|
|
|
QUYỂN 5 |
|
|
|
|
|
|
|
Bến phà Vàm Cống. . . |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8/7/2019
- ThuHien Huynh - |
|
BẾN PHÀ VÀM CỐNG - Nơi đó tuổi thơ tôi!
ThuHien Huynh
Cầu Vàm Cống được thông xe hơn một tháng rồi. Và hôm nay, Bến phà Vàm Cống chính thức dừng hoạt động, với tôi mà nói cảm giác thật khó tả, rất bồn chồn, rất hồi hộp, rất tâm tư, cũng rất đổi bùi ngùi,... Tôi hy vọng rằng đây chỉ là sự chuyển giao giữa cơ quan quản lý. Sau đó Phà sẽ hoạt động trở lại với quy mô nhỏ, để phục vụ người dân 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và các tỉnh lân cận rất có nhu cầu, nhất là công nhân, người lao động nghèo, học sinh,...Họ đi xe thô xơ, xe đạp hoặc đi bộ. Bởi vì nếu không có bến phà họ không dễ lưu thông bằng đường cầu, phải đi rất xa. Người quê tôi còn nghèo lắm, mỗi ngày vẫn còn rất nhiều bà con đội trên đầu những mâm bánh bò, bánh cam, xôi bắp, họ đẩy những xe dừa nặng trĩu, hoặc lộc cộc trên chiếc xe đạp chở ít thứ thu hoạch được trong vườn nhà để đi bán quanh khu vực hai bên bến phà, không phải ai cũng có điều kiện để hả hê chạy xe bon bon trên cầu. Không có phà, cuộc sống của nhiều người sẽ đảo lộn và khó khăn hơn. Có khi còn nguy hiểm đến tính mạng khi họ chọn phương tiện là đò máy nhỏ để qua sông. Hơn nữa giữ lại Bến phà cũng là giữ lại chút nét văn hóa rất đặc trưng của người dân sông nước miền Tây. Mong lắm thay!!!
Quy luật phát triển của xã hội, để thuận tiện giao thông và thúc đẩy kinh tế thì những bến phà sẽ dần dần được thay bằng những chiếc cầu dây văng hiện đại. Niềm vui pha lẫn nổi buồn không của riêng ai.
Tôi không biết Bến phà Vàm Cống có tự bao giờ, khi còn trong nôi tôi đã được "ru" ngủ bằng những tiếng còi tàu, tiếng máy phà rền vang, tiếng rao của người bán hàng,... bất kể ngày đêm. Tôi lớn lên từng ngày qua những âm thanh quen thuộc đó.
Những chuyến phà kết nối tình thân, tôi hay ví von như vậy. Bởi hai bên bờ, dọc theo đường lên xuống bến phà Vàm Cống là rất nhiều nhà, gia đình các anh em, con cháu của ông Ngoại tôi. Nhớ ngày bé, cứ chiều chiều tôi hay được Ông Ngoại, hoặc các cậu dì dắt tôi xuống phà qua bờ sông bên kia đến chơi nhà các Ông. Khi đó, chưa có những chiếc phà lớn như bây giờ, chỉ qua sông bằng những chiếc trẹt nhỏ, chắc lúc đó còn nhỏ nên tôi chưa biết cảm nhận được nhiều về cảm xúc. Tôi nhớ, mỗi lần ngồi trên phà cảm giác thật nhẹ nhàng, nhìn con nước lững lờ khi đục khi trong, khí trời thì mát lạnh, dòng sông êm ả hiền hòa, những đám lục bình bám vào nhau thành từng bè lớn trôi dập dìu trên sông, vào mùa nở hoa, những chùm hoa lục bình tim tím nhấp nhô theo từng đợt sóng điểm tô thêm cảnh sắc trời chiều, đâu đó vài chiếc ghe nhỏ của người dân bắt cá, tôi thích nhìn mỗi lần họ quăng mạnh cái lưới, nó xòe ra như chiếc dù khồng lồ óng ánh,... Trên phà rất nhiều người bán hàng rong, từ những tờ vé số, những chai nước, vài gói xôi, trái bắp, đậu phộng rang, trứng cút luộc,...nhiều món ăn vặt cho người đi đường, cảnh sắc thật sôi động, tiếng rao có, tiếng cười nói chuyện xì xèo có, tiếng chửi lộn í ới cũng không ít...Thôi kệ, được Ông mua cho bọc trứng cút ăn là tôi thích rồi. Hôm nay, đang ở một đất nước xa xôi ngồi viết những dòng này thì ở quê nhà tôi, đại gia đình đang quây quần bên nhau thật đầm ấm. Kỷ niệm ngày giỗ Ông Ngoại tôi, lần thứ 28. Thời gian trôi qua nhanh như dòng nước sông Hậu quê tôi vậy. Tôi nhớ quê hương, tôi nhớ Ông Ngoại mình!
Bến phà Vàm Cống không chỉ là nơi để mưu sinh của rất nhiều gia đình, nhiều thế hệ, nơi đây còn rất nhiều kỷ niệm của tôi cùng lũ con nít ở xóm. Tuổi thơ của tôi và các bạn ở xóm này không có trò cưỡi trâu, hái hoa, bắt bướm hay kéo mo cau..., Bọn tôi, ban ngày đi học, rảnh rỗi thì phụ gia đình bán hàng. Chiều rủ nhau đi tắm sông, thời đó không có nhiều nước máy, nhà nhà đều tắm giặt dưới cầu phà và gánh nước về nhà xài. Tắm sông, cũng là dịp tụi con nít thể hiện "đẳng cấp" với nhau qua cái màn nhảy cầu, nhảy phà, lặn qua ghe. Mấy đứa nhát nhát thì chọn những chỗ thấp để nhảy xuống nước. Ai dạn hơn thì leo lên lan can phà và đợi phà chạy ra xa một chút mới nhảy, độ cao và nước sâu làm nước bắn tung tóe kèm theo âm thanh bùm chéo rất lớn như bom dội vậy. Đó, đó "đẳng cấp" là chỗ đó đó. Tôi cũng bon chen nhưng nhảy thấp thấp thôi và phải lấy tay bịt mũi, nếu không sẽ bị sặc nước. Bọn con nít bến phà thế đấy, cho nên đứa nào cũng "uống nước" sông đều đều.
Mỗi tối bọn tôi tụ tập dưới ánh đèn của cầu phà chơi chạy keo, tạt lon, trốn tìm, lùa vịt, nhảy dây, bắn đạn keo, bún dây thun, chơi chuyền chuyền,..Ôi rất nhiều trò chơi dân gian. Tôi nhớ có trò chơi đọc vầy nè:
" Thiên đàng địa ngục hai bên
Ai khôn thì lại, ai dại thì sa.
Đêm nằm nhớ Chúa, nhớ Cha
Đọc kinh cầu nguyện, kẻo sa linh hồn.
Linh hồn phải giữ cho tròn
Đến khi mình chết được lên thiên đàng" . Rồi bạn sẽ về 1 trong 2 bên phân chia như bên tà bên ác vậy...
Hoặc đọc câu này nữa:
"Dung dăng dung dẻ, Dắt trẻ đi chơi. Đến cửa nhà trời, Lạy cậu lạy mợ, Cho cháu về quê, Cho dê đi học, Cho cóc ở nhà, Cho gà bới bếp, Xì xà xì xụp, ngồi thụp xuống đây"...Hồi đó, con nít nào cũng thuộc mấy câu này như là sự tất nhiên. Sau này mới biết đó gọi là Đồng Dao.
Bọn tôi, hồi đó 8-9 tuổi, còn có cả một "Đoàn gánh hát cải lương" nữa chứ chẳng chơi. Nhỏ Dung bạn tôi, chú ruột nó là nghệ sĩ Cải lương Vũ Linh - vang danh mấy chục năm nay. Nhớ ngày bé, mỗi khi gánh hát có chú Linh về là cả xóm kéo nhau đi xem hát, tôi đi coi ké...hơi bị nhiều. Mấy anh em của Dung hát rất hay cả tân hay cổ nhạc. Bọn chúng tôi rủ nhau thành một nhóm rồi phân công từng vai diễn, cứ tụ tập từ nhà ra bến phà mà diễn, hát. Và cũng vì có gen trội nên chị em nhà Dung toàn được thủ vai đào chính, tôi thì khỏi nói rồi vai linh tinh, lăng xăng (^^.^^). Anh Huy Lap nhớ không, thỉnh thoảng trước khi diễn phải cúng tổ vài bọc bánh, vì cứ bày bố ra là bị bà Ba la, vì "om xòm quá tụi bây ơi"...Cuối dùng ra bến phà mà hát thôi. Tuổi thơ như vậy có quá dữ dội không, mọi người?!!! Ai nhớ thêm gì, kể tiếp đi...
Tạm biệt Bến phà Vàm Cống thân yêu. Khép lại những kỷ niệm. Nhường chỗ cho sự phát triển chung của đất nước. Rồi đây những hình ảnh này mãi mãi sẽ đi vào ký ức của tôi, của các bạn, của rất nhiều nhiều người từng gắn bó, của những ai đã một lần đi qua đây. Và có cả những chuyến phà lỡ hẹn, để ai đó mãi vấn vương đợi chờ...
(30.06.2019)
" BẾN PHÀ KỶ NIỆM
Mẹ ngồi buồn dõi mắt phía ngoài xa
Ở nơi đó chuyến phà không còn nữa
Biết nói gì trong nỗi niềm chan chứa
Tiếng chim chiều khắc khoảy giữa mênh mông
Bến phà xưa hoang vắng đến chạnh lòng
Biết tìm đâu từng dòng xe qua lại
Biết tìm đâu những tiếng rao bai bãi
Mà đậm tình của thiếm Bảy cô Ba
Cầu mới xây để thay những chuyến phà
Cho miền Tây ngày vươn xa giàu mạnh
Nhưng cũng có những nỗi niềm canh cánh
Của bao người gồng gánh kiếp mưu sinh
Ở nơi đây mang nặng những nghĩa tình
Là nguồn sống bao gia đình cùng khổ
Giữa trưa hè hay chiều nghiêng nắng đổ
Tiếng rao mời nghe ngồ ngộ mà thương
Xe băng nhanh rút ngắn những con đường
Cầu to đẹp cho quê hương đổi mới
Bao nguời vui cùng chung niềm hồ hởi
Chỉ mẹ buồn trong diệu vợi chiều nay
Con sông quê vẫn êm ả tháng ngày
Biết có nghe tiếng thở dài của mẹ
Bến phà xưa giờ càng thêm quạnh quẻ . (ST)"
Chàng trai Sài thành phải lòng cô gái Long Xuyên, một chuyện tình lãng...moạn nơi bến phà Vàm Cống. Đám cưới Ba Mẹ tôi, đã gần 50 năm.
Má 5 đẹp gái của mình đó. Bông hậu Bến Phà Vàm Cống ngày nào, cậu tám, dì Út, em Cà Mum, và em bé mặc bộ đồ bông là tôi (cầm xấp tiền hoành tráng mới được các Ông bên kia sông lì xì). Tết năm 1983.
Ông bà Ngoại tôi, ông Năm, bà bảy và bà Út (các anh, chị, em của ông Ngoại). Nhà toàn bao bột. Cả một "gia tộc" mần bánh mì!
Quán ăn của ông Ngoại năm 19...hồi đó (hihi, nghe nói trước 1968).
chiếc bắc thập niên 1960
( cóp từ face ThuHien Huynh)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP |
|
|
|
|
|
|
VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
huunghi68dvb@yahoo.com
Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com
Sáng lập : Dr TRẦN ĐĂNG HỒNG
Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)
Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III (2012) |
|
|
|
|
|
|
|
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/ |
|
|
|
Số lượt người đọc kể từ 5/3/2015: 1063550 visitors (3179410 hits) |