5/6/2016
Trở lại Kalaw ...(tt)
Chợ Kalaw bằng cở chợ Huyện ở nước ta, nằm gọn trong 1 khu vực vuông vức bao bọc bởi 4 con đường Khone Thae Street(Nam), Pyi Taung Sue Road, tức là quốc lộ 4 đi Taunggyi(Bắc), Station Street(Đông) và Min Street(Tây). Dọc theo 4 mặt đó là 4 dãy những kiosque, cửa hàng (cà phê, ăn uống, tạp hóa, điện & điện tử, thuốc tây…). Chợ có 2 cổng chính, I ở đường Khone Thae, II ở đường Pyi Taung Sue, nối nhau là 1 con đường cũng là nơi họp chợ bán hàng nông thủy sản...
Suy nghĩ của tôi có thể mang tính cá nhân, nhưng thật rất thú vị khi nhìn thấy những nét tương đồng với quê nhà trong sinh hoạt, trong cuộc sống đời thường tại những miền đất xa lạ. Nó khiến tôi chợt bâng khuâng nhớ về miền thốn thổ quê tôi khi xa vắng lâu dài, một tấc đất nhỏ có loài hoa dại quen thuộc bên vệ đường, cũng làm tôi trạch lòng “mùi cố quốc”, một chợ quê vắng khách cũng khiến mình “ buồn não nuột bước chân” !
Cho nên, tôi ngã chóng, dựng xe, bước vào chợ, len lỏi theo những khóm hàng nông sản…đang bày ra tràn lối đi. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi tôi gặp nhiều du khách nước ngoài đang xâm nhập cái đời thường giản dị này! Chuyện này không lạ, bởi vì nơi đây họ không gặp cái tiện nghi sắp đặt như nơi đất nước họ, với những gian hàng bày biện ngăn nắp, sạch sẽ…vì thế, họ hào hứng tiếp cận, để cảm nhận cái không khí họp chợ hổn độn và giản dị tại xứ sở còn nghèo khó này! Âu đó cũng là 1 trong vô số nghịch lý của cuộc đời, người nghèo khó luôn ước ao về những tiến bộ, tiện nghi của xã hội phương Tây, trong khi khách Tây lại thú vị thưởng thức cái không khí “chợ búa bình dân” của những nơi chậm tiến, họ không bỏ lỡ cơ hội chen chân vào khu chợ “lộn xộn” này để làm phong phú hơn cái trãi nghiệm thực tế trong bước đường phiêu bạt.
Với tôi, chợ Kalaw không khác gì những chợ quê cấp xã, cấp huyện ở Việt nam, cái giống nhau đó là điều khiến tôi rất thú vị, vì hình như trong tôi cũng đang có một nỗi cảm thông của người đến từ đất nước cùng cảnh ngộ, nghèo!
Như vậy là hôm nay không có kế hoạch đi chơi, Sư nói ngày mai mình sẽ đi Taunggyi rước Koto, bây giờ nếu muốn, ông Minh lấy xe gắn máy chạy lòng vòng chơi.
Tuyệt thật!
Tôi xin mở ngoặc ở đây để nói một chút về Koto, mà Sư hay gọi là “Cồ Tô”. Cháu này chỉ mới ngoài 20 tuối, từ nhỏ chỉ sống quanh quẩn tại Kalaw, là người được Sư tin cẩn giao mọi việc quản lý chùa mỗi khi Sư về Mỹ, cũng là người luôn theo sát Sư trong những chuyến đi xa tại Myanmar. Koto hiền hậu, khá điển trai và thật dễ thương, năm 2013 tôi chỉ biết loáng thoáng cháu trong chuyến thăm hồ Inlay và đi chợ Taunggyi cùng Sư mua thực phẩm, hoa trái về chuẩn bị cho Lễ Dâng Y. Koto cũng là người mỗi sáng theo chân Sư cầm “gà men” đựng thức ăn cúng dường mang về chùa.
Koto vừa hoàn thành những học phần cuối cùng của chương trình Cử nhân Luật tại Đại học Taunggyi. Cũng giống như Đại học Luật khoa, Văn khoa, của Miền Nam trước 1975, sinh viên không cần thiết phải đến trường suốt trong 4 năm học, chỉ cần ghi danh, lấy bài về học rồi trước ngày thi thì tập trung ôn luyện, thậm chí có người không cần tập trung, cứ tự học rồi đợi ngày tham dự cuộc thi cùng những sinh viên khác, dĩ nhiên cũng khó đậu nếu không học hành nghiêm túc. Là sinh viên đại học, nên Koto thông thạo tiếng Anh, nên vừa là trợ lý vừa là thông dịch của Sư Hoài.
Trước ngày khởi hành, tôi đã có ý định đi lang thang một mình ở Kalaw khi gặp dịp. Không ngờ bây giờ dịp đó lại đến sớm. Thú thật, những chuyến đi “một mình” của tôi tuy luôn có 2 người, nhưng vẫn là cái cảm giác của những chuyến đi độc hành. Bởi vì với tôi, dù là đi cùng bà xã, nhưng khi tới những nơi xa lạ, thì cảm giác cô đơn vẫn rõ rệt “một mình”, càng xa lạ, càng cô đơn. Và thật là thú vị khi có những trãi nghiệm như thế trong cuộc đời. Lần này, vì bà xã quyết định ở nhà, tôi đành phải “dứt áo ra đi”, nên chắc hẳn sự cô đơn sẽ trở nên đậm đà bản sắc của người …lữ hành cô độc! Vẫn chưa biết là như thế nào, bởi vì hôm nay cũng chỉ mới ngày thứ tư kể từ lúc rời nhà vào buổi sáng ngày 01-11-2014, cảm giác “một mình đi bụi” vẫn chưa có gì đáng kể, mọi chuyện vẫn còn ở phía trước, bây giờ hãy tự khám phá Kalaw trong 1 ít thời gian của buổi sáng hôm nay.
Tôi trở vào phòng mở laptop xem lại bản đồ Kalaw, để hình dung sơ trong đầu lộ trình sẽ đi, hầu không lạc lối giữa núi rừng xa lạ! Thật ra, Kalaw không quá rộng như thành phố cao nguyên Đà Lạt, nhưng với hệ thống giao thông của phố núi, đang trong thời kỳ khởi đầu phát triển, đường lớn, đường nhỏ, lối mòn vệ cỏ, phố lẫn rừng xanh, nếu không nắm rõ, chuyện đi lạc rất dễ xãy ra, tuy không có gì nghiêm trọng tại đất nước hiền hòa này, nhưng sẽ mất thì giờ, vô ích!
Có lẽ, sáng nay tôi chỉ nên loanh quanh phố chợ, đổi ít tiền bỏ túi phòng thân, chộp ít ảnh đời thường làm kỹ niệm!
Sau đây là bản đồ và không ảnh khu vực thị trấn Kalaw, nhất là vị trí của Thiền viện ShweOomin Dhammadayada, cũng khá phức tạp, tôi xem để tạm thời hình dung lộ trình, chứ thực tế thì dựa vào trí nhớ sau những chuyến xe đi cùng Sư vào năm trước và nhất là chuyến đi chợ Aungpan sáng hôm qua, để tìm đường ra chợ và trở về. Qua không ảnh, chúng ta có thể thẫy rõ khu vực chùa với những công trình xây dựng đã có vào năm 2014, đồng thời ta cũng có thể hình dung ra vị trí “bìa rừng” của Thiền viện mà tôi mô tả.
Tôi lái xe theo con đường lớn mà ta thấy trên không ảnh, chưa có tên trên bản đồ, rồi tìm đường ra chợ bằng …miệng.