|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Nhớ mùa gió chướng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13/01/2019
NHỚ MÙA GIÓ CHƯỚNG
Nhớ Mùa Gió Chướng
Chú Chín Cali
Giữa tháng mười âm lịch, sau vài đám mưa cuối mùa, thường là những trận mưa giông dữ dội, bà con Nam bộ đón gió Chướng về.
Bà nội đầu choàng khăn kín mít vì lạnh, ngồi bó gối trên cái chỏng tre trước nhà, lọ mọ vừa ngoái trầu vừa vểnh tai lắng nghe tiếng gió thổi xào xạc ngoài vườn. Gió đùa quanh sân nhà, vờn sóng trên sông, đong đưa những tàu dừa nghiêng ngả. Bà tặc lưỡi:
- Chà…gió Chướng đã về rồi,… thổi mạnh dữ ha!
Gió về như con bướm đầu Xuân xuất hiện, báo hiệu mùa mưa lê thê chấm dứt thay thế bởi mùa Xuân với nhiều hứa hẹn những ngày vui Tết đã cận kề. Gió mang theo nguồn sinh khí mới làm lòng người cũng thấy rộn rã nôn nao theo từng cơn gió thổi:
Một năm là mấy tháng Xuân
Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi!
Gió Chướng chính là ngọn gió mùa Đông Bắc, một trong hai ngọn gió chính ở Việt Nam, khi thổi qua miền Bắc được gọi là gió Bấc mang theo mưa phùn giá buốt của mùa Đông, nhưng khi thổi qua vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long lại là ngọn gió khô mát mẽ được bà con miền Nam gọi là gió Tết. Gió Tết nhắc nhở người dân Nam bộ dù có bôn ba xươi ngược nơi đâu cũng phải chuẩn bị về nhà ăn Tết:
Dù ai buôn bán nơi đâu
Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về.
Từ nghìn xưa ngọn gió Đông Bắc ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của người dân Việt. Tính chất khắc nghiệt của ngọn gió Bấc miền Bắc và sự lãng mạn trữ tình của ngọn gió Chướng miền Nam đã làm đề tàisáng tác cho bao nhiêu tác phẩm văn chương để đời trong kho tàng văn học Việt Nam.
Tôi sinh trưởng ở miệt vườn, nước ngọt quanh năm, cây trái xum xuê, dừa cao bóng mát che kín cả mặt trời nên tầm nhìn bị hạn hẹp. Lần đầu tiên được theo ba đi ghe thu lúa ruộng ở vùng sông nước mênh mông, trời cao đất rộng, đồng ruộng trãi dài mút mắt làm tôi cãm thấy mình bé nhỏ nên thích thú vô cùng. Ghe đi trên sông lớn trống trải nên gió Chướng thổi giật từng cơn mát rượi. Ba cố giữ vững tay chèo cho ghe vượt sóng nhấp nhô, áo quần bay phần phật trong gió. Những lượng sóng to nhỏ dồn dập kéo nhau vào bờ theo con nước lớn nước ròng, làm lao chao đám lục bình đang mùa trổ bông tím nhạt, màu tím quê hương gợi nhiều nỗi nhớ:
Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá
Hương phù sa châu thổ của quê mình
Mùa gió Chướng hoa lục bình nở rộ
Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn
(Trích từ phim “Chương trinh ký ức miền Tây”)
Hoa Lục Binh
Gió Chướng về làm làm lau sậy trổ bông, cờ lau trắng xóa ngoài đồng oằn oại theo từng con gió thổi.
Cờ Lau trổ bông trắng
Rau muống dại trổ hoa kèn tim tím dọc bờ sông, trên nương rẩy, dưới đầm, trên sân nhà ai hoang vắng cheo leo giửa đồng không mông hoạnh.
Chờ anh em hết sức chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Hoa rau Muống
Gió Chướng gắn liền với mùa So Đủa trổ bông trắng xóa, hoa đậu Rồng tim tím ấp ủ tình ong bướm mặn nồng. Lúc nầy là cuối mùa cá Linh nên vừa to vừa mập, lại là mùa cá Bông Lau, mùa tôm đất nhảy long chong khi bị bắt lên khỏi mặt nước. Canh chua tôm đất nấu với bông So Đủa, cá Bông Lau kho tộ chắm với đậu Rồng non vừa hái trên giàn là đặc sản của miền Nam, nghe nói đến là đã thấy thòm thèm hương vị quê hương.
Hoa So Đủa
Ngọn gió Chướng thổi vi vu và khí trời se se lạnh là thời tiết lý tưởng để dân làm “rẩy” trồng các hoa màu bán Tết trên đất “giồng” là những vùng đất cao nước ngọt quanh năm. Những cánh đồng lúa vàng chỉ trong một thời gian ngắn đã biến thành những cánh đồng xanh trồng dưa hấu, dưa gang, bí đao, bí rợ, hay những luống rau, luống cải hoặc giàn dưa leo, mướp đắng (khổ qua). Dưa hường, dưa ngọn, đọt bầu, bông bí là những phó sản dư thừa được nông dân bày bán dọc đường, ngoài chợ để kiếm thêm chút tiền lẻ. Lúc ấy món canh dưa hường quen thuộc không thể thiếu sót trong mỗi bữa cơm dân dã hằng ngày:
Má mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”
(Theo Đan Nguyên “Đặc Sản” mùa gió chướng)
Quê tôi lại là xứ chuyên trồng hoa Tết cung cấp cho các thanh phố lớn. Khi mùa mưa vừa dứt hột là mùa hoa kiểng bắt đầu. Màu sắc tươi vui của hoa kiểng trang điểm cho nàng Xuân thêm phần duyên dáng khiến lòng người càng háo hức mong chờ.
Mùa hoa tết
Chim Cu say cảnh động tình kéo nhau về xây tổ gáy rân trong vườn:
Cu kêu ba tiếng cu kêu
Kêu mau đến Tết, dựng nêu ăn chè
Chim Cưởng cũng trong mùa sinh sản cải cọ om sòm trên ngọn cây Dông (cây ngô đồng) cao vút đứng lẻ loi ngoài bờ sông đang nở bông đỏ chói. Tết là mùa vú sữa, mùa xoài đơm bông kết trái, mùa Mai vàng kết nụ nở hoa.
***
Bà Xã tôi rất cầu kỳ nhất định tìm mua cho được 4 loại trái cây: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, cho đủ bộ: “Cầu, vừa, đủ, xài” để chưng bàn thờ trong ba ngày Tết. Bánh tét bánh chưng thịt cá ê hề, rượu chè thừa thãi. Trong nhà, ngoài cửa, hoa kiểng chưng đầy. Bàn thờ nhan đèn khói hương ấm cúng. Ở Mỹ mọi người thoải mái ăn Tết thật linh đình.
Tiệc tùng rần rộ rồi cũng tan. Khách khứa, con cháu, nhà ai nấy về, trả lại sự yên tỉnh cố hữu của căn nhà nhỏ và sự tĩnh mịch của tâm hồn. Ngồi một mình, khi tâm hồn lắng đọng, tôi tự hỏi: “tôi vừa ăn Tết đó sao?” một cái Tết nhạt nhẽo không hồn!
Đối với tôi, hoa Mai, hoa Đào, hoa Cúc có chưng đầy nhà cũng không làm Tết đến. Tiệc tùng ăn nhậu linh đình cũng không mang đến hương vị mùa Xuân. Tôi ăn Tết nhưng niềm vui không trọn vẹn, cảm thấy có điều gì thiếu thốn bên trong, một nỗi nhớ bâng quơ nặng trĩu trong lòng.
Ăn Tết xứ người chỉ gợi thêm nhiều nỗi nhớ. Tôi nhớ quê nhà. Ngày xưa ăn Tết rất nghèo nhưng thật vui. Tôi nhớ ba tôi chèo ghe chở đàn con lóc nhóc đi sắm Tết. Tôi nhớ má tôi ngồi xắt thịt làm lạp xưởng, nhớ bà con lối xóm ngồi trên bộ vạt tre gói bánh tét cười nói huyên thuyên. Bên hàng xóm tiếng chày kêu “bùm bụp” nhà ai đang quết bánh phòng. Ngày Tết là ngày gia đình đoàn tụ. Tôi trông ngóng tiếng còi tầu văng vẳng của chiếc đò máy ở tỉnh về để chạy ù ra tận bờ sông đón mấy anh chị đi học xa về. Tôi nhớ cảnh tát đìa bắt cá, bắt tôm, rượt vịt, đuổi gà. Sáng sớm trời lành lạnh, khi sương mai còn rơi lộp độp trên những tàu lá chuối im lìm, mấy anh em tôi đi quơ củi đốt lửa cho ba nướng bánh tráng bánh phòng ăn sáng đồng thời ngồi hơ những bàn tay lạnh ngắt. Đêm về trời tối đen như mực nhớ cảnh ngồi bên ánh lửa hồng canh nồi bánh tét, nướng khoai lang, khoai mì, lùi hột mít. Ăn Tết thật đơn sơ nhưng hương vị thật đậm đà.
Ngày Tết ở quê tôi còn có ngọn gió Chướng thổi xạc xào cây cỏ, có chim Cu gáy rộ trong vườn, có So Đủa nở bông trắng xóa quanh nhà và Mai vàng nở rộ ngoài sân. Lúc ấy Tết mới thật sự về, mới làm hoa Tết trong lòng người nở rộ. Khi tâm hồn có hao hức đón Xuân thì hương vị của ngày Tết mới thật sự đậm đà.
Tết gắn liền với mùa gió Chướng. Đối với người dân Nam bộ, thiếu gió Chướng là thiếu cả mùa Xuân. Ăn Tết xứ người thì làm gì có gió Chướng để đón Xuân!
Thiếu gió Chướng là thiếu cả hình bóng quê nhà làm gợi bao nỗi nhớ, làm chạnh lòng kẻ tha phương thấytiếc thương một thời đã mất.
Lại thêm một cái Tết xa nhà. Không lẽ suốt đời ta sống kiếp tha hương?
Chú Chín Cali
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1061801 visitors (3174539 hits) |