15/11/2015
Phóng Sự:
NGƯỜI CHĂM TẠI TÂY NINH
NGỌC HUỆ-DIỆP LỤC TỐ
|
Dân số tỉnh Tây Ninh (TN) hiện nay là 1.095.583 người với 276.028 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 22 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh với 4.079 hộ, 17.661 nhân khẩu, chiếm 1,63% dân số toàn tỉnh. Ngoài dân tộc Kinh, thì những dân tộc thiểu số có số lượng nhiều là: dân tộc Khmer (1.844 hộ/7.650 nhân khẩu, chiếm 0,7% dân số toàn tỉnh), dân tộc Hoa 767 hộ/3.512 nhân khẩu, chiếm 0,32% dân số toàn tỉnh), người Tà Mun (369 hộ/1.612 nhân khẩu, chiếm 0,15% dân số toàn tỉnh). Các dân tộc thiểu số khác có số lượng ít, chiếm tỷ lệ 0,06%. Trong đó dân tộc Chăm có 850 hộ/3.814 nhân khẩu, chiếm 0,35% dân số toàn tỉnh.
Đồng bào Chăm ở TN sống quần tụ, hòa thuận, tương trợ lẫn nhau và có quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết với đồng bào Kinh và giữa các cụm dân cư dân tộc thiểu số. Tây Ninh có tất cả 9 xóm người Chăm: Phường 1 thành phố TN, Tân trung A, Tân trung B, Tân phú, ấp Chăm Suối dây, Tân Hội, Thạnh Thọ, ấp Cây Khế, Hội thanh. Tôn giáo của người Chăm là Hồi giáo (Islam), có 7 Thánh đường, tôn thờ Thượng đế Allah, tôn kính Thiên sứ Mohammed và Thiên kinh Qu'ran. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh TN có 17 vị. Ông HJ Chàm Sá làm trưởng ban, ông Math Ro Sali làm phó trưởng ban. Đây là một tổ chức đại diện cho tín đồ, hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tôn giáo đúng tôn chỉ giáo lý Hồi giáo (Islam) truyền thống. Phát huy những giá trị đạo đức tôn giáo phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới, giữ mối quan hệ giữa tín đồ với Đảng, Chính quyền và Mặt trận tổ quốc để chăm lo lợi ích cho tín đồ, động viên tín đồ phát huy bản thân để trở thành người công dân tốt, luôn chấp hành mọi chủ trương và luật pháp của Đảng và Nhà nước. Đoàn kết tôn giáo, dân tộc, đạo đời, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt nam. Phấn đấu vì mục tiêu chung "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh."
Cuộc sống của đồng bào Chăm trước 30/04/1975 chủ yếu là khai thác rừng, một số ít bộ phận sản xuất nông nghiệp theo lối du canh. Sau ngày thống nhất đất nước, đại bộ phận đồng bào Chăm đã đến định cư, định canh các vùng kinh tế mới tại các huyện Tân châu, Tân biên, một số ít (khoảng 80 hộ) còn đang sinh sống tại Khu phố 2, phường 1, Thị xã TN, cuộc sống chuyển sang sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ. Thông qua chương trình 134, 135 của Thủ tướng chính phủ hiện nay 100% xã, phường có đồng bào Chăm đã có hệ thống nước sinh hoạt nông thôn; trên 70% hộ dân tộc Chăm được sử dụng điện lưới quốc gia, đã cấp 60,71 hecta đất cho các hộ thiếu đấy sản xuất; hỗ trợ 131 nhà ở cho hộ nghèo với diện tích 8.980 m2... Đồng bào Chăm tích cực áp dụng cơ giới hóa, đưa kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, mía... Qua đó, tình hình kinh tế, xã hội vùng đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần được nâng lên, an ninh trật tự được ổn định. Việc thực hiện Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, điện, y tế,… xây dựng đạt chất lượng, phát huy được hiệu quả, góp phần làm thay đổi vùng biên giới, thay đổi vùng nông thôn và hình thành tập quán sản xuất mới, vươn lên thoát nghèo, giúp cho đồng bào an tâm định cư và phát triển sản xuất; giảm được hộ nghèo hàng năm, tạo niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và có nhiều chính sách nhằm bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc Chăm, đã khảo sát, sưu tầm và chọn lọc dân ca TN, trong đó có sưu tập 20 bài dân ca dân tộc Chăm, các cuộc lễ hội thường hát những bài ca hai lời: Việt - Chăm. Học sinh được học bộ chữ Chăm Arabic theo sách giáo khoa do TN - An giang kết hợp biên soạn (Chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định). Học sinh được học miễn phí, miễn đóng góp các loại quỹ và được cấp học bổng 280.000đồng/tháng theo QĐ số 82/2006/QĐ-TTg, ngày 14/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài quỹ khuyến học chung người Chăm xây dựng quỹ khuyến học riêng để tạo điều kiện cho học sinh nghèo hiếu học. Đến nay, có 100% số xã, phường có trạm y tế, mỗi trạm đều bố trí tương đối đầy đủ các y bác sĩ, hộ sinh theo qui định. 100% đồng bào nghèo dân tộc được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Ngành y tế còn thường xuyên tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền về sinh phòng bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân tộc Chăm, nên những năm gần đây đã không xảy ra dịch bệnh trong các cụm dân cư của đồng bào Chăm, hơn nữa tỉ lệ sinh và trẻ em suy dinh dưỡng được kéo giảm. Nhìn chung hoạt động của Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh thời gian qua rất tốt.
Công tác xây dựng Đảng, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc Chăm tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, một số làm Bí thư chi bộ ấp, người giữ chức vụ cao nhất là Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân châu. Toàn tỉnh hiện nay có 11 đảng viên người Chăm, chiếm tỷ lệ 0,04% so với tổng số đảng viên người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Những đảng viên nồng cốt phát huy vai trò tích cực trong công tác vận động đồng bào Chăm tại địa phương. Công tác tuyên truyền vận động, giáo dục chính trị về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã giúp đồng bào Chăm tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch dùng những luận điệu xuyên tạc, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc hòng chia rẽ khối đại đòan kết dân tộc. Nhờ đó, an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Chăm, vùng biên giới nhiều năm qua được giữ vững. Theo đó, trình độ dân trí người dân tộc Chăm ngày càng được nâng lên, so với các dân tộc thiểu số khác trong tỉnh thì trình độ học vấn dân tộc Chăm cao hơn, nhiều thanh niên tốt nghiệp đại học hơn. Hoạt động tín ngưỡng trở thành nét đặc trưng riêng, là một yếu tố rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc, đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện để các lễ trọng được diễn ra tốt đẹp, hướng đồng bào Chăm theo đạo Hồi (Islam) tu hành thuần túy gắn với phát huy tinh thần yêu nước.
Ông HJ Chàm Sá trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam, Giáo cả Thánh đường phường 1, cho biết: Do điều kiện của địa phương, trong nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh tổ chức dạy học tiếng Chăm cho học sinh tiểu học có 01 trường; Chương trình gồm 35 tuần/năm học (trong đó có 33 tuần thực học), chỉ tổ chức dạy học cho học sinh từ khối lớp 2 đến khối lớp 5, số tiết dạy được bố trí theo quy định là 4 tiết/ tuần/ khối lớp. Sách giáo khoa và sách giáo viên được dạy theo sách do Tây Ninh, An Giang kết hợp biên soạn. Thánh đường là nơi hoạt động tôn giáo cũng là nơi để họp hội chuyện làng nước. Các hoạt động có liên quan đến tôn giáo đều có ý kiến của ban đại diện và của chính quyền địa phương. Tháng này là tháng Ramadhan của người Hồi giáo (Islam), ngày 10/06/2015 Ban Đại diện đã tổ chức đón mừng tháng Ramadhan tại Thánh đường phường 1, thành phố TN. Đây là tháng linh thiêng nhất trong 12 tháng, vì là tháng phúc lành và bình an. Khi đến tháng Ramadan thì tất cả người Hồi giáo Islam trưởng thành, đúng 15 tuổi trở lên, phải nhịn chay trọn tháng, để tu sửa tâm tính, cầu xin mọi người biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.
Tuy đời sống cộng đồng của bà con dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn, song họ đã biết vươn lên trong cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Tây Ninh.
NGỌC HUỆ - DIỆP LỤC TỐ
P/V cùng với giáo cả,và phó giáo cả trong giờ lễ Nguyện
IMam chăm Ên giới thiệu sách học của hs tại lớp học Tân Trung A
P/v với ông Chăm Sá Trưởng Ban cộng đồng người Chăm tại Tây Ninh
Thánh đường Hồi Giáo Islam. ảnh P/v Ngọc Huệ