6/3/2016
Trở lại Kalaw (tt) 6/3
Anh bạn Zaw Minn tiếp tục đưa tôi dọc theo con đường Pyay, sau một năm vẫn chẳng có gì thay đổi, dường như chính quyền rất có trách nhiệm trong việc qui hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình dân dụng.
Yangon là một thành phố đầy cây xanh, không phải chỉ do bởi những “vườn rừng” tồn tại từ trước đó, mà thật sự cũng nhờ bởi kế hoạch xanh hóa đô thị của chính quyền, vừa bảo tồn, vừa trồng mới hàng chục ngàn cây trong nội ô. Cùng với cây xanh, Yangon còn có 2 hồ nước lớn, Inya và Kandawgyi. Từ thời thuộc địa, đây là nguồn nước sạch chủ yếu cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.Hai hồ này đồng thời cũng là mảng không gian mở vừa làm thoáng đẹp thành phố vừa giữ cho môi trường sinh thái nội ô được trong lành. Hồ Kandawgyi nằm ở phía Đông chùa Shwedagon, trong công viên cùng tên. Còn hồ Inya, lớn hơn, nằm cách chùa Shwedagon khoảng 7 km về phía Bắc, đường Pyay có đoạn vượt qua một góc nhỏ của hồ này.Tôi lấy mốc là chùa Shwedagon bởi vì chắc chắn bạn nào đi Miến Điện cũng đều phải ghé thăm, nếu không muốn bị xem như chưa tới Myanmar!
Sau đây là bản đồ lộ trình mà anh bạn Zaw Minn đưa tôi đi từ phi trường quốc tế về khu phố chính Yangon, 02-11-2014, chỗ chữ (A) là đoạn đường Pyay cắt ngang 1 góc nhỏ hồ Inya.
Và đây là ảnh chụp năm 2014, chẳng khác gì quang cảnh “năm xưa”, 2013, ngoại trừ kỳ này …bước lang thang thiếu bớt một người, như từng đã bao lần!
Như đã nói, Myanmar vốn là thuộc địa của Anh, nên Yangon cũng được qui hoạch xây dựng theo chuẩn Châu Âu rất chuyên nghiệp. Phố sá nằm trên những con đường rộng lớn, thẳng tắp ngang dọc kiễu bàn cờ, không hẽm nhỏ, ngoại trừ những con đường duyên dáng len lỏi qua những vườn rừng chung quanh khu trung tâm.
Với diện tích gần 600km vuông, không bằng 1% diện tích Myanmar(678.000km2), nhưng dân cư lại chiếm đến 1/10 số dân cả nước, khoảng 5 triệu người, vậy mà thành phố Yangon không có vẻ ngột ngạt, đông đúc, có lẽ do hoàn toàn không có xe gắn máy 2 bánh và nhất là nhờ những vườn cây xanh hiện diện khắp nơi, thay cho những phố xá, cao ốc …nặng nề, chật chội!
So với một số thành phố lớn trong khu vực, Yangon “chưa” có nhiều công trình to lớn như những tòa nhà hàng 50, 70 tầng, những đường cao tốc trên không “bắc cầu” qua các khu vực nội thị dập dìu xe cộ…nghĩa là Yangon vẫn còn “nghèo”; nhưng giá trị của Yangon không thể tính được bằng tiền hay hiện vật, nó thật sự vô giá bởi cái sang trọng cổ kính của các công trình mang đậm phong cách La-Hy còn lại từ thời thuộc địa, pha trộn với kiến trúc Phật giáo Á Đông “đặc thù Miến Điện” mà không nơi nào khác có. Yangon giống như một chàng công tử hào hoa Tây Âu đi lạc vào xứ sở Viễn Đông huyền bí!
Vâng, đến với Miến Điện là du khách đến với đất chùa vàng. Trên đường đi, hầu như nhìn hướng nào cũng thấy thấp thoáng bóng tháp Phật, hoặc sững sờ trước cái đồ sộ chói lòa của các stupa chợt xuất hiện bất ngờ sau một khúc quanh. Hơn 80% dân Myanmar theo Phật giáo Nam Tông, cũng như Thái Lan, Lào và Cambodia, nên chùa hiện diện khắp nơi. Thoạt trông, chùa Thái, chùa Lào, chùa Cam cũng giống như chùa Miến, nhưng thật ra không phải vậy, chùa của mỗi nước đều có những đặc thù rất riêng, thể hiện trên hình thức cổng chùa, mái chùa và nhất là các tháp, sau khi đã xem qua, ta chắc chắn nhận ra sự khác biệt này.
Sau đây là vài hình ảnh chùa và tháp của Cambodia, Lào, Thái và Miến.
+6