bé gái nhỏ xíu cho tới bà trung niên 40-50, mặc toàn y phục theo lối tây phương. Ngay trong các giờ đi học hay tan trường cũng thấy vắng bóng các nữ sinh trong bộ áo dài trắng thướt tha. Tôi cũng rất ngạc nhiên, trong các nghi lễ đám cưới, cô dâu cũng thường mặc bộ áo cưới Âu Mỹ là chính để làm lễ hôn nhân, quay phim, chụp hình, rồi sau đó thỉnh thoảng mới thay áo dài Việt Nam.
Giờ tan trường 2014
Y phục nữ sinh ngày nay (2014)
Có lẻ tôi được sinh ra và lớn lên trong thời buổi y phục áo dài phồn thịnh, rồi sau đó xa đất nước hàng mấy mươi năm, với cảnh đời thay đổi trong nước, thay đổi quá nhiều và quá nhanh, ngay cả trong y phục thường ngày, nên tôi mới cảm thấy “shock” như vậy chăng ?
Tôi nhớ rõ là thời học tiểu học, học sinh chúng tôi ăn mặc theo lối Việt Nam, quần dài đen, áo tay cúp, áo chemise, có đứa mặc áo bà ba, gọn gàng để đi học.
Y phục các em gái tiểu học thập niên 1960
Nhưng lên trung học, thì đều mặc đồng phục áo dài trắng.
Nữ sinh Đoàn Thị Điểm Cần Thơ trong thập niên 1960
Ngoài đường phố, nhất là giờ tan học nữ sinh tha thướt trong tà áo trắng trông đẹp như thiên thần.
Giờ tan học trên đường phố
Ai cũng công nhận là tà áo dài Việt Nam rất đẹp, đầy quyến rũ, vừa kín vừa hở, in rõ nét của người phụ nữ ở tuổi xuân thì.
Áo dài Việt Nam được biến đổi qua bao thời đại. Cải biến lớn nhất từ áo dài tứ thân có 4 vạt cổ kính của đầu thế kỷ 20, ở Hà Nội vào đầu thập niên 1930 có họa sỉ Cát Tường, tức Le Mur, đã thiết kế chiếc áo dài tân thời với 2 vạt áo. Vạt trước dài chấm đất để tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Để tăng thêm vẻ nữ tính, hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc theo vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.
Cải tiến kế tiếp là họa sỉ Lê Phổ đưa thêm vào kiểu áo dài Le Mur vài yếu tố của áo cổ truyền tứ thân, hay ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn.
Ở Miền Bắc, từ cuối thập niên 1940, và nhất là sau 1954, với nền văn hóa mới và “Đời sống mới” phụ nữ Miền Bắc không còn mặc ái dài nữa, mà thay vào đó là chiếc áo ngắn thích hợp cho công tác lao động chân tay hay trí óc.
Thiếu nữ Hà Nội xưa với áo dài Lemur
Vào cuối thập niên 1950, kiểu “áo dài Bà Nhu” trở thành mốt thời trang cho các cô gái Miền Nam. Bà Ngô Đình Nhu đã thiết kế ra kiểu áo dài tân thời, bỏ đi phần cổ áo của áo dài cổ truyền Miền Bắc mà thay thế vào bằng kiểu cổ hở, cổ khoét. Không chỉ lạ về mẫu áo, chiếc áo dài hở cổ còn được ‘phá cách’ với họa tiết trang trí trên áo: nhành trúc mọc ngược. Một số nhà phê bình phương tây cho rằng nó hợp lý với thời tiết nhiệt đới của miền nam Việt Nam.
Nữ nghệ sĩ Kiều Chinh với áo Bà Nhu (1961)
Không ngừng ở đó, nhà may Dung ở Đa Kao Sài Gòn thiết kế kiểu áo ráp tay Raglan. Cách ráp này cải biến ở chỗ hàng nút cài được bố trí chạy từ dưới cổ xéo xuống nách, rồi kế đó chạy dọc một bên hông. Với cách ráp tay raglan làn vải được bo sít sao theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, khiến chiếc áo dài ôm khít từng đường cong của thân hình người phụ nữ, tạo thêm tính thẩm mỹ theo đánh giá của một số nhà thiết kế.
Kế tiếp là Mini Raglan rất thích hợp cho vóc dáng nữ sinh. Áo hơi ngắn tay, có tà áo dài hơi quá đầu gối một chút, eo rộng cắt cao để hở hong quần nhưng hai ống quần xòe phủ kín đôi chân. Hai đặc điểm này làm cho tà áo nữ sinh đậm chất hồn nhiên, dễ thương.
Áo mini raglan
Phụ nữ Miền Nam phổ biến xử dụng áo nịt ngực (soutien) từ cuối thập niên 1950, nên áo dài được may chít eo, phần ngực nhiều khi may rất chật để ôm sát tối đa đường cong của chị em phụ nữ. Các loại áo dài với phần eo được may thắt lại, hay dùng dây quanh áo phía trong ở vòng hai để eo được nhỏ hơn rất được ưa chuộng, đặc biệt là tại Sài Gòn.
Phụ nữ Sài Gòn trong thập niên 1960
Sau 1975, Miền Nam lại thiếu vắng áo dài ngoài đường phố cũng như trong công sở. Tôi rất xót xa cắt vạt áo của những chiếc áo dài đẹp của tôi để sửa lại thành chiếc áo ngắn cho hợp nếp sống mới.
Tác giả tại Văn phòng Đại học Nông Nghiệp Cần Thơ 1974
Reading, 8/2015
Nguyễn Thị Kim-Thu