Mảnh hồn quê nơi xứ người |
- Nguyễn thị Thu -
|
Tôi về Việt Nam vài lần, xuôi ngược từ Bắc vô Nam rồi lại từ Nam ra Bắc. Chân đi bước thấp bước cao, hụt hẫng. Đâu đâu cũng thấy xa lạ, lạc lõng. Tôi đang đi trong lòng đất nước mình ngày nay với tâm trạng của một người đi tìm lại quê hương trong trí nhớ. Tìm mãi, tìm hoài vẫn chưa thấy. Trở lại xứ người, nhìn vườn rau hẹ, dấp cá, húng lủi, húng cây, chậu ngò om, ngò gai sau nhà, để hít thở mùi vị hơi hướm ngày xưa, để bâng khuâng xót xa nhớ về...
Rồi tôi sang thăm gia đình người bạn trôi dạt tận miền cực Nam trái đất. Bạn tôi quê tận vùng ruộng đồng xa tắp ở cuối góc trời Nam đất Việt. Lặn lội mấy ngày xe, tàu đò, ghe xuồng, đường đê gập ghềnh trơn trợt rồi mới tới được quê anh. Phèn chua vẫn còn bám gót chân anh. Mùi bùn đất phù sa miền Nam vẫn còn vương vướng hồn anh. Làm sao anh rứt bỏ được rễ chanh rễ khế đã mọc sâu vào lòng; buông được gánh lúa oằn nặng đã in hằn vết chai trên vai; quên được vồng khoai, nương bắp vun bằng sức lực và tưới bằng mồ hôi? Làm sao tháo gỡ được cọng rơm khô đã quấn chặt tay chân từ đời cha ông đến đời anh? Vậy mà anh đành rứt áo ra đi! Để lại sau lưng những con đê ngang dọc, chiếc cầu tre lắt lẻo bao đời đã kiềm giữ bước chân của người dân quê yêu làng, yêu nước và tất cả những gì yêu quý nhất trong đời. Hành trang anh mang theo là một tâm hồn tan nát cùng trái tim rướm máu của mình.
Lênh đênh mãi rồi cũng tấp vào được bến bờ. Nơi đây, anh dang sức cần cù quyết tâm làm lại nhà, dựng lại đời và tạo lại một vùng quê hương nho nhỏ cho gia đình và con cháu anh sau này. Chính nơi đây, tôi đã tìm lại được ít nhiều cảm xúc ngày xưa tưởng chừng đã đánh mất, nhờ qua nếp sống, cách ăn thói ở trong gia đình anh, và qua những tiếng hát tình tự quê hương vợ con và cháu anh thường ngân nga mỗi buổi tối khi sum vầy cả gia đình. Và trên tất cả là khu vườn nho nhỏ xinh xinh với những luống rau được trồng hay tự mọc lan một mình thật quen thuộc thuở xa xưa… Biết bao điều gợi nhớ gợi thương tẩm trong ngọn rau dền đất, lan theo rễ rau má chằng chịt, quấn quít chen lấn nhau dọc bờ rào mồng tơi hay trên dàn bầu, bí, khổ qua.
Tôi xa quê hương đã lâu lắm rồi, xa quê Nội thì càng nghìn trùng mờ mịt. Vậy mà mỗi lần nhìn thấy vườn rau sau nhà, vài bụi chuối nhỏ to, cao thấp lẫn lộn gốc mía xơ xác đâu đó, hoặc khi thấy cái bể nho nhỏ nuôi bèo tấm điểm vài hoa súng hoa sen thơm thoảng, tôi luôn có cảm giác ngậm ngùi, xót xa cho những gì thiếu mất trong đời, và lòng tôi vẫn không tránh khỏi bâng khuâng, xúc động nhớ về quê Nội, thiên đàng một thuở của thời ấu thơ. Nơi đó, có những lần tôi được về thăm Nội khi mới bốn, năm tuổi gì đó. Tôi theo ông anh họ cùng tuổi đi xúc tép, bắt cua, đặt lờ hay câu cá rô con đầu mùa mưa rồi mang về cho Nội làm thức ăn. Công việc duy nhất mà tôi hữu dụng lúc bấy giờ là vào vườn hái đủ loại rau, từ rau dền đất, mồng tơi, bồ ngót đến lá ớt, lá khổ qua, cộng thêm một trái mướp hương non về cho Nội nấu canh tập tàng với cá rô con hay tép bạc. Có khi Nội sai tôi ra bờ ao, bờ đê hái rau đắng, rau dệu, rau bợ về nấu canh cá lóc. Tôi yêu nhất là những buổi sáng sớm Nội hay nấu xôi nếp đậu đen thật ngon, thật bùi và vắt cho tôi một nắm thật to. Hay ăn sáng bằng cơm nóng nấu sớm với cá kho thịt ba rọi bỏ vào thật nhiều lá hành khô hoặc cuống lá củ cải phơi khô vừa béo ngậy, vừa thơm tho đậm đà. Một vài lần vào mùa khô, tôi được theo mấy anh lớn vào tận bưng xa. Mấy anh thì tát đìa ở đầm sắp cạn nước để bắt cá về cho Bác gái tôi làm mắm đủ loại, nào cá lóc, cá trê, cá rô v.v… Còn tôi cùng người anh đồng tuổi đi hái đọt choại non, hay còn gọi là đọt rang, mọc dọc bờ kinh nước về cho Bác xào tỏi. Lúc đi cả ngày như vậy Bác gói theo cho chúng tôi cơm bó trong mo cau thơm phức, ăn với khô cá sặc nướng; có khi là mắm cá chưng nguyên con với tóp mỡ và chuối chát hay dưa leo vào buổi trưa. Tôi chưa từng thấy ai làm mắm cá ngon như Bác gái tôi cả. Xế chiều, mấy anh họ tôi chọn những con cá lóc hay lươn to nhất, bọc vào đất sét rồi nướng với lửa rơm to. Hương thơm ngào ngạt làm tôi đói bụng và thèm chảy nước miếng. Lúc ấy tôi mới biết mấy anh đã mang theo nào muối ớt, nào nước mắm me và cả rượu đế. Chúng tôi ăn uống no nê rồi mới gánh cá về. Đường về xa, tôi hết hăng hái lội bộ như lúc đi nên mấy anh phải thay phiên nhau công kênh tôi trên vai. Rất may là tôi ốm tong teo và nhẹ hều nên chẳng ai than phiền gì cả. Buổi tối, lúc nào Bác tôi cũng luộc một nồi khoai, khi thì khoai môn, lúc thì khoai lang, khoai mì, khoai từ, củ dong hay củ chóc bốc khói thơm lừng khắp nhà cho mọi người thưởng thức. Vào mùa lúa sắp chín, Bác trai gặt nếp sớm về làm cốm dẹp cho tôi ăn. Ôi! Mọi thứ nơi đây đều tuyệt hảo, tuyệt vời. Cuộc sống thật là thần tiên đối với đứa trẻ được cưng chiều và biệt đãi như tôi mỗi lần về quê Nội. Sau này tôi không còn dịp về quê Nội nữa, nhưng hương vị của những món ăn bình dân, giản dị này vẫn còn phảng phất theo tôi suốt đời. Vì vậy đối với tôi ngày nay, trồng rau hay ăn rau là để nhớ để thương về xứ sở, quê hương mình.
Trở lại chuyện của người bạn tôi, thường khi tôi vẫn nghe bạn bè ca tụng anh chị thật tài tình vì ra nước ngoài nhiều năm rồi mà còn dạy dỗ con cái theo khuôn khổ đạo đức, lễ nghĩa của một gia đình nho giáo, cổ kính thuở xưa ở miền quê Nam Việt Nam. Tôi nghĩ bạn bè mình quá lời, cho đến khi qua thăm gia đình anh chị tôi mới chứng kiến sự thật tận mắt và khâm phục anh chị vô cùng. Con cái của anh chị tuổi đều đã tròm trèm trên dưới 40. Chúng đã thành nhân, thành công, thành tài và có địa vị cũng như cuộc sống vững vàng trong xã hội. Vậy mà từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ vẫn một mực lễ phép, kính trên nhường dưới. Lúc vợ chồng tôi sang ở chơi một tuần, tất cả con cháu lớn nhỏ đều đến gặp mặt khoanh tay chào hỏi một cách cung kính, lễ độ y như văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi thật xúc động và cảm kích cách hành xử của các cháu, và có cảm tưởng như mình đang sống trong chuyện tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh vậy. Một cái gì thật quý báu, thật hiếm hoi, tưởng chừng như đã mất vĩnh viễn nay lại tìm thấy ở đây. Và thật may mắn, những điều tốt đẹp này về sau tôi cũng tìm thấy nơi một số gia đình bạn bè hay đồng nghiệp khác ở rải rác bốn phương mà tôi có dịp đến thăm viếng như ở Texas, Canada, Los Angeles…
Còn nữa, vào buổi tối, sau bữa cơm chiều lúc mọi người trong gia đình còn đang tựu họp, sum vầy hàn huyên, tôi bất chợt nghe vang lên giọng hát trong trẻo ngọt ngào, ngân nga bài vọng cổ tình tự quê hương đượm thắm sắc thái miền Nam đất Việt. Chao ôi! Nó thiết tha quyện tình sông nước quê nhà, sắt se ôm ấp lòng dân tộc, xuyên thấu vào trái tim lạc lõng, thắt thẻo của người tha hương. Thật ra, khi còn ở Việt Nam, tôi là người rất ít quan tâm đến cổ nhạc miền Nam. Và đây là một khiếm khuyết lớn nhất trong đời mà mãi sau năm 75 tôi mới phát giác ra. Lúc tôi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thì nền tân nhạc Việt Nam đang vào thời cực thịnh. Đi đến đâu cũng nghe nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc phản chiến, du ca được những nam nữ ca sĩ điêu luyện hát, từ radio, máy cassette băng nhựa v.v… Tuổi trẻ chúng tôi sống vồ vập, đua đòi chạy theo nhạc mới như thời thượng, mà quên hẳn rằng cổ nhạc mới chính là huyết mạch, là nguồn sống, là món ăn tinh thần của người miền Nam, vì nó đã thấm vào xương tủy của dân tộc mình qua bao đời rồi.
Vậy rồi sau năm 75, bẵng đi mấy năm liên tục, không thể tìm đâu ra dấu vết sách báo cũ cũng như những dòng nhạc xưa dù tân hay cổ. Lớp tuổi chúng tôi lúc đó, thiếu cơm bụng kêu ộp ẹp rồi cũng chữa khỏi, nhưng thiếu những món ăn tinh thần thì lúc nào cũng có cảm tưởng như mình sắp bị điên loạn. Nhà tôi ở Sài Gòn đâu lưng với nhà nữ ca sĩ Thanh Tuyền. Có lẽ nhịn lâu quá chịu không được nên mấy năm sau, thỉnh thoảng cô lên lầu phía sau đóng kín cửa sổ rồi luyện tập lại mấy bài hát cũ. Cô đâu biết rằng tôi đứng sau nhà mình, ngay dưới chân lầu nhà cô nghe không thiếu một lời dù cô hát thật nhỏ. Tôi vừa nghe vừa rưng rưng nước mắt. Một hôm cô cao hứng hát lên một đoạn ngắn cổ nhạc, tôi vốn dốt đặc về món này nên chẳng biết là bài gì, thể loại nào, chỉ nghe và biết đó là vọng cổ. Vậy mà tôi xúc động đến tận cùng tâm can và đứng khóc mùi mẫn. Tôi vừa nghe được “tiếng-xưa,” vừa nghe được “sự-sống,” mà sau bao năm cứ ngỡ rằng đã chết, đã vô hồn, đã đoạn tuyệt với quá khứ. Đôi khi tôi có dịp đi vào những ngõ hẻm ở Sài Gòn, nghe có người hát lại vài dòng nhạc cũ mà chân tôi như bị cột lại, bước đi không đành; vì biết nếu mình đi khuất lúc đó là sẽ đánh mất cái quý báu xa xưa vừa bắt gặp và sẽ thật khó tìm lại được.
Một hôm chị tôi được hãng thưởng cho hai vé cải lương, không ai đi cùng nên chị nài nỉ tôi theo. Đêm đó, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được coi hát cải lương mà lại do cô Thanh Nga đóng vai chánh trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh. Bấy giờ tôi mới nhận thức được cái hay, cái đặc sắc, cái tuyệt vời của nghệ thuật trong nền cổ nhạc miền Nam. Tôi tiếc mãi cho sự khám phá quá muộn màng và thiếu sót lớn lao của mình.
Sau này sang Mỹ, tôi bắt đầu chú tâm nghe cổ nhạc nhiều hơn, thưởng thức tính chất đầy dân tộc tính trong bài vọng cổ và yêu mến tài nghệ của những nghệ sĩ trong lãnh vực nghệ thuật này. Tôi tâm sự với một số bạn bè ở nước ngoài và họ cũng có cùng quan điểm thay đổi như thế.
Thì ra cái yêu hay ghét, tầm thường hay quan trọng, nhỏ bé hay to lớn trong đời sống thường ngày, vẫn luôn là yếu tố văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức, đã hòa lẫn trong máu trong xương tủy ta, mà một khi bị mất đi rồi thì mới thấy nó quý báu và cần thiết như nhau. Từ đó, mới cố mong tìm kiếm lại sự thiếu thốn này.
Một phần đời của tôi, của dân tộc và đất nước tôi đã bị đánh mất trong lòng quê hương mình. Và tôi đi tìm lại nó trên đất khách quê người. Gia đình bạn tôi đã mang theo và tiếp tục duy trì truyền thống của nếp sống quê xưa tại những vùng đất mới này. Những gì tôi tìm mãi không thấy tại quê nhà hiện nay, lại tìm được từ trong những mái gia đình nho nhỏ này.
Phải chăng “Tiếng Việt còn, đất nước còn?” Nếu nền móng đạo đức, lễ nghĩa, gia phong vẫn được tiếp tục duy trì, thì niềm tin vào giá trị văn hóa thuở trước của ta chắc hẳn chưa lung lay. Tiếng hát tình tự quê hương chưa dứt thì hồn thiêng sông núi có lẽ vẫn tồn tại. Lũy tre xanh đầu làng; con đê dẫn đến phiên chợ mai; vườn rau, luống cà, vồng khoai, nương bắp; hồ sen, ao súng sau nhà chắc vẫn luôn là hình ảnh quê cha đất tổ trong lòng mọi người tha hương. Cho nên, dù ở chân trời hay góc biển nào, ta cũng vẫn tạo dựng lại được một quê hương trong lòng mình. Vợ chồng và con cháu những người bạn mà tôi may mắn tới thăm đó đây đang bảo tồn những nét Chân-Thiện-Mỹ cho dân tộc, đang làm công việc “Gìn vàng giữ ngọc” cho thế hệ sau. Quý hóa làm sao! Đẹp đẽ biết bao!
Lòng tôi thật an ủi và ấm áp, vì luôn biết rằng đâu đó trên trái đất này vẫn còn có người mang theo chút hồn quê.
Nguyễn Thị Thu
* Nguồn NLS/Bình dương