Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào.
Mùa hoa anh đào (Sakura) rộ nhất vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư. Đây là thời điểm lượng du khách đổ đến Nhật nhiều nhất trong năm. Chúng tôi cũng háo hức xuôi theo dòng người đến đất nước Phù Tang để được tận mắt chiêm ngưỡng hoa ngay trên chính xứ sở của hoa. Và khi đã một lần đến đây, mới nhận thấy rằng, Nhật Bản không chỉ có hoa anh đào.
Trải qua ba tiếng đồng hồ trên chuyến bay Cathay Pacific với hơn 600 hành khách, chúng tôi đặt chân lên Hồng Kông (Hongkong hơn Việt Nam 1 tiếng đồng hồ). Một trải nghiệm mới toanh: lần đầu tiên transit (quá cảnh), “chạm ngõ” Chek Lap Kok Airport (tên gọi của sân bay quốc tế Hongkong). Chỉ là chạm ngõ thôi, nghĩa là loanh quanh hai tiếng đồng hồ trong sân bay quốc tế này, Hongkong đã kịp gây ấn tượng với hàng loạt những cái nhất của mình. Là một trong những sân bay độc đáo nhất thế giới, năm 1992 Chek Lap Kok được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo bằng cách phá núi lấy đất san lấp biển, nối liền hai đảo Chek Lap Kok (Xích Lạp Giác) và Lantau (Lam Châu), với kinh phí 20 tỷ USD cho một diện tích 12km2, là một công trình tốn kém nhất thế kỷ (được sách kỷ lục thế giới ghi nhận). Chỉ 6 năm sau (1998), sân bay đã mở cửa đón chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng hàng không Cathay Pacific. Sân bay Chek Lap Kok là sân bay lớn nhất Châu Á ( có 70 cổng, chưa bao gồm cổng dành riêng cho tàu thủy đến từ Trung Quốc, Macau và nhiều nước khác), là cửa ngõ của cả vùng Đông Á và Đông Nam Á. Ngay khi vừa đi vào hoạt động (1998), Chek Lap Kok đã được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới theo thống kê của Skytrax (tạp chí và trang mạng xếp hạng các hãng hàng không và sân bay nhất thế giới) và liên tục trong nhiều năm sau, trước khi bị Changi của Singapore chiếm mất vị trí số một năm 2006.
Bây giờ, tôi đã có thể khoe, cả bốn con rồng châu Á, Singapore với Changi, Hàn Quốc với Incheon, Taiwan với Taoyuan và Hongkong với Chek Lap Kok, ngày hôm nay tôi đã chạm mặt đủ bốn anh hào!
Sau khi quá cảnh, bay chặng hai chưa đến ba tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi, không chỉ chạm, mà còn được đặt chân đến, hít thở không khí của đất nước Phù Tang những sáu ngày tiếp theo sau đó. Sân bay Kansai (Osaka) là nơi được tiếp cận đầu tiên. Đồng hồ của mọi người được khuyến cáo vặn lên thêm hai tiếng cho đúng với giờ địa phương. Lại một sự ngạc nhiên mới mẻ về Nhật Bản khi biết thông tin của sân bay này. Trong năm mới nhất 2016, sân bay Kansai được xếp thứ 6 (theo thứ tự: Changi của Singapore; Incheon, Hàn; Haneda, Nhật; Taoyuan, Taiwan; và Munich, Đức) về vẻ hiện đại cũng như mật độ chuyến bay và số lượt hành khách. Kansai là một công trình thế kỷ với tất cả sự vĩ đại và trình độ kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới.
Nếu như khi xây dựng sân bay Hong Kong, người ta phải phá núi. Thì ở đây, khi xây dựng sân bay Kansai, người ta phải lấp biển.
Sân bay Quốc tế Kansai Osaka được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo phía nam vịnh Osaka, diện tích 511ha, cách đất liền 5km, nhìn từ trên không giống một hàng không mẫu hạm hình chữ nhật. Xây dựng năm 1987, mở cửa 1994, là sân bay quốc tế quan trọng thứ hai của Nhật, sau sân bay Narita, tỉnh Chiba, sát cạnh thủ đô Tokyo.
Cây cầu nối đất liền ra sân bay dài 3,5km là cây cầu có hai tầng xây trên biển: tầng trên rộng 30m, có 12 làn xe chạy tốc độ 80km/h, tầng dưới là tuyến đường sắt (tàu nhanh). Kansai là một phi trường đặc biệt ( sân bay giữa biển, tương tự như sân bay Chek Lap Kok của Hongkong) vì có thể đi và đến bằng cả đường bộ lẫn đường thủy.
Chạm đầu tiên vào người du khách chính là nhiệt độ chỉ con số 3 độ Celsius, và những áo len áo lạnh đủ màu đang nằm im lìm trong hành lý đã xổ tung ra vội vàng, nhanh chóng được khoác vào người du khách đang bắt đầu rét run lập cập. Nhưng cái rét ở đây rất ….ngọt, đủ làm mềm lòng những vị khách khó tính nhất, vì một khi đã đủ ấm, mới cảm thấy sao mà khoan khoái, dễ chịu hơn nhiều so với cái nóng bức quanh năm vừa mới tạm từ giã nơi quê hương.
Là một đảo quốc ở cực Đông Bắc Á, có trên 6000 đảo lớn nhỏ rải rác biển Thái Bình Dương, là nơi đón ánh mặt trời sớm nhất Châu Á, nên được mệnh danh là xứ sở Mặt Trời Mọc (nhìn vào lá cờ quốc gia là đủ hiểu dân Nhật tự hào về đất nước mình như thế nào). Đồi núi, sông suối chiếm 72% diện tích tự nhiên, ”đặc sản” nổi tiếng của Nhật là ….động đất, bão tố, sóng thần và núi lửa. Mỗi năm Nhật Bản hứng chịu 27-28 cơn bão trực tiếp thổi vào từ Thái Bình Dương. “Đặc sản”, cũng nổi tiếng không kém, là nước đầu tiên và cuối cùng cho đến thời điểm hiện tại (2017) hứng trọn hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến thứ hai 1945. Dân số Nhật là 127 triệu người, GDP 45.000USD/người/năm.
Đặc sản nữa của Nhật chính là di tích. Đến nay Nhật đã có tổng cộng 18 di tích (14 di tích văn hóa và 4 di tích thiên nhiên) được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
1/ Lâu đài Himeiji, còn gọi Lâu đài Osaka, Lâu đài Hạc trắng (thuộc tỉnh Hyogo, Osaka), là một trong những thành cổ nổi tiếng nhất, là di tích lịch sử của Nhật được Unesco công nhận đầu tiên vào năm 1993. Được xây dựng lần đầu tiên năm 1346 bởi samurai Akamatsu Sadanori. Lâu đài đóng vai trò quan trọng trong việc thống nhất Nhật Bản vào thế kỷ 16 trong thời đại Azuchi-Momoyama. Lâu đài nằm trên khu đất chỉ rộng 1km2, và được tướng quân Toyotomi Hideyoshi xây dựng lại vào năm 1585, được xây trên hai bệ đá cao tựa vào hai vách tường đá thẳng đứng, bao quanh bởi các đường hào uốn lượn tuyệt đẹp. Mùa hoa anh đào, những cội hoa xung quanh lâu đài bung nở khoe sắc sáng rực cả một khung trời.
Lâu đài Osaka trong sắc hoa anh đào
2/Di sản văn hóa cố đô Kyoto, nằm rải rác trên 17 điểm, trong đó nổi bật là những ngôi chùa, vì tín ngưỡng thường gắn liền với nơi vua ở ( Kyoto có trên 1.000 đền chùa):
a/Chùa Gác Vàng Kinkaku-ji, Kim Các Tự (Kyoto). Ngôi chùa ba tầng được dát bằng vàng lá, soi bóng xuống ao Kyoko-chi (ao Gương) màu xanh ngọc bích trong vắt. Ban đầu, đây là nơi ở của một phú hộ trong làng. Rồi tướng quân của vùng này, shotgun Ashikaga Yoshimitsu mua lại. Khi tướng quân mất, con ông là một Phật tử nên xây nên thành chùa (năm 1397). Đây chính là ngôi chùa đầu tiên ở Kyoto. Năm 1950, một chú tiểu bị bệnh tâm thần đã đốt trụi ngôi chùa (chuyện đốt chùa năm 1950 đã được nhà văn Mishima Yukio phóng tác trong cuốn tiểu thuyết Kinkaku-ji, được dịch ra tiếng Việt bởi Đỗ Khánh Hoan- Nguyễn Tường Minh cuối thập niên 1960 tại Saigon). Năm 1955, chùa được phục chế lại hoàn toàn và dát vàng mới hai tầng trên (1987). Vì là công trình 600 năm tuổi từ thời tướng Ashikaga nên dù phục chế vẫn được công nhận là di sản văn hóa năm 1994. Trong khuôn viên chùa còn một di tích khác là cây thông chiếc thuyền, là một bonsai khổng lồ hình chiếc thuyền, được trồng từ một bonsai nhỏ bằng bàn tay 600 năm trước, một trà thất với mái lợp bằng ống sậy, một ghế ngồi đơn giản là bệ đá, được xem là lưu truyền từ thời của tướng quân. Unesco công nhận năm 1994.
Hình Chùa Giác Vàng Kinkaku-ji tại Kyoto
b/Đền Kiyomizu, tức Thanh Thủy tự, chùa nước thiêng (Kyoto), được Unesco công nhận năm 1994. Năm 1622, đền được xây trên một ngọn đồi cao, đặc biệt là nó được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ mà không sử dụng một chiếc đinh nào. Cạnh đền là thác nước Otowa trong veo, nơi ba dòng suối nhỏ chảy vào một cái ao. Người Nhật tin tưởng rằng nếu chạm tay vào và uống được một trong ba dòng (tượng trưng sống lâu, sức khỏe và thành công trong công việc) thì sẽ được toại nguyện. Nhưng chỉ được quyền xin một chứ không thể xin cả ba.
3/Chùa Asakusa Kannon, còn gọi là chùa Sensoji (Tokyo) là ngôi chùa cổ nhất thủ đô, xây năm 645. Truyền thuyết kể rằng, có hai anh em ngư phủ, một hôm lưới được một bức tượng Phật Quan Âm (Kannon) trên sông Sumida-gawa. Mặc dù đã thả tượng Phật về với sông, nhưng bức tượng vẫn quay lại với họ nhiều lần. Họ bèn dâng tặng bức tượng cho vị trưởng lão trong làng. Nhận thấy sự linh thiêng của bức tượng nên vị trưởng làng đã hiến một phần ngôi nhà của mình để lập nên ngôi đền Sensoji thờ Phật Quan Âm. Ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, là nơi du khách khắp nơi đến đây xin xăm, cầu khấn Phật phù hộ độ trì. Xăm tốt thì đem về nhà, còn xăm xấu gửi lại chùa cầu xin giải hạn.
4/Hoàng Cung: nơi ở của gia đình Nhật Hoàng, hiện tại là vua Akihito (Bình Thành Thiên Hoàng). Ông lên ngôi năm 1989 (người Nhật thường gọi năm theo số năm vua lên ngôi, nên năm 2017 được gọi là năm Bình Thành thứ 29). Cũng nên biết thêm một chi tiết đặc biệt, chỉ có ở nước Nhật: đó là Nhật Bản chỉ có duy nhất một dòng vua, mệnh danh Thiên Tử, Thiên Hoàng, là con của Thần Mặt Trời đúng nghĩa, cha truyền con nối từ thủa khai thiên lập địa đến nay, nên dù có nhiều giai đoạn đất nước nội biến vì các vị tướng quân tranh giành ảnh hưởng, vẫn không một tướng quân nào dám đụng đến uy vua.
Trước năm 710, Nhật Bản còn lạc hậu và không có thủ đô chính thức.
-Từ 710-794, kinh đô đầu tiên của Nhật là Heijo- kyo (thường gọi là kinh đô Nara)
-Từ 794-1868 chuyển từ Nara sang Heian-kyo (Bình An Kinh), tức cố đô Kyoto.
- Từ 1868, Minh Trị Thiên Hoàng (1852-1912) dẹp được chế độ Mạc Phủ Tokugawa, cho dời đô đến Tokyo ngày nay.
Tầm quan trọng của Tokyo do công của hai nhà lãnh đạo lỗi lạc là tướng quân Mạc Phủ Tokugawa leyasu và Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji). Năm 1603, sau khi dẹp được loạn các sứ quân, shotgun Tokugawa leyasu thiết lập Edo (tức Tokyo) làm căn cứ (thời kỳ này gọi là thời đại Edo). Edo phát triển nhanh chóng, gần như chính thức trở thành kinh đô trên thực tế, mặc dù Thiên Hoàng bấy giờ sống tại Kyoto. Sau 263 năm, chế độ Mạc Phủ Tokugawa bị lật đổ bởi Minh Trị (lúc bấy giờ mới chỉ 17 tuổi), nguyên do tướng quân (the last Samurai) quá lấn lướt Thiên Hoàng, muốn nắm trọn quyền cai trị đất nước. Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji) đã dời đô từ Kyoto (tên tiếng Việt có nghĩa là Kinh Đô) đến Tokyo ( nghĩa: Đông Kinh).
Hoàng Cung được xây trên nền cũ của lâu đài Edo, rộng 200ha, sau đó Minh Trị hiến tặng cho dân chúng 90ha, nên hiện tại Hoàng Cung chỉ còn 110ha. Hoàng Cung được bao bọc bởi hai đường hào cao: vòng ngoài nay là đường xe chạy, vòng trong là nơi có con kênh nước trong vắt. Hoàng Cung có nhiều cổng, nhưng cổng Sakashita-mon, nơi bắt cầu hai nhịp Nijubashi xây từ thời Edo thế kỷ 17 (1607) là cổng chính, cổng nơi đức vua và hoàng hậu tiếp đón khách quý và ngoại giao đoàn các nước. Chỉ hai lần trong năm Hoàng Cung mới mở cổng thành cho dân chúng tham quan: ngày mùng hai dương lịch (Nhật Bản đã dùng dương lịch từ thời Minh Trị) và ngày 23/12, là ngày sinh nhật của đức vua.
Cầu hai nhịp Nijubashi , cổng chính của Hoàng Cung (Tokyo)
Ở công viên trước Hoàng Cung có một pho tượng bằng đồng đẹp nhất Tokyo, là tượng của tướng quân Kusunoki Masashige (thế kỷ 14), là vị samurai trung thành tận tụy, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vua đến hơi thở cuối cùng. Gương mặt của vị tướng quân hướng thẳng về phía Hoàng Cung, biểu hiện sự phục tùng hoàng gia.
Bức tượng tướng quân Kusunoki Masashige
(còn tiếp)
27/4/2017
NGUYỄN THỊ HUYỀN NGÂN