9/7/2015
BLAO,
Chuyện của Mình.
Bài số 8
Cây Đa Khu 8
Bùi Tho.
Cây Đa đầu làng là nét đặc trưng của làng quê Việt Nam qua bao đời nay, là nơi nghỉ chân giữa trưa hè cho khách bộ hành, là nơi ta thường thấy được đặt những miếu thờ hay một ngôi chùa cổ, là nơi vứt bỏ những vật dụng hư vở đa phần là đồ sành sứ của dân quanh vùng, là nơi một số chim chóc chọn làm tổ hoặc đến mùa tụ về đây ca hót.
Thường những cây này là đa, đề, sanh, si.. thuộc nhóm phụ sinh có những rể phụ thả thòng xuống tạo cho cảnh trí trở nên kỳ bí khiến cho ít ai dám đến gần phá phách ..Nơi đó có những câu chuyện huyễn hoặc, những truyền thuyết dựng nên, rồi đời này truyền cho đời kia và còn thêm thắt cho nó một vẻ linh thiêng…
Đã vào thế kỷ 21, trong các khu dân cư và cả những thành phố lớn chúng ta còn thấy những cây cổ thụ mà người dân quanh vùng luôn bảo vệ. Sự xuất hiện và tồn tại của chúng có nhiều điều chúng ta cần tìm hiểu.
Được biết những cây này thuộc nhóm phụ sinh thường mọc bám trên một thân cây khác, có bộ rể mạnh, khi phát triển sẽ siết chết cây chủ , cho nên thường thấy phần đông các cây đa ngòai hệ thống rể thả thòng còn phần thân chính thường bộng là do thân cây chủ bị mục ruổng đi, khởi đầu có thể do chim chóc đem hạt giống loại cây này phát tán, thường trên những cây to có chảng rộng tích chứa mùn lá là chổ thích hợp cho hạt giống nẩy mầm, thuận lợi cho cây sinh trưởng, đó cũng là lý do tại sao các cây đa trong rừng thường cao to hơn cách lòai cây khác. Chính sự cao to, rể thả thòng biến thành nhiều thân thêm cái rỗng ruột làm nơi trú ẩn của rắn rết, dơi, chuột, cắc ké, kỳ nhông trú ngụ, rồi tiếng động, tiếng kêu của chúng và cả tiếng gió rít qua bộng cây cũng làm tăng thêm cho sự kỳ bí của cây này rồi. Vì vậy mà ở cái thuở xa xưa, con người vốn kiêng sợ trước oai linh của thiên nhiên ..nào thần núi thần sông, thần sấm thần sét..và cả thần cây…. nên lúc phá rừng lập ấp tìm chỗ lập cư thường không dám đốn hạ những cây như thế, một phần do sợ oai linh? một phần do cây quá to lớn, nhiều thân, nhiều rể, cành lá lòa xòa phủ kín. Với cây rựa, cái rìu phương tiện thô sơ thường dùng thời ấy khó lòng đốn hạ vì có thể cành nhánh sẽ đổ ập vào người, nên bỏ qua và đương nhiên chấp nhận sự hiện diện kèm theo sự tôn sùng của nó trong cuộc sống.
Một trường hợp khác để ta có được những cây như thế, là do những người có trước chúng ta yêu thích cây hoa đã đem giống về trồng ở chùa, miếu hoặc tai gia trang của những danh gia thế tộc, những cây đó được phát triển nếu ở chùa miếu là nơi trang nghiêm dân chúng gìn giữ vì giá trị tâm linh, còn ở những nhà danh gia thế tộc người dân quanh vùng lưu giữ vì uy đức của người trồng
Giá trị Lịch sử cũng cũng là một yếu tố khá quan trọng để chúng ta tôn trọng và gìn giữ như cây đa Tân Trào đã gắn liền với Lịch sử Đảng và những cây trồng Lưu niệm trong một dịp lễ hay cuộc thăm viếng của một chính khách chẳng hạn..
Tôi không có điều kiện đi nhiều, nhưng những con đường và địa phương đã đi qua tôi thường thấy những cây cổ thụ nằm rải rác trong khu phố thị ,,riêng trên Quốc lộ 20 từ Đà lạt đi Sài gòn ta sẽ thấy những cây đa ở Liên Khương, chợ Tùng Nghĩa, chợ Phú Hiệp, cây Quéo ở Di Linh,.. hai cây đa ở Trảng Bom…và nếu tinh ý ta thấy được cây ở Tùng Nghĩa và Trảng Bom quanh gốc cây có những bát nhang hay am thờ đặt ở đó…Rồi ngay cả trong Thành phố Hồ chí Minh không kể những cây trong Thảo cầm Viên, công viên Tao Đàn và các công viên khác..Ta vẫn thường thấy đây đó những cây cổ thụ nằm trong phố thị, chắc chắn là nó có một xuất xứ cũng như một lý do để tồn tại đến ngày nay.
Rất khó để nói về xuất xứ, nhưng sự tồn tại như đã được nêu ở trên, ngoài việc dùng cho nhu cầu bóng mát, cảnh quang và một yếu tố quan trọng phải kể đến đó là cái thiêng liêng thành huyền thọai chính nó tạo cho mỗi cây có một “Thần Tính” mà dân gian đã chấp nhận, tôn trọng và gìn giữ.
Xin được kể hai trường hợp như sau:
*Năm 1954 sau hiệp định Genève tôi được về thăm quê nội ở thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh huyện An nhơn tỉnh Bình Định, ngày đó tôi cùng các bạn trong xóm ra chơi đùa trước sân một cái miếu, .Mới đây, tháng 6/2009 tôi có dịp trở lại nơi ấy thì cảnh vật thay đổi quá nhiều, ngay tại nhà ông nội tôi, khi hỏi về cái miếu, thì anh Bùi Ngọc Hùng chỉ về phía cây to giữa cánh đồng, anh bảo “sau năm 1975, quy họach đất đai vào tập đòan người ta đã phá bỏ cái miếu rồi, bên cạnh cái miếu có một cây sung. Ngày ấy người ta dùng máy ủi DT 75 để dọn dẹp công trình, đến khi đặt ben để ủi cây sung thì xe bị tắt máy, sau khi sửa chữa xong bắt đầu ủi lại thì xe lại đứt xích.. và cuối cùng người ta quyết định để cây lại không ủi nữa! nghĩ là có điềm không tốt ? “ anh Hùng kể tiếp rằng đã từ lâu rồi người ta kiêng nể coi cây này linh thiêng, bởi lẽ có câu chuyện truyền miệng “ một vị bô lão trong làng đã đến chặt cây này thì bị văng rựa, té ngã rồi bị bệnh” cuối cùng cây sung còn tồn tại đến ngày nay thành chỗ nghỉ trưa núp nắng cho bà con sau giờ lao động.
Tại phường Blao thành phố Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng, có một cây Trâm mọc ở đầu dốc mà khi còn bé chúng tôi không ai dám đụng chạm, leo trèo, vì nghe người lớn quanh vùng bảo rằng cây này linh thiêng với chuyện kể rằng thời mới thành lập khu dân cư, một cụ già đã tính đốn hạ cây này về làm nhà, nhưng khí tiến hành thì gảy rựa rồi đổ bệnh phaỉ cúng kiến tạ lỗi mới yên .. Từ đó vào các ngày rằm, mồng một, thanh minh hay cuối năm người sống gần đều chăm lo hương khói.. Và cho đến nay , năm 2012 bà con quanh vùng đã xây sửa và đặt thêm các am, miếu quanh gốc cây ngày ngày hương khói tôn thêm vẽ trang nghiêm để rồi có một tên gọi quen gọi là “Cây Đa Khu 8”.Tìm hiểu thêm thì mới biết bà con quanh vùng Cây Đa Khu 8 này đã tổ chức thành lệ hằng năm là cúng Cây Đa vào những ngày cuối năm âm lịch.
Tục lệ này bắt đầu từ lâu rồi do ông bà nguyễn Xu vốn là trưởng lão cũng là hương chức của làng Công Hinh thời mới khai hoang lâp, lấy ngày 26-tháng chạp làm lễ cúng cây, chính ông là người có ý định chặt cây mà không thành ngày trước, sau đó ông Loan con trưởng của ông vẫn còn duy trì, việc cúng kiến thì tiến hành ở gốc cây còn thụ lộc ăn uống cùng bà con thì ở tại nhà coi như nghĩa vụ của gia đình.
Một lễ cúng cây nữa vào ngày 22- tháng chạp do anh chị Châu Thạnh người mới nhập cư hơn mười năm nay, nhà gần đó đứng ra khởi xướng được sự hổ trợ của bà con chung quanh, việc cúng kiến tổ chức ngay gốc cây, việc ăn uống cũng tổ chức ngay tại đó, tùy nghi đóng góp, tuỳ duyên tham dự, có nghĩa là đóng góp ít nhiều gì cũng được, không có cũng xong ..còn nếu ngang qua ghé lại sẽ được mời dùng một chung rượu ăn một miếng xôi lấy lộc. Việc cúng kiến một phần là sự kế tục người xưa, một phần thể hiện sự tôn kính thiêng liêng mà ít nhiều những người gần đo đã từng trải nghiệm và phần còn lại chính là sự bảo vệ gần như tuyệt đối một cái cây một cảnh trí mà không cần một điều lệnh, một nghiêm cấm nào sánh được.Vì nó mang giá trị của tâm linh.
* Cây đa khu 8 là tên gọi mới đây, khi Bảo lộc trở thành thị trấn Blao, người ta phân khu vực hành chánh làm nhiều khu, trong đó vùng có cây trâm thuộc khu 8. Nếu tính từ thời lập làng Công Hinh thì tên gọi là xóm trong, xóm của người Huế là khu chuyển tiếp với sở Bảo Đại với những gia đình ông Cháu, ông bộ Xu, ông cai Hiền, Diện lùn , Diện cao, thợ Giàu, Nguyễn Thẻ …vốn là những tín đồ phật tử thuần thành. Đến thời đệ nhất đệ nhị Cộng hòa mang tên là ấp Thiện Chánh, việc cúng kiến trước đó chỉ có gia đình ông bộ Xu theo một số người gần gủi, cho mãi đến cuối thập niên 1980 thì mới được nhiều người tham gia và ngày nay nó trở thành một lệ không thể thiếu, không những chỉ có người tại chỗ mà cả ông Bà Huỳnh Thiện hiện ở Hoa Kỳ vốn là người ở trong khu 8 trước đây gửi quà tiến cúng, luôn nhắc nhở con cái và bà con quanh vùng tiến hành cúng kiến hàng năm.
Từ chuyện ông cụ già chặt cây, gảy rựa, ngã bệnh…nếu có thật cũng là chuyện thường tình, chúng được truyền miệng trước đây khi mà cuộc sống của con người cho rằng có thần linh quanh quẩn, nhất là qua hệ thống” tam sao thất bổn “câu chuyện trở nên kỳ bí, huyễn hoặc thêm"
Vì nhu cầu cuộc sống, những khoảng rừng bạt ngàn, những núi đồi um tùm cây cối, giờ đây trơ trụi…Nếu có dịp đi qua, những vùng núi đồi trơ trọc đó ta vẫn còn thấy được một vài gốc cây to le loi một cõi, hay thêm một cụm nhỏ cây bụi vây quanh, như dấu tích của vùng rừng rậm xưa kia, mà một thần dân Sơn cước ngày nay vẫn trả lời rạch ròi rằng “ Vì nhu cầu đất sống , theo lệnh truyền của cha ông, của già làng , bất cứ giá nào cũng phải để lại cây cao bóng cả của một khoảng rừng vì ở đó thần linh còn nơi trú ngụ…” Thần linh là ai chắc chúng ta chẳng bao giờ thấy, nhưng cái lợi trước mắt là được ngồi nghỉ núp bóng dưới nắng gắt ngày hè, là cái mốc định vị cho một cuộc đi lại quanh vùng. Và quan trọng hơn cả như một lời cảnh báo, : “ Nơi đây xưa kia là một khu rừng, có mưa thuận gió hòa, có suối nước róc rách, có hoa lá, có gỗ để làm nhà, có nấm để ăn, có măng để bẻ….còn bây giờ mình ta một cõi, ta tiếc nuối cũng như loài người đang tiếc nuối.
Nhờ Cơ giới, nhờ phương tiện hiện đại, nhờ công nghệ nuôi trồng, nhờ hóa chất …người ta có thể di chuyển và trồng lại chớp nhoáng một cây to vào một vị trí mới, nơi sân vườn của một cơ ngơi lộng lẫy, cây phát triển nhanh chóng.. Nhưng không thể nào bằng được những cây đã sống theo thời gian cùng chúng ta, nó mang nhiều dâu tích kỷ niệm trân quí và cả sự tôn sùng cung kính nữa.
Cây Sung cồ thụ ở Bình Định.
Cây Trâm K8/BL
Ông Loan
Rể quấn quanh thân cây ch
Thụ lộc quanh gốc cây