5/3/2015
Chuyện của mình…
Một địa danh là tận cùng của vùng đất nam tây nguyên nổi danh về trà và sau đó nổi danh nhờ một cơ sở giáo dục canh nông đó là trường quốc gia Nông Lâm Mục Blao sau là trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Cho nên khi nói đến tên Blao thì hầu như anh em Nông Lâm Súc chúng ta thấy như gần gủi thân quen….
*****
Từ một cuộc chuyện, có một chàng huênh hoang rằng “
- Cái tên Blao là do thằng Tây nó đặt ra, lâu lắm rồi, ngày xưa người ta không gọi Blao đâu, phải gọi là Blao Phẹc mới đúng. Ngày ấy có bọn mọi ăn thịt người, ta gọi là “mọi Xà Niên “ có đồn điền của vua Bảo Đại, lúc đó trà Blao đã nổi tiếng tận Bắc Kỳ rồi như là trà Đỗ Hữu… Còn ở Phẹc thì có Cai Qui, Cai Liêm, Bà Phó Ngữ, bà Ba Ngô lập vườn …
Anh ta nghĩ là chắc chỉ có anh ta giỏi, anh ta biết nhiều , kỳ thực chỉ những câu chuyện được truyền miệng lúc trà dư tửu hậu, hay qua một vài trang báo lá cải nào đó.
Hội chuyện lần đó có một người lên tiếng hỏi
- “ nghe anh nói như vậy , chắc anh lập nghiệp ở đây lâu lắm rồi ?
Anh ta trả lời ngay :
-“ Tôi ấy à ?Hơi bị lâu rồi đấy, cứ nhìn 5 “héc cà” và mấy ao cá thì biết , còn kiểng hơi bị nhiều, toàn cây quí không, mấy gốc lũa cẩm lai hàng khủng, giá trị tiền tỉ đấy…
- Như thế khi anh đến đây thì núi Đại Bình có rồi phải không?
- Anh bảo sao, núi tự có, có từ xưa , từ thời khai thiên lập địa rồi chứ.
- Nói thế thì anh chã hiểu gì về Blao sât. Chính tôi ,ba tôi cùng người dân lập cư thời ấy
xây cái núi này để chận gió biển đấy ông à !
Anh ngớ ra trừng mắt nhìn nhìn người hỏi :
-Nói phét, làm gì mà phải xây núi, cái núi mà xây được à?
Nhưng sau cái đỉnh điểm phản ứng ấy hình như các tế bào thần kinh lý trí nó cảnh báo cho anh biết là chính anh nói phét hơn chuyện xây núi nữa kia !
**************
Vậy Blao có gì kỳ bí đến thế?
Nói đến Blao phải nhắc đến năm 1899 thời toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã có nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng ( Haut Donnai) tỉnh lỵ là Đà lạt …rồi thay đổi mấy lần cho đến lần cuối xác lập lại là năm 1941 lập tỉnh Đồng Nai Thượng lấy Djiring làm tỉnh lỵ. Trước đó thì chưa hề có tên Blao trên giao dịch hành chính, cũng như một địa danh ấn định. Có chăng được nói đến trong một nhóm người thiểu số mà thời ấy gọi là Mọi , có sắc dân người Koho?. Dù rằng sau này người Pháp có thể hiện ngôn ngữ sắc dân này theo mẫu tự La tinh, nhưng cho đến nay vẫn chưa phổ biến rộng và không rỏ là sát nghĩa chưa.
Blao được dùng trong cụm từ sau bằng tiếng Koho, Xin hãy đọc theo phiên âm tạm viết như sau :
BUN BÀ LẠO SE RỆ .( hay bờ lao sê rế ) Có nghĩa là buôn làng có tên là “ Bà lạo se rê “
Đã nhiều lần hỏi nghĩa của chữ này đối với những người gốc dân gốc Koho đang ở Đại bình hiện nay, nhưng vẫn không có câu trả lời rỏ ràng, thêm vào đó ngoài chữ buôn ta đã hiểu 4 từ “Bơ lạo se rệ” liền nhau hay tách rời ? Blaosrê hay blao srê hoặc Bơ lao srê ? Như vậy nó ra đời sau năm 1941, khi mà người ta lập văn phòng của đại lý hành chánh của quận theo tổ chức hành chính của tỉnh Đồng Nai Thượng do có một buôn người bản địa mang tên là “ bơ lạo sê rệ hay bờ lao sê rế..” người ta đã dùng hai từ đầu đề đặt tên quận là BLAO , nó là danh từ riêng bằng tiếng Pháp, từ đó các cuộc hội thoại các giấy tờ văn bản thuộc công sở, các văn kiện hành chính đều dùng chữ Blao. Như những bức thư người ta cũng dùng : “ Blao , 14 juillet 1950 “ (Blao ngày 14 tháng 7 năm 1950) chẳng hạn.
Chữ Blao được dùng rất nhiều và phổ biến : Trà Blao, đèo Blao, trường quốc gia Nông Lâm Mục Blao, Blao phẹc…..còn có một số từ ngữ được dùng mang tính chất khoa học tầm cỡ quốc tế : Magnolia blaoensis.( Dạ hợp Blao , Dạ hợp Bảo Lộc –Cây Cỏ VN – Phạm hoàng Hộ là tên một loại cây rừng cho hoa được phát hiện đầu tiên ở vùng rừng BLAO do nhà thực vật học Francois Gagnepain phát hiện) Dưới quận là làng, người ta cũng dựa vào tên một buôn người bản địa là Bun Konhinh ( buôn kon hình ) ở phía bắc phiên ra thành tên làng Công Hinh được rỏ bằng quốc ngữ.
Như vậy, dịa danh này là Làng Công Hinh, quận Blao tỉnh Đồng Nai Thượng. Cái văn phòng quận bấy giờ là một nhà xây lợp ngói , nơi làm việc của “ sếp đề lê ghê” (tiếng gọi của dân làng thời ấy), của tòa đại lý hành chánh. Về phần lãnh thổ thì có thể rộng đến ranh giới Djiring ,ranh giới Biên hòa và Tánh Linh có thời được mang danh là thị xã Blao, là vùng đất thuộc Hòang Triều Cương Thổ.
Khoảng năm 1959 thì tên Blao được thay bằng Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, tên Blao lại trở về nguyên gốc của nó bên cạnh giòng sông Đại Bình : buôn Bờ lao sê rệ .
Sau năm 1975, tên Blao lại được trở lại với địa bàn hành chính trước đó 20 năm, là Thị Trấn Blao thuộc quận Bảo lộc tỉnh Lâm Đồng. Rồi Bảo lộc lên thị xã , lên thành phố , nó lại trở thành tên gọi của một phường nằm mạn nam QL 20 trải dài đến núi Đạị Bình đó là Phường BLAO và chính cái phường này có chứa buôn “bờ lao sê rệ” ngày nào.
Như vậy cái tên Blao chúng ta đã thấy dùng quá nhiều, quá phổ biến vì trên 80 năm sử dụng rồi, vừa chữ viết vừa tên gọi nó thâm nhập vào rất nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người rồi.
Nay ta thấy nhan nhãn ở rất nhiều nơi nhất là quanh vùng thành phố Bảo lộc với chữ viết là BLAO và B’LAO, ở các bảng hiệu ở các panô quảng cáo, của công lẫn của tư. Chữ viết có khác nhau như thế nhưng âm đọc vẫn là “Bơ lao”
Cái chữ BLAO này nó nằm trong cái văn bản công nhận làm người của tôi nên tôi rất chú ý, vậy cho nên mình thắc mắc, là đúng là sai?
Kỳ thực trong giao dịch nói qua nói lại nghe âm thì hiểu , nhưng trên văn bản thì sao ? Bằng chữ viết rành mạch thì BLAO và B’LAO rỏ ràng có sự khác biệt.
Có câu chuyện vui vui thế này” tôi được giấy báo ra bưu điện nhận tiền, trình giấy báo và chứng minh nhân dân thì nhân viên nói sai tên không thể tiến hành giao dịch được, tôi chấp nhận vì giấy báo tên tôi có thêm dấu nặng, tôi tự an ủi mình và lên tiếng “ lỗi này là do nhân viên bưu điện bên kia đánh máy sai đó ! vì cái tên tôi nó kỳ kỳ thường thì bị thêm dấu nặng hay thêm dấu móc !. Nhưng cô nhân viên trước mặt tôi cứ khăng khăng bảo là do lỗi của người gửi , Bưu điện không bao giờ sai ?... cô ta nào biết người gửi tiền cho tôi là con ruột của tôi. –Nó không nhớ tên bố nó sao? Cũng đã có lần tương tự như vậy tôi buộc lòng phải gọi điện thoại đến người gửi tiền cho tôi thì cuộc nói chuyện đã dùng đúng tên của tôi, vậy thì ai sai ?
Từ chuyện này xin đá sang cái chuyện máy điện toán, việc truy cập các trang website chỉ cần sai dấu chấm dấu phẩy cũng đủ cho ta khổ rồi. Vậy nó có quan trọng không?
Nhớ lại chuyện xưa,khi lên lớp đệ thất tôi phải ra học trung học Lê Lợi ở Di Linh . Tại Di Linh tôi thấy có trường dành riêng cho người Thượng ở bậc tiểu học. Ở Trung Học thì trong trường có nhiều anh em người Thượng học chung như K’ Teoh, K’Leu, Ka Trim, Ka Nga . Được gọi là : Ca Tẻo , Ca lieu, Ca Trim, Ca Nga… ( chữ Ka dành cho con gái) chữ K’ còn có thể đọc là Cà = Cà Tẻo…Sau này còn gặp những người làm việc được nhiều người biết đến như K’Dep phó quận trưởng, K’ Liuh Sinh Viên Nông Lâm Mục, K’ Lia ty thanh niên Lâm Dồng , từng vô địch chạy việt dã vùng 2 chiến thuật 1972. K’Breuh hiện làm công tác Dân tộc miền núi Lâm đồng…Như vậy có phải chữ K’ là cái họ và phát âm là Ca hay Cà.
Trước 1975, chuyện trò với nhau anh em tôi thường dùng tiếng lóng “Caribou” đó là tên của loại máy bay vận tải quân sự của Úc Đại Lợi với ẩn ý là dùng chữ Ca là ám chỉ anh em người Thượng vì anh em là họ K’ …ví dụ coi chừng đội bóng bên kia có 3 chiếc Caribou đó. Thêm ẩn ý khác nữa là mấy anh này rất khỏe mạnh. Tôi nhớ có lần anh K’Din hiệu trưởng trường Thượng Bảo lộc là cầu thủ đá banh đội bạn, một lần đi banh xâm nhập vòng cấm địa tôi truy cản lỡ đà, vòng tay ôm cổ đeo lưng anh ta, tưởng anh sẽ dừng lại, nào ngờ anh cõng tôi trên người tiếp tục chạy dẫn bóng. Như vậy dùng từ Caribou chủ yếu là dùng chữ Ca với ý nghĩ là họ của người Thượng, theo đó hàm chứa là họ mạnh mẽ lắm..
Trở lại cái chữ viết về địa danh này : BLAO
Blao thì phát âm theo tiếng Pháp là “bơ-lao” “bờ-lao”
B’Lao phát âm theo tiếng Koho là “Ba lao” hay “Bà Lao”
Tôi tìm gặp anh K’Liuh là một đồng môn đàn anh của tôi, anh học khóa 1 kiểm sự Nông Lâm Mục sau ra làm việc thuộc bộ canh Nông, từng làm phó ty Nông Nghiệp tỉnh Lâm Đồng trước năm 1975, năm nay anh đã gần 80 tuổi, nhờ anh tôi biết được chữ srê là lúa nước làm tôi nhớ được là buôn blao có một số thửa ruộng trồng lúa nước bên dòng suối Đại Bình Còn về cái chữ K’ thì anh cho biết coi như chữ tắt của Koho , chữ K’ đứng trước tên dành cho con trai đàn ông nếu người kinh gọi thì đọc là Ca hay Cà còn người Koho gọi với nhau là Cơ, Cờ. Riêng đối với con gái, phụ nữ thì là chữ Ka .Anh còn cho biết thêm như người Ra đê ở Đắc lắc có họ là Y đối với con trai, đàn ông và H dành cho con gái, đàn bà. Khi đề cập đến chữ B’ thì anh bảo là không có.
Tôi không muốn làm nhà sử học, nhà ngôn ngữ học , nhà nghiên cứu…Tôi chỉ là người vác đá xây núi đại bình, cái chữ BLAO gồm 4 mẫu tự ấy đã dính vào tôi hơn 70 năm rồi, cho nên giờ đây có thêm một dấu phẩy hay viết hoa thêm một mẫu tự, tôi cho là không đúng
–Xin lỗi, vì như thế là xóa cái giấy chứng nhận làm người của tôi cũng như xóa bỏ cái công lao vác đá xây núi ngày nào…..
Bui Tho