|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Một thoáng ngày thầy thuốc |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
27/2/2019 - Một thoáng Ngày Thầy thuốc VN
Truyện ngắn
NẰM VIỆN
Cảm giác đau nhói lan từ vùng bụng dưới tiến dần lên đầu, tụ lại rồi toả ra, biến thành một quầng sáng chói chang, chiếu thẳng vào mắt tôi.
Muốn đưa tay dụi nhưng có vật gì quấn quanh cổ tay, tôi không sao cựa quậy được. Cuối cùng, tôi cũng hé được cặp mi còn nặng trìu trĩu, ngơ ngác nhìn.
Trên trần, hai bóng đèn nê-ông đang chụp làn sáng trắng xuống người tôi. Nhắm vội mắt cho bớt chói, tôi nghiêng một bên đầu, he hé nhìn. Những chấn song bằng I-nox sáng loáng, ung dung đứng trước mặt tôi. Thì ra, tôi đang nằm trên giường, trông nó giống một chiếc nôi dành cho … người lớn. Cách chỗ tôi nằm không xa, cũng có một cái y hệt như thế. Trên đó, một người nằm bất động, cái mền đắp hờ hững ngang bụng, để lộ khuôn mặt hốc hác và hai tay, hai chân trần bị trói chặt. Đây là đâu ? Tôi hoảng sợ. Một làn không khí lạnh len vào sống lưng khiến tôi rùng mình. Cảm giác đau buốt lại cuộn lên từ phía dưới bụng. Tôi chợt nhớ lại tất cả. Cái ruột thừa bị viêm và Phi, vợ tôi đã đưa tôi vào bệnh viện.
Trước đây, thỉnh thoảng, tôi bị đau ở vùng bụng. Ít thôi rồi hết. Nhưng hôm nọ, cái chứng ê ẩm nầy kéo dài, tăng dần, dữ dội đến mức hết chịu nổi. Chung quy chỉ vì thương bạn bè. Thằng Hài chết cách nay đã ba năm. Đến ngày giỗ nó, bạn bè tụ lại tưởng niệm. Năm nay, để nhớ tiếc thằng bạn thơ, chúng tôi cũng bày tiệc nhậu. Anh em sẽ vừa lai rai vừa ngâm thơ hay đọc một bài văn tế do chính mình sáng tác cho người quá cố.
Năm giỗ đầu tiên, ý thơ lai láng, mỗi nhà thơ ngâm một lúc mấy bài. Cả nhóm ngậm ngùi say lúy túy.
Năm kế, ý thơ cô đọng, mỗi thi sĩ chỉ … gặng được có mấy câu. Ý ngắn, tình dài, cả nhóm say bí tỉ.
Năm nay, tình đầy, ý cạn. Chẳng người nào xuất khẩu thành thơ. Có lẽ vì buồn đời sống khó khăn, bẩn chật. Thay vì tưởng niệm bạn, cả nhóm tưởng niệm tập thơ của mình. Thơ hay, giấy đẹp, vẫn ế như thường. Tập thơ bụi bám, giấy ngã màu, thi sĩ … nghèo, vỡ nợ, sinh ra trầm uất. Đã có vài ba người gác bút, đổi nghề hoặc đi xa. Bữa tiệc hôm đó chỉ có dĩa ốc luộc, vài ba quả trứng vịt ung và hai lít rượu đế Xuân Thạnh. Thế mà cả nhóm say mèm, lăn kềnh ra đất.
Sáng, tỉnh dậy, ai về nhà nấy. Còn tôi vào … bệnh viện . Vợ tôi vừa chạy đôn chạy đáo lo tiền thuốc vừa lo tải bệnh, mặc sức ca cẩm cái thói ham vui của tôi.
Thường khi, vợ tôi ít nói, lặng lẽ chịu đựng. Để mặc tôi… làm thơ và say. Phi thường biết có khuyên cũng vô ích. Tôi tự do … mơ mộng. Đến lúc tôi kêu đau thấu trời thấu đất, vợ tôi liền thừa cơ hội … giáo dục chồng. Dù giận, tôi cũng không đủ sức la lối hoặc làm thơ “châm chích” vợ. Phi đưa ra hàng loạt điều: “ Phải chi … thì …” nhét vào lỗ tai tôi. Ức lắm, nhưng chẳng biết làm sao tôi đành ngầm đe: “ Hãy đợi đấy!”.
Sau khi định bệnh, bác sĩ ra lệnh phải mổ ngay. Sợ chết, tôi phản đối kịch liệt. Nhưng họ vẫn lạnh lùng cho lên ca phẫu thuật khi vợ tôi làm xong thủ tục hành chánh.
Họ mang tôi vào một cái phòng quét vôi trắng toát. Tôi nằm trên một cái giường cao lênh khênh, gần tận mặt những người mặ áo Bờ-lu trắng đứng xung quanh. Những cặp mắt sáng quắt nhìn tôi chăm chú. Chiếc khẩu trang làm cho họ giống như những hiệp sĩ che mặt thời xưa. Bỗng dưng cái chụp đèn hạ thấp dần rồi từ từ dang xa. Có tiếng người hỏi:
- Anh tên gì?
Không ngờ người ta đang thử độ mê trong cơ thể tôi đã ngấm đến mức nào,tôi nhủ thầm:” Chẳng lẽ họ không xem bệnh án? Sắp giải phẫu không biết bệnh nhân là ai, thật tệ! Tôi đáp cộc lốc:
- Thương!
Có tiếng cười khúc khích thoát ra từ sau những tấm mạng che mặt.
- Làm nghề gì?
- Làm … thơ. Họ lại cười.
- Thơ gì?
Cơn buồn ngủ chợt kéo tới, lôi tuột tôi vào cái chấm sáng của cái chao đèn. Tôi gắng gượng trả lời:
- Thơ … châm … chích …
Tôi không biết mình đã mê đi bao lâu. Ca phẫu thuật diễn biến thế nào? Bây giờ tỉnh lại, nằm ở đây, chắc là phòng lạnh của bệnh viện. Cửa bỗng mở, một cô y tá bước vào. Đến bên tôi, cô mỉm cười:
- Ông tỉnh rồi à! Đã thấy khoẻ chưa?
Khuôn mặt hiền hậu, duyên dáng của cô gái khiến tôi cảm thấy ấm áp và bớt đau một ít.
- Cảm ơn cô, tôi thấy khỏe rồi.
- Để tôi cởi trói cho ông. Đừng cử động mạnh, chúng tôi đang truyền nước biển cho ông!
Tháo dây xong, cô rút chiếc khăn trên cái mâm vừa mang vào, lau mặt cho tôi. Trước khi sang giường kế bên, cô dặn:
- Nếu trong người có gì lạ thì ông nhớ gọi chúng tôi!
Tôi ngoan ngoãn gật đầu và trả lời lể phép đến không ngờ:” Dạ!”
Tôi được chuyển ra phòng “hậu giải phẩu”. Ở đây đông người và ồn ào. Nó chỉ rộng khoảng bốn mươi mét vuông mà chứa tới tám giường, mười bệnh nhân , mười bệnh nhân và độ mười lăm người “theo bệnh “ để thăm nuôi. Lẽ ra, mỗi bệnh nhân có một giường riêng. Nhưng, mấy ngày nay, số người phải mổ quá đông, nên có giường đành phải cõng một lúc hai mạng. Tôi được xếp loại “ còn yếu”, ưu tiên được nằm… riêng. Tha hồ xoay trở , duỗi tay chân hoặc co rúm. Chỉ có ban đêm hơi chật vì vợ tôi bị muỗi tấn công, lên nằm kế bên tôi. Mấy ngày thức trắng, mệt mõi,vừa đặt lưng xuống là Phi đi ngay vào giấc mộng. Mặc cho tôi hít hà, xuýt xoa. Tôi cố dỗ giấc mà không sao chợp mắt được. Dường như tôi đã ngủ một giấc dài. Bây giờ, phải thức để nhìn ngắm, lắng nghe. Tiếng rên rĩ, tiếng chửi thề, tiếng cười nói của những người nuôi bệnh. Tất cả hợp lại, tạo nên một loại âm thanh hỗn tạp, độc đáo chỉ bệnh viện mới có.
Ngoài ra còn nhiều điều vừa lạ vừa thường tình. Đúng với câu :” Đồng bệnh tương liên” . Những người nằm cùng phòng, nuôi cùng…bệnh quí mến nhau một cách dễ dàng. Họ gần gũi, thân thiết chẳng vì tư lợi mà bởi có chung một rủi ro. Nói theo kiểu văn học là có nỗi bất hạnh giống nhau. Họ trò chuyện tâm đắc. Đủ loại đề tài. Từ chuyện gia đình,ruộng nương, công sở đến cách chữa bệnh theo dân gian. Họ thao thao bất tuyệt về cây cỏ,lá, hoa… được gọi là thảo dược. Thậm chí chữa được bệnh đang… hành hạ họ, hoặc người thân của họ. Người ta nhắc tới những ông lang vườn, những thầy pháp nỗi tiếng nơi họ ở và không quên bày tỏ lòng thành kính đối với những ngôi miếu linh hiển tận “ Thâm sơn, cùng cốc”, có thể phò hộ người trần. Đặc biệt, họ không có cảm tình đối với nơi đang trực tiếp cứu giúp mình. Họ nhắc đến bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện như nhắc đến những người khó chịu, ít có khả năng chữa trị. Họ thản nhiên nói xấu từ nhỏ đến lớn, từ bác sĩ đến … “Bà vệ sinh”. Đại khái như: Bà quét phòng lúc nào cũng quát “ Sao không giữ vệ sinh?”. Y tá lúc nào cũng cằn nhằn:” Trời ơi! Sao không uống thuốc đúng giờ giấc, liều lượng mà bác sĩ quy định ?”. Còn bác sĩ cũng bị kể tội: ít nói, nét mặt trầm tư ra chiều … bác sĩ “ Trước khi bác sĩ vào phòng phải dẹp phòng kẻo bị mắng… không giữ môi trường trong lành nơi nằm bệnh, làm sao chóng khỏi?…
Đêm dần sâu, tiếng rì rầm thưa dần rồi dứt hẳn. Trên những chiếc chiếu trãi la liệt trên sàn phòng. Mấy cái miệng kể lể nói hành, nói tới giờ đây đang mím chặt hoặc há hốc. Nước bọt chảy dọc bên khóe. Họ thả hồn đến tận nơi nào. Yên tĩnh trở lại bao trùm bệnh viện. Thỉnh thoảng có vài tiếng động nhỏ, trở mình, ú ớ vang lên rời tắt ngấm. Phía xa vẳng lại tiếng dép lê, xe đẩy, vài ba giọng nói cuống quít thoáng qua rồi im lặng hoàn toàn. Tôi cảm thấy thư thả, thoải mái vô cùng dù vết thương vẫn còn gây đau đớn.
- Bánh mì … nóng giòn đây!
Tiếng rao đánh thức Phi dậy trước tiên. Vợ tôi lồm cồm ngồi dậy, đi đâu đó một chút rồi quay lại. Sau giấc ngủ, khuôn mặt Phi rạng rỡ hẳn lên. Tóc tai suông sẻ buộc gọn sau gáy, tay áo xoắn cao. Phi bắt đầu dọn dẹp quanh giường rồi quay sang tôi, tiếp tục … dọn dẹp mồ hôi, cáu bẩn trên người tôi bằng một cái khăn lông tẩm nước nóng. Vợ tôi vừa xong việc thì cái ồn ào, náo nhiệt xung quanh vỡ oà. Cả phòng đã thức giấc và lại rùm beng: “ Còn đau không con ?”, “Đã khoẻ chưa, anh ?”, v.v..Tất cả những chiếc chiếu, ghế bố được xếp gọn, rất nhanh. Cũng như vợ tôi, họ dọn dẹp và bảo nhau:” Nhanh lên , kẽo bà vệ sinh vào thì khốn ! “. Vợ tôi lấy cây chổi, quét sơ căn phòng. Phi lôi từ dưới gầm giường ra một vài tờ giấy vụn, mẫu thuốc lá vụn, võ thuốc uống…Thấy còn một chỗ chưa cuốn mùng, Phi đành quét đi luôn, rồi túm mớ rác bằng một mảnh ván. Thoạt nhìn, tôi điếng hồn, tức ấm ách. Tờ báo có đăng bài thơ tôi mà nỡ đem đi hốt rác. Tôi chưa có phản ứng gì thì … Bà vệ sinh quát :
- Rác dơ hay rác sạch vậy hả ?Không được ném rác dơ vào thùng này.
- Dạ, rác … sạch mà .
- Ờ, vậy thì được.
- Phi trở vào, nét mặt ỉu xìu:
- Bả tưởng rác dơ.
- Rác mà cũng phân loại sao? Tôi lầm bầm.
Bà vệ sinh bước vào, đảo mắt một vòng quanh phòng rồi bệ vệ xách cây chổi vừa quét vừa lên lớp bài “ Vệ sinh nơi công cộng”. Chẳng có ai dám trả lời. Bỗng bà móc từ gầm giường của ông cụ bệnh nặng nhất một cái bao ny-lông. Trong đó chứa đầy vỏ cam. Bà ta chun mũi, kéo tấm khẩu trang lên che miệng rồi dùng chổi hất cái của nợ vào ky, mang ra ngoài. Tôi bật cười, vợ tôi lật đật bịt miệng tôi, Phi sợ bà ta trở vào mắng cho một trận.
Vừa lúc đó, cô y tá bước vào, đứng giữa phòng ra lệnh:
- Xin bà con dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, bác sĩ trực sắp đến khám bệnh.
Cô ta chưa đi khỏi cửa, thân nhân người bệnh luýnh qua, luýnh quýnh dọn dẹp lần nữa. Ly tách, chén dĩa, soong,… đều được mang ra hành lang, xếp vào một góc. Loáng cái, căn phòng trở nên thoáng đãng, dễ thở vô cùng. Tôi khoan khoái nhìn quanh. Chỉ còn mười người bệnh nằm dài, đắp chăn gọn ghẽ. Tôi có cảm giác mình khoẻ hẳn.
Bác sĩ đến. Đó là một phụ nữ còn rất trẻ. Không như những đồng nghiệp khác, chiếc khẩu trang của nữ bácsĩ trễ xuống dưới cằm, che ngang … cổ. Toàn bộ khuôn mặt xinh xắn được phô ra trước bao cặp mắt … bệnh hoạn. Loáng cái, những ánh mắt ấy tươi tắn hẳn lên.
Xoay một vòng như khiêu vũ, bác sĩ gật đầu rất điệu:
- Chào bà con, hôm nay bà con đã khoẻ hẳn chưa?
Chẳng ai bảo ai, họ đồng thanh:” Dạ khoẻ!”. Có lẽ tôi nói lớn nhất nên bác sĩ để ý, cô đến bên tôi trước tiên. Đặt tay lên trán tôi, mấy ngón nhỏ xinh xinh, mềm mại thế mà tác dụng ghê gớm. Chúng gây một luồng nhiệt chạy rần rật trong cơ thể tôi. Bác sĩ phải kêu lên:” Sao nóng thế nhỉ!”.
- Dạ, không biết nữa. Tôi ấp úng như trai vừa mới lớn. Ngồi xuống bên tôi, bác sĩ cài ống nghe vào tai, rồi bắt đầu khám. Trầm ngâm giây lâu, cô thở phào:” Không sao! Nhiệt bình thừơng, chẳng có gì đáng ngại”.
Cô bác sĩ nhìn tôi một thoáng, khẽ cười rồi dặn:
- Anh phải cố gắng chịu đau một chút, nhớ nhờ người thân dìu đi lại thường xuyên. Như thế sẽ có lợi cho vết mổ. Có triệu chứng gì lạ phải báo ngay với chúng tôi, nhé!
Nhớ tới chuyện tiêu, tiểu khó khăn, tôi liền kể một mạch.
- Anh hãy nêu những món đã dùng sau khi mổ.
- Dạ, tôi chỉ uống có ít ly nước khoáng nho nhỏ, chưa ăn gì hết.
Bác sĩ lại mỉm cười:
- Không ăn, uống ít thì làm sao có chất bả để bài tiết mà anh lo. Kiêng cử như thế không tốt đâu. Anh phải ăn mạnh, uống nhiều mới mau lại sức chứ.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Trước khi qua khám cho người bên cạnh, bác sĩ đùa:
- Mai, tôi vào khám mà anh chưa ăn hết một nải chuối, uống hai lít nước thì tôi phạt đó!.
Cả phòng cười rộ. Tôi đỏ mặt, cảm thấy hồn lâng lâng, bay bổng tận chín tầng mây. Phải chi có giấy bút ở đây, tôi sẽ làm … một bài thơ tặng bác sĩ.
Đoàn khám bệnh đi rồi, thân nhân lại tràn vào phòng nườm nượp. Lập tức ly tách, ca , thau, … trở về chỗ cũ. Tiếng cười nói lại thi nhau phá vỡ sự yên tĩnh cần thiết.
Tôi bỗng buồn nẫu ruột. Một trong nhiều cái khổ mà con người phải gánh chịu là “ bệnh”. Người bị bệnh khổ không nói gì, còn những người theo nuôi bệnh cũng khổ. Kể cả những người chữa trị bệnh cũng chẳng sướng ích gì. Mỗi người một cách khác nhau . Có một điều lạ là chính những người cần nhau lại làm khổ nhau. Họ không hiểu được nhau. Người bệnh và thân nhân lại ít khi đồng cảm với bác sĩ. Họ xem lời dặn dò như một câu đe nẹt chứ không phải là những lời khuyên quý báu. Thản nhiên qua mặt bác sĩ. Còn những ngừơi làm công tác “ chiến đấu với tử thần, giành lại mạng sống, sức khỏe cho con người” thì lại phải buồn tủi vì sự vô ơn rất tự nhiên. Tôi bực lắm. Tôi nhất quyết kỳ này, hết bệnh, ra viện. Tôi sẽ làm … thơ. Thơ ca ngợi những người khoác áo bờ-lu trắng, đáng yêu.
Nguyễn Thị Mây
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063431 visitors (3179128 hits) |