24/7/2016
Trở lại Kalaw (tt) 23/7
Đó là chuyện của năm rồi, tôi chỉ muốn nhắc lại chút xíu để bổ sung cho chuyến đi năm nay, vì sẽ không trở lại nơi ấy. Còn bây giờ, trước mắt tôi sẽ là những thảm hoa “mè vàng” đẹp lộng lẫy, đã làm tôi ngơ ngẩng hồi năm trước. Những thảm hoa màu huỳnh anh, chen lẫn với ruộng lúa, rẫy bắp cải xanh trên nền đất latosol nâu đỏ hay podzolic vàng…tạo nên một bức họa thiên nhiên cực kỳ lộng lẫy! Tuy nhiên, hôm nay mục đích chính là tới xem “ao nước hồ dương” kỳ lạ, cung đường này tôi tự nhủ sẽ trở lại trong những ngày sau.
Hệ thống giao thông của Myanmar sau 1 thời gian dài khép kín, đã trở nên rất lạc hậu, chỉ tương đối tốt trên trục chính từ Yangon lên các vùng, bang phia Bắc, còn các nhánh quốc lộ phụ thì vẫn chật hẹp, loang lỡ mà việc duy tu thì hầu như nhờ sức “cu li”, giống như Việt Nam hồi nửa thế kỷ trước.
Điều này cũng tương tự như hình ảnh sau đây của 1 nhóm trẻ con Miến Điện nông thôn, chúng vẫn hồn nhiên vui chơi với những lốp xe cũ, trong khi thế giới bây giờ đang bùng nổ viễn thông! Game online, internet…đang ngập tràn khắp chốn vậy mà trên đất nước Myanmar, cũng còn mấy trò chơi dân dã “xưa như trái đất” này! Thật là một bất ngờ thú vị, các trò chơi đã chôn sâu vào quá khứ, tưởng chẳng bao giờ gặp lại vậy mà nó chợt xuất hiện làm tôi bồi hồi, xúc động !
Chắc chắn các cháu cũng đang hạnh phúc về điều đó, hạnh phúc giản đơn không cần phải tìm kiếm đâu xa, không cần phải mất nhiều tiền của. Cuộc sống của chúng đôi khi vẫn còn khó khăn, vất vả bởi nghèo khó, lạc hậu, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa… nhưng dường như chúng cũng tìm được niềm vui giữa chốn đại ngàn hoang dã, trên làn nước trong đang vội chảy bên đường!
Đây là chỗ các công nhân “lục lộ” đang thi công lắp đặt chiếc cống thoát nước của con suối chảy ngang, xe cộ buộc phải tạm thời băng qua dòng nước cạn bên cạnh để tiếp tục hành trình. Nhiều xe tranh thủ rửa sạch bụi đường, như chiếc xe của 1 vị Sư trước mặt, còn dân làng thì cũng nhân chỗ này, xe chạy chậm, bày bán hoa, trái …trên các chiếc kệ tạm để mưu sinh.
Tới ngã 3 Aungpan, chúng tôi rẻ phải qua đường 41, đây là đường đi qua điểm du lịch nổi tiếng Pindaya. Đúng 1 năm trước tôi và bà xã đã tới thăm hang động Phật chùa Shwe Oo Min Natural Cave tại đây, nơi có thờ đến 8889 tượng Phật từ nhỏ rí đến thật to. Trước cổng chùa có hình tượng Thái tử đã bắn chết con nhện tinh để giải cứu Công chúa của xứ này bị nhện bắt giữ trong hang. Pindaya là cách gọi trệch của từ Pinguya có nghĩa là “bắt con nhện”.
Pindaya cũng còn là nơi hàng năm có lễ hội Pindaya Shwe Oo Min diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 11 đến ngày trăng tròn, tháng Tabaung (khoảng tháng 2 âm lịch). Các sắc dân ở bang Shan cùng với những tộc người Shan, Pa O, Palaung, Taung Yoe, Intha, Danu…sống quanh vùng Pindaya cùng nhau tụ tập dưới các tán đa cổ thụ, chung quanh các xe bò, xe hơi…họ nấu nướng, ăn uống, chơi đùa thật vui vẻ.
Vào các ngày này du khách sẽ chứng kiến những đoàn xe bò truyền thống di chuyển thành hàng dài thật ngoạn mục, chắc chắn đó là những ngày hội tụ đầy đủ nhất những trang phục với sắc màu độc đáo, đẹp đẻ của các tộc người sống tại bang Shan.
Đón được Koto cũng là 11 giờ hơn, tới lúc ăn trưa vì theo luật, quá 12 giờ Sư không được ăn. Bác tài Molash ghé Cocacola restaurant quen thuộc. Tôi nói quen thuộc vì 1 năm trước Sư cũng đưa chúng tôi đến đây ăn trưa bởi thức ăn rất ngon.
Xong bữa, Thầy trò lên đường trở về Kalaw. Lúc này Sư nói, khi về tới Aungpan, mình rẻ phải qua đường 41 đi Pindaya, nhưng sẽ không tới Pindaya, mà sẽ đến đường 411, là 1 nhánh quốc lộ khác dẫn qua Mandalay, Bagan, tới đó tôi sẽ đưa ông Minh đi thăm 1 ao nước rất đặc biệt, có màu xanh hồ dương, trong khi chung quanh là màu nước bình thường. Ở đây bao nhiêu năm rồi mà tôi không biết, vừa rồi một ông Sư ở chỗ khác đến dự lễ Dâng Y, đã rủ rê tôi đi coi chơi và thấy đúng như vậy, màu xanh như nước hồ dương,thật lạ! Hôm nay tôi đưa ông Minh tới đó coi cho biết.
Vậy là hôm nay mình được dịp trở lại cung đường với những thảm hoa vàng “đẹp rớt nước mắt”! Nhưng có lẽ không còn
thời gian để thưởng thức, bởi vì trời đã về chiều, mà đường từ Aungpan qua đó cũng khá xa, nghe đâu đến hơn 50km. Thôi, tôi sẽ cỡi xe gắn máy đến cung
đường này sau, tha hồ làm người dân Miến để cảm nhận cái yên bình tuyệt vời của đất nước đáng yêu này!
Trên đường trở về, có 1 nơi gây sự chú ý cho tôi, đó là chỗ chiếc cầu xe lữa chạy tới 1 đoạn đường ray cong thật đẹp, nó khiến tôi nghĩ mình sẽ trở lại chỗ này!
Và một hình ảnh thật thú vị, đó là cảnh các thanh niên Miến ngồi chơi bên cạnh chiếc miếu nhỏ ở đầu con lộ đất dẫn vào trong núi, chắc họ tạm dừng chân nghĩ mệt sau khi cuốc bộ 1 đoạn đường dài! Hình ảnh ấy thật giống với người dân quê tôi vào mấy mươi năm trước, lúc bọn trẻ con chúng tôi chỉ biết chơi đá dế, bắn cu li...Ôi một thời để thương và để nhớ!
Hình ảnh đầu tiên khi vào trung tâm thủ phủ Taunggyi lần này là cảnh nhộn nhịp của người dân đi dự lễ hội, nhiều con đường bị kẹt xe, phải có sự điều khiển của CSGT. Bác tài Ấn Độ tìm đường thuận tiện để đến đón Koto, nhờ vậy tôi được chứng kiến một cuộc diễu hành gây quỹ cúng dường cho Lễ Xuất gia. Không biết có phải vì đây là thủ phủ của bang Shan hay vì lúc này đang diễn ra Lễ hội Khí cầu mà cuộc diễu hành trên đường phố có vẻ “hoành tráng” hơn những gì tôi chứng kiến ở Aungpan hoặc Kalaw? Các đoàn tham dự vừa đông lại vừa nhiều màu sắc hơn, thể hiện trên những trang phục đặc trưng của các nhóm dân tộc sinh sống trên đất nước Myanmar.
Theo thống kê chính thức của chính quyền Myanmar thì cả nước có 135 tộc người, trong số đó có 9 nhóm sắc tộc chính với tỉ lệ phân phối như sau:
Bamar, chiếm 68% dân số Myanmar, sống rải rác trên 7 bang và 7 vùng hành chính, tiếng Miến Điện(Burmese), tiếng nói của người Bamar, là quốc ngữ và là ngôn ngữ thứ 2 của các dân tộc khác.
Kế tiếp là 7 dân tộc có tỉ lệ số dân cao tập trung tạo thành 7 bang là Shan(9%), Kayin(7%), Rakhine(3,5%), Mon(2%), Kachin(1,5%), Chin(1%) và Kayah(0,75%).
Các tộc còn lại chiếm khoảng 4,5% dân số như Wa, Naga, Lahu, Lisu, Palaung…
Sở dĩ có con số 135 sắc tộc vì trong các tộc chính ấy còn chia ra thêm nhiều tộc nhỏ như sau: Chin có đến 53 tộc phụ, Shan có 33, Kachin có 12, Kayin có 11, Bamar có 9, Kayah có 9, Rakhine có 7 và Mon chỉ có 1 tộc Mon (tổng cộng là 135 tộc).
Ở Việt Nam, các sắc tộc thường có thể nhận diện qua màu sắc và hình thức trang phục, màu sắc của khăn đội đầu, của giải thắt lưng…Ở Miến Điện cũng thế, nhưng rất khó phân biệt, vì quá nhiều sắc dân lại rất gần giống nhau, tôi đã cố tìm hiểu nhưng đành chịu!
Dẫu không đẹp bằng những hồ nổi tiếng kể trên, không rộng lớn thênh thang mang tầm thế giới, chiếc hồ nhỏ đang lặng lẽ ngủ yên trong bìa rừng già heo hút này cũng khiến chúng tôi thú vị bởi vì cái màu sắc đặc biệt có thật trước mắt hôm nay.
Dưới tán cây rừng rậm rạp kia, ao nước nhỏ trong vắt một màu “hồ dương”, như thau nước dùng làm mới chiếc áo trắng ngã màu mỡ gà của những học trò nghèo ngày xưa cũ, làm tôi ngạc nhiên trong thoáng chốc. Ao nước ấy không biết dẫn tới đâu bởi bị lớp rừng già che phủ, lá cây rơi nổi dày trên mặt nước làm mất đi chất tinh khiết của cái trong-leo-lẻo-pha-lê xanh lằn lặc kia, không dấu được những cành khô trầm mình phía dưới sâu, khiến chốn hoang sơ thêm âm u cô tịch!
Trên kia có một cái miếu, không hương khói, lạnh lùng, vắng lặng giữa thinh không. Chắc lâu lắm rồi nơi nầy chẳng ai lui tới, bây giờ chốn rừng già bổng nhẹ bị đánh thức bởi những kẻ tò mò xa lạ viếng thăm. Koto định lấy chai nước rỗng, bước xuống múc một ít thứ chất lỏng có màu xanh dịu ngọt kia, nhưng tôi ngăn lại, vì chẳng thấy một loài thủy tộc nào nhởn nhơ trong nước, không tiếng cá nhỏ quẫy đuôi hay chàng nhái bén giật mình quăng mình xuống phía ao sâu, tốt hơn hết, nước này không nên đụng tới
Tôi và Sư Hoài tự hỏi không biết các nhà chuyên môn đã có đến khảo sát nơi này? Rồi chúng tôi tìm cách giải thích, cho vui, nào là do các chất hữu cơ của xác lá rừng hủy phân trong nước, nào là do các chất hòa tan từ nền mẫu thạch tạo nên đất rừng tại đây…hoặc cũng chỉ là hiện tượng quang học, ánh sáng lam bị chặn lại 1 phần bởi lớp nước sâu trong vắt kia, khiến màu nước trở nên xanh dương? Rồi cả hai cười vang trong chiều rừng vắng lặng. Có một điều, chúng tôi nhận thấy, dù hơn 90% dân Miến theo Phật giáo, nhưng họ không quá “mê tín” như người Việt Nam, chẳng thấy ai biến sự lạ này của ao nước để đặt điều, thánh hóa hầu trục lợi nhờ mua bán thần linh.
(cỏn tiếp)