Chuyện bây giờ mới kể
SỰ TÍCH 2 TƯỢNG ĐÀI
Có một chuyện vui vui khi còn sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Bảo Lộc tôi thường đố các em " Anh đố các em có nhà một huynh trưởng rất thân quen , khi muốn tìm, không cần nói số nhà, không cần nói tên đường mà chỉ hỏi vào tượng đức mẹ Maria thì sẽ được đức mẹ chỉ nhà cho.."
Bởi trước năm 1987 thì căn tôi ở sau nhà thờ Bảo lộc thuộc giáo họ khu Mân Côi có dựng tượng đức mẹ ở đâu đường, tay phải của người chỉ thẳng về hướng nhà tôi ở cuối đường.
Rồi sau năm 1987 thì tại góc đường Phát Diệm và đường từ trại chăn nuôi heo của trường chạy ra suối số 1 là cơ ngơi hiện gia đình tôi đang ở , thì lại gặp tượng đức mẹ của giáo họ Vô Nhiễm thuộc nhà thờ Giáo Xứ Chân Lộc, lần này khi nhìn thấy ngài với khuôn mặt hiền từ nhìn xuống, người bảo " Biết rồi, nhà anh Tho đây ." vì tay phải của tượng chỉ tay thẳng vào nhà tôi : 37 Nguyễn văn Trỗi.
Ngoài những lúc đi xa, những ngày còn lại là không ngày nào tôi không chiêm ngưỡng dung nhan thánh thiện của ngài.
Tôi muốn nói đến bức tượng này, nó có một lịch sử, một xuất xứ mà trong chúng ta ít ai biết được.
*Cuối năm 1970, từ trung học NLS Tây Ninh chuyển về Trường NlS Bảo lộc theo sự hoán chuyển giữa tôi và anh Lê văn Thành. Sau lần trình diện đầu tiên ở nhiệm sở mới , không lâu sau đó , ông Hiệu trưởng Nguyễn Phúc Chân đã hẹn gặp tôi tại phòng làm việc và trao đổi với tôi 2 vấn đề.
1- Vấn đề thứ nhất : Thuộc nhà trường, ông ta cho tôi là một người trẻ, lạ có thể giúp ông trong công tác quản lý trường. Tôi từ chối. ( Tôi xin phép không trình bày ra đây , vì uy tín bản thân và cả nhà trường, nên tôi không chấp nhận ).
2 - Vấn đề thứ hai: thuộc về riêng ông, biết tôi là một huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử , thêm vào đó ba tôi vốn là chức sắc của tỉnh giáo hội Phật Giáo Lâm Đồng, từng là hội đồng nhân dân, chủ tịch xã rất có uy tín bấy giờ.
Ông hiệu trưởng có ý định ra tranh cử Dân Biểu quốc hội nhiệm kỳ tới khoảng năm 1972. Tôi nhận giúp ngay bởi lẽ ông ta là Hiệu trưởng của tôi và một phần ông ta là Phật Tử.
Sau đó vài lần tôi cùng ông trên chiếc Chevrolet đen có đến gặp anh Nguyễn Hữu Dư là trưởng ban Hướng Dẫn GĐPT Lâm Đồng cùng đến thăm viếng Đại Đức Thích Thiện Giải chánh Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Lâm Đồng, với mục đích là xin sự giúp đỡ nếu ông ra ứng cử.
Nhớ lại, khi về trường tôi đã thấy một con đường đất mới ủi chạy ngang sau thư viện, tiếp giáp với một đường kéo dài từ cửa nhà ngủ E ra .Tại giao điểm của 2 con đường mới ủi này, nhớ có một đêm được mời ra tham dự lửa trại của đoàn du ca do anh Nguyễn Hữu Minh phụ trách và được biết đây sẽ là vị trí xây dựng tượng Đức Mẹ Maria , tương lai là nơi sinh hoạt của anh em Thanh Sinh Công, từ đó tôi biết thêm tại trước nhà gỗ cao cẳng giữa hai hàng cây rả hương là nơi sẽ đặt tượng Quán Thế Âm . Tôi mới hiểu ra phải chăng đây là ý định của ông hiệu trưởng nhằm lấy lòng trước 2 tôn giáo tại đây để ra tranh cử ?
Tượng Quan Thế Âm do đoàn học sinh Phật Tử Vạn Hạnh hoạt động khá mạnh với các bạn Bảy,Yến, Dũng.. và tôi được mời vào thành viên xây dựng tượng đài, một thuận lợi là được sự hỗ trợ của Ban Đại diện Phật Giáo Lâm đồng nên việc xây dựng được tiến hành và hoàn thành nhanh chóng, tượng được đặt một vị trí rất uy nghi, nằm trước nhà cao cẳng giữa hai hàng rã hương, nhìn thẳng ra quốc lộ 20 là trung tâm của khu vực cắm trại của toàn tỉnh thời bấy giờ, là nơi đoàn học sinh PT Vạn Hạnh sinh hoạt thường xuyên vào ngày chủ nhật.Với qui mô xây dựng gồm một bệ đài ở giữa có khắc chữ Quan thế Âm, nền bệ là khoảng rộng 5x5 trồng hoa, chung quanh hình vành khăn được xây hồ chứa nước.
Tượng Đức Mẹ không được xây dựng nơi vị trí đã định, với lý do là không ngang tầm với vị trí tượng Quan Âm ? Có thể là như thế so sánh 2 vị trí ta thấy một đàng năm gần khu trung tâm là nơi gần như là trại trường của tỉnh Lâm đồng bấy giờ, trong lúc nơi dựng tượng Đức mẹ dù nhìn thẳng vào Lưu xá E nhưng ở phía sau thư viện. Vì thế tượng đựợc đặt trước nhà bác Nguyễn văn Bột một người thợ mộc thuộc ban Tạo tác của trường, Chỗ đầu đường Phát Diệm và đường từ Nông Xưởng ra suối số 1 .Thực sự quyết định này không do đoàn Thanh Sinh Công mà chính là do ý kiến của các bác nhân viên từ văn phòng cho đến phục vụ hầu hết là người Thiên chúa nên xin đặt tại khu vực gần nơi nhà ở của quý bác ấy.
Cũng xin nhắc lại rằng, kỳ đó ông Nguyễn Phúc Chân không ra tranh cử và cuối năm lại thuyên chuyển đi nơi khác .
Sau năm 1975, vì tượng Quan Thế Âm nằm trong khuôn viên trường, nên ban lãnh đạo mới đã gở và chuyển trả cho chùa Phước Huệ, còn bệ và khu vực xây dựng phần nền cứ để nguyên như thế cho đến năm 2008 vì lễ hội Văn Hóa Trà tổ chức tại khuôn viên trường nên nhà trường muốn gở bỏ phần còn lại, đã cho người đến nhờ tôi chủ trì làm việc này dù là tôi đã nghỉ hưu hơn 6 năm rồi. Hỏi ra thì mới biết ai cũng sợ làm công việc đó , vì nghĩ rằng nơi ấy rất linh thiêng ? Vì nghĩ rằng nơi ấy là cái mộ ?
Còn tượng Đức Mẹ vẫn giữ nguyên vì nằm trong khu dân cư, (sau 1975 phần đất này không thuộc nhà trường nữa) tượng được bà con giáo họ Vô Nhiễm thuộc nhà tờ Giáo Xứ Chân Lộc tôn tạo và chiêm bái. Vào khoảng năm 2006 vì phải mở đường rộng, nên tượng được dời về cánh đông khoảng 10 m trước nhà của ông Nguyễn văn Bột trước là thợ mộc trong ban tạo tác của trường NLS.
Bây giờ cứ mỗi sớm nhìn ra cổng về phía mặt trời mọc tôi vẫn chiêm ngữơng hình tượng với khuôn mặt nhân hậu đầy yêu thương ,với đôi bàn tay như mời gọi, như trìu mến, như muốn nâng đỡ... tượng trưng cho sự Hằng Cứu Giúp...và trong tôi một hình tượng khác, dáng dấp cũng từa tựa như thế và cái quan trọng nhất vẫn là thể hiện một tình thương yêu rộng lớn Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.
***
Với tôi, không mong gì hơn cứ mỗi sớm mai thức dậy sẽ được chiêm ngưỡng dung nhan thánh thiện
Ở đó sẽ thị hiện : Tình Thương và An Bình.
|