13/9/2015
Huế đẵ mưa chưa em?
Tôi đi giữa đất trời Philippines bỗng thèm được lang thang trên những con đường, dưới những nhịp cầu Trường Tiền dệt đầy mưa rơi ở Huế. Mưa lất phất ở Huế làm người ta nhớ nhung, mưa lạnh ở Huế làm ta thèm hơi ấm người thân. Tiếng hát của Vân Khánh vang vãng bên tai tôi.
“Chiều nay mưa trên phố Huế. Kiếp giang hồ không bến đợi. Mà mưa sao vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai”.
Và một mùa mưa nữa lại đến. Ánh mắt ai thân thương, ấp e sau chiếc nón Huế. Chợt yêu quá một buổi chiều mưa Huế. Chẳng có xứ nào mưa đẹp như mưa ở Huế. Chẳng có xứ nào mưa nhiều như mưa ở Huế!
Người ta vẫn hay bảo nhau rằng ở Huế chỉ có hai mùa mưa nắng. Thật ra Huế có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu và Đông và bốn mùa ở Huế đều có mưa, nhưng mưa mùa này khác với mưa mùa kia.
Mưa Xuân
Mùa Xuân ở Huế kéo dài trong các tháng một/giêng, hai và ba âm lịch.
Mùa Xuân, xứ Huế bao giờ cũng có mưa, không ít thì nhiều. Mùa Xuân đến với Huế bất chợt, nhẹ nhàng và chỉ có đi thoảng qua. Mưa Xuân xứ Huế thật đậm đà nét đáng yêu. Mưa như dát bạc, lấp lánh rơi xuống dòng sông Hương. Mưa chỉ lâm thâm nhưng cũng kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Ở Huế khí hậu lành lạnh trong tháng giêng và tháng hai âm lịch. Con người thấy lòng mình tràn ngập nỗi nhớ nhung da diết và người Huế thường tổ chức cúng đất, cúng sao để giải hạn xấu, cầu điều lành. Trời ở Huế bắt đầu từ từ giảm mưa vào cuối tháng hai âm lịch và gió mùa Đông Bắc cũng bắt đầu yếu đi trong tháng ba âm lịch. Thời tiết ở Huế trở ấm và khô dần và xứ Huế trở nên đẹp hơn với những ngày trong mát. Người Huế từ từ quên mặt áo ấm, áo mưa. Những tà áo dài với sắc màu xanh da trời, xanh lá cây, hay các màu khác dần dần bay ngập các con đường, cầu Tràng Tiền, cầu Gia Hội… ở Huế.
Mưa Hạ/Hè
Mùa Hạ/Hè ở Huế kéo dài trong các tháng bốn/tư, năm và sáu âm lịch.
Bắt đầu từ tháng tư âm lịch gió mùa Tây Nam khô nóng thổi vào xứ Huế, gây khô hạn, nóng. Mặt trời xuống rất gần, trời nắng chang chang, nắng như thiêu như đốt, nóng như nung người, nóng ghê gớm. Khí trời oi bức khiến cơn nóng mùa Hạ như nung người. Mồ hôi nhiều lúc ra như tắm. Ai ai đều mong mưa đến để rửa đi cái nóng oi bức. Ấy thế trời lại không mưa mà trời lại đứng gió làm thời gian như ngừng lại. Trái đất hầu như nứt nẻ, khô cằn. Những khi gió Lào thổi từng luồng, từng chập gió khô nóng, nhiệt độ ở Huế có thể lên đến 38°C - 40°C. Vì trời quá nóng bức những đàn trâu ở đồng ruộng quê ở quanh Huế nhanh chân xuống dầm dưới nước trong vũng bóng dưới gốc cây đa già, để tránh cái nắng rực lửa của mùa hè ở miền thôn dã. Song le, cái nắng rực lửa của mùa hè đã tươi gắt căng sức sống của ruộng đồng. Dưới ánh nắng của mùa hè ruộng đồng có nhiều bông lúa đầy hạt nặng.
Trong tháng năm âm lịch, ở Huế thật ít khi có mưa. Đôi khi ông trời lắc rắc một vài hột mưa. Những cơn mưa này thật ngắn và nhiều khi không đủ lớn nên lại càng làm cho không khí càng oi nồng, ngột ngạt thêm, hơi đất ngái xông lên và mùi khói đất lượn qua mũi. Những ngày đêm đứng gió, nóng bốc khói từng lỗ chân lông, người Huế ai ai đều ước mơ có một cơn gió nồm bay về để làm cho cái nóng mùa Hè dịu bớt đi. Chỉ một ngọn gió nồm bay về lúc trời hè đang đứng gió, mọi người đều cảm thấy mình như đang được hồi-sinh nhờ một luồng dưỡng khí của trời đất, mây nước. Vì thế khi thấy cơn gió nồm xuất hiện, ai ai cũng bon chen để tìm cách hóng mát, ngõ hầu làm dịu bớt sự nóng nực trong cơ thể.
Bất chợt trong tháng sáu âm lịch trời ở Huế bắt đầu có những cơn mưa dông ngẫu hứng. Đôi khi, sau một buổi sáng với mặt trời tỏa xuống những quầng lửa dữ dội và không khí oi nồng khó chịu, vào buổi trưa trời đột nhiên có nhiều mây đen ở đâu vần vũ kéo về, gió rít ào ào, thổi tung bụi mịt mù, lá rụng tơi bời trong vườn. Rồi những hạt mưa đua nhau lộp bộp trên mái nhà, sau đó òa vỡ thành một cơn mưa đã đời.
Những ngày Hè ở Huế những cây phượng khắp thành phố rợp trời hoa đỏ, và trời càng gắt thì phượng càng thắm. Phượng không nở đồng loạt mà như phân công nhau và nhờ thế nên phượng nở dài suốt mùa hạ. Những con đường ở Huế sáng bừng lên vì hoa phượng đỏ thắm, phượng thả mình bên dòng Hương trong veo. Cây phượng ở cạnh cầu Trường Tiền đã hút hồn biết bao nhiêu người Huế với những nhánh nặng trĩu hoa sà xuống mặt nước sông Hương. Nhà thơ Nam Trân đã diễn tả cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè ở xứ Huế qua các câu dưới đây.
Hoa phượng như giọt huyết
Dỏ xuống phủ lề đường
Mặt trời gay gay đỏ
Nhuộm đỏ góc sông Hương
Những ngày Hè ở Huế cũng có những con đường khi đi ngang qua chỉ nghe toàn tiếng ve râm ran trong rợp mát của những chùm phượng đỏ khổng lồ. Những tiếng ve ve trong vườn ở khu Canh Nông cuối đường Kinh Thương trong Quận Thành Nội trong thưở thơ ấu của tôi và ngàn tiếng ve trong nhiều buổi trưa trời đang oi nồng ở khu vườn sau nhà ở đường Gia Hội. Dường như nắng càng gắt thì hoa phượng lại càng đỏ, càng tươi tắn dưới khoảng trời xanh. Mùa Hè, học trò giả từ thầy cô để nghỉ hè sau những tháng ngày miệt mài ở ghế nhà trường.
Vào những ngày cuối tháng sáu âm lịch, cuối mùa Hè/Hạ, Huế có những cơn mưa bất chợt như nước mắt vợ chồng Ngâu rơi xuống. Mưa vào cuối mùa Hè làm cho hoa phượng rơi rụng nhiều, trải thành một tấm thảm đỏ quanh gốc cây trong sân trường Quốc Học. Giọng các chú ve bắt đầu khàn đi không còn trong trẻo như những ngày đầu mùa và mùa Thu bắt đầu chầm chậm đi vào Huế, như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã viết.
Hoa phượng rơi đón mùa thu tới
Màu lưu luyến nhớ quá thu ơi
Mưa Thu
Mùa Thu ở Huế kéo dài trong các tháng bảy, tám, và chín âm lịch.
Sang tháng bảy âm lịch, nắng đã vợi bớt nhiều, thế nhưng Huế vẫn còn nóng từng ngày. Có điều khác lạ là những cơn mưa giông buổi chiều dần xuất hiện làm cho thời tiết buổi chiều tối và về khuya dịu nhẹ hơn, mát mẻ hơn. Mưa nhẹ thôi, từ tang tảng sáng, hay từ xê xế trưa. Huế có một mùa Vu Lan ngày rằm tháng bảy âm lịch. Cứ đến mùa Vu Lan nhà chùa thả giăng hoa đăng đầy mặt sông Hương.
Vào mùa thu mà bắt gặp một ngày trời trong xanh nhẹ lên cao, nắng vàng trải nhẹ khắp nẻo đường, có đôi chút se se lạnh thì đúng thật quá hiếm hoi. Hơi thu len vào người từ lúc nửa đêm và về sáng lúc mọi người bắt đầu trôi vào giấc điệp có thể cần một mảnh chăn đơn cho ấm. Sau những ngày nắng gắt, rau cỏ trong vườn như tươi non hơn sau những cơn mưa chuyển mùa. Những cơn mưa sau chuỗi ngày nắng gắt mùa Hè đã đánh thức tất cả những mầm sống của rau muống, khiến cái đọt rau nó trườn ra mãnh liệt, khiến cái ngọt thanh của cọng rau muống cũng được dịp mà non, mà mềm - rau muống dịp này ở Huế ngon nhất trong năm.
Song le, đôi khi Huế có trận mưa lớn trong tháng bảy âm lịch đẩy nước sông Hương dâng cao mà gây lụt ở những vùng đất thấp. Người Huế vẫn hay nhắc nhau rằng “tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Hằng năm, Huế dễ chừng có đến năm, sáu cái lụt, bắt đầu tính từ tháng bảy âm lịch trong mùa Hè khi nước nhảy lên bờ. Về làng quê ngay sau trận mưa lớn, có khi lụt tiểu mãn, bấy giờ cánh đồng làng vừa gặt xong, cá rô, cá trê từ hói rúc lên đồng, chỉ cần đặt chẹp là bắt được khối cá.
Tháng tám âm lịch gió Tây Nam bắt đầu ngưng và bão có thể xuất hiện ở Huế. Vào tháng này những nương cải hoa vàng hoe lên trong nắng, có những đám vàng ven sông như một bức tranh quê lộng lẫy. Tết Trung Thu ngày 15 tháng tám âm lịch có trăng to dáng tròn xinh xinh, sáng trong như gương và đẹp nhất. Trăng lên cao tỏa sáng khắp khoảng trời xanh thẳm. Về làng trong tháng tám âm lịch mùi rơm phơi dọc đường làng dậy lên tươi mới thơm thơm ngọt ngọt.
Gần như cái mát dịu của mùa Thu đi tìm nơi trú ẩn trong vườn hoa trái, nên mùa Thu là mùa cây trái xứ Huế chín rộ. Nhãn lồng Thành Nội vừa chín đến trái cuối cùng, các nhà vườn còn lủng lẳng thanh trà, cam, quýt, bưởi bồng. Thanh trà Nguyệt Biều đã được bắt đầu thu hoạch từ tháng sáu âm lịch nhưng phải đến tháng tám âm lịch thanh trà mới ngon. Cũng vậy, quýt Hương Cần tháng tám âm lịch là ngon nhất.
Nếu vào những buổi chiều thu nào đó ở Huế, có những đàn chim bay xao xác từ phía biển lên rừng trên bầu trời đã lãng đãng mây hồng lam pha sắc tím, đó là khi trời đang chuyển sang mùa mưa. Mưa và bão trong tháng chín âm lịch cũng thường gây nên lụt ở Huế. Mặc dù chưa phải là mùa rét, Huế bắt đầu chịu ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc mà trở lạnh trong tháng chín âm lịch. Mưa lất phất bay nghiêng cầu Tràng Tiền. Con gái Huế đạp xe qua cầu, má còn đỏ hây vì chút se lạnh đầu Đông.
Mưa Đông
Mùa Đông ở Huế kéo dài trong các tháng mười, mười một và mười hai/chạp âm lịch.
Tháng mười âm lịch có nhiều mưa. Mưa lặng thầm gieo mình vào nước sông Hương và dòng sông hòa lẫn vào màu mưa vẽ ra một vệt dài thương nhớ. Mưa xối xả, mưa trắng trời có lẽ chỉ xảy ra vào giữa tháng mười cho đến giữa tháng mười một âm lịch. Một sáng tháng mười âm lịch, trời Huế trở lạnh, nước sông Hương dâng cao, đục ngầu và cuồn cuộn chảy như chưa bao giờ được chảy, báo tin cơn lụt sắp đến. Lụt và bão thường đến thường hơn trong tháng mười âm lịch. Ở Huế, đường phố trong những ngày lụt rất có ít bóng dáng xe cộ, mà thay vào đó là từng nhóm năm bảy người già có, con nít có, nam có, nữ có, với chiếc quần đùi hoặc quần dài xăng đến tận đùi, tùm hụp trong chiếc áo mưa, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả.
Một cơn lụt nhỏ hoặc vừa giúp vào việc thau chua rửa mặn, bổ sung phù sa cho các ruộng lúa và diệt chuột, diệt sâu bọ phá hại lúa. Lũ lụt nhỏ hoặc vừa cũng khởi đầu cho một mùa đi đơm đặt cá, nhất là ở thôn quê. Từng đàn cá gáy, cá rô, cá tràu cằn lên tận những thửa ruộng cao, khi nước lụt bắt đầu tràn qua bờ đê, để đẻ trứng. Những người đi đơm cá lặng lẽ theo luồng đi của cá mà đặt chẹp, đơm lừ để chặn lối về của chúng. Lũ lụt cũng là dịp mà dân ở thành phố được trở thành những tay câu cá, cất rớ.
Song le, nếu là lụt lớn trôi nhà, trôi lúa thì không ai dám mong. Lụt lớn thì hầu như nơi nào cũng ngập, ngập đến vài ngày. Có những ngày lũ lớn tràn về khẩn cấp, dọn nhà không kịp, đồ đạc, thức ăn bị ngập trong nước là chuyện thường. Suốt cả tuần phải ăn gạo đã ngấm nước lên men chua lè, thức ăn chỉ có muối sả, dưa chua, đồ hộp mà thôi. Chẳng bao giờ tôi quên được cái lụt khủng khiếp năm 1953. Nước lụt năm này dâng ngập đến mái, đến nóc nhà và nhiều gia đình phải di tản đến các trung tâm tránh lụt đông đúc, thiếu thốn không những đồ ăn, nước uống mà ngay cả các phương tiện vệ sinh.
Tháng mười một âm lịch có lượng mưa lớn nhất, chiếm tới 30% lượng mưa cả năm. Tháng mười một và tháng mười hai/chạp âm lịch, Huế đi vào mùa Đông. Trong các tháng này ở Huế có những đợt mưa dai dẵng, dài đến mấy chục ngày đêm, mưa dầm dề, ủ ê, thúi trời thúi đất. Huế chìm vào màn mưa trắng xóa, mưa dầm dề mãi, ướt hết ngày dài, ướt cả những đêm thâu. Mưa bay nghiêng rát buốt mặt, đỏ hoe mắt. Mưa lất phất kèm gió bấc lạnh xuýt xoa.
Buổi chiều đi về dưới mưa dầm rét mướt, nghe mưa luồn qua kẽ tay, luồn vào áo mưa rồi thấm vào da thịt lạnh buốt. Trời đất chìm trong một màn nước đùng đục và những tà áo dài trắng học trò, những tà áo dài tím thiếu nữ, những tà áo dài nâu của các o, các mệ phải ủ trong áo choàng, áo len. Ở Huế khung cảnh thường trầm lặng, vào mùa mưa lại càng buồn bã hơn, nhà cửa rêu phong phủ đầy, sân ngõ lầy lội, đường phố ẩm ướt, bầu trời ảm đạm từ sáng đến tối, xám xịt, giá buốt.
Mùa Đông Nước sông Hương thôi trong xanh mà bàng bạc dâng lên trong mây mù. Ông lão giăng câu chèo chiếc ghe nhỏ như chiếc lá giữa dòng để bắt cá; may lắm chỉ bắt được vài cân cá bống, cá rô nhỏ đủ để đong gạo qua ngày. Mưa mùa Đông làm ướt sũng những chuyến xích lô lầm lũi và những phụ nữ gánh hàng rong bôn ba qua những đường phố quen chờ mong có khách. Mặt của các em ngồi bán ốc sò ở chân cầu Gia Hội tím đi vì cái lạnh của chiều Đông và tiếng rao phở trở nên lạc lõng giữa cơn mưa não nề trong những đêm khuya.
Có ở nơi nào mưa dầm dề suốt ngày này qua tháng khác, mưa đến độ thúi đất thúi đai, vừa mở mắt ra đã thấy mưa trắng xóa bên khung cửa sổ. Nhiều khi mưa cả tuần hoặc hai tuần không ngớt, mưa như ai nghiêng cả một cái giếng mà đổ hết lên mái nhà. Mưa lóng lánh rơi trên vòm cây long não. Mưa tí tách bên thềm nhà rêu phong. Giọt mưa rơi rớt xuống trần, gọi về trên từng góc phố, hàng cây. Mưa quyện vào da thịt, vào trong mắt. Mưa rả rích, mưa da diết, mưa kéo dài lê thê, với những đợt gió se lạnh gây cho lòng buồn tím lịm. Mưa rơi rớt giữa khung trời khiến đưa ta về với những kỷ niệm xưa. Mưa rả rích, mưa da diết, mưa triền miên, mưa như cố làm chậm lại hoặc làm đông cứng tất cả những gì hoạt náo, tươi vui vốn đã hiếm hoi ở cái thành phố Huế này.
Càng gần tới tháng giêng âm lịch thì mưa nhỏ dần nhưng vẫn còn dai dẳng lắm. Vào cuối mùa mưa của mùa Đông - trước và sau Tết một chút - thường có những cơn mưa phùn, mưa bụi. Ở Huế vào thời gian này trời trở lạnh và mưa làm cho cái lạnh càng da diết. Gò lưng đạp xe qua cầu Tràng Tiền trong mưa lạnh trên đường đi học chiếc áo mưa không đủ che cho hai ống quần và cổ áo nên làm mình lạnh thêm.
Trong những ngày cuối năm âm lịch khi những hạt mưa cuối cùng của mùa Đông bớt rơi xuống trên mặt sông Hương, bầu trời quang đãng hẳn lên, không khí như nhẹ hẳn lên và những vạt nắng bắt đầu tràn đến trên đám lá cỏ tơ non, người ta biết từ đâu đó, mùa Xuân đã nhẹ nhàng gõ cửa. Hoa mai nở vàng rộ trong các sân nhà và vườn cây. Những chồi non mới nhú lung linh trong nắng mai mật ngọt báo hiệu Tết sắp đến, báo hiệu một năm mới đang đến với những mạch nguồn căng tràn sức sống. Phía Đông dần dần hén lên một chút nắng. Các gia đình ở Huế lục tục sửa soạn, lôi áo quần và mền mùng ra phơi. Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, hội chợ Hoa Xuân lại được tổ chức tại Thương Bạc bên bờ sông Hương thơ mộng.
Bốn Mùa Mưa Huế
Ở Huế, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đều có mưa. Bởi vẻ đẹp của nó nên mưa Huế đã đi vào thơ ca, nhạc họa và trở thành một dấu ấn thời tiết riêng của xứ Huế.
Huế có những cơn mưa dài. Huế củng có những cơn mưa chợt tạnh, chợt mưa như tâm tình hay hờn dỗi của người con gái Huế. Huế củng có những cơn mưa ào ạt, triền miên như trút hết nước của đất trời vào lòng người Huế.
Có người không thích mưa Huế nên mỗi mùa mưa về có tâm trạng “Mưa chi mà mưa dầm, mưa dề Huế ơi!”. Nhưng đối với tôi mưa Huế thật dịu, thật mát. Bài hát “Mưa trên phố Huế” của hai nhạc sĩ Minh Kỳ và Tôn Nữ Thụy Khương có những câu “chợ Đông Ba khi mình qua, lá me bay bay là đà…” . Tôi thường có cái cảm giác lâng lâng khi nhìn những lá me bay bay trong cái chiều lành lạnh trong làn mưa phùn lay lất ở Huế. Cái cảm giác ấy cứ đọng mãi trong tâm khảm tôi.
Nguyễn Văn Ngưu
20 August 2015
Lời Giới Thiệu: TS Nguyễn Văn Ngưu, sau khi tốt nghiệp PhD, làm việc cho Viện Lúa gạo IRRI ở Phi Luật Tân, rồi giảng viên của Đại Học Quốc Gia Philippines. Từ 1991 đến 1993, làm việc cho Lương Nông Quốc Tế FAO tại các quốc gia Tây Phi Châu, từ 1993 - 2009, về làm việc tại Rome, phụ trách và hổ trợ kỹ thuật các chương trình lúa gạo của FAO trên toàn thế giới, công tác khoảng 60 quốc gia dưới thời GS Tôn Thất Trình và sau đó là TS Trần Văn Đạt là chánh Chuyên Viên của FAO phụ trách lúa gạo toàn thế giới. Ông đã về hưu và hiện sống ở Philippines.