VỀ ĐAT MŨI THEO ĐƯỜNG NAM SÔNG HẬU
Dear all, after a long trip around An Giang province, I tried my best to show you some out sights about my native province along with other special interesting things of its.
The next part, our trip will lead you to Ca Mau cap, via the new way along the south bank of Bassac river. The first destination is Can Tho. Let's go!
Chào các bạn, phần 1 của chủ đề “Về Đất Mũi theo đường Nam Sông Hậu” đã hoàn tất bằng một vòng quanh các vùng, điểm hấp dẫn của tỉnh An Giang. Phần 2 tiếp theo sau đây là hành trình về Cà Mau, theo tuyến đường mới mở nằm dọc bờ Nam Sông Hậu, rồi cặp biển Đông, xuôi Nam. Xin mời theo dỏi.
Ngày 17 tháng 2 năm 2012, gia đình bên Ngoại của bà xã có tổ chức một buổi họp mặt gia tộc tại quê ở Cần thơ. Vậy là chúng tôi chuẩn bị con “chiến mã Daehan 2 bánh Hàn quốc” và lên đường lúc 6h30 sáng về dự . Rồi sau đó, sẽ đi tiếp Cà Mau!
Quốc lộ 91 đoạn Long Xuyên-Cần thơ dài khoảng 65km, với tôi đã quá quen thuộc. Khi bắt đầu vào trường CĐNN Cần thơ, cho đến lúc tốt nghiệp, tôi đã lên xuống không biết bao nhiêu lần trên con lộ có nhiều nơi còn đầy ổ gà, ổ voi. Nhờ có chiếc 67, việc đi lại trên đoạn này chẳng khó khăn gì, nhất là lúc vọt lẹ về Long Xuyên thăm “người ấy”. Có lần đáng nhớ là tôi chứng kiến cảnh 1 chiếc trực thăng gặp sự cố. Đang phom phom trên đường hướng về Long Xuyên trong 1 chiều cuối tuần nhạt nắng, tới đoạn Cần Thơ bé, tôi chợt nghe 1 tiếng nổ lớn rồi nhìn thấy chiếc trực thăng đang bay trên bầu trời Thốt Nốt có vẻ gì đó bất thường với một vệt khói đen kéo dài ra sau đuôi, phi cơ tiếp tục hạ thấp độ cao và tấp mạnh xuống cánh đồng khô bên trái, 2 phi công thoát xuống, chạy thục mạng về phía quốc lộ. Hình như tất cả đều an toàn, kể cả chiếc máy bay. Vụ này chắc cũng chỉ là 1 tai nạn về kỹ thuật, không có đánh đấm gì.
Hồi đó, chiến tranh và cuộc sống đời thường chỉ cách nhau vài trăm mét, ví dụ như chỗ ngã tư An Bình, Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo, Quận 5 Sài Gòn, là ranh giới của 1 bên là chiến trường chết chóc ở Chợ Lớn, một bên là thị trường sôi động và chốn ăn chơi vô tư của những người Sài Gòn, vào tháng 5 năm 1968! Bạn bè, anh em, vợ chồng, cha con... xa cách do chiến tranh, gặp nhau mừng vui chốc lát, rồi có khi chỉ vài giờ sau thì đó đã là lần gặp gỡ cuối cùng! Thằng bạn Nguyễn Vân Dương, làm luận trình về cây bắp ngọt, tốt nghiệp kỹ sư xong, vẫn chưa chắc ăn như bắp, hương vị của những trái bắp non dùng làm rau(rất mới lạ vào lúc đó), chưa kịp thấm ngọt cuộc đời nó, thì đã nằm xuống đâu đó bên bờ ruộng nơi chiến trường Cai Lậy. Có lẽ nó là thằng sinh viên xấu số nhất của khóa 1 CĐNN Cần thơ. Biết sao được, chiến tranh luôn có cái thứ vô nghĩa và bất nhân như thế suốt từ thời cổ đại, là sản phẩm của một số người háo danh, thèm lợi!
Bây giờ, con đường này tương đối tốt, cuộc sống ven lộ đã có những đổi thay. Người dân, sau những tháng năm khó khăn hậu chiến, đã dần tự biến đổi và thích nghi theo cái cách mà chẳng ai đoán trước được. Một số người gốc Huế, tha phương cầu thực, quần cư tại khu vực cầu Cần Thơ Bé, mua bán phế liệu, máy nổ và bây giờ sản xuất và chuyên doanh lưới cá. Một số khác, không hoặc có ít ruộng sau hè, lại tận dụng khoảng đất trống ngay trước nhà, 2 bên lề quốc lộ 91, cặp bờ kinh nhỏ, làm nghề sản xuất cây con ương bầu. Tưởng công việc tạm bợ, ai ngờ sau bao nhiêu năm, nghề này cũng đã nuôi sống vững vàng cho nhiều hộ gia đình nằm dọc con đường. Có hộ thì trồng nấm rơm, làm rẫy, nuôi vịt chạy đồng... hoặc trồng hoa kiểng bán tết. Bây giờ không còn tiếng súng, chim cò cũng lác đác kiếm ăn trên các mảnh ruộng nước nông.
Ngoài ra, một số hộ dân đặt 1 ‘cần vó” trên bờ rạch trước nhà, để kiếm chút tôm cá cung cấp cho bữa ăn gia đình. Vì là rạch nhỏ, nên vó luôn cất lên để không cản trở lưu thông, lúc hạ vó phải có người canh chừng, phòng khi ghe xuồng chạy tới thì kéo lên kịp thời. Có lần tôi nghe kể lại 1 tai nạn cười bể bụng liên quan tới cái vó. Miệt Thứ, Giồng Riềng có nhiều kinh rạch nhỏ, hồi những năm 1980-1990, phần lớn cư dân nơi đây đều dùng “tắc ráng” để đi lại, nó giống như chiếc xe hơi ở thành thị. Chiếc vỏ nhỏ xíu, chạy tè tè như tên bắn, rất là cơ động. Có chuyện, tôi lang thang vô đây, khi ngồi nghĩ tại một quán nhỏ trong kinh, thấy bên kia bờ có một cô gái vừa thả vó, định bụng xem coi cá nhiều không nên tôi rất chú ý. Anh chủ quán nói, con nhỏ đó hôm trước làm mấy ông đi đám giỗ hú hồn, hú vía, rồi anh kể tiếp, nó cũng đang thả vó như vậy, thình lình có tiếng tắc ráng chạy tới, đang chở một số người vừa đi đám về ngang. Nó lẹ lẹ kéo cần vó lên để chiếc vỏ đi qua, bổng dưng nó buông giây kéo, chụp vội chiếc quần ...đứt dây thun. Ha ha thế là các “quan” đi đám lảnh đủ, may nhờ kinh nhỏ, nước cạn và nhiều người trên bờ nhào xuống giúp nên chẳng ai bị gì. Nó trốn biệt ngoài Rạch Giá, mới dìa!
Từ Núi Sập về Long Xuyên chỉ khoảng 26km, ngày trước là đoạn đường rất xấu. Bây giờ, 2017, có lẽ là đoạn đường đẹp nhất từ ngoại ô dẫn vào trung tâm thành phố.
Theo wikipedia, Long Xuyên là thành phố tỉnh lỵ của An Giang, lớn thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Cần Thơ. Không biết có phải vì đã thân quen từ lâu, tôi lại thấy không phải như vậy, mà có vẻ lại “nhỏ” hơn vài thành phố khác chung quanh. Thật ra điều đó chẳng có gì là quan trọng, bởi mỗi người có một chốn quê để mình yêu mến, lớn hay nhỏ chẳng đáng để quan tâm, so bì; mà chủ yếu nơi ấy có gắn kết sâu đậm với mình hay không. Tỉnh lỵ Long Xuyên được người Pháp qui hoạch từ hồi còn thuộc địa. Do con rạch Long Xuyên - Rạch Giá dẫn nước từ giòng Bassac đổ về Vịnh Thái Lan chạy ngang qua, nên nó trở thành ranh giới của 2 khu vực chính trong nội ô, bờ phía Đông Nam là trung tâm chợ, bờ phía Tây Bắc là khu hành chánh. Với những con đường rợp bóng cây cao, khu vực này thật yên ả và đẹp đẻ, nhất là con đường Lê Lợi đi ngang công viên Nguyễn Du. Là một công viên xinh xắn nằm bên bờ Nam Sông Hậu, với con đường cùng tên, một thời là chốn ghi dấu những mới tình học trò lãng mạn. Ngày xưa con đường này là 1 cái cồn nhỏ, người ta lấp kín 2 đầu tạo nên một hồ nước thật đẹp, có 1 chiếc cầu cây mảnh mai và bình dị bắt vồng qua, trông cũng khá nên thơ. Tiếc rằng bây giờ nó được thay thế bằng 1 khối bê tông cục mịch, không còn nét thơ mộng đáng yêu nữa!
Thành phố này gắn liền với tôi trong suốt 9 năm học Tiểu học rồi Trung học(1958-1967). Khi đó nó như “trạm dừng” đầu tiên của cậu bé vốn quen với cái cây, cục đất...cùng mấy thằng bạn chân không, tà lỏn nằm trên bờ Bắc giòng sông Hậu, Vàm Cống(Lấp Vò). Bởi trong “kế hoạch” được “lập trình” sau những năm mài đủng quần trên các ghế trường học nơi tỉnh thành Long Xuyên, tôi đã dứt áo ra đi để tìm cái tương lai mơ ước: vào Đại học và sau đó tốt nghiệp đi làm thầy giáo tại trường Đại học Cần Thơ, những tưởng sẽ dứt nợ với Long Xuyên để trở thành cư dân của miền đất Tây Đô cho đến ngày...xuống lỗ! Vậy mà, không hề biết trước, một biến cố chợt đến, tạo “lỗi” trong “chương trình”đã được “set up” cẩn thận, khiến con chim xưa “lạng quạng” bay về chốn cũ, gắn kết phần đời còn lại trên mảnh đất thân quen như một định mệnh đã an bài, cho mãi đến bây giờ đã kéo dài thêm 38 năm(1979-2017). Như vậy là tổng cộng gần nửa thế kỷ sống trên đất địa này, nên với tôi Long Xuyên gần gũi như hơi thở, thân thiết như thịt da.
Có lẽ vì quá quen thuộc, nên tôi thấy Long Xuyên “tầm thường” hơn nhiều thành phố khác, trong khi bạn bè các nơi lại nói Long Xuyên của anh thiệt là đẹp! Không biết người ta nói thật hay chỉ xã giao lấy lòng, nên tôi cũng chịu khó nhìn lại và quả nhiên thấy nơi nầy cũng có nhiều cảnh quan thú vị thật!
Nằm bên Sông Hậu, Long Xuyên đã hàng ngày hân hoan đón lấy ánh bình minh tuyệt vời trên giòng sông mênh mông nước hoặc lặng lẽ nghe làn sóng nhẹ vổ bờ Nam. Ghe xuồng qua lại, ngư dân thu hoạch mẻ lưới sớm...là những hoạt cảnh tuyệt vời đối với khách lạ phương xa. Cũng như nhiều thành phố khác trong cả nước, các công trình xây dựng mới cùng sự phát triển tự thân của cư dân đô thị, thành phố ngày một sáng sủa, tươi vui.